Đăng ngày:
Dân Úc phẫn nộ trước yêu sách 14 điểm của Bắc Kinh
Bài điều tra chiếm hai trang báo khổ lớn kể lại cuộc gặp giữa nhà báo Jonathan Kearsley của kênh truyền hình 9News và một nhà ngoại giao Trung Quốc ngày 17/11/2020. Từ nhiều tháng qua, Kearsley rất muốn hẹn phỏng vấn đại sứ Trung Quốc : quan hệ hai nước đột ngột xấu đi sau khi Canberra vào tháng Tư đòi hỏi mở điều tra về nguyên nhân đại dịch Covid. Nhà ngoại giao trao cho một tờ giấy có danh sách 14 điểm mà Bắc Kinh tức giận đòi Úc sửa đổi, từ việc kêu gọi điều tra về con virus ở Vũ Hán, can dự vào Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan cho đến « giọng điệu không thân thiện » của truyền thông Úc. Nhà báo vô cùng ngạc nhiên vì sự thô bạo của thông điệp.
Khi biết được danh sách khó tin này, công chúng Úc sững sờ vì vụ bắt chẹt. Thủ tướng Scott Morrison đáp trả : « Các giá trị của chúng ta, nền dân chủ chúng ta, chủ quyền của chúng ta là không thể thương lượng ! ». Ông chủ trương « kiên nhẫn chiến lược » : không khiêu khích, không quá trớn nhưng không bao giờ lùi bước. Tuy nhiên, trong bối cảnh Washington coi Bắc Kinh là đối thủ chính và Ấn Độ-Thái Bình Dương trở thành tâm điểm, Úc phải tìm cách tự vệ trước mối đe dọa Trung Quốc. Canberra có biện pháp chống can thiệp và củng cố đoàn kết quốc gia, đồng thời tăng chi tiêu quốc phòng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Kinh tế Úc được lợi từ sự tăng trưởng của Trung Quốc, nước tiêu thụ phần lớn lượng khoáng sản và nông sản xuất khẩu của Úc. Sau hiệp định tự do mậu dịch năm 2015 xuất nhập khẩu bùng nổ, và điều nghịch lý là Úc bắt đầu nhận ra Bắc Kinh dùng đòn bẩy kinh tế để đạt các mục tiêu chiến lược, an ninh và chính trị. Canberra vừa đòi điều tra về đại dịch Covid hôm 18/04/2020, lập tức đại sứ Trung Quốc đe dọa tẩy chay hàng Úc và đến 27/04, Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập Global Times gọi Úc là « mẩu chewing-gum dính vào đế giày Trung Quốc ». Vài ngày sau, thịt bò, lúa mạch, rượu vang, tôm hùm, gỗ, đồng, bông vải, len, đường…của Úc bị đánh thuế cao ở mức khủng khiếp với cớ vi phạm về « kỹ thuật », « vấn đề môi trường », « cạnh tranh bất chính ».
Gián điệp Trung Quốc tại Úc đã lên đến quy mô « công nghiệp »
Vì sao Úc lại có sáng kiến điều tra con virus ở Vũ Hán để phải lãnh đòn sấm sét của Bắc Kinh ? Theo Le Monde, đó là ngòi nổ của một cuộc khủng hoảng được báo trước. Chính phủ của cựu thủ tướng Malcolm Turnbull (2015-2018) bắt đầu thay đổi chính sách về Trung Quốc vì các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh đã ở tầm mức chưa từng thấy.
Trước đó, Úc chỉ quan tâm đến kinh tế. Cảng chiến lược Darwin, gần căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ được nhượng cho tập đoàn Landbridge của Trung Quốc đến 99 năm. Bắc Kinh dùng các tổ chức của cộng đồng người Hoa thân cộng để gây ảnh hưởng. Khi ông Turnbull - cựu luật sư về kinh doanh và có các cháu ruột gốc Hoa – lên làm thủ tướng, người ta ngỡ rằng ông sẽ thân Bắc Kinh, nhưng rốt cuộc các thông tin tình báo đã khiến ông phải hành động.
