vendredi 10 mars 2023

Nguyễn Chiêu Anh - Nói chút về chuyện sửa lời

 

Nếu ai bị nhạy cảm với từ ngữ như tôi sẽ nhận ra một điều cực kỳ khó chịu khi bài hát mình yêu thích, hoặc nghe quen thuộc, quen tai bị sửa lời một cách vô tình hay hữu ý.

Tôi từ bé đã nghe và thuộc lời nhạc một cách kỳ lạ. Ngoài nhạc tôi còn thuộc thơ. Những bài thơ của những tác giả tôi yêu, hầu như tôi thuộc kiểu sinh vào thế giới này chỉ vì kiếp trước tui lỡ chê bai thơ ca mà kiếp này buộc phải thuộc tụi nó, dù không cố ý vậy.

Thế nên việc nghe một bài hát quen bị sửa lời lập tức tôi dị ứng. Và dị ứng luôn với ca sĩ bắt đầu từ phút đó.

Có đoạn 12 tới 17 tuổi tôi rất thích giọng ca Elvis Phương. Bài gì ông ấy hát tôi đều thuộc, (nghe đi nghe lại nhão cả băng đương nhiên phải thuộc).

Tôi mê man bài Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà của ông ấy hát, bài của nhà Thơ Hữu Loan, Phạm Duy phổ. Bài đó tiết tấu hào hùng, lời đẹp dù bi nhưng không lụy. Tôi mê lời nhạc đến từng nốt lặng. Qua giọng ca mạnh mẽ của Elvis Phương càng khiến sự bi tráng và tình tứ của bài hát thêm phần giá trị. Rồi một ngày đẹp trời, tôi chợt thấy có gì sai sai với bài hát đó, cũng vẫn là ca sĩ đó nhưng mà nó lạ lắm. Nàng có ba người anh đi Bộ Đội lâu rồi …Ủa sao ta ? Là sao ?

À, thì là do ông Phương về Việt Nam hát. Tất nhiên từ Quân Đội thành Bộ Đội cũng dễ hiểu thôi. Từ đó mỗi lần nghe lại trên YouTube tôi lại phải lựa chết cha chết mẹ để tìm lời cũ => dị ứng với anh Phương từ ấy.

Chuyện kế nữa...Tôi rất yêu và yêu tới cùng cô Lệ Thu vì cô ấy không bao giờ sửa dù chỉ một đại từ nhân xưng. Anh là anh, em là em không có kiểu vì cô là nữ mà tùy tiện đổi ngược từ anh sang em hát cho ngọt. Giọng cô là giọng thổ, hơi có chút nam và sang trọng. Sang cả trong cách cô chọn thể hiện sự tự trọng nghề nghiệp như thế.

Các bạn có hình dung được lời bài hát thế này. “Rồi đời anh băng giá trọn kiếp phong ba, em trong vòng tay lạ, em thành đàn bà cho anh xót xa…“. Vậy mà cũng có ca sĩ can đảm đổi lời từ anh thành em. Câu đắt giá nhất trong bài hát “em thành đàn bà cho anh xót xa” bỗng chốc biến mất, thay vào đó là một câu lãng nhách “anh trong vòng tay lạ, anh quên lời hẹn thề cho em xót xa“. Hẹn thề thì thằng bố nào chả hẹn thề… Nghe phát bực.

Và còn khá nhiều những ca đổi lời phi thường khác, nghe muốn cảm lạnh trong khi bài hát thì cảm động.

Ca tôi muốn nói nhẹ tới đây là môt ca khá đặc biệt. Ca ưa đổi lời (vì sao thì tôi không rõ). Nhưng nhân quả báo ứng là có thật, quả táo nhãn lồng cũng thật luôn.

Tôi mê nhiều bài hát của ông vì giọng ông trầm và hiếm. Sau này tôi cũng thấy ông hát nhiều bài khi về lại Việt Nam, những bài tôi chẳng thấy hay ho cũng chẳng phù hợp với tầm của ông nhưng ông vẫn hát. Tôi nghĩ chắc do ông hòa đồng. Dù có một lúc lâu rồi tôi nhớ có ai đó phỏng vấn ông “Sao anh không hát nhạc mới ?" Ông trả lời rằng “Nhạc cũ còn cả kho tàng tôi chưa hát hết, làm sao có đủ thời giờ để hát nhạc mới“. Ấy vậy mà sau này tôi vẫn thấy ông hát như không.

Nhưng chuyện đó thì thôi kệ cũng được vì ca sĩ cần được hát. Nhưng có một việc tôi định hỏi ông tại sao bai hát của họ như thế này “Bàn tay xanh xao đón ưu phiền“ ông lại có thể hát thành “Bàn tay xôn xao đón ưu phiền". Rồi “Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím“, ông lại nhẫn tâm đổi thành ”Có khi nắng mưa chưa lên mà một loài hoa chợt tím“. Mưa ở cái chỗ nào vậy ông ơi ?

Nắng khuya của tác giả nói tới là ánh đèn xe hơi ban đêm của cô gái mà tác giả yêu đang rọi sáng một khúc đường nơi tác giả ngồi chờ. Nắng mưa là mưa làm sao ?

Rồi đổi lời riết thành thói quen, ông thấy khan giả không phản ứng gì lắm nên lần này chơi lớn. Ông đổi  luôn từ Việt Nam thành ”Chiều Nay“.

Đáng lẽ ra mọi thứ cũng êm thôi nếu không có sự cố cúp điện của bà Khánh Ly vừa mới đi qua. Lại còn “Việt Nam” thành "Chiều Nay" gì đó thì nó quá nhạy cảm mất rồi.

NÓ vướng vào hai từ gọi là Chính Trị nhạy cảm ông ạ.

Dù gì thì gì việc đổi lời tùy tiện cũng đã gây ra sự bạo hành tinh thần cho những thính giả nhạy cảm như tôi, huống chi việc đổi lời lần này ông lại không chịu coi ngày trước khi diễn.

Tôi không quy chụp gì, việc ông hèn hay không như nhiều người nói. Tôi chỉ thấy kiểu như các Tác Giả đang quở ông vì việc ông tùy tiện thay đổi ý của họ (Người chết thiêng lắm ông ạ). Nên, đi đêm có ngày gặp ma là có thật luôn đấy, đừng có đùa.

NGUYỄN CHIÊU ANH 10.03.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.