Nhưng thế nào ông Joe Biden cũng phải đánh trả thù, vì năm nay dân Mỹ sẽ đi bầu. Ông sẽ phải chứng tỏ mình cứng rắn, cho giới lãnh đạo Iran biết, và cho các cử tri Mỹ thấy.
Lần đầu tiên binh sĩ Mỹ tử thương, kể từ khi Hamas tấn công Israel, gây ra cuộc chiến ở Dải Gaza. Nhóm “Kháng chiến Hồi Giáo” (Islamic Resistance) ở Iraq, từ khi xuất hiện năm 2023 vẫn được Iran nuôi dưỡng và cung cấp vũ khí, đứng ra nhận trách nhiệm đã dùng máy bay không người lái đánh vào ba căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq trong cùng ngày và giết ba người Mỹ tại căn cứ ở Jordan. Chính phủ Iraq, vẫn được Mỹ viện trợ, cũng lên án hành động này.
Chính phủ Mỹ coi Iran là thủ phạm chính. Nghị sĩ Mitch McConnell, Kentucky, trưởng khối Cộng Hòa tại Thượng viện cảnh cáo: “Cả thế giới đang quan sát coi ông tổng thống có sẵn sàng sử dụng sức mạnh của Mỹ để buộc Iran phải thay đổi hay không?” Nghị sĩ Lindsey Graham, Cộng Hòa, South Carolina, nói thẳng: “Phải đánh Iran ngay! Đánh dữ dội!”
Đây không phải là lần đầu tiên các nhóm dân quân do Iran bảo trợ tấn công các căn cứ Mỹ. Những nhóm này quy tụ các tín đồ phái Shi A trong Hồi Giáo, giống như giới lãnh đạo và đa số dân Iran. Từ ngày 7 tháng 10 năm ngoái, họ dùng máy bay tự động (drone), đại pháo hoặc hỏa tiễn đánh 60 lần ở Iraq và 90 lần ở Syria; bị hệ thống phòng thủ của quân đội Mỹ ngăn chặn, rồi đánh trả đũa.
Tháng 11 năm ngoái, quân Mỹ đánh thẳng vào căn cứ tại Iraq của “Vệ Binh Cộng Hòa Iran,” là lực lượng phụ trách huấn luyện và cung cấp vũ khí cho các nhóm dân quân chống Mỹ trong cả vùng Trung Đông. Cuối tháng 12 năm ngoái, một căn cứ Mỹ ở miền Bắc Iraq bị drone của một nhóm thân Iran tấn công khiến ba binh sĩ bị thương. Sau đó, ngày 4 tháng 1, Mỹ đã dùng drone đánh hỏa tiễn vào căn cứ của nhóm chủ mưu ở Baghdad, giết chết Mushtaq Jawad Kazim al-Jawari, thủ lãnh của nhóm này, theo báo New York Times.
Lần này, căn cứ Mỹ Tower 22 ở Jordan, trong vùng biên giới với Iraq và Syria không phòng bị; vì đúng lúc những chiếc drone họ gửi đi công tác trở về thì drone bên địch cũng tới đánh, họ không biết mình bị tấn công. Theo Associated Press, Tower 22 có khoảng 350 binh sĩ đồn trú, là một trung tâm tiếp liệu cho hàng ngàn quân Mỹ đóng tại ba nước chung quanh.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ trả thù cho ba binh sĩ tử thương. Ông cần phải đáp ứng mạnh mẽ sau những lời kêu gọi của các đại biểu quốc hội thuộc cả hai đảng. Ông Biden nói sẽ trừng phạt “tất cả những kẻ chịu trách nhiệm” gây cái chết của ba binh sĩ Mỹ “theo phương cách và vào thời điểm” chính phủ Mỹ sẽ chọn.
Ông Biden sẽ phải hành động, và phải cho thấy đã thành công, vì năm nay dân Mỹ sẽ bầu tổng thống. Nhưng ông sẽ làm gì? Ngoài việc đánh trả đũa vào căn cứ của nhóm dân quân thủ phạm, Mỹ sẽ tấn công thẳng vào nước Iran hay không?
