Một vòng qua những phố xưa
Xem "tàn dư Pháp" bây giờ ra sao?
Chiều qua tranh thủ trời ngớt mưa, tôi quyết định đi một vòng qua những con phố chính mà thời Pháp thuộc họ đã trồng cây, để xem hậu quả của cơn bão Yagi nó thế nào. Qua quan sát thực tế tận nơi, thì xin báo cáo với bà con thế này:
1- Vòng quanh hồ Hoàn Kiếm & tượng đài Lý Thái Tổ:
- Đường Lê Thái Tổ chỗ tòa soạn báo Nhân Dân có một cây xoài gãy cành lớn đổ ra ngoài, ngay gần đó có một cây (như gỗ sưa) đổ.
- Đường Đinh Tiên Hoàng : Một cây sấu đổ ngay bên ngoài nhà bưu điện trung tâm.
Ngay bên phải tượng Lý Thái Tổ, gần đường có một cây đa đã mục gốc đổ (cây này bạn Dương Quốc Chính có nhắc tới).
Ngay mặt tiền trụ sở UBND TP cũng có mấy cây đổ (nhưng không phải cây cổ thụ).
2- Đường Tràng Thi: Một cây (không rõ cây gì) bị sâu mục gốc đổ ngay bên phải trung tâm điện máy Nguyễn Kim.
3- Đường Nguyễn Tri Phương: Không có cây nào đổ.
4- Đường Hoàng Diệu: Ngay bên ngoài tường Hoàng thành có một cây phượng (không phải cây cổ thụ) đổ.
- Bên phải tượng đài liệt sĩ Bắc Sơn, đối diện chếch về bên trái khu dinh thự của ông Giáp có một cây xà cừ cổ thụ bị mục gốc đổ. Đối diện có xe & công nhân đang trồng lại một cây ban.
5- Đường Phan Đình Phùng: Không tan hoang đến nỗi mất một nơi có cảnh đẹp cho chị em check in như báo chí đưa tin. Chỉ đổ vài cây sưa trắng, hoa ban, bằng lăng... (là loại cây mới trồng. Còn những cây sấu, xà cừ...từ thời Pháp vẫn còn nguyên.
6- Vườn hoa Hàng Đậu: Vườn hoa này mới được xây dựng cách đây mấy chục năm, trong vườn hoa cây đổ ngổn ngang. Một cây sưa trắng lớn đổ từ ngoài vào làm gãy mất quả bom ba càng của bức tượng "cảm tử quân".
7- Đường Lý Nam Đế: Đầu đường có một cây bật gốc, cuối đường một cây gẫy cành.
8- Đường Yên Phụ: Ngạc nhiên một điều là tuy là đường bao nằm ngoài, gần sông Hồng và lộng gió, vậy mà chỉ bị đổ một cây xà cừ (trông chưa phải là cổ thụ, đoạn từ dốc đường Thanh Niên lên rẽ phải). Gần nhà máy nước Yên Phụ cũng có vài cây đổ (không phải xà cừ & không phải cổ thụ).
9- Đường Hoàng Hoa Thám: Cây bồ đề bên phải cổng nhà máy bia Hà Nội bị bật gốc và đổ. Cây bên trái cổng, dịch xuống một chút lại không sao. Bồ đề là một loại cây tự phát tán, dọc các con đường thấy rất nhiều cây con.
Gần bệnh viện phổi có một cây (không rõ tên) bị đổ, lộ ra cái hố nông choèn, đầy cát và đá dăm. Cây không phải cổ thụ, không rễ cọc.
10- Đường Bưởi: (Đoạn từ Cầu Giấy đến đầu đường Hoàng Hoa Thám) không thấy đổ cây nào.
11- Đường Đội Cấn (đoạn từ dốc tập lái tới ngã tư Văn Cao- Liễu Giai): Không đổ cây nào.
12- Đường Trần Phú: Con đường này toàn cây sấu cổ thụ, được trồng từ thời Pháp - những cây này lại còn nguyên, không bị đổ cây nào. Còn ở đoạn nối dài đi qua tòa nhà bị "cắt đầu" 88 Lê Trực (đoạn này mới làm thêm khi quy hoạch lại & có tòa nhà trên, nối từ Trần Phú sang phố Sơn Tây) thì cũng được người ta trồng sấu cho "đồng bộ" với đoạn phố cũ, nhưng tất cả những cây này đều bị bật gốc & đổ (có hình).
