lundi 12 juillet 2021

Nguyễn Đắc Kiên - Năm nhóm việc chống dịch của thành phố

 

Cho đến tận bây giờ thực sự tôi vẫn chưa thể mường tượng một cách rõ ràng kế hoạch chống dịch của TP.HCM, dù suốt những ngày qua tôi hầu như không bỏ sót một tin tức quan trọng nào liên quan đến tình hình dịch bệnh.

Vì thế, nay tôi tóm lược ra đây 5 NHÓM CÔNG VIỆC này vừa để đề xuất một số ý kiến, vừa như một lược đồ để thuận tiện cho việc theo dõi tin tức và kết quả chống dịch của thành phố.

(Thứ tự sắp xếp 5 nhóm không hẳn phản ánh sự cấp thiết hay tính ưu tiên, vì theo tôi cả 5 nhóm công việc này đều cấp thiết và cần được tiến hành đồng thời.)

1. NHÓM TRUY VẾT VÀ ĐIỀU TRỊ: Nguyên tắc là phải giảm thiểu số người tử vong vì quá tải hệ thống. Với số ca F0 lên đến hàng nghìn mỗi ngày qua, cũng như dự báo còn tiếp tục tăng cao trong những ngày sắp tới, thành phố có lẽ cần quyết định dứt khoát để các F1 đủ điều kiện cách ly tại nhà. Chỉ đưa vào khu cách ly tập trung các F1 có nguy cơ cao và có điều kiện cách ly không đảm bảo (như ở khu trọ chật hẹp, không có phòng riêng khép kín…).

Với các ca F0 đã phát hiện, thành phố rất đúng khi quyết định áp dụng mô hình “tháp 3 tầng” như đã áp dụng ở Bắc Giang. Theo mô hình này, các F0 mới phát hiện sẽ được đưa vào tầng 2 (khu vực theo dõi và sàng lọc). Sau khoảng 7-8 ngày không có biểu hiện bất thường, các bệnh nhân sẽ được chuyển xuống tầng 1 (nơi cách ly chờ ra viện). Trường hợp được phát hiện có xu hướng diễn biến nặng sẽ ngay lập tức được chuyển lên tầng 3 (khu vực điều trị và hồi sức tích cực)*.

Trong việc truy vết, khoanh vùng F0, thành phố có lẽ đã đúng khi quyết định khoanh vùng tập trung, thay vì dàn trải, chạy theo số lượng như thời gian trước. Tuy nhiên, theo tôi cần tập trung cho các khu vực có độ nhạy cảm và độ ưu tiên cao đó là các khu chợ, khu công nghiệp và nhất là các khu công nghiệp, địa bàn giáp ranh với các khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận. Mục tiêu là sớm thiết lập được một “hành lang xanh” an toàn giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận, giúp duy trì sản xuất và lưu thông hàng hóa.

2. NHÓM ĐẢM BẢO NHU YẾU PHẨM: Nguyên tắc là tận dụng tối đa sự năng động của khối tư nhân trong việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân. Đầu tiên phải nói đến việc cung cấp nhu yếu phẩm, bữa ăn hàng ngày cho nhóm người yếu thế. Thành phố cần tận dụng triệt để năng lực của các nhóm thiện nguyện đang hoạt động tích cực trên địa bàn, việc này giúp giảm tải gánh nặng lên chính quyền để dồn lực cho nhóm truy vết – điều trị, vốn đã đang quá tải. Thành phố chỉ nên đứng ra giữ vai trò điều phối và hỗ trợ (như cung cấp địa chỉ cần hỗ trợ, giúp giao hàng nếu có thể…), đảm bảo hoạt động hiệu quả và an toàn phòng dịch.

Theo đó, các nhóm thiện nguyện có thể đăng ký với phường sở tại để có giấy thông hành cho các thành viên. Tuy nhiên, các thành viên thiện nguyện phải cam kết tuân thủ 5K khi hoạt động và phải được xét nghiệm định kỳ mỗi 3 hoặc 6 ngày. Chi phí xét nghiệm thành phố nên chi trả và họ có thể xét nghiệm tại bất cứ điểm nào thuận tiện, chỉ cần trình ra giấy thông hành. Việc cấp giấy thông hành và xét nghiệm miễn phí có thể áp dụng tương tự với đội ngũ shipper (người giao hàng) đang hoạt động. Tính ra, việc này có thể tốn ít nhiều chi phí, nhưng hiệu quả phòng dịch và lợi ích kinh tế sẽ rất cao. Nếu làm được vậy thì thành phố có thể cho mở lại các hàng ăn uống chỉ bán mang về. Với yêu cầu các shipper tuyệt đối tuân thủ 5K và các hàng quán tuyệt đối chỉ bán mang về.

