Trong các thông báo của Bộ Y tế về số ca nhiễm ta thường được báo:
- 982 ca ghi nhận trong nước, trong đó 920 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
- 465 ca ghi nhận trong nước, trong đó 416 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
- 1.105 ca ghi nhận trong nước, trong đó 998 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa…
Báo chí đã phụ họa thêm để dân yên tâm rằng, số ca nhiễm trên dù ngày một cao hơn cũng không lây lan ra cộng đồng.
Số bị nhiễm trong khu cách ly là ai và cộng đồng là ai?
1. Khu cách ly tập trung:
Là nơi cách ly những người có thể bị nhiễm ra khỏi cộng đồng và cách ly chính họ với nhau. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay do số lượng người cách ly đông nên các trường trại không đảm bảo khoản cách cho người cách ly, đặc biệt khu nhà vệ sinh chung. Không có trường trại hoặc ký túc xá nào xây dựng hệ thống nhà vệ sinh chung để cách ly 2 người với khoản cách 2 mét.
- Khu này dành cho F1, họ đang ở ngoài cộng đồng chưa chắc có mầm bệnh nhưng bằng biện pháp hành chánh đưa hết họ vào trại. Mà điều kiện trường trại không cho phép họ cách ly, nếu có mầm bệnh thì dịch lây lan với tốc độ nhanh hơn!
Đưa vào khu cách ly thiếu điều kiện thì thật sự là đưa cộng đồng vào để lây nhiễm nhanh hơn, cao hơn!
Trong buổi họp báo ngày 13/07, Phó giám đốc phụ trách HCDC Nguyễn Hồng Tâm lại cho biết: Trong các ca bệnh, 98% là lây nhiễm trong cộng đồng (16.095 trường hợp, chiếm tỉ lệ 98,46%)?
Bài học ở các khu cách ly Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội đang tái lập tại TPHCM, Bình Dương và các nơi.
Không thể thực hiện mãi một mô hình có chút thắng lợi trong điều kiện, hoàn cảnh và các biến chủng đã khác xưa!
2. Khu phong tỏa:
Nhiều nơi có điều kiện về nhà cửa, phòng ốc - họ thu xếp cách ly với hàng xóm, ngay trong gia đình họ cũng phải tự thu xếp giãn cách. Trong khu phong tỏa chắc cũng không cần thiết phải có “bữa cơm gia đình”.
Tuy nhiên hiện nay, chính quyền thiếu yêu cầu, thiếu quy chuẩn cho các khu vực phong tỏa. Nơi nào cần phong tỏa thì dân phòng, công an kéo dây, kéo hàng rào sắt kiểm tra chặt chẽ việc ra vào khu vực. Còn bên trong họ có điều kiện cách ly không và có ý thức tự phong tỏa hay không, là việc của họ. Không đủ lực lượng để kiểm tra, giám sát. Đồng thời yên tâm rằng, virus lây nhiễm nếu có sẽ không lây lan ra cộng đồng?
Tuần rồi trong khu vực phong tỏa ở Tôn Đản, Quận 4 có đến 50 người bị nhiễm Covid, vì nhà cửa của họ không đủ điều kiện để cách ly, để giãn cách. Chuyện ở Tôn Đản, Quận 4 giống như chuyện ở các khu nhà ổ chuột ở Ấn Độ mà ở đó họ không có được 1/2 mét để sinh hoạt thì nói chi đến cách ly, giãn cách!
Bình thường họ có thể tự giãn ra xa hơn nhưng khi “phong tỏa” thì “nhốt” hết họ lại trong nhà không đủ điều kiện giãn cách, cách ly thì dịch sẽ bùng phát nhanh hơn.
Đừng nghĩ bị nhiễm trong khu cách ly tập trung hay khu phong tỏa là không liên quan gì đến cộng đồng, mà ta đang dồn cộng đồng vào đây để lây nhiễm nhanh hơn!
Chưa nói người trong khu phong tỏa có nhu cầu thiết yếu như: Đi cấp cứu, khám chữa bệnh, người kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như gas, điện, nước, nhân viên ngân hàng...vẫn được ra vào - nghĩa là vẫn còn nhiều mối quan hệ giữa người trong khu vực phong tỏa với cộng đồng.
Đến đoạn này thì chưa biết ai lây cho ai vì "F0 lang thang" có thể đang hiện diện khắp mọi nơi!
QUANGVĨNH 13.07.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.