mardi 12 avril 2016

Biển Đông : Bắc Kinh "rất bất bình" về tuyên bố của G7

Các ngoại trưởng G7 tại đền Itsukushima, 10/04/2016.

Bắc Kinh « rất bất bình » về tuyên bố của khối G7 kêu gọi kiềm chế tại các vùng biển tranh chấp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/04/2016 cho biết như trên, trong bối cảnh châu Á đang quan ngại trước tham vọng lãnh thổ và quân sự của Trung Quốc.
Ông Lục Khảng (Lu Kang), phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc nói : « Trung Quốc hết sức bất bình về cung cách làm việc của G7. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia thành viên G7 thực hiện cam kết của mình là không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ, tôn trọng những nỗ lực của các nước trong khu vực, chấm dứt mọi tuyên bố và hành động vô trách nhiệm, đóng góp một cách xây dựng vào hòa bình và ổn định trong khu vực ».

Lần đầu tiên hai chiến hạm Nhật đến cảng Cam Ranh


Báo chí Nhật ngày 12/04/2016 loan tin, lần đầu tiên kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, hai khu trục hạm của Hải quân Nhật Bản đã đến cảng chiến lược Cam Ranh của Việt Nam. Tờ Japan Times gọi đây là chuyến thăm lịch sử, còn Asahi Shimbun nhận định đây là dấu hiệu hợp tác chặt chẽ hơn của quốc phòng Việt-Nhật.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội khẳng định, đây là lần đầu tiên hai khu trục hạm được hỏa tiễn dẫn đường - chiếc Ariake và Setogiri - đến Việt Nam, trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày. Hãng tin Kyodo cho biết, Hải quân thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (MSDF) sẽ sử dụng hai khu trục hạm trên để diễn tập chung với Hải quân Việt Nam, là một phần của chương trình huấn luyện các học viên sĩ quan Hải quân Nhật.

Afghanistan : Taliban loan báo chiến dịch tấn công mùa xuân


Phe Taliban ở Afghanistan ngày 12/04/2016 loan báo khởi đầu chiến dịch « tấn công mùa xuân ». Đây là dấu hiệu cho thấy phe này không hề có ý định thương thảo với chính quyền Kaboul, hiện đang phải chiến đấu mà không có sự yểm trợ của quân NATO.
Do mùa đông năm nay không lạnh lắm, và ban lãnh đạo mới hiếu chiến hơn, phe Taliban không hề tiến hành ngưng bắn. Đợt tấn công mới được đặt tên là « Chiến dịch Omari » để tưởng niệm giáo sĩ Omar, người sáng lập phong trào đã quá cố, nhằm « tung ra những đợt tấn công quy mô lớn vào các vị trí của kẻ thù trên toàn quốc ». Taliban còn loan báo sẽ có các vụ tấn công tự sát.

Thép giá rẻ Trung Quốc: Pháp kêu gọi châu Âu thức tỉnh

Một nhà máy thép ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Manuel Macron ngày 11/04/2016 tại Strasbourg khẳng định cần phải có những biện pháp khẩn cấp để tránh việc thép Trung Quốc bán phá giá ồ ạt nhập vào, phá hoại ngành luyện kim châu Âu.
Ông Macron nhấn mạnh, thép Trung Quốc bán phá giá do sản xuất thừa, de dọa kỹ nghệ châu Âu trong lúc ngành luyện kim đang tái cấu trúc và tăng cường đầu tư để cạnh tranh trong thời đại toàn cầu hóa.

Bỉ truy tố thêm hai nghi can khủng bố


Viện Kiểm sát Liên bang Bỉ ngày 12/04/2016 loan báo đã khởi tố thêm hai nghi phạm có liên quan đến các vụ khủng bố làm 32 người thiệt mạng hôm 22/3 tại Bruxelles.

