mardi 27 juillet 2021

Covid: Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ mong Việt Nam sớm kiểm soát được tình hình


Đăng ngày:

Động thái trên được đưa ra vài ngày trước khi ông Phạm Minh Chính tiếp tục được Quốc hội khóa XV ngày 26/07 bầu làm thủ tướng chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Gần bốn tháng trước, ông Chính khi đang làm trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã được Quốc hội khóa XIV bầu vào chức thủ tướng (nhiệm kỳ kết thúc vào 2021) thay cho ông Nguyễn Xuân Phúc đã được bầu làm chủ tịch nước.

Theo báo chí trong nước, trong phát biểu nhậm chức hôm 26/07/2021 ông Chính nhấn mạnh đến việc tập trung chống dịch Covid đang bùng phát tại Việt Nam, với chiến lược vac-xin. Chính phủ khóa mới cũng sẽ cố gắng tháo gỡ những rào cản về cơ chế đang làm trì trệ nền kinh tế.

Trả lời RFI Việt ngữ qua thư điện tử, ông Michael Michalak, nguyên đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, hiện là phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) có một số nhận xét về bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam.

RFI: Thưa ông giám đốc, ông đánh giá thế nào về các chính sách kinh tế đối ngoại của tân thủ tướng Phạm Minh Chính, cụ thể là những chính sách liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp là thành viên USABC?

Ông Michael Michalak : Hãy còn rất sớm để nhận định, nhiệm kỳ của Thủ tướng mới bắt đầu không lâu. Ông ấy có rất nhiều công việc phải giải quyết trước tình hình Covid-19 đột ngột tăng vọt lúc gần đây. Chúng tôi chúc ông ấy may mắn, và sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ những nỗ lực của ông. Tuy nhiên về mặt kinh tế, các thủ tướng Việt Nam, đặc biệt là trong những năm gần đây đã có những bước đi mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, và tôi tin rằng thủ tướng Phạm Minh Chính đang tiếp bước truyền thống này.

Chưa đầy nửa tháng sau khi nhậm chức, mệnh lệnh đầu tiên của Thủ tướng Chính là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với Chỉ thị ngày 22/04. Các bộ trưởng và người đứng đầu các tỉnh được yêu cầu rà soát lại tất cả các luật lệ và quy định hiện hành để xác định những gì gây khó khăn cho doanh nghiệp, đề xuất các biện pháp chỉnh đốn.

Các hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng tận dụng cơ hội này để trình chính phủ một báo cáo về các quy định gây vướng mắc cùng với các khuyến nghị cụ thể để sửa đổi. Thông tin này đã được Văn phòng Chính phủ chuyển đến các bộ liên quan. Rất mong thủ tướng Chính phủ sớm có những hành động kiên quyết để yêu cầu các bộ xem xét những kiến ​​nghị của chúng tôi.

RFI: Về việc thu hút đầu tư nước ngoài trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, ông nhận thấy có thay đổi gì so với giai đoạn trước không? Nếu có, đó là những thay đổi nào?

Tương tự như trên đã nói, Việt Nam vẫn tiếp tục cố gắng tranh thủ phong trào toàn cầu nhằm đa dạng hóa và cải thiện hoạt động của các chuỗi cung ứng.

Tôi thấy đây là một sự kế tục hơn là thay đổi, và đó là dấu hiệu tốt. Năm 2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành lập tổ công tác do ngoại trưởng Phạm Bình Minh làm trưởng đoàn để làm việc với các nhà đầu tư quan trọng, trong đó có một số công ty thành viên của chúng tôi, nhằm nhanh chóng chốt lại một số dự án lớn. Khi kế nhiệm ông Phúc, thủ tướng Phạm Minh Chính đã thấy được giá trị của tổ công tác này nên đã nâng cấp thành nhóm công tác đặc biệt với nhiều quyền hạn hơn, để phối hợp với các bộ ngành và chính quyền địa phương tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai các dự án.

Các công ty của chúng tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành liên quan, nhưng đúng là vẫn còn nhiều vướng mắc với những quy định chồng chéo, khó hiểu hiện nay. Vì vậy, những công việc của nhóm công tác đặc biệt lần này là hết sức cần thiết, và đang cho ra những kết quả khả quan.

