mardi 6 juillet 2021

Đỗ Hoàng Diệu - Nỗi đau mất nước khó mà buông bỏ…


Mười lăm năm trước, lần đầu tiên tôi nghe quốc ca của nước Việt Nam Cộng Hòa tại đại học Berkeley, trong một đêm văn nghệ của sinh viên gốc Việt.

Khi bản nhạc vang lên, dù có chút bỡ ngỡ,  tôi vẫn hiểu ngay đó là gì, bởi đã đọc không nhiều nhưng cũng không phải quá ít sách vở, tư liệu về lịch sử - chiến tranh Việt Nam. Những thứ sách giáo khoa phổ thông không đề cập, những thứ giáo trình đại học né tránh, những thứ báo chí chính thống vạch làn ranh đỏ. Chị T. thì ngây thơ nên ngơ ngác la lên : ơ, họ bỏ nhầm đĩa à, đây đâu phải quốc ca Việt Nam.

Hai mươi bảy năm trước, lần đầu tôi đến Saigon. Anh lễ tân khách sạn dễ thương thủ thỉ: "Ngoài bển mưa có nhiều như Sài gòn không em?" "Anh cũng tính lúc nào ra bển xem một chuyến cho biết mà má anh cấm".

Mấy năm trước, chúng tôi gặp một cụ bà rất đẹp rất sang và rất buồn, nói giọng Bắc 54, trong quán ăn Việt Nam tại Ohio.  Khi biết đồng chí  A là giáo sư sử học nghiên cứu về Việt Nam, mắt bà sáng lên, liên tục nói về dự án xin bang Ohio công nhận lá cờ vàng ba sọc. Bà xin số điện thoại, liên tục gọi nhắn tin thăm hỏi, liên tục nhờ đồng chí A cất tiếng nói với tiểu bang.

Đồng chí A chỉ là nhà nghiên cứu trẻ hiền lành không dính dáng đến chính trị, nên vô cùng bối rối. Tôi đành phải cứu. Tôi thưa với bà cụ quan điểm của vợ chồng minh: chúng cháu tôn trọng lịch sử, tôn trọng ý nguyện của các bác, nhưng nước Việt Nam Cộng Hòa đã thực sự qua đời, chỉ còn là quá khứ, chỉ còn trong sách sử, chỉ còn trong nỗi nhớ.

Hai tuần trước, tại hàng Phở ở thành phố Cleveland, tôi nói: "Làm ơn cho chị xin một cốc nước" trong lúc chờ đợi lấy đồ ăn mang đi. Cô gái khoảng ngoài ba mươi, dáng dấp đậm miền Tây, nói thứ tiếng Việt chưa hề pha trộn: "Ủa, cái cốc là gì zậy?" "Chị Bắc kỳ sang tới Mỹ rồi mà vẫn kêu cái cốc kỳ zậy?"

Bạn tôi, người trước 75 từng sống cùng gia đình trong căn biệt thự bốn tầng lầu đường Hai Bà Trưng đoạn gần chợ Tân Định, mới đây gửi cho tôi link một công ty bất động sản ở Saigon rao cho thuê ngôi nhà ấy trên mạng. Rồi anh miêu tả từng ngóc ngách trong nhà, chỗ nào cha ngồi đọc sách chỗ nào chị soi gương chỗ nào vú già vuốt lưng cho mình ngủ, bậc thềm nào mình quay lại nhìn ngôi nhà lần cuối trước khi đi ra biển. Rồi khi nào nhà bị lấy mất, rồi hôm nào đó quay về đứng bên kia đường nhìn sang tuổi thơ đã bị diều hâu  mổ tha đi.

Một cách dễ hiểu nhất, dù ai nói ngả nói nghiêng: đã từng có hai nhà nước Việt Nam trên dải đất hình chữ S, và một đã chết. Mâu thuẫn ở chỗ, bên thắng cuộc luôn nói rằng mình giải phóng bên kia, còn bên kia khẳng định mình bị xâm chiếm, bị giết.

Dạo gần đây tôi hay đọc hay nghe từ buông bỏ. Người ta dễ dàng tha thứ cho hàng xóm bắt trộm gà của mình. Cũng không phải khó để vui vẻ trở lại với kẻ đã phụ tình mình thời thanh xuân. Nhưng nỗi đau mất nước thì thật khó mà buông bỏ. Nhất là cả khi chết rồi, mình vẫn bị hàm oan...

Cần thời gian để hàn gắn mới buông bỏ được. Thời gian cũng đã dài. Có đủ dài chưa? Đủ, nếu bên kia đừng đâm chọc vào vết thương sắp liền da. Thừa, nếu bên kia hiểu cho bên này, hiếu sự thật hiểu nguyên do hiểu vết thương sâu hiểu rằng miếng băng gạc từng thấm máu của cả hai bên, và máu nào cũng đỏ máu nào cũng đau.

ĐỖ HOÀNG DIỆU 06.07.2021 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.