Bất cứ hành động trừng phạt nào cũng phải nhắm mục đích làm cho chính quyền Iran hiểu rằng họ phải kiềm chế các nhóm dân quân do họ nuôi dưỡng ở các nước chung quanh như Iraq, Syria, Lebanon và Yemen.
Trước khi đánh thẳng vào nước Iran, Mỹ có thể bắt đầu bằng những vụ hạ sát các thủ lãnh quan trọng. Năm 2020, Tướng Qassem Soleimani, một người chỉ huy của “Vệ Binh Cộng Hòa Iran” đã bị drones và hỏa tiễn Mỹ bắn chết tại Iraq. Soleimani là người huấn luyện và điều hành nhiều nhóm dân quân thân Iran tại nhiều nước trong vùng. Vụ ám sát này là một biến cố lớn, nhưng sau một thời gian mọi chuyện lại trở về như cũ, các nhóm quân thân Iran tiếp tục hoạt động.
Muốn tác động mạnh và ảnh hưởng lâu dài hơn, Mỹ có thể tấn công vào một số địa điểm trong nước Iran. Những cuộc tấn công đó có thể được công bố trước, với mục tiêu có giới hạn, để tránh không đưa tới một cuộc chiến tranh lớn giữa hai nước. Tướng CQ Brown, tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ mới nói với đài ABC News rằng nước Mỹ “chỉ nhắm mục tiêu ngăn cản họ” mà “không muốn một cuộc chiến lan rộng trong vùng.”
Guồng máy lãnh đạo an ninh, quân sự Mỹ đã đặt câu hỏi vụ tấn công căn cứ ở Jordan gần đây có phải là dấu hiệu một chuyển hướng trong chiến lược và chiến thuật của Iran hay không? Trong ba tháng qua đã có 150 cuộc tấn công như vậy, lần này chỉ khác là ba binh sĩ Mỹ tử thương vì hệ thống phòng thủ lỏng lẻo. Tòa Bạch Ốc không tin rằng Iran muốn gây một cuộc chiến tranh trực diện với Mỹ, theo báo New York Times.
Cho nên, nếu Mỹ đánh thẳng vào đất Iran thì sẽ chỉ nhắm một số mục tiêu có giới hạn. Năm 2019, chính phủ Mỹ đã trải qua một kinh nghiệm tương tự. Tháng Sáu năm đó, Iran đã bắn hạ Global Hawk, một máy bay thám thính không người lái của Mỹ trong vịnh Oman. Tổng thống Donald Trump họp với bộ tham mưu an ninh nhiều lần bàn về hành động “trừng phạt.” Bộ Quốc phòng đề nghị bắn một chiến hạm Iran mà quân Mỹ vẫn theo dõi. Sẽ báo cho đoàn thủy thủ Iran rời bỏ chiếc tàu thủy trước khi đánh bom và hỏa tiễn.
Có người đề nghị phải đánh vào đất liền, cho mạnh hơn. Họ chọn được ba địa điểm làm mục tiêu. Lệnh được truyền xuống cho hàng không mẫu hạm Abraham Lincoln và các chiến hạm tùy tùng chuẩn bị, dự tính sẽ đánh lúc 9 giờ tối, giờ Washington, ngày 20 tháng Sáu. Tướng Joseph F. Dunford, tổng tham mưu trưởng liên quân lúc đó, nhận xét rằng sẽ có khoảng 150 người Iran sẽ chết tại ba nơi bị đánh; trong khi không người Mỹ nào chết với chiếc drone Global Hawk.
Sự khác biệt này có thể khiến chính quyền Iran phản ứng mạnh và cuộc đối đầu có thể leo thang lên nhiều bậc. Theo báo The New York Times, Tướng Joseph F. Dunford còn tỏ ý lo ngại rằng khi phải đưa thêm quân Mỹ từ nhiều nơi về vùng Trung Đông để ứng chiến thì mặt trận Thái Bình Dương sẽ bỏ trống, Cộng sản Trung Quốc sẽ chiếm lợi thế.
