lundi 6 mars 2023

Đặng Chương Ngạn - Cái « nhát » của Nguyễn Du

 

Có hàng ngàn tác phẩm viết về Truyện Kiều. Có hàng ngàn nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã mổ xẻ, lý giải đến chân tơ kẽ tóc vì sao Nguyễn Du mượn một cốt truyện bên Tàu, những nhân vật lịch sử bên Tàu, địa danh bên Tàu để viết Kiều.

Hầu như, không có nghiên cứu nào đề cập đến CÁI NHÁT CỦA NGUYỄN DU và viết rằng do « nhát » mà Nguyễn Du phải kể một câu chuyện của bên nước láng giềng Trung Hoa: mượn những nhân vật lịch sử thời nhà Minh, những tên người và địa danh Trung Hoa. 

Nhưng, đó lại chính là lý do chính, là bản chất của vấn đề này: Tại sao nàng Kiều lại là một công dân Tàu chứ không phải một nàng Kiều Việt Nam khai sinh bên sông La, hay sông Lam, sông Hương!

Với tài văn của Nguyễn, ông hoàn toàn không cần phải mượn cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân (mà có một số nhà yêu Kiều đang chứng minh là tác giả không có thực) bên Tàu, ông có thể xây dựng nên một nàng Kiều Việt Nam như vậy. Trong cuộc đời ông, nhất là những năm ở Thăng Long, ông đã gặp bao nhiêu nàng Kiều (Long Thành cầm giả ca - là một ví dụ).

Ngoài đời thường, Nguyễn Du không phải là một đấng nam nhi có khí phách như Từ Hải, ông vốn là một con người rụt rè. Sử ghi lại rằng: mỗi khi vào chầu, trước mặt vua, ông lúng ta, lúng túng, thưa bẩm không nên lời. Nhát vốn cũng là bản chất của hầu hết văn nhân, xưa vậy, và nay vẫn vậy. Nguyễn Du không là trường hợp ngoại lệ.

Ông mượn câu chuyện bên Tàu để viết Kiều là để tránh sự « kiểm duyệt », tránh mọi rắc rối với vua và quan triều Nguyễn. Hãy nghĩ xem, nếu ông bắt đầu Truyện Kiều:

« Rằng: năm Minh Mệnh thanh bình

Bốn phương phẳng lặng, Huế Kinh vững vàng »

Rồi kể câu chuyện về một nàng Kiều gia đình tan nát vì đám tham quan và bị đày ải, về Hồ Tôn Hiến, Từ Hải với địa danh sông Lam, sông La, Thăng Long, Kinh đô Huế…liệu vua và đám quan nhà Nguyễn có để ông yên không.

Tương truyền rằng, Tự Đức một nhà vua yêu thơ văn, khi đọc Kiều đến câu: « Dọc ngang nào biết trên đầu có ai » đã đập bàn quát đám quan hầu: Cho bắt ngay Nguyễn Du đánh 30 trượng, dù Nguyễn Du đã tịch từ mấy chục năm trước. Chết rồi với vua sau còn vậy. Chắc chắn với vua quan thời Minh Mệnh Nguyễn Du sẽ bị tống vào ngục, Kiều sẽ bị tịch thu và thiêu hủy.

Rất nhiều cảnh đời trong « Bắc Hành tạp lục », thơ chữ Hán, cũng vậy. Đó là những cảnh đời ông đã thấy trên đường đi kinh lý ở Việt Nam, dưới triều nhà Nguyễn, nhưng ông đành phải mang qua Tàu.

« Ở phủ Thái Bình có người mù mặc áo vải thô

Có đứa trẻ dẫn đi bờ sông

Nói rằng ông già ăn xin ở ngoài thành

Hát mướn xin tiền nấu ăn »

*

« Ðêm qua ở trạm Tây Hà

Tiệc tùng cung phụng khoa trương quá mức

Gân hươu cùng vây cá

Ðầy bàn thịt heo, thịt dê

Quan lớn không thèm đụng đũa

Ðám theo hầu chỉ nếm qua

Vứt bỏ không luyến tiếc

Chó hàng xóm cũng ngán món ăn ngon

Không biết trên đường cái

Có mẹ con đói khổ nhà này

Ai người vẽ bức tranh đó

Ðem dâng lên nhà vua »

Cảnh đời đó, đâu phải ở Trung Hoa, ông thấy ngay ở Việt Nam, ở bến sông Gianh, hay sông Lam, sông Hương…nhưng vì nhát ông không dám viết, và phải nhân đi sứ Trung Hoa, viết với cái cớ là chuyện bên Tàu.

Ông nhát, nhát đến nỗi, thay vì khóc than cho người Việt, ông đi khóc than cho người Trung Hoa.

*

Tôi có chê Nguyễn Du nhát không. Không !

Cái "nhát" của ông là cái "nhát" của kẻ sĩ. Nếu ông dám viết một Truyện Kiều với các nhân vật, địa danh Việt Nam, tôi tin nó đã bị thiêu hủy, và không có cơ hội để đến với độc giả.

Tôi cũng sẽ không bao giờ được biết có một kiệt tác như vậy đã được ông viết !

ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN 05.03.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.