Lúc Turnbull vừa nhậm chức, gián điệp Trung Quốc đã lên đến mức « công nghiệp » và vài tháng sau nổ ra xì-căng-đan Sam Dastyari, thượng nghị sĩ đảng Lao Động nhận tài trợ của đại gia địa ốc Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo). « Sam Thượng Hải », biệt danh của chính khách này hồi tháng 6/2016 không ngần ngại đòi « tôn trọng » yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trên Biển Đông ! Chính phủ bảo thủ tháng 12/2017 đề nghị cấm các đảng nhận tiền của nước ngoài, gia tăng trừng phạt hoạt động gián điệp và đến tháng 6/2018 dự luật được các dân biểu đảng cầm quyền và đối lập thông qua. Tháng 8/2018, Canberra loại Hoa Vi (Huawei) và ZTE khỏi thị trường 5G.
Bắc Kinh hung hăng, chính giới Úc càng cứng rắn
Đến thời thủ tướng Morrison, chính phủ liên bang còn có thể hủy bỏ mọi thỏa thuận của một bang hoặc định chế với các nước nếu đi ngược lại lợi ích quốc gia. Dự án liên quan « Con đường tơ lụa mới » ký với bang Victoria bị hủy, cảng Darwin đang được xem xét lại. Úc cập nhật Sách Trắng quốc phòng từ tháng 7/2020, tăng cường quân sự với việc mua hỏa tiễn tầm xa, siết chặt quan hệ với Mỹ. Lần đầu tiên hội nghị cấp cao đối thoại an ninh của Bộ Tứ (Quad) được tổ chức vào tháng Ba, và cuối năm ngoái các chiến hạm Úc tham gia cuộc tập trận Malabar với quân đội Mỹ, Nhật, Ấn, trong khi hồi 2008 Úc phải rời Bộ Tứ dưới áp lực Trung Quốc.
Không chỉ đối phó sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, Úc còn lo ngại cho vùng Nam Thái Bình Dương lâu nay được coi là sân sau, khi Bắc Kinh mở chiến dịch chiêu dụ các tiểu quốc vùng này bằng đầu tư và tín dụng. Canberra e rằng Bắc Kinh lập căn cứ quân sự tại đây, trước hết ở đảo san hô Kiribati của tiểu quốc Kanton. Những cơ sở quân sự nằm sát nách có thể là nơi tung ra lực lượng, sẽ làm thay đổi thế cờ.
Một mối lo nữa là số phận Đài Loan, mà bộ trưởng quốc phòng Peter Dutton cho rằng « không thể loại trừ » khả năng xảy ra xung đột, còn bộ trưởng nội vụ Michael Pezzullo nói đến « những tiếng trống trận ». Thái độ của hai bộ trưởng chủ trương cứng rắn với Trung Quốc là minh chứng cho thất bại của chính sách Bắc Kinh đối với Úc, thái độ hung hăng đã làm xấu hẳn đi hình ảnh. Những tiếng nói hòa giải ở Úc tỏ ra dè dặt, trong khi « diều hâu » ngày càng đông đảo. Về mặt kinh tế, các biện pháp trả đũa của Trung Quốc ít có kết quả, giá quặng sắt tăng vọt đã bù lại những thiệt hại, và Bắc Kinh vẫn phải muối mặt đi mua vì không có nguồn thay thế.
Thực tế này có buộc Tập Cận Bình phải xem lại chiến lược ? Người Úc không tin. Cho rằng Trung Quốc muốn trừng phạt Úc để làm gương cho những nước nào dám đương đầu, họ tự hỏi giai đoạn sắp tới của cuộc đọ sức bất tận này sẽ ra sao.
Thách thức cho Trung Quốc tại Afghanistan
Ở Afghanistan, Le Figaro nói về những mưu toan và lo ngại của Trung Quốc sau khi những đội quân nước ngoài cuối cùng rút khỏi nước láng giềng này. Afghanistan sẽ lại rơi vào nội chiến như khi Liên Xô rút quân trong thập niên 90 ? Taliban sẽ nắm quyền, hay một chính phủ đoàn kết quốc gia được thành lập ? Các nước kế cận hồi hộp chờ đợi, đặc biệt là Trung Quốc, từ lâu vẫn dòm ngó đất nước giàu quặng mỏ, với vị trí chiến lược có thể trở thành một mắt xích của Con đường tơ lụa mới.