Hai nghi can Smail F. sinh năm 1984 và Ibrahim F. sinh năm 1988 bị cho là liên can đến việc thuê một căn nhà ở Etterbeek, dùng cho vụ tấn công trạm xe điện ngầm Maelbeek và sân bay Zaventem. Hai người này bị khởi tố vì các tội danh tham gia hoạt động của một nhóm khủng bố, sát nhân và mưu toan sát nhân bằng hành động khủng bố ; với vai trò thủ phạm hay đồng phạm.

lundi 11 avril 2016

Làm giả bản đồ biên giới với Việt Nam, một dân biểu đối lập Cam Bốt bị bắt


Dân biểu đối lập Um Sam An đã bị bắt giữ vì đăng lên Facebook một bản đồ giả mạo để chứng minh chính quyền nhượng đất cho Việt Nam. Nguồn tin từ chính phủ Cam Bốt hôm nay 11/04/2016 cho biết như trên.
Ông Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ nói rằng : « Ông Um Sam An đã lập ra một bản đồ biên giới giả mạo, và sử dụng bản đồ này để kích động chống chính quyền ». Dân biểu này liên tục đăng bản đồ giả trên Facebook, sẽ bị khởi tố vì tội danh làm giả tài liệu và xúi giục lật đổ.

Một đại tá tình báo Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc

Truyền đơn tố cáo chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được thả tại vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm, 26/03/2016.

Một đại tá Bắc Triều Tiên đã bỏ trốn sang Hàn Quốc trong năm ngoái, theo loan báo của chính quyền Seoul hôm nay 11/04/2016. Đây là sĩ quan cao cấp nhất từ trước đến nay của miền Bắc đào thoát sang miền Nam.
Hãng tin Yonhap cho biết, viên đại tá này trước đây phụ trách các hoạt động tình báo với đối tượng là Hàn Quốc. Nhân thân của ông không được tiết lộ.

Thủ tướng Ukraina từ chức, khủng hoảng chính trị vẫn tiếp diễn

Thủ tướng Ukraina Arséni Iatseniouk trong một cuộc họp chính phủ tại Kiev ngày 08/04/2016.

Ukraina vẫn đang rúng động về việc thủ tướng Ukraina Arséni Iatseniouk tuyên bố từ chức hôm qua 10/04/2016. Bị chỉ trích vì không thực hiện đầy đủ các cải cách đã hứa và bị cáo buộc bảo vệ lợi ích của các nhà tài phiệt, ông Iatseniouk đã phải từ chức. Sự kiện này mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraina vẫn chưa thể chấm dứt.
Từ Kiev, thông tín viên RFI Sébastien Gobert tường trình :

Syria : Ngưng bắn bị vi phạm trong lúc chờ đợi trận đánh lớn Aleppo

Quân nổi dậy Syria tiến vào Aleppo ngày 02/04/2016.

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan De Mistura, hôm nay 11/04/2016 gặp gỡ các quan chức của chế độ ở Damas để chuẩn bị cho cuộc thương lượng giữa các bên tham chiến tại Syria sẽ tái lập vào ngày thứ Tư 13/4 tới. Trong khi đó lệnh ngưng bắn có hiệu lực từ ngày 27/2 ngày càng ít được tôn trọng, nhất là tại vùng Aleppo.
Từ Beyrouth, thông tín viên RFI Paul Khalifeh cho biết thêm chi tiết :

Pháp : Phong trào « Đêm quật khởi » vẫn tiếp tục, chính phủ cố xoa dịu giới trẻ


Dù nơi chiếm giữ là quảng trường République bị giải tỏa sáng nay 11/04/2016, nhưng những người tổ chức phong trào « Đêm quật khởi » tuyên bố vẫn tiếp tục đấu tranh, gây bối rối cho chính quyền Pháp. Để xoa dịu, thủ tướng Pháp Manuel Valls loan báo một loạt các biện pháp tạo điều kiện cho giới trẻ bước vào thị trường lao động.
Từ 11 ngày qua, quảng trường République, Paris, đã trở thành tụ điểm của phong trào công dân "Nuit Debout" ("Đêm quật khởi") được khởi động từ tối 31/3 nhằm chống lại dự luật lao động, nay đã lan ra hơn 50 thành phố nước Pháp.

samedi 9 avril 2016

Chính phủ Việt Nam thêm nhiều khuôn mặt mới, nhưng không thay đổi chính sách

Tân chính phủ Việt Nam trình diện.

(Reuters 09/04/2016) Việt Nam đã hoàn tất việc thay đổi đội ngũ lãnh đạo từ thứ Bảy 09/04/2016, với 21 khuôn mặt mới trong chính phủ. Họ sẽ phải cải cách nền kinh tế đang phát triển nhanh nhưng vẫn luôn vướng mắc về tư nhân hóa và vấn đề nợ công.

