mardi 27 juillet 2021

Võ Xuân Sơn - Giảm nhẹ thiệt hại do dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra


Tình hình đã rất nghiêm trọng, chậm thay đổi ngày nào, thiệt hại sẽ nặng nề thêm rất nhiều.

Tôi mong rằng bạn nào có mối quan hệ, chuyển ý kiến này của tôi đến các ông lãnh đạo Chính phủ: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo Bộ Y tế: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; lãnh đạo TPHCM: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh.

Ngày hôm nay, chúng ta lại ghi nhận những kỷ lục buồn. Cả nước có gần 6.000 ca nhiễm virus Vũ Hán mới, riêng TPHCM 4.709 ca. Gần cả tuần nay, ngày nào chúng ta cũng lập kỷ lục buồn giống như hôm nay. Cái ngày Việt Nam cán mốc 100.000 ca sẽ không còn xa. Và sau đó, mọi chuyện sẽ tăng tốc phi mã. Nếu cứ duy trì cách chống dịch như hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt.

Tôi muốn nhấn mạnh, cách làm cũ, truy vết, cách ly, dập dịch đã không còn hiệu quả. Chính quyền Việt Nam cần phải nhìn nhận thực tế, rằng chúng ta đã không giảm được số ca nhiễm, đồng thời, vì cách chống dịch đang áp dụng, chúng ta đã làm cho xã hội trở nên bất ổn, dân sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chuỗi cung ứng thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho TPHCM đã bị phá vỡ.

Song song với việc người dân TPHCM không được cung cấp đầy đủ thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, kinh tế của những khu vực thường xuyên cung ứng thực phẩm và hàng hóa cho TPHCM trước đây đã bị ảnh hưởng nặng. Đồng thời, đời sống người dân lao động, đặc biệt là công nhân và những người sống nhờ các dịch vụ phục vụ xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hệ thống sản xuất bị đình trệ, ảnh hưởng đến cả khả năng thu hút đầu tư và cung cấp công ăn việc làm cho người dân về lâu dài.

Tôi gởi đề xuất này lên các cấp lãnh đạo, về phương hướng thay đổi biện pháp chống dịch, nhằm giảm nhẹ thiệt hại do dịch gây ra.

Đầu tiên nhất, tôi cho rằng, các mục tiêu chống dịch như dập dịch, tiêu diệt dịch đã không còn phù hợp. Ngay cả các mục tiêu khiêm tốn hơn mà nhiều người, trong đó có cả tôi, nói đến cách đây vài tuần, bây giờ cũng đã không còn cơ hội thực hiện. Tôi cho rằng, mục tiêu chính trong việc chống dịch hiện nay là GIẢM NHẸ THIỆT HẠI DO DỊCH VIÊM PHỔI VŨ HÁN GÂY RA.

Để đạt mục tiêu đó, chúng ta cần đặt những mục tiêu cụ thể nào, giảm thiệt hại là giảm những cái gì? Theo tôi, chúng ta cần đặt vào 3 vấn đề:

1. Giảm tỉ lệ tử vong do viêm phổi Vũ Hán, hạn chế việc người bị bệnh khác bị ảnh hưởng về tính mạng và sức khỏe do dịch viêm phổi Vũ Hán.

2. Hạn chế các tác hại của dịch và việc chống dịch lên dân sinh.

3. Duy trì các hoạt động kinh tế, hạn chế tối đa sự suy sụp của hệ thống sản xuất, kinh doanh.

Để đạt được mục tiêu (1), tôi cho rằng chúng ta cần thực hiện những biện pháp theo đề xuất của GS Nguyễn Văn Tuấn:

• Bảo toàn hệ thống y tế;

• Tối thiểu hóa số ca nhập viện và ICU và giảm nguy cơ tử vong;

• Giúp cho người dân tự quản lý nguy cơ.

Các biện pháp cụ thể cần thực hiện, là không phong tỏa các cơ sở y tế, nếu cần có thể phải có chính sách riêng cho nhân viên y tế và các cơ sở y tế để duy trì hoạt động của các cơ sở y tế. Sử dụng các cơ sở y tế, không phân biệt công, tư, làm nơi tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hạn chế tối đa việc lập ra các khu tập trung để chích vaccin hay xét nghiệm, ngoài việc sử dụng hệ thống lưu động bảo đảm độ an toàn.

