mardi 3 mars 2020

Tâm Chánh - Tự sự Đầm Dơi từ Đồng Nọc Nạn



Hơn ai hết, người thầy cảm nhận gánh nặng mình đã phiền lụy đến tập thể, đến xã hội. Phần lớn trí thức hiện diện trong đời sống thường nhật xung quanh chúng ta đều lặng lẽ chọn cho mình ứng xử đó. Chúng tôi là ngôi thứ nhất mỗi khi họ muốn diễn đạt về mình. Sức nặng của tập thể, của tổ chức nặng oằn mỗi cân nhắc ứng xử của họ. 

Tôi tin đến mức đau đớn khi đọc những gì người thầy ở Đầm Dơi trả lời báo Tuổi Trẻ. Những trí thức thường nhật trong cuộc sống của xứ sở chúng ta ai mà không cảm thấy mình nhỏ mọn, đơn lẻ, không phải từ bây giờ, mà như từ tiền kiếp, trong nền tảng văn hóa truyền thống. Mỗi chúng ta đều như nô thuộc với chính trị không phải từ bây giờ.

Những người thầy ngồi hội đồng kỷ luật, cả thầy hiệu trường, vẫn cố gắng để khéo léo tận tình với đồng nghiệp mình bị nạn. Mọi nổ lực của cái tập thể bề ngoài có vẻ quyền lực ấy, rất nhanh chóng để chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ hoá không, cốt còn giữ lại cho đồng nghiệp mình thân phận người thầy. Phần lớn “bọn” quản lý ấy, có cách vào vai ác mà cơ chế phân định bằng phủ dụ, giữ được cây lo gì không có rừng. 

Tôi cũng tin, bằng những gì gói ghém trong công văn nhà trường báo cáo phòng giáo dục, các thầy cô đã cố gắng hết sức có thể để những ngôi thứ nhất nhỏ mọn, đơn lẻ ấy không phải đối diện với sự bủa vây của đủ thứ đầu trâu mặt ngựa xưng danh cơ chế. 

Đối diện với truyền thông là một thực tế khắc nghiệt với họ. Người trí thức ngại lôi mình ra giữ chốn thị phi nên càng cố gói ghém. Ngay đến ngành giáo dục tỉnh cũng đứng về phía các thầy gói ghém. 

Nhưng khi những người thầy cố trừ đi mình thì nhà chức trách địa phương, gọi nôm na là quan huyện, chẳng ngần ngại gì thị phi cho người thầy. Ông ta mặc nhiên xác tín sự nô thuộc chính trị trong đời sống của chúng ta khi giãy vụ việc khỏi trách nhiệm của mình, “việc ấy sai rồi, không ai cho phép làm như thế cả”. Đích thị não trạng phụ mẫu chi dân. Cái nhân dáng của ông quan huyện phinh phính và nung núc như Nguyễn Công Hoan mô tả trong Vào cửa quan hiện nguyên thành nhận dạng mang tên cơ chế trong cuộc sống chúng ta. Cuộc sống ấy chính là cách tồn tại bằng sự cho phép. Tất tần tật phụ mẫu được quyền cho phép.

Đầm Dơi không quá xa cánh đồng Nọc Nạn vốn lưu giữ một thần tích thời hiện đại. Đó là cuộc đấu tranh giành lấy sự chính đáng cho con người trước quyền lực chính trị. 

Những người nông dân theo chủ trương đến đăng ký bằng khoán cho số ruộng đất mà mình khai phá hợp pháp. Nhưng quan quyền biến điều mình phải làm thành một thứ ban phát. Lần đầu là bảo vệ người khai khẩn hợp pháp trước sự tranh giành của hào phú địa phương. Tin lẽ phải của mình chủ đất khiếu nại tới tận thống đốc Nam Kỳ, đến toàn quyền Đông Dương. Nhưng mặt trời không thức cùng đêm tối Nọc Nạn. 

Nền hành chính cai trị vừa giữ trị an vừa làm kẻ cướp đã biến vụ việc thành một cuộc tranh chấp đẫm máu. Người nông dân trong đủ thế giằng co quyết giữ đất đai của mình đã sơ sẩy thành tội phạm giết người, tiêu tán của cải, cả nhà điêu đứng lầm than. Cánh đồng loang máu khi con gái chủ đất cắm mũi dao vào viên sĩ quan quân đội Pháp uy hiếp cô. Năm mạng người ngã xuống đã khiến đồng Nọc Nạn tuyệt vọng trước trùng vây của quan quyền Tây ta do một hoa kiều thôn tính đất đai tài trợ. Vụ tranh chấp đã biến thành vụ giết người, phần thắng hẳn nhiên thuộc về kẻ cướp trong phiên tòa sơ thẩm.

