mardi 20 juillet 2021

Hoàng Hải Vân - Ai có quyền « định nghĩa » như thế nào là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ?


Một đôi vợ chồng có chị vợ tuổi mãn kinh thì không cần bao cao su, nên đối với họ bao cao su không phải là hàng thiết yếu. Nhưng đối với đôi vợ chồng trẻ cần hạn chế sinh đẻ, thì bao cao su rõ ràng là hàng thiết yếu.

Đối với gia đình toàn người lớn thì đồ chơi trẻ em không phải là hàng thiết yếu, nhưng đối với các gia đình có con trẻ thì đồ chơi là hàng thiết yếu.

Trên thị trường có hàng vạn các sản phẩm. Hàng hóa này đối với người này thì không thiết yếu nhưng đối với người khác thì thiết yếu, không ai có quyền chỉ định cái nào là thiết yếu cái nào là không trong phạm vi toàn xã hội.

Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu quản lý giá cả, nên Nhà nước đã phải định nghĩa như thế nào là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong một đạo luật. Đó là Luật giá năm 2012. Điều 4 Luật này quy định rõ : “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”.

Trong Chỉ thị 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm chống dịch Covid-19, Thủ tướng có yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra đường trong những trường hợp cần thiết, mà Công văn 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng đã xác định rõ. Trong đó có trường hợp được ra khỏi nhà để mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác”. Thủ tướng không chỉ rõ “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác” là hàng hóa, dịch vụ nào.

Chỉ thị 16 không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nó chỉ là văn bản điều hành của Thủ tướng. Bởi vậy, Chỉ thị của Thủ tướng tuyệt đối không được trái luật. Ngay cả các văn bản quy phạm pháp luật cũng không được trái luật, cũng như luật không được trái với Hiến Pháp. Thủ tướng cũng từng lưu ý rằng Chỉ thị này căn cứ vào luật pháp hiện hành mà ban hành.

Tôi nghĩ rằng người soạn thảo Chỉ thị cũng như soạn thảo công văn hướng dẫn không thể liệt kê danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, vì không thể liệt kê hết, mà liệt kê không hết thì sẽ phạm luật.


Ngay sau vụ “bánh mì không phải là lương thực” làm chộn rộn báo chí và mạng xã hội, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã ra văn bản “định nghĩa” như trong hình. Văn bản này quy định rất hẹp, không có các đồ dùng thiết yếu cho gia đình.

Tôi không có trong tay văn bản của TP. HCM. Nhưng căn cứ vào phát biểu của một Phó Chủ tịch thành phố “bán những mặt hàng thiết yếu thì được, ví dụ bán hiệu thuốc thì được, nhưng nếu bán nồi niêu xoong chảo thì không” thì sự hiểu của chính quyền thành phố này cũng không hơn gì chính quyền tỉnh Khánh Hòa.

Trong khi ở Tây Ninh, theo một quan chức cấp tỉnh trả lời Báo Thanh Niên thì ngoài những hàng hóa, dịch vụ như Khánh Hòa còn có Các mặt hàng kim khí, điện máy phục vụ các hoạt động của gia đình, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh (vật tư ngành điện dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp, điện tử, vật tư ngành nước, vật tư nguyên liệu xây dựng...).

Như vậy là mua nồi niêu xoong chảo ở Tây Ninh thì được, còn mua ở TP.HCM và Khánh Hòa thì không.

Chính phủ không “định nghĩa” như thế nào là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vì mấy ổng sợ phạm luật. Còn các địa phương thì coi luật không bằng mình nên co giãn mỗi nơi “định nghĩa” một cách. Đòi hỏi sự thống nhất trên toàn quốc “định nghĩa” này chỉ có một cách là đọc lại Luật Giá. Trong thực thi, người thi hành công vụ phải xét từng trường hợp để xem họ ra đường mua hàng có phải thiết yếu hay không, ví dụ một chị 60 mua bao cao su là không thiết yếu, còn một anh 70 mua bao cao su vẫn có thể là thiết yếu, vì biết đâu ảnh có vợ trẻ.

Đọc đến đây có người sẽ bảo đã chống dịch thì phải hy sinh các quyền tự do cá nhân. Vâng, vì lợi ích của cộng đồng, người dân sẵn sàng hy sinh nhiều quyền tự do cá nhân, việc hy sinh đó phải căn cứ vào luật. Chỉ thị 16, dù yêu cầu người dân thực hiện các quy định giãn cách nghiêm ngặt nhưng vẫn trong phạm vi luật pháp hiện hành. Chống dịch theo Chỉ thị 16 là chống dịch theo luật pháp, là người dân phải tuân thủ luật pháp và cơ quan chính quyền các cấp cũng phải tuân thủ luật pháp.

Nhà nước ta vẫn chưa áp dụng Luật về tình trạng khẩn cấp để giao quyền lớn hơn cho Chính phủ và chính quyền địa phương là xuất phát từ nhận định cho rằng, hệ thống của chúng ta vẫn có thể chống dịch có hiệu quả mà không cần cái giá quá đắt khi áp dụng luật về tình trạng khẩn cấp.

Cuối cùng cũng xin lưu ý, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị mở lại các chợ truyền thống là rất tốt, nhưng ông lại kèm theo yêu cầu “quy định chỉ được phép mua bán mặt hàng thiết yếu cho người dân, như lương thực thực phẩm, rau, thuốc men” thì có vấn đề. Yêu cầu này vừa sai luật, vừa tạo cơ hội nhũng nhiễu cho những người thực thi.

HOÀNGHẢI VÂN 20.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.