mercredi 12 mai 2021

Trung Quốc chưa giàu đã già, ‘Trung Hoa mộng’ của Tập Cận Bình khó thành


Đăng ngày:


Chậm công bố để chỉnh sửa số liệu nhằm duy trì vị trí nước đông dân nhất ?

Thể diện đã được cứu vãn nhờ những số liệu hẳn đã được « làm đẹp ». Sau nhiều tuần lễ chần chừ với nhiều đồn đãi, hôm qua rốt cuộc Bắc Kinh đã công bố kết quả điều tra dân số rất được chờ đợi, tiến hành cứ mỗi 10 năm. Cuối tháng Tư, Cơ quan Thống kê Quốc gia đã bác bỏ thông tin của tờ Financial Times, theo đó dân số của nền kinh tế thứ nhì thế giới đã sụt giảm - lần đầu tiên kể từ nạn đói khiến hàng chục triệu người chết năm 1961. Trong năm kỷ niệm 100 đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) 100 tuổi, loan báo về việc dân số giảm – với nhiều hậu quả kinh tế xã hội – đã gây nghi ngờ về « Giấc mộng Trung Hoa » của Tập Cận Bình.

Áp lực đang tăng lên đối với Bắc Kinh để tránh đất nước già đi trước khi trở nên giàu có. Với tỉ lệ 0,53% một năm, tỉ lệ tăng dân đang ở mức thấp nhất kể từ khi áp dụng chính sách mỗi gia đình chỉ có một con trong thập niên 70. Dù chận được Covid, số trẻ mới sinh năm ngoái chỉ còn 12 triệu, sau khi năm trước đó là 14,65 triệu – mức thấp nhất từ 1961. Ngược lại, số người lớn tuổi không ngừng tăng lên, với 264 triệu người Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên năm 2020, chiếm 18,7% dân số (năm 2010 là 13,3%). Trong khi đó dân số trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) tiếp tục lao dốc, chỉ còn 63,3% năm 2020 (10 năm trước là trên 70%).

Các số liệu trên đây, dù một số nhà nghiên cứu cho rằng vẫn chưa đúng với thực tế, khẳng định dân số Trung Quốc đang bị lão hóa. Tháng 11 năm ngoái, một cơ quan tư vấn chính phủ ước tính dân số Trung Quốc đạt đỉnh năm 2027 (năm mà Ấn Độ sẽ chính thức trở thành nước đông dân nhất thế giới). Nhưng với số liệu vừa công bố, đỉnh này có thể đạt tới ngay trước năm 2025. Giáo sư Yi Fuxian ở trường đại học Wisconsin-Madison ước tính Trung Quốc hiện có thể đã mất đi thứ hạng đầu, với dân số chỉ còn 1,26 tỉ người, đứng sau Ấn Độ với 1,3 tỉ.


Lão hóa dân số quá nhanh mang lại nhiều hậu quả

Tháng trước Cai Fang, phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc đã dự báo, Trung Quốc sắp sửa từ « dư thừa lao động trở nên thiếu nhân công, với nhịp độ nhanh nhất trong lịch sử ».

Ngay cả Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo « Trung Quốc phải nhìn nhận tình trạng dân số đã thay đổi ». Báo cáo của bốn nhà nghiên cứu thuộc ngân hàng này gây rúng động : « Trung Quốc đã trở thành một xã hội của người già trong vòng chỉ 20 năm, quá nhanh so với Pháp (140 năm), Thụy Điển (85 năm), Hoa Kỳ (72 năm) ». Vấn đề là việc lão hóa diễn ra trong lúc GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ mới có 10.000 đô la/tháng, còn ở các nước phát triển là trên 30.000 đô la.

Hậu quả có thể khá nặng nề đối với một Trung Quốc đã phát triển kinh tế nhờ lực lượng nhân công dồi dào. Dân số già cộng với bong bóng địa ốc có thể kéo Trung Quốc vào một « thập kỷ mất mát » như Nhật Bản, khiến lời hứa hẹn của Tập Cận Bình - biến Trung Quốc thành một nước « xã hội chủ nghĩa hiện đại » năm 2035 - có nguy cơ không thể trở thành hiện thực.

Dân số giảm còn gây hậu quả trầm trọng hơn, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tranh giành vị trí đại cường số một thế giới của Washington : từ nay đến 2050 dân số Mỹ tiếp tục tăng. Trong khi bốn thập niên qua Trung Quốc rút ngắn khoảng cách với Hoa Kỳ nhờ lực lượng lao động rẻ và đông đảo, « giờ thì chúng ta có thể dựa vào đâu trong 30 năm tới ? » - Ngân hàng Trung ương lo lắng.

