dimanche 25 juillet 2021

Mai Bá Kiếm - Ai có thẩm quyền giải thích thuật ngữ ?

 

Bấy lâu nay tôi coi trọng phó thủ tướng Vũ Đức Đam là người có học, tận tâm với công việc, không nói bậy như mốt số vị lãnh đạo.

Nhưng tôi không khen ông, dù ông nói một câu chính xác, mà giới bác sĩ đã mong đợi: “Những người nhiễm Covid-19 (F0) chưa có triệu chứng chưa phải là bệnh nhân”.

Ông Đam là chính khách không nên “định bệnh” thay ngành y. Nếu ông để bộ trưởng Y tế được trọn quyền nói theo y văn, thì bộ trưởng đã nói câu này từ năm ngoái! Và, bênh viện không quá tải bởi F0 không triệu chứng, mà bác sĩ, điều dưỡng đã không kiệt sức như hiện nay.

Tôi rất ghét cách báo chí dẫn lời quan chức không phải là bác sĩ mà nói về bệnh tật. Như, bác sĩ ngành thú y cảnh báo việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng salbutamol và clenbuterol để nuôi heo có thể gây ung thư cho người ăn.

Hoặc, kỹ sư bảo vệ thực vật cảnh báo ăn sầu riêng bị ngâm hóa chất trị nấm (cho mau chín) Carbendazim và Tebuconazole có thể gây ung thư.

Thú y và kỹ sư trồng trọt nói bệnh, người nghe mắc cười chứ không hại ai. Nhưng lãnh đạo chính quyền mà đi định nghĩa, giải thích thuật ngữ chuyên ngành rồi dựa vào đó mà ra quyết sách có khi sai lầm, làm rối loạn việc thực thi ở cấp dưới!

Nói có sách, mách có chứng: Trong vụ “Thọ Bánh Mì” ở Nha Trang, Sở Công thương Khánh Hòa (cũng như Sở Công thương Cần Thơ) rất dốt về luật ngành Công thương và không có thẩm quyền định nghĩa thuật ngữ "lương thực, thực phẩm"!

Vì sao? Vì khoản 3, Điều 4 Luật giá 2012 đã giải thích thuật ngữ “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”.

Lẽ ra, các tỉnh thành phải in khoản 3 này ra giấy, dán ở tất cả chốt chặn, và dạy cho bọn phường xã phải hiểu thứ gì là "hàng hóa, dịch vụ thiết yếu" theo hướng có lợi cho cộng đồng. Tất cả phó chủ tịch phường xã đều có bằng "cử nhân luật tại chức", nhưng nếu họ học thật, thì sẽ hiểu bao cao su, băng vệ sinh, cái nồi… là hàng hóa thiết yếu, dù không có ghi trong khoản 3.

Bởi vì, công chức không phải là con két để Sở Công thương phải dạy từng món gì là lương thực, thực phẩm, rồi két đọc “sản phẩm từ bột, tinh bột”, chứ không có chữ “bánh mì” thì chết mẹ dân rồi!

Do Luật giá có định nghĩa thuật ngữ “thiết yếu” rồi, nên con lạy mấy “má Công thương” đừng làm thay thẩm quyền của Quốc hội mà ra văn bản hướng dẫn luật!

Không có trình độ, không thuộc chuyên ngành, không rành tiếng Việt, xài từ không rõ ràng, rành mạch, hướng dẫn “tam sao thất bổn” thì con dân chịu đời sao thấu?

MAIBÁ KIẾM 25.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.