13- Đường Kim Mã: Chỉ đổ một cây xà cừ ngay ngã tư giao với phố Vạn Bảo, cây này cũng chưa phải cổ thụ.
14- Đường Láng: Con đường này từ Cầu giấy tới Ngã tư Sở, là con đường dài nhất hiện nay của Hà Nội còn một hàng xà cừ được trồng từ thời Pháp (trước đường nhỏ thì có hai hàng, khi mở rộng đường người ta đã chặt đi mất một hàng từ thời ông Thảo).
Cả một con đường dài như vậy, nằm sát sông Tô Lịch - rất thoáng gió. Vậy mà không gãy đổ một cây cổ thụ nào, chỉ bật gốc đổ 2 cây "thanh niên" nằm sát nhau, ngay gần lối vào chùa Láng (có hình ảnh). Có lẽ 2 cây này được trồng bổ sung vào khoảng trống những năm gần đây.
Sau cơn bão Yagi vừa qua, cả xã hội đã được chứng kiến rất nhiều hình ảnh về cây cối bị cơn bão tàn phá làm cho gãy đổ, cả ở Hà Nội và các tỉnh. Lạ một điều, đa số chỉ là những cây mới được trồng gần đây, rất ít thấy hình ảnh về các cây cổ thụ.
Lẽ thường theo quy luật, muôn loài đều phải "sinh lão, bệnh tử", cây cối cũng vậy.
Lẽ ra những cây càng có tuổi đời cao, thì chúng phải bị cơn bão hạ gục trước chứ?
Nhưng không, chúng ta lại được thấy cảnh ngược lại: gần như chỉ thấy những cây mới được trồng cách đây không lâu.
Vì sao vậy? Theo tôi nó nằm ở cái cách, cái quy trình trồng & chăm sóc cây kia.
Một cái cây muốn sống được và trường tồn, nó phải "sâu rễ, bền gốc". Muốn vậy ngay từ đầu khi mới trồng, phải tạo cho nó một môi trường tốt, để bộ rễ của nó mới có thể phát triển sâu & rộng, có thế nó mới đủ sức để neo cả một cái thân & tán rộng được.
Quan sát những tấm hình và trên thực tế thì tôi thấy: Những hố trồng cây hiện nay đều ko đủ độ rộng, sâu cần thiết, trong hố thì toàn cát, đá dăm (loại đá dùng trong quá trình làm đường). Vậy mà người ta cứ hạ cả cây lẫn bọc xuống rồi lấp đất (loại đất ngay tại đó), như vậy thì bộ rễ của cây làm sao phát triển bền chắc để đủ sức giữ cây được?
Cách đây ít năm, tôi cũng đã có lần chứng kiến những hố người ta đào để trồng cây đúng như vậy: hố thì nhỏ, nông, đáy hố và xung quanh hố toàn cát, đá dăm. Tôi có chụp hình định để lưu lại, sau này khi có vấn đề gì sẽ dùng làm tư liệu, nhưng rất tiếc chiếc điện thoại đó đã bị rơi mất. Bây giờ nếu cho khảo sát lại những hố cây bị bật gốc đổ ở Hà Nội, tôi tin chắc là tình trạng sẽ đúng như vậy.
Thấy có người ngụy biện là các gốc cây được bọc lại như vậy là đúng. Xin thưa nó chỉ đúng trong quá trình vận chuyển để tránh vỡ vầng cây quanh gốc, giữ cho cây sống. Còn khi đã hạ cây xuống hố thì phải cắt dây, rút tấm lưới bọc gốc để rễ cây phát triển chứ!
Còn về hố để trồng cây, theo tôi thì như thế này: Tùy theo từng loại cây và kích cỡ cây, phải đào hố có kích thước (sâu, rộng) phù hợp (cái này thì các chuyên gia về cây xanh đô thị quá rành). Nếu có cát đá lẫn trong quá trình làm đường thì phải xúc bỏ đi, rồi lót đất màu xuống. Sau khi đặt cây xuống cũng phải dùng đất màu lấp gốc, chứ không như tình trạng hiện nay, thì đảm bảo cây nào cũng sống, phát triển tốt.
Những điều nhỏ nhặt này, không lẽ những "con người mới xã hội chủ nghĩa" lại thua bọn "thực dân đế quốc" sao?
NGUYỄN ĐỨC HẠNH 11.09.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.