Tại sao việc kết thúc chính sách mỗi gia đình chỉ có một con lại không tạo ra bùng nổ trẻ em ở Trung Quốc, năm năm sau khi từ bỏ chính sách này, mà lại giảm đi ? Thông tín viên Le Figaro lý giải, các cặp vợ chồng trẻ lo ngại trước vô số chi phí : học hành, chữa bệnh, hoạt động ngoại khóa…chưa kể đến giá thuê nhà cao ngất ngưỡng ở các thành phố lớn.


Đến giữa thế kỷ, lớp người trên 65 tuổi sẽ chiếm 1/3 dân số Trung Quốc

Trước nạn lão hóa dân số, Bắc Kinh muốn kéo dài tuổi về hưu. Ý thức rằng chủ đề này sẽ gây bất mãn lớn, ĐCSTQ tỏ ra mơ hồ trong dịp trình bày kế hoạch 5 năm lần thứ 14 vào tháng Ba vừa qua. Thủ tướng Lý Khắc Cường trong bài diễn văn rất dài dòng chỉ nói thoáng qua là cần phải có chiến lược kéo dài dần tuổi về hưu theo luật định. Nhưng vài từ ngắn ngủi này đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên các mạng xã hội : chủ đề được đọc trên 300 triệu lượt và có gần 60.000 lời bình.

Tuổi về hưu cho nam ở Trung Quốc hiện nay là 60, và nữ là 55, không thay đổi kể từ bốn thập niên qua. Một cư dân mạng tố cáo, « Trung Quốc muốn theo tiêu chuẩn quốc tế về tuổi hưu nhưng vẫn giữ mô hình của mình về thời gian lao động và phúc lợi xã hội ». Một người trẻ khác mỉa mai trên Vi Bác : « Với 12 tiếng đồng hồ làm việc mỗi ngày, tôi chẳng còn sống nổi đến lúc về hưu ». Hầu hết dân Hoa lục cho rằng với việc làm lụng vất vả bất kể giờ giấc và phúc lợi xã hội quá kém, họ có quyền nghỉ hưu lúc 60 tuổi.

ĐCSTQ có thể làm gì hơn, khi dân số lao động từ nay đến 2035 sẽ thấp hơn mức trung bình của thế giới ? Theo các nhà kinh tế của ANZ, số lượng người trên 65 tuổi đang gia tăng nhanh chóng : từ 7% dân số năm 2000 nay đã chiếm 13,5%, và đến giữa thế kỷ này có thể lên đến 1/3 dân số Trung Quốc ! Một quả bom nổ chậm !


Xung đột đẫm máu từ Jerusalem đến Gaza

Tại Trung Đông, xung đột Israel-Palestine tái diễn là chủ đề được tất cả các báo quan tâm. Le Monde chạy tựa « Leo thang đẫm máu từ Jerusalem đến Gaza ». Sáng thứ Hai, phe Hamas đã bắn 200 quả đạn rốc-kết, trên 90% được hệ thống Vòm Sắt của Israel chặn lại. Israel trả đũa bằng việc không kích vào 130 mục tiêu quân sự, làm 22 người chết ở dải Gaza.

Khi nhắm vào Jerusalem lần đầu tiên kể từ 2014, Hamas đứng trước nguy cơ lớn, nhưng theo Le Monde, phe này còn có gì để mất ? Việc chủ tịch Abbas hoãn lại vô thời hạn các cuộc bầu cử dự kiến tổ chức lần đầu tiên từ 15 năm qua tại Palestine là một đòn nặng cho chiến lược « bình thường hóa » của phong trào Hồi giáo vũ trang.

Với việc tham gia tranh cử, Hamas muốn trút bỏ gánh nặng quản lý 2 triệu dân ở dải Gaza đang bị Israel phong tỏa, đồng thời trở thành đối tác không thể thiếu của các nước trong ban lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Giờ đây hy vọng đã tắt, chỉ còn lại giải pháp bạo lực.

Cuộc khủng hoảng còn do khoảng trống quyền lực ở Israel. Sau bốn cuộc bầu cử trong vòng hai năm, không lập được chính phủ liên minh, nhiều bộ chưa có bộ trưởng, công việc đình đốn. Về phía Palestine cũng đang bế tắc. Ở Washington, chính quyền Biden ít muốn dính líu, Liên hiệp Châu Âu và Pháp cũng không hơn.