Nhưng “quới nhân” đến từ Sài Gòn đã thắp lại tự trọng cho Nọc Nạn. Đó là các nhà báo, các chính trị gia đã bằng lý lẽ của luật pháp thắp sáng lại ở đất Bạc Liêu xưa niềm tin vào tự do, kể từ khi ông bà tổ tiên họ theo luật pháp nhà Nguyễn đến khai phá đất này. Giữ của cải chính đáng của mình tạo dựng là cách các quới nhân thức tỉnh tự trọng của người nông dân. 

Vụ án đồng Nọc Nạn được các tầng lớp tiến bộ đương thời “cùng vào cuộc”. Hai nhà báo của đảng Lập Hiến do ông Bùi Quang Chiêu thành lập đã thỉnh từ Pháp hai luật sư nổi tiếng tranh tụng cho các chủ đất đồng Nọc Nạn. Báo chí gần như không rời mắt theo dõi vụ xử cả trong phiên tòa, lẫn trong dư luận và chính giới. Chung thẩm họ thắng kiện. 

Đó không phải là một truyện phim hay cổ tích được thêu dệt mà là thực tế còn lưu trên báo chí, văn khố, án tích thời thuộc địa. Đó là sự thật về niềm tin vào sự chính đáng đối đẳng với cường quyền, là một thần tích của hào khi Nam bộ.

(Đất Nam Bộ có những nhân vật lịch sử được biết đến như danh nhân vì khả năng sử dụng lý lẽ, lập luận thắng cường quyền. Có dịp sẽ kể hầu bạn bè. Sự đặc sắc này rất kỳ khôi Nam Bộ, chuyện không thấy Bao Công, xài lý lẽ, lập luận không phải là những người học rộng biết nhiều mà là lão nông, phụ nữ, lý lẽ là thứ tài sản chung họ tin ai cũng bình đẳng chiếm hữu).

Một lập luận nổi tiếng từ vụ án này của luật sư người Pháp không chỉ giúp những người khai khẩn đất đai khỏi tội sát nhân, xác nhận đất điền hợp pháp của họ, mà còn chấn động các xứ thuộc địa, rằng “chúng ta cần một nền độc tài, chính là nền độc tài của con tim.”

Không ai giảng giải cho người nông dân nền độc tài ấy có được chỉ là khi quyền lực cai trị khuất phục tính chính đáng của họ. Họ không đánh đổi hoặc mong được ban phát mà đòi cái thuộc về họ. 

Nhà báo, các chính trị gia, các luật sư đã trợ giúp tích cực với những người nông dân không phải bằng sự cứu vớt. Bảo vệ được tính chính đáng của người nông dân trên cánh đồng Nọc Nạn là tự trọng mà họ càng gắng gìn giữ khi quốc gia do người ngoài cai trị. Đó cũng là tự trọng của kẻ có chữ khi máu đồng bào nhòe ướt những trang lập luận, những dòng lý lẽ mình ra rả mỗi ngày.

Dòng tự sự ấy không lẽ sẽ kết thúc trên vùng đất Đầm Dơi hôm nay?

(Lại ngoặc một chút. Ông Bùi Quang Chiêu ở Mỏ Cày, Bến Tre, là người Việt đầu tiên đậu kỹ sư canh nông ở Pháp, là một nhà yêu nước chủ trương vận động pháp quyền, đấu tranh nghị trường đòi tự trị, để lần hồi giành lại độc lập. Ông nổi tiếng là người Việt diễn thuyết bằng tiếng Pháp cho các mục tiêu đấu tranh của mình ngay trên nước Pháp. Ở Pháp ông cũng mấy lần gặp Hồ Chí Minh nhưng không thống nhất được phương lược cứu nước. Bị Pháp ghép tội chống Pháp. Khi có Việt Minh, ông bị Việt Minh thủ tiêu vì cho ông là Việt gian. Câu chuyện quan điểm và hoạt động của ông có lẽ sẽ dần được khôi phục chân thực hơn, giúp nhìn thấy một đời sống xã hội sinh động làm nên tính cách phóng khoáng, tự do của người dân Nam Kỳ).

TÂM CHÁNH 03.03.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.