dimanche 25 juillet 2021

Lưu Trọng Văn - Dám chơi sao không dám chịu?


Nhà báo Lê Kiên của báo Tuổi Trẻ có hỏi chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một câu rất hay:

"Có ý kiến đề nghị Quốc hội công khai "nút bấm" của mỗi đại biểu khi biểu quyết, để người dân giám sát và đánh giá năng lực của đại biểu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?"

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đáp:

"Việc biểu quyết phải theo quy định của pháp luật. Pháp luật hiện nay chưa quy định công khai việc bấm nút. Vì vậy, trên cơ sở ý kiến, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu."

Gã nhớ lại tại cuộc họp báo chiều 15/6, 2018 Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời câu hỏi về đề xuất công khai họ và tên của đại biểu khi biểu quyết thông qua các dự án Luật, công trình quan trọng quốc gia tại nghị trường.

Ông Phúc cho hay, trong số 283 nghị viện trên thế giới, 70 nghị viện chọn hình thức biểu quyết công khai danh tính đại biểu, còn lại không công khai.

Ông Phúc cho rằng:

"Hình thức nào cũng có mặt tích cực và ngược lại, quyết định ra sao là quyền của Quốc hội. Quốc hội Việt Nam chọn hình thức công khai kết quả biểu quyết nhưng không nêu danh tính".

Khi trả lời như trên ông Phúc đã lơ đi danh tính 70 nước công khai tên người bấm nút là các nước nào. Thực tế đó là đa số các nước văn minh hoặc theo đường lối dân chủ. Việt Nam lẽ ra nên chọn theo các nước đó, nhưng tiếc thay lại chọn ngược lại và tự an ủi: mình theo số đông.

Nhà sử học Dương Trung Quốc là người đầu tiên đưa ra kiến nghị yêu cầu Quốc hội phải công khai danh tính đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thuận hay nghịch của mình từ khóa 13. Sau đó, khi Quốc hội lấy ý kiến để sửa nội quy kỳ họp có đưa nội dung này ra xin ý kiến, tuy nhiên các đại biểu đã lựa chọn hình thức như các kỳ họp trước, nghĩa là biểu quyết không có danh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc khi đó đã phản ứng trước đa số đại biểu Quốc hội không dám công khai lá phiếu của mình:

"Tôi sẽ kiên trì nêu ý kiến và mong sớm được chấp thuận. Mỗi người có sự hiểu biết khác nhau nhưng trách nhiệm của người đại biểu dân cử thì như nhau. Mỗi lá phiếu đều bình đẳng, do vậy đại biểu phải biết lắng nghe, có năng lực phân tích và có bản lĩnh để quyết định, để nói lên điều mình nghĩ".

Tiếc rằng Quốc hội khóa 13 rồi năm năm của khóa 14 qua đi, ý nguyện của ông Quốc cũng là ý nguyện của đa số cử tri vẫn ở thì... ngâm cứu.

Ông Vương Đình Huệ chủ tịch Quốc hội khóa 15 này ngợi ca 499 đại biểu kỳ này( trừ đại biểu Nam, bí thư Bình Dương bị kỷ luật tước quyền đại biếu Quốc hội) đều là " kho tàng kiến thức" tức là trí tuệ tinh hoa.

Không biết các trí tuệ tinh hoa ấy để thể hiện trí tuệ tinh hoa của mình có dám "bước qua lời nguyền" của các đại biểu Quốc hội khóa 13 và 14 sẽ đồng ý công khai lá phiếu của mình không?

Bà con Nam bộ có câu rất hay: dám chơi, dám chịu.

Hề hề sợ đếch đứa nào?

LƯUTRỌNG VĂN 25.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.