lundi 6 mars 2023

Đào Bình -Thị trường mỹ phẩm Việt Nam thành bãi rác độc hại

 

Từ vụ Bộ Y Tế thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm serum của nhãn hàng Huyền Phi Cosmetics vì chứa chất cấm, cho thấy một thực tế đáng báo động hiện nay:

- Rất nhiều "doanh nhân" tự phong, nhờ sự tiếp tay của những kẻ bảo kê mà nhanh chóng biến thành "doanh nhân thành đạt", tiếp tục dùng thủ thuật, bất chấp pháp luật để kiếm tiền bằng mọi giá.

- Thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam hiện nay như một bãi rác độc hại, ô uế và lay lan khắp các ngõ ngách, từ thành phố đến vùng quê, miền xuôi đến miền ngược.

- Hằng hà sa số nhà máy, cơ sở gia công, sản xuất mỹ phẩm kém chất lượng mọc lên như nấm. Chỉ cần một công thức hóa học được "chuyển giao" từ những thầy lang băm, các nhà "khoa học" tự phong là có thể cho ra lò hàng tấn mỹ phẩm, serum độc hại. Nhưng lại được quảng cáo như thần dược với những hình ảnh bắt mắt, ngôn ngữ hoa mỹ khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận, không biết đâu mà lần!.

- Sản phẩm được quảng cáo tâng bóc lên tận mây xanh bằng công nghệ số; sản phẩm được "chiết xuất" từ thảo dược, từ cây này cây kia, quý hiếm... nhưng kỳ thực chẳng có cây nào ngoài cây tiền!

- Vô vàn sản phẩm kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn, thậm chí nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng. Nhưng bằng cách "ma mị" nào đó, nó được cấp phép và được tung ra thị trường, 1 bán ngàn lời, thu về hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ từ thị trường online mà Nhà nước không thu được một đồng thuế nào.

- Vai trò của quản lý thị trường; trách nhiệm của đơn vị cấp phép gần như bị vô hiệu hoá bởi một sức mạnh nào đó thật vi diệu. Đồng tiền có thể biến đổi cả khí hậu thì những cái thủ tục trên một tờ A4 có nghĩa lý gì!

- Và hệ quả là ngổn ngang kem trộn độc hại dán mác nhà máy, "made in" nước ngoài tràn ngập thị trường.

Những kẻ kinh doanh mỹ phẩm độc hại bằng mọi cách để có được "kim bài miễn tử" là tờ A4 cấp phép để mặc sức tung hoành ra thị trường. Họ đua nhau xây dựng hệ thống, mô hình đa cấp hàng chục nghìn người bán hàng.

Doanh thu từ thị trường mỹ phẩm online mỗi năm hàng chục nghìn tỉ chảy vào túi dân buôn, không mất một đồng thuế nào cho Nhà nước. Và làm chao đảo thị trường, lũng đoạn kinh doanh và bóp chết dần mòn những cơ sở kinh doanh chân chính, những thương hiệu mỹ phẩm nhập khẩu chính hãng, chất lượng.

- Một điều đáng báo động nữa là trách nhiệm của đơn vị cấp phép lưu hành sản phẩm. Tại sao một sản phẩm độc hại lại được cấp phép để người tiêu dùng sử dụng chán chê rồi mới thông báo thu hồi do có chất cấm? Vậy đơn vị cấp phép xem tính mạng người tiêu dùng là chuột bạch?

Nhớ lại trước đây, sản phẩm độc hại viên giảm cân gây ung thư của Cường Anh cũng được cấp phép tiêu thụ, doanh thu hàng trăm tỉ rồi đến khi người tiêu dùng phát hiện, phản ứng gay gắt thì mới lộ ra!

Đã đến lúc cần sự vào cuộc mạnh mẽ  của các cơ quan chức năng và quy trách nhiệm rõ ràng, xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm;  những kẻ được giao trọng trách; những đơn vị có trách nhiệm và liên quan đến loại hàng hóa và dịch vụ này.

ĐÀO BÌNH 05.03.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.