mercredi 28 juillet 2021

GS Nguyễn Văn Tuấn - Nên ưu tiên tiêm vaccin cho ai?

 

Đây là một câu hỏi hơi tế nhị, nhưng rất cần thiết trong tình hình nguồn vaccin hạn chế và dịch bệnh tăng nhanh như hiện nay.

Việt Nam có một danh sách ưu tiên, nhưng nó phân biệt giữa quan và dân (và không phản ảnh đúng tình hình dịch bệnh). Cái note này trình bày một khung giá trị và từ đó đề nghị 4 nhóm cần được ưu tiên.

Theo báo Lao Động, các giới chức Việt Nam đề ra 16 'đối tượng' được ưu tiên chích vaccin [1]. Theo quy định này, nhân viên y tế (kể cả người tham gia chống dịch), kế đến là quân đội và công an, cán bộ ngoại giao, hải quan, giáo viên, v.v… Đa số là công nhân viên, còn dân thì đứng hạng thứ 9 trở đi. Tôi không hiểu sao nhân viên ngoại giao được ưu tiên hơn người dân trên 65 tuổi.

Không biết các bạn nghĩ sao, nhưng là người đọc tôi cảm thấy hình như có sự phân biệt giữa 'quan' và dân. Danh sách này nói lên một cách rõ ràng là quan có ưu tiên cao hơn dân. Có lẽ thứ tự này hơi thất sách về mặt chánh trị, bởi vì Nhà nước vẫn hay nói quan chức là đầy tớ của dân. Nhưng đó là vấn đề chung mà Nhà nước phải suy nghĩ lại. 

Vấn đề cụ thể tôi muốn nói là danh sách ưu tiên đó nó có vẻ không dựa trên một nguyên lý xã hội nào cả? (Xin nói lại rằng xác định ưu tiên tiêm vaccin là một đề tài nghiên cứu khoa học). Nguyên lý xã hội mà tôi muốn nói là bình đẳng và tôn trọng. Đáng lý ra đứng trước tình hình dịch bệnh, mọi người trong xã hội phải bình đẳng; không nên phân biệt theo vai vế, quan hay dân. Bảo vệ cho dân cũng là bảo vệ cho quan, do đó, phân biệt quan dân không nên nằm trong 'phương trình' ưu tiên.

 

1.  Nguyên lý và giá trị xã hội

Vậy thì ưu tiên vaccin nên theo tiêu chuẩn nào? Theo tôi là phải xác định mục tiêu mà chúng ta (xã hội) muốn đạt được trong kiển soát dịch. Mục tiêu mà tôi có đề cập hôm trước là: (1) bảo toàn hệ thống y tế; (2) giảm nguy cơ tử vong và bệnh nặng; và (3) trao quyền cho người dân quản lý nguy cơ. Tôi rất vui khi giới lãnh đạo thành phố đã nhắm đến mục tiêu 1 và 2 (theo như một tuyên bố gần đây).

Ở đây, chúng ta có thể triển khai 3 mục tiêu đó thành 4 giá trị xã hội như sau:

Thứ nhứt là bảo vệ sức khỏe. Mục tiêu tối hậu là giảm nguy cơ tử vong, giảm gánh nặng của dịch đè lên hệ thống y tế, và bảo vệ các dịch vụ thiết yếu như y tế.

Thứ hai là bình đẳng và tôn trọng. Trong mục tiêu này, chúng ta xem lợi ích của tất cả các nhóm là như nhau. Chúng ta cung cấp vaccin cho những cá nhân và nhóm đạt tiêu chuẩn ưu tiên.

Thứ ba là công bằng. Các nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm hay các cá nhân nghèo cần được ưu tiên trong việc tiếp cận vaccin. 

Thứ tư là bảo vệ đôi bên. Mục tiêu này có nghĩa là bảo vệ những người có nguy cơ cao bị nhiễm (như nhân viên y tế và người nghèo) cũng là một cách bảo vệ những người có nguy cơ thấp trong cộng đồng.

 

2.  Ai cần được ưu tiên?

Vấn đề kế tiếp là sau khi đã xác định giá trị chúng ta cần đạt đến, thì chúng ta phải làm gì cụ thể? Nếu Việt Nam có đủ vaccin thì chúng ta chẳng cần đặt ra vấn đề ưu tiên, nhưng vì vaccin quá hạn chế nên ưu tiên là điều cần thiết. Tôi đề nghị để đạt 4 giá trị trên, danh sách ưu tiên như sau:

(a)  Nhân viên y tế (kể cả những người tham gia chống dịch) công và tư nhân. Đây là những người có nguy cơ cao bị nhiễm vì họ tiếp xúc nhiều người có nguy cơ cao hay bệnh nhân. Bảo vệ họ đáp ứng Giá trị 1.

(b)  Những người chăm sóc người bị nhiễm tại nhà, nhứt là những căn hộ nhỏ hẹp có nguy cơ lây nhiễm cao. Đây là những người cần được ưu tiên để đáp ứng Giá trị 1 và 4. Ở Việt Nam, nhà cửa thường chật hẹp, mà cách ly người bị nhiễm ở điều kiện như thế sẽ dẫn lây lan cho người trong nhà. Do đó, tôi đề nghị phải ưu tiên tiêm vaccin cho những người tiếp xúc gần hay chăm sóc người đang bị nhiễm trong nhà. Đây là giải pháp đơn giản và thực tế nhứt để giải quyết vấn đề cách ly tại nhà.

(c)  Những người cao tuổi (chẳng hạn như 65 tuổi trở lên). Kinh nghiệm ở nước ngoài, đa số các ca nhiễm là cao tuổi, và những người này cũng thường có những bệnh đi kèm có liên quan đến Covid19. Ưu tiên vào nhóm này đáp ứng Giá trị 1 và 3. Nhiều nghiên cứu mô hình dịch tễ học [2,3] cho thấy tập trung vaccin cho nhóm này sẽ đem lại hiệu quả lớn. Nếu có số liệu từ Việt Nam chúng tôi cũng có thể giúp làm mô hình như thế một cách dễ dàng.

(d)  Những người không cao tuổi nhưng làm những việc có tiếp xúc với nhiều người (như buôn bán lẻ, giáo viên, giới chức, công an, v.v.). Đây là những người có nguy cơ tương đối cao vì công việc của họ. Do đó, ưu tiên nhóm này đáp ứng Giá trị 1, 3 và 4.

Cách ưu tiên trên không dựa vào yếu tố 'quan' và dân, mà lấy nguy cơ bệnh và giá trị xã hội để phân định. Quan hay dân không quan trọng; quan trọng là họ có nguy cơ cao hay thấp, và chúng ta nên tập trung vaccin vào nhóm có nguy cơ cao.

[1] 16 nhóm đối tượng ưu tiêntiêm phòng vaccine COVID-19 năm 2021-2022

[2] Modelling optimal vaccination strategy forSARS-CoV-2 in the UK

[3] Comparing COVID-19 vaccine allocation strategiesin India: A mathematical modelling study

GS NGUYỄN VĂN TUẤN 28.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.