jeudi 15 février 2024

Dương Quốc Chính - Đầu năm nói chuyện cầu cúng

 

Tết nhất, đầu năm, mọi người hay cầu cúng khấn vái. Ở đây chỉ bàn về đám đông thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu (bao gồm cả thánh thần, chó mèo, cây cối, đại khái bạ gì cũng thờ cúng cắm hương...) và thờ Phật. Các tôn giáo, niềm tin khác không bàn.

Những ai không tin có ma, không tin vào bất cứ tôn giáo nào, không tin vào việc có thế giới song song, cõi âm thì có thể dừng đọc ở đây, Tây gọi là next!

Thường 90 % đồng bào khấn vái sẽ dùng văn mẫu đại khái: Xin abc phù hộ độ trì để con/chúng con được xyz, được mạnh khỏe, bình an...Đa phần sẽ xin được ăn nên làm ra, phát tài, phát lộc, vạn sự hanh thông...là hệ xôi thịt! Còn đỡ xôi thịt nhất thì cầu bình an, mạnh khỏe. Nhưng mà vẫn là cầu xin, những cái mình không tự làm ra được hoặc biến khó thành đạt được dễ kiểu trúng lô đề, thăng tiến.

Ngoài ra, đồng bào cũng hay có văn mẫu là cầu cho abc được siêu thoát, đại khái là được sung sướng ở cõi trên, hay cõi âm. Mặt khác, đồng bào lại vẫn cầu xin abc phù hộ độ trì. Như vậy rất chi là sai về lý thuyết cõi âm/tâm linh hay giáo lý Phật giáo nhé. Bởi vì về nguyên tắc là đã siêu thoát thì abc chuyển kiếp cmnr, vong siêu thoát rồi gọi còn chả về được, cúng bái khấn khứa cũng không "lên" được đâu. Nên làm sao mà phù hộ độ trì gì được nữa.

Cũng theo giáo lý Phật giáo thì không có chuyện phù hộ độ trì gì được, cõi âm cũng có logic của cõi âm, chúng ta cũng nên tìm hiểu cho kỹ. Vong/hương linh/ma...nói chung không thể có năng lực siêu nhiên gì hơn lúc họ còn sống, đại khái sống làm bần cố nông thì chết rồi vong không thành giáo sư tiến sĩ hay tổng bí thư được. Sống thế nào thì chết rồi vẫn vậy thôi, không rõ dưới ấy có hệ thống giáo dục để dạy tiếp vong trong quá trình chờ siêu thoát hay không? Mình không nghe nói có vụ đó!

Vong chỉ có năng lực hơn người sống ở chỗ họ biết được thông tin ở thế giới bên kia. Đại khái ông cháu chết tai nạn xuống dưới thì biết tình hình ông bà nội ở dưới, nhưng vì chết trẻ khỏe ma nên ông mãnh này dễ được gọi về, vong nhập...để thông báo những thông tin kia cho người sống thông qua các kênh kiểu báo mộng, gọi hồn, đồng cốt, ngoại cảm...

Vong chết trẻ khỏe cỡ nào cũng không độ cho người cúng trúng số độc đắc hay vật chết thằng tình địch hay nhét thằng đối thủ cạnh tranh vào tù được. Vì không có cách gì để vong làm được điều đó. Cúng thế khó hơn xin bác Trọng. Vì thế cầu xin theo văn mẫu phù hộ độ trì là rất vô tri, chẳng qua nếu coi văn khấn đó như thứ văn hóa tâm linh, là dịp tưởng nhớ tổ tiên, thì chấp nhận được. Tức là cầu cho có mà không tin vào điều đó. Chứ cầu mà tín quá là não có tật đó.

Cũng theo giáo lý Phật giáo, không chấp nhận việc phù hộ độ trì cho những người còn sống của những người đã khuất mà đi vào đề cao việc người còn sống phải lo làm việc thiện, tạo ra những duyên thiện để trước hết tạo ra thiện căn cho chính bản thân mình, sau đó làm giảm bớt nghiệp ác mà người thân khi còn sống vướng phải.