Vừa thoát khỏi đại dịch, Israel lại phải bắt đầu một cuộc chiến mới

La Croix giải thích vì sao Hoa Kỳ muốn đứng ngoài. Ngược với các tổng thống tiền nhiệm, Joe Biden bước vào Nhà Trắng không với tham vọng giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine đã kéo dài hơn 70 năm qua. Tổng thống và ê-kíp muốn tập trung vào những mối đe dọa trực tiếp hơn đối với an ninh quốc gia Mỹ, như đối địch với Trung Quốc hay hồ sơ nguyên tử Iran. Không giống như Barack Obama hay Donald Trump, Joe Biden không bổ nhiệm đặc phái viên cho vùng Cận Đông, đại sứ tương lai tại Israel vẫn chưa được chọn ra, chính quyền mới không dự định tổ chức một hội nghị hòa bình nào.

Nhà phân tích Mairav Zonszein nhận định, có một sự đồng thuận ngầm rằng đó chỉ là nỗ lực vô ích. Cho đến nay, Biden vẫn kế tục chính sách của cựu tổng thống Donald Trump : không thay đổi quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đại sứ quán Mỹ vẫn đặt tại đây, tiếp tục quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Nhà nước Do Thái và các quốc gia Ả Rập. Chỉ có một thay đổi nhỏ là viện trợ kinh tế và nhân đạo trở lại cho Palestine.

Về tình hình tại chỗ, nhà chính trị học David Khalfa nhận xét trên La Croix, các bên thật ra không muốn lao vào một cuộc chiến tranh mở rộng. Cuộc xung đột mặc nhiên mang lại thế mạnh cho ông Netanyahou. Les Echos cho biết tối thứ Hai, chính giới Israel hầu như đều đứng chung một mặt trận, những bất đồng giữa những người ủng hộ và chống đối thủ tướng bỗng biến mất. Tất cả đều ủng hộ một giải pháp quân sự mạnh mẽ ở dải Gaza. Trong khi chờ đợi, 5.000 quân dự bị đã được động viên, quân đội hủy bỏ một cuộc tập trận quy mô. Vừa mới thoát khỏi đại dịch, Nhà nước Do Thái lại phải bắt đầu một cuộc chiến mới.


Pháp : Mại dâm thông qua internet gia tăng

Tại Pháp trên lãnh vực xã hội, Libération dành tựa chính cho « Những mạng lưới mại dâm mới » qua internet. Ngày càng có nhiều phụ nữ, đôi khi là vị thành niên được tuyển mộ trên mạng cho dịch vụ này. Các cô không phải đứng ngoài đường mà hành nghề thông qua các căn hộ thuê tạm từ Airbnb, bọn ma cô săn mồi trên Instagram hoặc Snapchat.

Tờ báo nêu trường hợp Maria, một phụ nữ từ Colombia đến vào tháng 3/2020 với hy vọng đổi đời với công việc cô giữ trẻ trong một gia đình ở Pháp. Cô được đón từ sân bay, cả vé máy bay cũng đã được người chủ trả trước. Nhưng vừa vào nhà cô đã hiểu : một căn phòng 17 mét vuông với màn che và ba chiếc giường nhỏ, bốn phụ nữ đồng hương ăn mặc khêu gợi. Maria đã rơi vào bẫy của một mạng lưới mại dâm lớn có hệ thống camera theo dõi. Tiếng không biết, nước Pháp đang bị phong tỏa, biết đi về đâu ?

Tháng Hai vừa rồi, mạng lưới này đã bị cảnh sát Pháp phá vỡ, nhờ một cô gái chạy trốn được. Cảnh sát khám xét 17 địa điểm tại Pháp và bốn nước khác, bắt được 10 tên ma cô. Đây chỉ là một phần nhỏ của mại dâm hiện đại, các phụ nữ đến từ bốn nước chính là Colombia, Nigeria, Rumani và Trung Quốc. Những mẩu quảng cáo được đăng trên nhiều mạng chuyên nghiệp khác nhau có trụ sở ở nước ngoài, địa điểm thay đổi thường xuyên qua các căn hộ Airbnb, bọn ma cô nắm việc trả lời điện thoại và thu tiền, khách hàng không thiếu. Kiếm tiền quá dễ qua vài cú nhấp chuột, cũng có những thiếu nữ nhỏ tuổi chủ động nhập cuộc.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.