 

Quốc hội đã thông qua một loạt 27 thành viên chính phủ, trong đó có một số khuôn mặt quan trọng được giữ lại từ chính phủ được cho là chú trọng kinh doanh, như bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, phó thủ tướng Vũ Đức Đam và phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh. Chính phủ mới, theo như loan báo trên truyền hình, có một phụ nữ là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, vẫn giữ chức bộ trưởng Y tế.

vendredi 8 avril 2016

Biển Đông : Mỹ phủ nhận thông tin cấm tướng lãnh chỉ trích Trung Quốc


Chính quyền Mỹ và đô đốc Harry Harris đều phủ nhận thông tin là Nhà Trắng đã ra lệnh cấm các tướng lãnh cao cấp bàn luận về Biển Đông. Nhật báo Washington Post cho biết như trên trong số ra ngày 08/04/2016.
Các tuyên bố này được đưa ra sau khi tờ Navy Times hôm thứ Tư 06/04 đưa tin cố vấn an ninh Susan Rice đã quyết định "khóa miệng" đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương và các tướng lãnh khác. Đó là vào thời điểm chính quyền chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh nguyên tử tuần trước, và tổng thống Barack Obama sẽ tiếp ông Tập Cận Bình.

13 nhân viên Bắc Triều Tiên ở nước ngoài đào thoát

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại khu mua sắm Mirae Shop mới được xây dựng. Ảnh do KCNA chụp ngày 28/03/2016.

Mười ba nhân viên làm việc cho một nhà hàng của chính quyền Bắc Triều Tiên ở nước ngoài đã trốn sang Hàn Quốc, theo loan báo của Seoul ngày 08/04/2016.
Phát ngôn viên bộ Thống nhất Hàn Quốc, Jeong Joon Hee, thông báo với báo chí, một nhân viên nam và 12 nhân viên nữ làm việc cho một nhà hàng Bắc Triều Tiên ở nước ngoài đã cùng bỏ trốn và đến Hàn Quốc vào ngày 07/04/2016.

Bình Nhưỡng gọi nữ tổng thống Hàn Quốc là "chó dại"

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đến dự thượng đỉnh an ninh nguyên tử tại Washington, 31/03/2016.

Bắc Triều Tiên hôm nay 08/04/2016 lại tiếp tục phỉ báng cá nhân nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, so sánh bà với « chó dại ». Seoul đáp trả bằng cách tố cáo « những ngôn từ thô bỉ khó tả ».
Loạt tấn công này của Ủy ban thống nhất Triều Tiên trong hòa bình (CRPC) được tung ra sau hội nghị thượng đỉnh về nguyên tử do tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì tuần trước, trong đó bà Park đã lên án chương trình nguyên tử Bắc Triều Tiên. Theo CRPC, thái độ của bà Park tương tự như « một cơn động kinh của một kẻ đáng khinh bỉ luôn tìm cách đối đầu ».

Miến Điện trả tự do cho 69 sinh viên"tù chính trị"

Xúc động khi gặp lại người thân đang chờ trước tòa, 08/04/2016.

Sáu mươi chín sinh viên Miến Điện bị giam giữ từ một năm qua do biểu tình ôn hòa, đã được trả tự do ngày 08/04/2016, sau khi bà Aung San Suu Kyi hứa hẹn một ngày trước đó sẽ phóng thích các tù nhân chính trị.
Tòa án Tharrawaddy thông báo, tất cả 69 sinh viên này đều được trả tự do và mọi cáo buộc đều bị hủy bỏ. Từ sáng sớm nay, thân nhân các sinh viên bị bắt đã chờ đợi trước các nhà tù để ngóng tin vui này.

Khủng bố Bruxelles : Bỉ công bố các hình ảnh mới về nghi can thứ ba

Thêm hình ảnh về "người đàn ông đội nón" bí ẩn tham gia vụ khủng bố tại sân bay Bruxelles-Zaventem.

