Tôi đang tự hỏi, tại sao đã “được lời” của ông Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, mà ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo [GD-ĐT] Nguyễn Kim Sơn lại không triển khai “biên soạn một bộ sách giáo khoa [SGK]”.
Đứng ra soạn SGK, ông Sơn vừa có cơ hội đăng ký lập trường, “phát triển sự nghiệp giáo dục [theo] nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”; vừa có cơ hội giải ngân 400 tỉ.
Tiền cũng là một công cụ đắc lực trong thực hành chính trị.
Khi theo dõi các ý kiến về đề tài này, đặc biệt là ý kiến của các thành viên trong Ủy ban của ông Vinh, thấy rõ, cách hiểu “trách nhiệm Nhà nước” của nhiều đại biểu Quốc hội là rất khác với cách hiểu của ông Vinh [“Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK là để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước”].
Việc nhà xuất bản Giáo Dục chấm dứt độc quyền in SGK và xã hội hóa, để các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, là một bước tiến về mặt chính sách [cho dù, có thể nhờ vào mối “quan hệ đồng hương “của ông Ngô Trần Ái chứ chưa chắc đã nhờ vào tư duy cải cách từ Bộ]. Và điều mà chúng ta chứng kiến là rất hiển nhiên, chỉ khi Bộ Giáo dục không không trực tiếp biên soạn và kinh doanh sách giáo khoa, Bộ mới có thể làm tốt trách nhiệm của mình thể hiện đúng vai trò nhà nước trong giáo dục.
Quan sát các đời bộ trưởng Giáo dục, thấy ông Nguyễn Kim Sơn là rất ít ồn ào. Ông Sơn cũng là người ít tuyên bố và ít đưa ra chính sách mới. Làm chính trị thì chắc ai cũng muốn để lại dấu ấn, nhưng chưa đánh giá đầy đủ tác động của chính sách mà đã ra chính sách thì hậu quả mà con em gánh chịu cũng rất khôn lường.
Đất nước rất cần những người dám nghĩ, dám làm, nhưng có những lĩnh vực và có những “chính trị gia” [tôi không có ý nói ông Vinh hay ông Sơn], thay vì cứ nhảy choi choi làm màu, việc họ ngồi yên đã là cống hiến.
HUY ĐỨC 02.11.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.