Sự thật lịch sử này là cuộc đấu tranh kiên trì của không ít báo, trong đó, Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo đầu tiên nêu ra từ 2007 với loạt bài ba kỳ.
Trước đó, năm 2005, Viện Lịch sử Quân sự đã tổ chức một cuộc "hội thảo khoa học" ồn ào để công nhận trung tướng Phạm Xuân Thệ, tư lệnh Quân khu. In sách hẳn hoi.
Nhiều báo đài không chấp nhận sự thật lịch sử bị bẻ cong này. Họ có chứng cứ, họ có nhân chứng. Mười mặt một lời, khẳng định đại tá Bùi Văn Tùng.
Có ai đó nói tại sao ông Tùng không có ý kiến? Xin nói rõ: đại tá Tùng là người thẳng thắn, bộc trực - đúng "căn cốt" Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông viết không biết bao nhiêu đơn lên cấp chỉ huy theo tình thần được rèn luyện trong quân đội, trong tổ chức: đấu tranh từ cơ sở. Chỉ không tranh cãi trên báo chí làm xấu mặt ai kia này nọ thôi.
Sau 1975, ông Tùng về làm dân Ông Tạ, cách nhà tôi vài trăm mét. Con gái ông là Quỳnh Hoa học sau tôi mấy lớp ở Ngô Sĩ Liên, đi chơi với bạn bè Ông Tạ, toàn dân Bắc 54 Công giáo; Noel đi lễ với bạn bè. Ông không hề ngăn cản, thậm chí còn vui: “Những nguời có đạo là những người sống có đức tin, có đạo đức. Người trí thức có đạo Việt Nam kết hợp những đức tin và văn hóa thế giới với đức tin, văn hóa ông bà, dân tộc Việt nên thường là những người tân tiến”.
Sau 1975, trung tá Tùng cho rằng những trí thức VNCH học hành đàng hoàng, có trình độ nên từng đề nghị chỉ tổ chức cho các sĩ quan, binh lính VNCH học tập chính sách mới của chế độ mới vài ngày để họ hiểu rồi cho về làm việc, đóng góp tiếp tục cho xã hội.
Ông nói vậy vì chính ông cũng là một trí thức, có trình độ. Con gái ông bảo tôi: "Nếu không có chiến tranh, ba em sẽ là nhà khoa học". Đọc những chữ biên tập của ông trên bản viết của ông Dương Văn Minh; rồi bản tiếp nhận đầu hàng của ông, không có một chữ thừa - trong bối cảnh căng thẳng lúc đó là đủ hiểu.
Thế nhưng không phải một sớm một chiều sự thật ấy được công nhận khi có một đại úy, sĩ quan dưới ông hai cấp bỗng nhận “thành tích” ấy là của mình. Báo Tuổi Trẻ là một trong vài tờ báo đầu tiên nói ra sự thật ấy cả chục năm trước, từ những chứng cứ của mình.
Cụ thể từ 2007, hai nhà báo Bùi Thanh và Lam Điền của báo Tuổi Trẻ đã viết về “cuộc tranh chấp sự thật giữa nhiều cơ quan, báo đài và giữa hai người lính: đại tá về hưu Bùi Văn Tùng và trung tướng tư lệnh Quân khu I Phạm Xuân Thệ”.
Khi ấy, viên sĩ quan dưới cấp bậc ông Tùng đã là trung tướng, anh hùng, quyền lực nghiêng trời lệch đất; còn ông Tùng khi về hưu vẫn là đại tá bình thường.
Một điều thú vị: một trong những người góp phần quan trọng cho việc quyết liệt đòi lại sự thật lịch sử ấy cũng là một người Ông Tạ: tiến sĩ sử học tài danh Nguyễn Nhã, dân hẻm 158 Thoại Ngọc Hầu. Nhà đại tá Tùng và tiến sĩ Nhã sau 1975 cách nhau chỉ hơn nửa cây số.
Thôi, tôi không viết lịch sử và không đủ tư cách làm chuyện này. Tôi chỉ biết Nguyễn Quý Đôn, cháu và ở cùng nhà với ông Nhã là bạn học với tôi và con ông Tùng, Bùi Thị Quỳnh Hoa cùng là học trò Ngô Sĩ Liên với tôi. Năm học 1976-1977, tôi học 9P1, còn Hoa học sau tôi ba lớp, 6A7. Hoa bảo: “Bạn bè toàn là dân Bắc 54 nên mình thấy gần gũi”.
Năm đó, Hoa chi đội phó. Chi đội trưởng là Trần Thị Mai Trâm, con một vị tá Việt Nam Cộng hòa. Nhỏ Trâm hay bảo “Việt Nam Cộng Hòa không thua trận mà do Mỹ đã bỏ rơi”. Lúc đó, tuy hãnh diện về những gì ba mình đã làm nhưng tính Hoa hiền khô, tôn trọng bạn nên cũng không tranh luận, cãi cọ. Bạn bè chơi với nhau cốt ở tấm lòng, đưa chính trị vô dễ bất hòa. Sau này, Hoa buồn rất lâu khi nghe nói ba Trâm mất trong trại cải tạo.
Một cô bạn khác của Hoa tên Phùng Thị Tuyết Nga, ba đại tá Việt Nam Cộng Hòa, nhà ở khu rất đẹp trong cư xá Tự Do. Tuyết Nga nhỏ nhắn, hiền, “có cậu em trai gầy gò, hai chị em đều răng khểnh và cười rất tươi”. Sau này, Hoa nhói tim khi nghe nói người em trai này mất trên đường đi vượt biên.
Giờ lịch sử đã được trả lại sự thật. Nhiều người, trong đó có cả những vị tướng tá Quân đội đã lên tiếng rất quyết liệt. Có người đề nghị phong đại tá Tùng anh hùng.
Viện Lịch sử Quân sự vẫn im lặng. Ông Thệ cũng im lặng.
Đó là chuyện của họ. Nhưng lịch sử đã lên tiếng nói và phải được chính thức xác nhận, trên công luận và trong sách giáo khoa.
Đại tá Tùng giờ đã yếu lắm, ăn uống con cháu phải đút. Ông không cần những danh vị nữa. Nhưng ông cần sự thật. Lịch sử cần sự thật, nhất là sự thật về những con người có nhân cách.
Con trai ông là Bùi Nam Hải, đang chăm sóc bố từng ngày cũng bảo: "Những người sống theo lý tưởng mình đã lựa chọn; có khí tiết và nhân cách, ở bất kỳ chế độ nào, cần phải được tôn trọng".
CÙMAI CÔNG 02.05.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.