RFI: Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ, nguồn gốc của các sản phẩm đồ gỗ, và việc phá giá một số loại hàng hóa. Nhưng sau đó có vẻ như vấn đề đã được giải quyết. Trong hồ sơ này, ông thấy cách xử lý của Chính phủ và thủ tướng Phạm Minh Chính như thế nào?

Tôi cho rằng việc xử lý vấn đề này hiện nay là đúng hướng. Việt Nam từ lâu đã là một quốc gia thực dụng, nhất là những gì liên quan đến thương mại; luôn sẵn sàng ngồi lại để thảo luận về sự việc và giải quyết vấn đề.

Trong trường hợp này, tôi cho rằng chính phủ Việt Nam dưới thời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bây giờ là thủ tướng Phạm Minh Chính đã hành xử đúng khi có những cam kết với chính phủ Hoa Kỳ về việc này. Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) điều tra về thao túng tiền tệ và xuất xứ của đồ nội thất bằng gỗ được Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, còn bộ Tài chính và Thương mại cũng điều tra chống bán phá giá đối với các mặt hàng nhập khẩu khác từ Việt Nam. Việc này có khả năng gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp Mỹ là thành viên của chúng tôi.

Mặc dù USTR không đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt nào vào thời điểm công bố báo cáo điều tra Mục 301 vào tháng Ba, và sau đó Bộ Tài chính cũng loại Việt Nam khỏi danh sách thao túng tiền tệ, khả năng có các biện pháp trả đũa vẫn còn.

Tôi được biết tân thủ tướng đã chỉ đạo lãnh đạo bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, bộ Công Thương, và các bộ trưởng cũng như đại sứ Hà Kim Ngọc tại thủ đô Washington DC dành nhiều thời gian và nguồn lực cần thiết để làm việc với các đối tác Mỹ, nhằm đáp ứng các mối quan tâm của họ. Phong cách lãnh đạo đáng chú ý của Thủ tướng và sự tận tâm của đội ngũ dường như đã được đền bù, thể hiện trong tuyên bố chung gần đây giữa Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng vào ngày 19/07, cũng như phát biểu của đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai.

RFI: Như ông đã biết, sau khi Quốc hội bầu ông Phạm Minh Chính làm thủ tướng chính phủ, đợt dịch Covid thứ tư đã bùng lên tại Việt Nam. Với tư cách là người quan sát để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông đánh giá thế nào về cách xử lý khủng hoảng của ông Chính? Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam có hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn ở Việt Nam, một khi đại dịch lắng xuống?

Đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất khó lường với biến chủng Delta, đẩy nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia trong khối ASEAN trong đó có Việt Nam, bị rơi vào khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.

Tôi nghĩ rằng tân thủ tướng đã nhanh chóng đánh giá được rằng thách thức lần này lớn hơn nhiều so với các đợt bùng phát trước đó, và một số biện pháp hiệu quả trong quá khứ có thể lần này không còn phù hợp nữa. Chúng tôi chú ý nhất đến quyết định thay đổi chiến lược vac-xin, hướng tới tiêm chủng phổ cập và tăng tốc độ chủng ngừa cho người Việt. Đồng thời, danh sách các nhóm ưu tiên tiêm chủng cũng được cập nhật, với việc bổ sung đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp tập trung đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao.

Quyết định này vừa là một động thái hữu ích về mặt chăm sóc sức khỏe, vừa là một chính sách nhân văn vì đây là những nhóm dễ bị tổn thương. Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN đánh giá cao điều này. Ngoài ra, quyết tâm của ông trong việc thúc đẩy nối lại hoạt động sản xuất càng sớm càng tốt, sau khi các cơ sở này bị đình chỉ do lây nhiễm khuẩn như ở Bắc Ninh và Bắc Giang, đã khiến niềm tin của các nhà đầu tư tăng lên.

Tuy nhiên, thách thức hiện nay mà Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải đối mặt, có tầm vóc lớn chưa từng thấy. Các công ty của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi rất mong Chính phủ của ông Phạm Minh Chính sớm kiểm soát được tình hình. Với những gì ông đã làm được tại Quảng Ninh và trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, tôi tin rằng ông sẽ thành công. Tôi tin Việt Nam sẽ sớm vượt qua được thử thách. Chắc chắn chúng tôi sẽ làm những gì có thể làm để hỗ trợ ông ấy và các quốc gia ASEAN khác trong cuộc chiến đấu này.

RFI: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Michael Michalak, phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN đã vui lòng nhận lời trao đổi với RFI Việt ngữ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.