Lần cuối cùng người Hà Nội phải đi sơ tán là năm 1972, khi đó ở Lương Sơn, Hòa Bình, cách Hà Nội chỉ hơn 40 km vẫn là rừng nguyên sinh.
Mình có mấy tháng sống với rừng và học được nhiều thứ, từ chẻ lạt, dựng lều, chặt nứa giang đóng bè thả suối ra bán cho nhà máy giấy. Rồi bẫy gà, săn thú, lấy măng, câu cá suối...
Mấy năm trước mình có dịp trở lại nơi ở cũ. Con đường hồi xưa vẫn cuốc bộ ra chợ Lương Sơn bây giờ được mở rộng hơn, những mảnh đồi xung quanh đều đã thành đất vườn. Từng khoảnh lớn được rào lại thành nhà vườn, resort. Rừng đã lùi xa tít, qua hẳn biên giới rồi.
Thỉnh thoảng bọn mình dừng xe ngồi nghỉ, phóng tầm mắt ra xa và mình tin là, ai đã từng ở rừng chút chút như mình thì vẫn không hết kinh ngạc, thật sự không thể nào tưởng tượng nổi. Làm cách nào mà người ta có thể chặt được hết cây, biến tất cả rừng thành đất trồng như thế này được nhỉ?
Tuy thực tế là vậy nhưng thôi, cá nhân mình không trách việc mất rừng, bởi quá khứ sẽ không bao giờ trở lại nữa. Hãy cứ nghĩ là chúng ta có quyền thay đổi môi trường sống, miễn là phải làm chủ được nó. Không còn rừng thì phải biết cách sống với resort, với nhà vườn vậy chứ, biết làm sao.
Đi nhiều, đi xa, thi thoảng dừng xe ở những khúc cua, ngắm cảnh hùng vĩ của tổ quốc đôi khi cũng thấy xúc động. Nhưng chưa kịp rưng rưng thì lại nhớ ra, rừng núi bao la thế kia nhưng cũng không thoát được chính sách phân lô. Đất nào cũng có chủ cả, lô nào cũng chỉ còn thiếu hàng rào quây và tấm biển cấm xâm phạm nữa mà thôi.
Xem những tấm hình chụp lở đất sụt núi sau cơn bão mới thấy thiên tai thật thảm khốc, con người rõ ràng không có cách gì cưỡng lại được thiên nhiên ngoài cách đề phòng, tránh xa khi nó nổi giận. Rồi người người trách tiền nhân đã đánh mất rừng để rước lấy hậu quả. Nhưng không thấy ai hỏi thăm những chủ nhân của những bìa đất ấy.
Không còn mét vuông nào trên dải chữ S này vô chủ cả đâu.
TRUNG SƠN 17.09.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.