Sau đó, Tổng thống Donald Trump lại nhận được tin nói rằng việc bắn hạ chiếc Global Hawk là do một viên chỉ huy địa phương quyết định, không do lệnh của giới lãnh đạo ở Tehran. Ba giờ sau, ông Trump ra lệnh ngưng mọi hành động trừng phạt, 10 phút trước khi mẫu hạm Abraham Lincoln dự tính bắt đầu phóng hỏa tiễn.
Một cuộc chiến tranh trực diện với Iran sẽ tổn hại cả người và vũ khí, tiền bạc mà không đem lại ích lợi gì thiết thực cho nước Mỹ. Quân Mỹ đã từng đánh, chiếm đóng Afghanistan, Iraq, rồi cũng rút về.
Ngay sau khi bị coi là thủ phạm tấn công căn cứ Mỹ ở Jordan, chính quyền Iran đã cải chính. Đầu tuần này, phát ngôn viên bộ ngoại giao Iran là Nasser Kanaani đã bác bỏ lời tố cáo Iran chủ mưu cuộc tấn công này. Bộ trưởng tình báo Esmail Khatib cũng nói các nhóm dân quân hoàn toàn tự quyết định lấy chứ không đợi lệnh của Tehran. Hãng thông tấn Associated Press cho biết họ đã tiếp xúc với ba thủ lãnh dân quân thân Iran; những người này nói rằng cuộc tấn công vừa qua là do một nhóm dân quân người Iraq. Vẫn theo tin AP, một số dân quân thân Iran tại Syria bắt đầu rời khỏi căn cứ của họ để tránh bị Mỹ đánh.
Nhưng thế nào ông Joe Biden cũng phải đánh trả thù, vì năm nay dân Mỹ sẽ đi bầu. Ông sẽ phải chứng tỏ mình cứng rắn, cho giới lãnh đạo Iran biết, và cho các cử tri Mỹ thấy.
Quân đội Mỹ, cùng hai hàng không mẫu hạm bên bờ Địa Trung Hải, có thể dùng drones, bắn hỏa tiễn, đại pháo trên nhiều căn cứ dân quân thân Iran trong nhiều nước cùng một lúc, với một số địa điểm nằm trong nước Iran. Song song với các trận đánh này, máy bay không người lái của Mỹ có thể tìm và hạ sát một số chỉ huy của Vệ Binh Cộng Hòa mà họ vẫn theo dõi. Họ có thể được tình báo Israel hỗ trợ. Ngày 20 tháng 1, 2024 vừa qua, hãng thông tấn Reuters cho biết, Israel đã hạ sát bốn sĩ quan Vệ Binh Cộng Hòa Iran tại Damascus, thủ đô Syria.
Nhưng các hành động trả đũa này sẽ khó lòng thay đổi chính sách lâu dài của Iran, là nuôi dưỡng các nhóm dân quân địa phương cho tiếp tục đánh vào Israel và các căn cứ quân sự Mỹ trong vùng. Chỉ khi nào cuộc chiến ở Gaza chấm dứt và một quốc gia Palestine tự trị ra đời thì mới hy vọng có thể thương lượng.
Ngày 30 tháng 1, 2024, nhóm dân quân Kataib Hezbollah, tự nhận đã tấn công vào căn cứ Mỹ ở Jordan, đã tuyên bố từ nay sẽ chấm dứt không tấn công vào quân Mỹ nữa. Họ nêu lý do là không muốn gây hoàn cảnh khó xử cho chính quyền Iraq. Nhưng lý do chính có thể là giới lãnh đạo Iran muốn chứng tỏ họ bắt đầu kiềm chế các toán dân quân theo mình, vì không muốn gây chiến với Mỹ.
Nhưng Tổng thống Joe Biden sẽ phải đánh trừng phạt để trả thù cho ba quân nhân Mỹ thiệt mạng, ông không thể nào nuốt lại những lời lẽ cứng rắn vừa mới tuyên bố.
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 31.01.2024)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.