mardi 13 février 2024

Dương Quốc Chính - Đi viếng mộ "cô" Sáu

 

Chiều qua mình đi bộ thể dục lang thang thôi. Chả hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà đi bộ thẳng tới nghĩa trang Hàng Dương luôn, khéo cô Sáu chỉ đường quá, không dùng bản đồ gì hết!

Lúc đó khoảng 5 rưỡi - 6 giờ chiều, nhập nhoạng tối. Thế nên mình chắc là thằng duy nhất đi tay không, không có đồ lễ, mặc quần short, cũng may là không ngắn trên đầu gối. Chứ cô chưa chồng mà mặc quần đùi tới viếng nó kỳ quá.

Giờ này cũng là giờ bắt đầu tấp nập khách thập phương vào viếng nghĩa trang. Ban đầu mình tưởng vậy, vào trong rồi mới biết là không phải. Có lẽ 90 % người dân đi viếng cô Sáu, chứ không ai khác. Nên khu vực quanh mộ cô đông như trẩy hội, cùng với khu trung tâm, có cái tháp cao cao. Chứ các chỗ khác thì không có ai viếng mộ các đồng chí khác, chắc cùng lắm là thân nhân họ (chắc đi trước Tết) và mấy cháu cán bộ đoàn.

Như vậy là cô Sáu cân team cho toàn bộ nghĩa trang Hàng Dương, các đồng chí khác cũng được hưởng ké lộc lá của cô. Nói rộng ra, cô cân team cho toàn bộ hệ thống du lịch tâm linh và bán đồ lễ (rất nhiều) ở Côn Đảo.

Các cửa hàng đồ lễ hầu như bán một loại lễ duy nhất, màu trắng đồng bộ (đồ lễ cho người chết trẻ), cho thấy rằng người ta đi viếng mộ ở Côn Đảo chủ yếu là viếng cô Sáu thì mới có đồ lễ một màu vậy. Một bộ đồ lễ có giá niêm yết tầm 700 ngàn đến 2 củ. Vào nghĩa trang, có xe kéo như trong ảnh, chứ không đội, bê đồ lễ như ở chùa ngoài Bắc.

Mộ đồng phục ở Hàng Dương là kiểu xây đá, có cái cột bia, giống nhau. Đa số vong linh các đồng chí là bình đẳng, nhưng vong một số đồng chí khác được bình đẳng hơn. Ở đây có một số mộ nổi tiếng là các anh hùng, kiểu cô Sáu, thì mộ được xây to, ốp đá granite đen sang trọng, có bia đẹp, khuôn viên sạch đẹp.

Đặc biệt là mộ cô Sáu còn có thêm hàng rào, kệ để đồ lễ, vì nhiều quá, có thêm chú bảo vệ đứng gác, dọn dẹp. Với vai trò như thế, nên vong cô Sáu chắc làm thủ trưởng ở nghĩa trang này, dù khi còn sống, cô chỉ là trẻ trâu, chả có chức vụ, vai trò gì quan trọng hết. Gần như anh Trỗi.

Ở nghĩa trang này, loa đọc oang oang với giọng bà Kim Tiến VTV, các huyền thoại, truyền thuyết về cô/chị Sáu linh thiêng, vật chết bọn cai ngục ác ôn! Thấy kể cả chuyện chúa đảo thời ông Diệm còn bí mật thờ cô. Những chuyện này chả biết thực hư ra sao. Còn mình chứng kiến một cô/em áo dài trắng xinh phết, đến khấn cô, đem cả gương theo soi, trang điểm trước mặt mộ cô, rồi lẩm bẩm là cô độ cho trúng số mấy chục tỉ (!). Đoạn này mình có video nhé.

Nghe đồn là cô Sáu cực linh thiêng, với dân lô đề và anh em quan lại. Thế nên những dịp bầu cử, anh em qua xin cô rất đông. Thường viếng vào lúc nhập nhoạng tối tới nửa đêm là linh nhất, chắc giờ đó vong về dễ! Lúc 6 giờ mình ở đó thì tầm 50 người khấn vái quanh mộ cô. Đủ thành phần nam phụ lão ấu, Nam Bắc có hết. Quan chức thì chắc Bắc nhiều, nhưng lô đề thì Nam nhiều hơn.

Ở đây còn mộ chí sĩ Nguyễn An Ninh, mình nghe loa Kim Tiến nói cả về cụ này. Đại khái hai bên cộng sản và quốc gia đều tranh giành cụ về phe mình! Lúc đó tối rồi mình chưa qua viếng cụ được, chắc sẽ quay lại quay video.

Theo mình, vong cụ Nguyễn An Ninh mới đủ tầm để làm sếp ở nghĩa trang này. Vì cụ là người trí thức tầm cỡ, chả theo bên nào, chỉ là người yêu nước. Chứ cô Sáu tuổi gì. Nhưng mình dự là chả mấy ai biết cụ Nguyễn An Ninh là ai.

Nguyễn An Ninh là một thành viên của nhóm ngũ long gồm Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành, lấy nick chung là Nguyễn Ái Quốc. Trong đó bác mình là trẻ trâu nhất, trong khi bốn người còn lại đều là các trí thức có học, có danh tiếng từ trước. Thế mà giờ này, cụ Ninh vai vế tâm linh còn thua xa cô Sáu (bị coi là thần kinh...à, mà thôi!). Thật là éo le, đúng là chết trẻ khỏe ma.

Nếu cô thật sự linh thiêng, thì phong trào cúng viếng này phải từ thời Việt Nam Cộng Hòa hoặc ngay sau 75. Thực tế phong trào này mới rộ được từ khi dân Việt Nam bắt đầu có tiền, lễ bái nhiều. Phong trào này cũng gần như đi vay tiền bà chúa Kho, nhưng an toàn cho tín đồ hơn vì bố ai dám cấm người dân đi lễ cô Sáu. Chứ bà chúa Kho thì chính quyền dẹp phút mốt.

Bây giờ cô nuôi cả đảo thế này, có mà dẹp vào mắt, dân họ biểu tình ngay, vì mất miếng ăn. Nghe nói sắp cấm hóa vàng thôi, chứ đồ lễ vẫn vô tư và nền công nghiệp du lịch tâm linh này sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 13.02.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.