mercredi 6 septembre 2023

Nguyễn Mỹ Khanh - Chuyện cảnh giác

 

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vừa khai quật kho hình xưa và gửi tui mấy tấm hình chụp ở nhà anh khoảng 1987-1988. Khi đó tôi 18-19 tuổi, đang học năm 1 Đại học Tổng hợp- Khoa Văn hệ ghi danh mà sao trong hình nhìn già quá trời.

Anh bạn trong hình người Anh, khi đó 24 tuổi, là phóng viên mới toanh của một tờ báo khá bự ở London (Tui quên mất là báo nào). Tấm hình làm tui nhớ một chuyện vui.

Hôm đó là ngày đầu tiên tụi tui gặp nhau nhưng nhanh chóng kết thân vì tám khá hợp. Do hôm sau anh lên đường qua Thái Lan nên xin tôi địa chỉ nhà, hẹn khi quay lại Saigon sẽ tới nhà tìm tôi.

Một chiều Chủ nhật, tui đang ở nhà thì chú công an khu vực đạp xe tới hỏi ba tui :

- Con anh làm gì mà có người nước ngoài kiếm?

Ba kêu tôi ra hỏi, tui nhất thời không nhớ là ai, vì khi đó tui tham gia Câu lạc bộ Quốc tế ở Nhà văn hóaThanh Niên, nên cũng tiếp xúc một số bạn bè quốc tế và các tình nguyện viên.

Chú Tâm công an kêu tôi thay quần áo rồi chú chở lên công an phường nhận diện coi có quen không, chứ người nước ngoài kiếm là nguy hiểm lắm. Rồi chú Tâm đạp xe chở tui lên công an phường. Thấy anh bạn nhà báo, tui mừng rỡ reo lên, chúng tôi bắt tay chào nhau vui vẻ. Rồi tui quay sang nói với mấy chú công an :

- Bạn con! Bạn con!

Tôi trình bày vắn tắt với mấy chú công an là anh là phóng viên, tới Saigon làm việc với Báo Tuổi Trẻ bla bla bla.

Tui hỏi anh bạn sao không tới thẳng nhà tui mà vô công an phường chi vậy? Ảnh nói tao bước ra cổng khách sạn (Hồi đó tất cả người nước ngoài đều phải ở khách sạn Rex) đưa địa chỉ cho ông xích lô, ổng nói biết chỗ này rồi chở tao đi. Đi một hồi ổng nói tới rồi, tao bước xuống thì thấy đầy công an. Kkk!

Tui xin đưa anh bạn về nhà chơi, chú trưởng công an phường biểu tui đưa anh qua phòng kế bên nói chuyện với nhau, nói xong rồi về chứ không được tới nhà tui. Người nước ngoài không tới nhà dân được. Ủa gì kỳ? Nhưng tui cũng ngoan ngoãn nghe lời.

Căn phòng rộng, cửa trước mở thông ra sân lớn, bên hông phải thông với phòng tiếp dân không có cửa, cửa sau thông với một phòng bên trong mở hé. Tui ngồi đối diện với bạn qua một cái bàn rất lớn, như tiếp khách quốc gia. Anh ta cứ hỏi sao công an không cho tao tới nhà mày, công an giữ tao ở đây làm gì bla bla bla.

Sau khi giải thích xong, tụi tui cũng nói được vài chuyện thuộc hàng “đại sự”, chuyện kể ở Thái Lan, Saigon đồ, lịch làm việc của anh ấy ở Saigon và những việc cần tui giúp. Rồi tui thấy một chú công an từ phòng trong bước ra, trao đổi với chú trưởng công an phường gì đó. Rồi mấy chú kêu tui lại, cho phép anh và tui được đi, nhưng chỉ được phép dắt ra khu trung tâm Saigon, bán kính 1 km từ khách sạn Rex, chứ không được về nhà tui hay đi lung tung.

Tui nhớ tới ông thầy dạy kèm tiếng Anh ở đường Nguyễn Thiệp ngay trung tâm Saigon, bèn xin công an cho gọi một cuộc điện thoại. Thầy nghe chuyện cười ngất, bèn kêu chở cậu ta qua nhà thầy đi. Từ đó, tụi tui gặp nhau ở nhà thầy.

Thầy tui khi đó khoảng 80 tuổi, quắc thước, khỏe mạnh, nói năng rổn rảng, đi ào ào, từ khách sạn Rex đi bộ qua nhà thầy chỉ 2-3 phút. Ba người chúng tui đi bộ lang thang khắp trung tâm rất vui. Khá lâu sau, anh bạn vẫn hay nhắc, lần nào tao lên xích lô đi đâu đều hỏi “Ông có chở tôi tới công an phường không?”

Khoảng ba, bốn năm sau, tình cờ tui gặp lại mẹ một cậu bạn thân hồi học phổ thông. Cô nhắc lại chuyện này và kể cho tui nghe tiếp:

Bữa đó, công an qua nhà nhờ cô vô trụ sở, ngồi phòng bên trong nghe coi tụi con nói với nhau chuyện gì (trước 1975 cô ấy làm việc ở Sứ quán Mỹ). Cô vừa nghe vừa ghi nhanh lại trên giấy cho anh công an ngồi kế bên đọc, một hồi, thấy đây chỉ là quan hệ bạn bè bình thường nên mới cho tụi con đi đó!

Bởi vậy, an ninh Việt Nam là số 1. Ông xích lô thiệt là có tinh thần cảnh giác cao độ.

NGUYỄN MỸ KHANH 01.09.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.