Tuy nhiên bên cạnh đó Bắc Kinh vẫn lo Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (ETIM) sẽ trả thù cho các đồng đạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. ETIM liên quan đến Al Qaida, hiện diện tại miền bắc Afghanistan, là một đồng minh của Taliban. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS) cũng có một số cơ sở ở thung lũng Hindu Kuch gần Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong những nước hiếm hoi có quan hệ tốt với chính quyền Kaboul lẫn Taliban, từng tổ chức được những cuộc họp « bộ ba mở rộng » với Mỹ và Nga. Tuy nhiên theo chuyên gia Bradley Bowman, Bắc Kinh không có tầm vóc lẫn kinh nghiệm để tiến hành các sáng kiến hòa bình bền vững. Còn theo chuyên gia Laurel Miller, Trung Quốc không thực sự cần Afghanistan để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Những cố gắng khai thác mỏ ở Afghanistan của Trung Quốc đều thất bại vì thiếu cơ sở hạ tầng và mất an ninh, và nếu xảy ra nội chiến thì càng phức tạp.
Bắc Kinh gây áp lực lên các quốc gia châu Phi
Còn « tại Liên Hiệp Quốc, áp lực Trung Quốc ngày càng tăng đối với các nước châu Phi », đó là nhận xét của thông tín viên Le Monde tại New York. Trung Quốc và Nga chống lại mọi nỗ lực của « Ủy ban 10 nước » châu Phi (C10) nhằm cải cách Hội đồng Bảo an. Riêng Bắc Kinh gây áp lực lên các quốc gia châu Phi về mọi mặt, với các hiệp định thương mại và tài trợ cơ sở hạ tầng. Để đổi lấy lợi ích kinh tế, các nước châu Phi trong Hội đồng luôn bỏ phiếu theo ý muốn của Trung Quốc.
Quay lại với lịch sử, từ 1946 đến 1971, chiếc ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an là của Trung Hoa Dân Quốc. Nhưng chính quyền Mao Trạch Đông đã giành được ghế này nhờ nghị quyết 2758 thông qua hôm 25/10/1971, với lá phiếu của các quốc gia cộng sản, không liên kết, Pháp, Anh…và nhiều nước châu Phi. Bắc Kinh nhìn nhận việc này nhưng lại không cảm thấy « nợ nần » châu Phi, mà ngược lại.
Đến khi lên được Hỏa tinh, vẫn chưa cải cách nổi Hội đồng Bảo an
Ví dụ thấy rõ nhất là ở kỳ họp thường niên về nhân quyền của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc : khi phương Tây nêu ra Tân Cương và Hồng Kông, hàng mấy chục nhà ngoại giao châu Phi bênh vực bằng các luận điệu rặc Bắc Kinh.
Đại sứ Đức Christoph Heusgen vừa về hưu hôm 30/06, đứng đầu một nhóm từ 23 đã lên 39 nước quan ngại về nhân quyền cho biết, đến nay vẫn chưa có một nước châu Phi nào tham gia, họ chịu áp lực hết sức to lớn từ Bắc Kinh. Trung Quốc hiện lãnh đạo 4/15 cơ quan Liên Hiệp Quốc, trong đó có Tổ chức Lương Nông (FAO), mang tính chiến lược đối với các quốc gia đang phát triển.
Cải cách Hội đồng Bảo an là một hồ sơ lớn gây tranh cãi. Năm nay, các nước G4 (Đức, Nhật, Ấn, Brazil) vận động để có được chiếc ghế thường trực, đã gần như thành công trong việc đưa ra một văn bản chung về cải cách. Nhưng Richard Gowan, giám đốc ICG cho rằng, « một phi hành gia sẽ hạ cánh xuống Hỏa tinh trước khi cải cách được thông qua », vì « khi có bất kỳ một dấu hiệu thay đổi nhỏ nào, Trung Quốc sẽ bóp nghẹt tiến trình thương lượng ». Bắc Kinh rất sợ Nhật Bản và Ấn Độ trở thành thành viên thường trực.