Tư pháp Bỉ hôm 07/04/2016 đã công bố thêm các hình ảnh mới và kêu gọi người dân cung cấp bằng chứng để truy tìm kẻ khủng bố thứ ba tại sân bay Zaventem, "người đàn ông đội nón" đầy bí mật, đã mất dấu từ hôm 22/03 đến nay.
Sau hơn hai tuần lễ truy lùng không kết quả, Viện Kiểm sát liên bang Bỉ một lần nữa lại kêu gọi sự hỗ trợ của công chúng. Tư pháp cho biết chi tiết hành trình của nghi can trong một video clip, từ khi ra khỏi nhà ga cho đến khi mất dấu tại Bruxelles hai tiếng đồng hồ sau đó.

jeudi 7 avril 2016

Việt Nam đòi Trung Quốc rút giàn khoan, chấm dứt gây căng thẳng

Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 tại Hoàng Sa, 17/05/2014.

Hôm nay 07/04/2016 Việt Nam đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, từ bỏ kế hoạch khoan dầu tại vùng biển mà vấn đề quyền tài phán vẫn chưa được làm rõ. Đây là dấu hiệu căng thẳng mới nhất giữa hai nước láng giềng cộng sản ở châu Á. 
Giàn khoan trị giá cả tỉ đô la này từng là trung tâm của trận bão ngoại giao dữ dội giữa hai nước, khi Bắc Kinh cho kéo vào vùng biển Hoàng Sa năm 2014. Nay Hải Dương Thạch Du 981 lại được đưa vào một khu vực thuộc Vịnh Bắc Bộ, nhánh tây bắc của Biển Đông, mà theo Hà Nội thì Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiến hành đàm phán phân định.

Tập Cận Bình siết chặt truyền thông sau vụ Panama Papers

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng dính vào xì-căng-đan Panama Papers.

Nhật báo Libération hôm nay 07/04/2016 có bài điều tra mang tựa đề « Tập Cận Bình siết chặt truyền thông ». Thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh nhấn mạnh, kiểm duyệt đã được tăng cường trong những năm gần đây, và còn khắc nghiệt hơn từ khi nổ ra vụ « Panama Papers ».
« Tìm kiếm và xóa hết tất cả những thông tin về ‘‘Panama Papers’’. Không nêu ra bất kỳ chủ đề nào liên quan, và điều này không có ngoại lệ nào. Nếu tìm thấy trên mạng một nội dung từ báo nước ngoài tấn công Trung Quốc, thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc ».

mardi 5 avril 2016

Luật Báo chí Việt Nam : Tư nhân vẫn chưa được ra báo


Quốc hội Việt Nam hôm nay 05/04/2016 vừa thông qua Luật Báo chí sửa đổi với tỉ lệ tán thành gần 90%. Luật Báo chí mới gồm 6 chương và 61 điều, trong đó có thêm 32 điều mới, và 29 điều được sửa đổi, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
RFI Việt ngữ đã trao đổi với nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam về vấn đề này.

RFI : Thưa anh, về đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, theo luật mới chỉ có các trường đại học, và tổ chức nghiên cứu khoa học mới được phép ra các tạp chí khoa học. Có nghĩa là vẫn không có báo chí tư nhân như nhiều người chờ đợi. Tuy nhiên lại được phép « liên kết », mua bản quyền măng-sét. Anh nhận xét thế nào ?

lundi 4 avril 2016

Báo Le Monde đã đánh vật với 11 triệu tài liệu trong hồ sơ Panama như thế nào ?


Cũng như tất cả các cơ quan báo chí đối tác của Liên minh quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ), nhật báo Pháp Le Monde có thể tham khảo trên 11,4 triệu tài liệu, với tổng cộng 2,6 téraoctet dữ liệu. Như vậy phải mấy nhiều thập kỷ, tính cả ngày lẫn đêm nếu muốn đọc hết, chưa kể độ phức tạp của một số hồ sơ.

Phần đầu gồm có hồ sơ đăng ký của 214.488 công ty offshore (công ty bình phong đặt ở hải ngoại). Mỗi công ty có một loạt tài liệu dưới nhiều dạng khác nhau (PDF, Word, bảng tính, file âm thanh…). Nhưng chủ yếu là các email và các thư từ được scan lại, biểu thị hoạt động thường nhật của Mossack Fonseca. Đại đa số bằng tiếng Anh, nhưng cũng có một số tài liệu tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Nga và Hoa ngữ.