Báo chính thống Việt Nam đưa tin: "Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu trong chính sách đối ngoại”.
Xin nhấn mạnh hai chữ "hàng đầu" không kèm theo cụm từ "một trong". Điều đó khẳng định Việt Nam luôn coi Mỹ là đối tác quan trọng nhất trong đối ngoại của Việt Nam.
Đáp lại lời khẳng định "luôn coi..." này của chủ tịch Việt Nam, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nói gì?
Ông đề nghị: "Hai bên nghiên cứu, nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược trong tương lai”.
Ván bài cuối cùng đã lật ngửa.
Vấn đề còn lại là Việt Nam đã sẵn sàng nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ để chứng tỏ lời nói "luôn coi là đối tác hàng đầu" hay chưa mà thôi.
Trong các cấp quan hệ đối tác của Việt Nam hiện nay thì trên phương diện ký kết (chứ chưa chắc là trên thực tế) Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện - cấp cao nhất - với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ.
Tiếp theo là cấp Đối tác chiến lược với 14 nước trong đó có Anh, Pháp, Nhật, Ý, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Thái, Tây Ban Nha, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Đức (Đức đã tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược này với Việt Nam do vụ Trịnh Xuân Thanh).
Mặc dù Mỹ được coi là đối tác quan trọng nhất về đối ngoại, nhưng lại không lọt trong danh sách 17 nước trên.
Đó là nghịch lý.
Theo quy ước của nhiều quốc gia và thông lệ quốc tế thì:
Đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc tháng 5 năm 2008 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí xây dựng "Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" trong thế kỷ 21 trên cơ sở phương châm 16 chữ vàng "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" theo đúng thông lệ và quy ước trên.
Có điều ông Mạnh khi ký kết với ông Hồ Cẩm Đào đã bất chấp một thực tế rất quyết định làm nền tảng cho hiệp định ông ký kết, đó là Lòng Dân Việt cùng niềm tin của Dân Việt Nam không hề có đối với chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Trong khi đó thì Lòng Dân Việt ngược lại luôn hướng thiện cảm, tin cậy với chính phủ và Dân Mỹ, vậy mà Mỹ chưa được là đối tác chiến lược chứ chưa nói đến đối tác chiến lược toàn diện như Trung Quốc.
Vậy thế nào là đối tác chiến lược?
Theo giáo sư Va-lê-ri Lót-xkin (Nga), “đối tác chiến lược" phải bao gồm những nội dung sau:
Không tấn công lẫn nhau; không liên minh chống lại các nước khác; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; phải có lòng tin lẫn nhau.
Nếu xét trên bình diện này thì Trung Quốc không xứng đáng là đối tác chiến lược của Việt Nam chứ đừng nói đến đối tác chiến lược toàn diện như ông Mạnh ký, bởi hai yếu tố: niềm tin không có với nhau và Trung Quốc luôn can thiệp vào nội bộ lãnh đạo của Việt Nam, liên tục đe dọa, tấn công xâm lược Việt Nam.
Còn đối với Mỹ, đối tác chiến lược phải bao gồm hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh. Với tiêu chuẩn này, chỉ thật sự tin cẩn nhau và không tấn công nhau mới hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh. Hiện nay Mỹ chỉ có 24 đối tác chiến lược hoặc tương đương trở lên.
Cuộc đối thoại của bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang với bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chắc chắn vấn đề mấu chốt để có được hiệp định Đối tác chiến lược theo tiêu chuẩn của Mỹ là hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh đã được chia sẻ theo chiều thuận lợi.
Bởi, nếu không có sự chia sẻ thuận lợi này thì bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không thể công khai đề nghị với chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc về việc bàn thảo nâng cấp đối tác chiến lược được.
Trên bình diện trên Dân Việt Nam rất hoan nghênh tiến trình xích lại gần nhau lên tầm cao mới giữa Việt Nam và Mỹ.
LƯUTRỌNG VĂN 30.07.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.