Không thu gom tập trung các F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, trừ trường hợp không có người nhà, và bản thân không thể tự theo dõi. Bộ Y tế cần ban hành các loại hướng dẫn, và cập nhật liên tục, hướng dẫn cho cả người nhiễm virus Vũ Hán, người nhà của người nhiễm virus Vũ Hán, và cho nhân viên y tế, để tư vấn và nắm bắt triệu chứng của các F0, kịp thời phát hiện khi trở nặng để đưa vào bệnh viện. Ngoài việc theo dõi y tế, cần thiết lập các kênh giao tiếp cho người nhiễm virus Vũ Hán với cộng đồng, tránh các diễn biến tâm lý không tốt, làm gia tăng khả năng trở nặng.

Song song đó là tăng cường chích vaccin cho đối tượng người lớn tuổi, có bệnh nền, các đối tượng có nguy cơ trở nặng và tử vong cao như béo phì.

Chúng ta vẫn phải tiếp tục truy vết, nhưng không cách ly F1, F2. Truy vết chỉ để tăng cường xét nghiệm trong nhóm này, nhằm tìm ra F0. Đồng thời, cần phát triển nhập về các loại test tầm soát tại nhà, tự người dân có thể kiểm tra cho mình. Vẫn phải duy trì 5K, đặc biệt là khẩu trang, khoảng cách, rửa tay và không tập trung. Tăng cường các hoạt động online, hạn chế tối đa họp mặt đông người. Nhà nước và đảng cần phải gương mẫu trong việc này.

Để bảo đảm cho mục tiêu (2) và (3), nhà nước cần bảo đảm duy trì hệ thống cung ứng lương thực thực phẩm cho toàn dân. Muốn vậy, nhà nước cần phải làm mọi biện pháp để duy trì giao thương, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt giữa các tỉnh và các vùng miền, kể cả vận tải hàng hóa lẫn hành khách, miễn là bảo đảm các nguyên tắc vệ sinh chống dịch ở mức chấp nhận được, ví dụ như giãn cách, thông thoáng.

Bảo toàn hoạt động của hệ thống phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Chỉ can thiệp để thực hiện giãn cách ở mức chấp nhận được. Bảo đảm hệ thống vận chuyển hàng hóa và hành khách nội thành các thành phố và khu dân cư. Ưu tiên chích vaccin cho những người buôn bán và người lao động ở các chợ, đội ngũ vận chuyển như tài xế xe tải, xe khách, taxi, xe công nghệ…

Hạn chế tối đa việc phong tỏa các cơ sở dịch vụ, cung ứng như chợ, cửa hàng, siêu thị… Đồng thời, cũng hạn chế tối đa việc phong tỏa các cơ sở sản xuất, nhà máy xí nghiệp. Lại càng hạn chế phong tỏa diện rộng theo địa giới hành chánh. Chỉ phong tỏa trong 2 trường hợp, một là có chứng cứ rõ ràng, rằng tốc độ lây nhiễm đang tăng rất nhanh (nhanh như thế nào thì phải có tiêu chuẩn do Bộ Y tế đặt ra), và hai là tỉ lệ ca nhiễm đạt mức nguy hiểm (tỉ lệ do Bộ Y tế qui định với sự cố vấn của các chuyên gia dịch tễ).

Chúng ta cần nhìn nhận những thuận lợi mà chúng ta đang có:

Thuận lợi thứ nhất là chúng ta đã có vaccin. Nếu nhanh chóng áp dụng các biện pháp để có được vaccinecho người dân (nhà nước lo cho dân nghèo, người có khả năng bỏ tiền mua vaccin dịch vụ), chúng ta sẽ rút ngắn thời gian tác hại của dịch bệnh.

Thuận lợi thứ hai là hiện nay đã có nhiều nghiên cứu về các tác dụng của các loại thuốc chữa cho các trường hợp nhiễm virus Vũ Hán có triệu chứng nặng. Chúng ta có thể áp dụng theo khuyến cáo của WHO hay FDA, để làm giảm số ca tử vong.

Đi sâu vào từng vấn đề cụ thể, cần có những giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, giải pháp nào thì cũng phải bảo đảm nhất quán với 3 mục tiêu cụ thể nêu nhằm giảm nhẹ thiệt hại do dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra.

BSVÕ XUÂN SƠN 18.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.