Trích dẫn dưới đấy chứng minh cho quan điểm trên của mình:

Các “hương linh” tiếp xúc với nhà ngoại cảm hầu hết là những chúng sanh trong loài ngạ quỷ (quỷ thần) và một số các thần thức chưa tìm được cảnh giới thọ sanh. Điều này chúng ta cần hết sức lưu ý vì giáo lý đạo Phật không đề cập đến cõi âm mà chỉ nói đến lục đạo (trời, a tu la, người, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục) cùng thân trung ấm (thân trung gian sau khi chết mà chưa hội đủ duyên để tái sanh). Do đó, nếu các hương linh tiếp xúc với nhà ngoại cảm thì chắc chắn họ chưa giải thoát, có thể họ đã tái sanh vào ngạ quỷ (loài đông nhất trong lục đạo, sống gần gũi và có thể giao tiếp, thọ hưởng vật thực loài người dâng cúng).

Đối với vấn đề các hương linh đã siêu thoát thì có về nơi thờ tự không? Ở đây, chúng ta cần bàn thêm về ý nghĩa siêu thoát. Siêu là vượt lên, thoát là ra khỏi. Vãng sanh về Tây phương Cực lạc (hay các cõi Phật khác) hoặc sanh lên các cõi lành (thoát khỏi cảnh khổ ác đạo) chính là ý nghĩa siêu thoát. Trong quan niệm dân gian của đa phần người Việt (ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa), bàn thờ gia tiên là nơi ngự tọa của ông bà cha mẹ sau khi quá vãng. Sự thật không phải như vậy. Theo Phật giáo, con người sau khi chết theo nghiệp tái sanh trong lục đạo chứ không ở trên bàn thờ. Người Phật tử lập bàn thờ để tưởng nhớ, tri ân và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ quá vãng chứ không phải là thiết lập nơi tọa ngự cho chư vị.

Bàn thêm về hòn đảo tâm linh là Côn Đảo, cũng theo lý thuyết nói trên, chúng ta có thể thấy rằng ma trên đảo đa phần là ma tù. Người tù đa phần là chết trẻ, nhiều người chưa có gia đình, như cô Sáu. Ma tù nhân thì nói chung bị coi là bất đắc kỳ tử, chết do bị đánh đập, đói khát, xử tử..., chết oan khuất, nên lưu luyến cõi trần, sẽ rất khó siêu thoát. Vì thế nên vong hồn ở Côn Đảo sẽ nhiều hơn ở các nghĩa trang thông thường khác dù số lượng mộ ít hơn.

Vong mà khó siêu thoát là khổ cho họ, mà muốn họ siêu thoát được thì phải lập đàn cầu siêu, chứ không thể đặt lễ rồi cầu xin cai ngục cho họ thoát án tù cũ được đâu! Cầu siêu khác với việc mua đồ lễ đến cúng rồi xin được phù hộ độ trì như trên. Như thế là trục lợi dựa trên vong chết trẻ chứ không hay ho gì mà khuếch trương và lầm tưởng là uống nước nhớ nguồn, văn hóa tâm linh. Còn việc du khách đến viếng mộ với chỉ bó hoa hay nén hương, không cầu cúng gì, thì là nét văn hóa mà khắp thế giới đều đang làm.

Ở status này mình không bàn về quan điểm chính trị kiểu vong tù nhân nào đáng kính trọng, ai không được. Mình có thể đi thăm nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hàng Dương...cũng như đi thăm nghĩa trang tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Thăm lăng chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như thăm mộ tổng thống Ngô Đình Diệm. Vì tất cả họ đều là một phần của lịch sử.

Về các ngôi mộ ở Hàng Dương, mình cho rằng cũng cần có suy nghĩ rạch ròi. Những người cộng sản đời đầu, giai đoạn 30-45, khi chưa có chính quyền, thì họ là những người yêu nước, chống thực dân, theo cách của họ (xu hướng bạo lực cách mạng). Cách đó không chắc là duy nhất đúng, nhưng quan điểm khác biệt cần được tôn trọng.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 15.02.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.