Không chỉ với các hàng ăn uống, thực tế những ngày qua, một số tiểu thương chợ truyền thống cũng đã áp dụng mô hình giao hàng tận nơi cho khách hàng thân thiết. Thay vì để họ “hoạt động chui” với nhiều nguy cơ lây lan dịch như hiện nay, thành phố có thể cho phép các tiểu thương này đăng ký chính thức việc bán hàng giao tận nơi với phường sở tại. Họ cũng sẽ được cấp giấy thông hành và xét nghiệm định kỳ miễn phí cho người giao hàng. Việc này vừa giảm tải áp lực cho hệ thống siêu thị, vừa cung cấp hiệu quả hàng hóa thiết yếu cho người dân, và nhất là có thể duy trì được sinh kế của các tiểu thương chợ truyền thống.

3. NHÓM DUY TRÌ SẢN XUẤT: Nguyên tắc là đảm bảo việc sản xuất phải được duy trì trong mọi hoàn cảnh. F0 xuất hiện ở đâu, khoanh vùng gọn tại đó và tiếp tục duy trì sản xuất. Việc thiết lập các luồng xanh lưu thông hàng hóa và công nhân cho đến nay có thể nói là chậm chạp. Với thực tế hầu hết các tỉnh lân cận đều áp dụng Chỉ thị 16 cho các địa bàn giáp ranh TP.HCM, việc duy trì yêu cầu giấy xét nghiệm đối với tài xế xe hàng và công nhân lao động là yêu cầu vô lý, cần loại bỏ. Thành phố cần thống nhất với các địa phương lân cận để mở rộng sớm nhất luồng xanh cho hàng hóa và công nhân thuận tiện đi lại.

Việc xét nghiệm cho công nhân và tài xế có thể thực hiện định kỳ (3 hoặc 6 ngày) ngay tại doanh nghiệp và cũng nên cân nhắc miễn phí xét nghiệm cho nhóm này, như một cách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Với mục tiêu hàng đầu là để sản xuất không bị gián đoạn trong mọi hoàn cảnh, các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch phân khu, phân nhóm tổ chức sản xuất vừa để đảm bảo yêu cầu chống dịch vừa để nếu trong tình huống xuất hiện F0 trong nhà máy có thể tách ngay riêng phân khu đó ra mà vẫn duy trì được sản xuất ở các phân khu khác.

4. NHÓM TUÂN THỦ GIÃN CÁCH: Nguyên tắc là kỷ luật, sử dụng hình phạt nghiêm khắc và nhất quán để nâng cao ý thức chống dịch của người dân. Nhiệm vụ hàng đầu của nhóm này là giám sát chặt chẽ, đảm bảo người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nếu người dân tuân thủ nghiêm ngặt giãn cách, khi đó di chuyển trong thành phố sẽ chỉ có lực lượng chức năng và các shipper, những người vốn đã được kiểm soát tốt bằng việc xét nghiệm định kỳ.

Việc người dân thực hiện nghiêm quy định giãn cách thực tế có ý nghĩa quyết định trong chống dịch và đảm bảo thành quả của các nhóm khác. Nếu 4 nhóm kia hoạt động tốt mà người dân không tuân thủ quy định thì việc truy vết, khoanh vùng, tiêm chủng coi như mất hết ý nghĩa. Hơn nữa, việc thực hiện nghiêm quy định giãn cách không chỉ có ý nghĩa trong 15 ngày thành phố áp dụng Chỉ thị 16 mà nó còn là cách để người dân tập quen với việc sống chung với Covid-19. Với các biến chủng mới vẫn đang xuất hiện thêm và những gì đang diễn ra các nước khác “cuộc chiến” với Covid-19 có lẽ sẽ còn dài lâu.

5. NHÓM TIÊM CHỦNG: Theo ý kiến chỉ đạo mới nhất của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, thành phố cần tạo ra được các vùng xanh an toàn. Theo tôi, đây là chiến lược đúng, và vùng xanh an toàn này trước tiên nên là các khu công nghiệp, các địa bàn giáp ranh với các khu công nghiệp của các tỉnh lân cận. Vì thế, đây không chỉ là vùng cần được tập trung xét nghiệm truy vết trước như đã nói ở trên mà cũng nên là vùng được ưu tiên chủng ngừa trước. Và một điều cũng quan trọng là thành phố nên thống nhất với các địa phương lân cận cùng thực hiện chiến lược này, tức là ưu tiên chủng ngừa cho các khu công nghiệp và các địa bàn giáp ranh. Việc này là để sớm tạo ra hành lang xanh giúp duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận, khi nhiều khả năng sẽ còn nhiều làn sóng Covid khác trong tương lai.

Ngoài nhóm ưu tiên này, cũng cần lưu ý đến nhóm người già trên 65 tuổi và nhóm có bệnh nền. Vì đây là những nhóm có nguy cơ cao, nếu nhiễm bệnh sẽ nhanh chuyển biến xấu gây áp lực rất lớn cho hệ thống điều trị, nhưng có lẽ nhóm này trước tiên nên khuyến cáo cách ly thật tốt để ưu tiên vắc-xin cho nhóm duy trì sản xuất trước.

NGUYỄNĐẮC KIÊN 11.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.