Các nước C10 họp mỗi năm một lần tại châu Phi, và các đại diện Trung Quốc tràn ngập hành lang khách sạn nơi các đại biểu cư ngụ. Tuy chỉ cần đạt hai ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an là có thể vượt lên được sức ép của Trung Quốc, một số nước châu Phi đã nhường bước.
Độc tài Trung Quốc đe dọa hòa bình thế giới
Trên trang Ý kiến của Le Monde, dân biểu châu Âu Ilhan Kyuchyuk của Bungari nhấn mạnh « Đã đến lúc phải hiểu rằng độc tài Trung Quốc là mối đe dọa cho hòa bình thế giới ».
Tập Cận Bình tiếp tục chủ trương sùng bái lãnh tụ như thời Mao, các biện pháp của Cách mạng Văn hóa như bắt bớ đối lập, trí thức…, trừ khử những người thân cận của Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, bắt nhốt hàng trăm luật sư, giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba cũng phải chết trong ngục tù.
Khi tung ra Con đường tơ lụa mới, Tập Cận Bình không giấu diếm ý định thống trị thế giới, tung những mẻ lưới từ châu Á đến châu Mỹ la-tinh : các cơ sở hạ tầng đắt đỏ và không hiệu quả cho các nước nghèo. Theo dân biểu Kyuchyuk, đã đến lúc phải hiểu rằng một chế độ độc tài dựa vào việc kiểm soát xã hội bằng hàng triệu camera giám sát, thảm sát tuổi trẻ nước mình ở Thiên An Môn, bóp nghẹt mọi phản kháng ở Hồng Kông và đe dọa Đài Loan là mối đe dọa cho thế giới. Cần phải sáng suốt tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ, khi những trí thức phương Tây ngưỡng mộ Stalin, « tư tưởng Mao Trạch Đông ».
Amazon, Covid, bầu cử… : Tựa chính báo Pháp
Ông chủ tập đoàn Amazon chiếm trang nhất của hai nhật báo Pháp. Libération chạy tựa « Jeff Bezos : Cuộc đào thoát vĩ đại ». Rời ban giám đốc hôm nay, nhà tỉ phú có 200 tỉ đô la trong tay, bậc thầy trong nghệ thuật trả mức thuế thấp nhất và nuốt chửng đối thủ, từ nay lao vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Và sẽ bay lên vũ trụ trong 15 ngày nữa. Les Echos quan tâm đến « Amazon : Những thách thức hậu Bezos ». Tập đoàn sẽ phải có những sáng tạo để duy trì vị thế trong lãnh vực bán hàng trên mạng hay cloud (điện toán đám mây). Y tế, quảng cáo, thể thao cũng là những ưu tiên của Andy Jassy, nhân vật số 2 nay trở thành ông chủ mới.
Le Monde cảnh báo « Covid-19 : Những lỗ hổng trong việc kiểm soát biên giới ». Kỳ nghỉ hè sắp bắt đầu, gây lo ngại biến chủng Delta sẽ lây lan tại Pháp, khi lượng khách nhập cảnh tăng 60% đến giữa tháng Bảy. Một nghiên cứu cho thấy du lịch mùa hè đã làm cho đại dịch bùng phát trở lại ở châu Âu vào mùa thu 2020. Từ Anh đến Nga, các trận đấu giải bóng đá Euro bị nghi là đã làm lây nhiễm virus.
« Bầu cử tổng thống : Cánh hữu đi vào trận đấu » là tựa chính của Le Figaro. Một cuộc thăm dò cho thấy chính khách Xavier Bertrand của đảng Những người Cộng hòa (LR) sẽ là đối thủ chính của đương kim tổng thống Emmanuel Macron và chủ tịch đảng cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử 2022. Trên lãnh vực văn hóa, La Croix cho rằng « Ngành kịch nghệ luôn sống động » : festival Avignon sẽ diễn ra cho đến ngày 25/07.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.