Ngày 17.02.1859 đánh dấu bước xâm lược đầu tiên của thực dân Pháp tại Sài Gòn, mở đường cho những bước xâm lược kế tiếp trên toàn cõi Việt Nam.
Mười giờ sáng ngày hôm ấy, họ lấy xong thành Gia Định. Tuy nhiên, do chưa đủ lực lượng để tổ chức canh phòng, mặt khác sợ triều đình Huế lợi dụng việc thiếu quân Pháp tại Đà Nẵng mà đánh úp nơi này, Phó Đô đốc Pháp Rigault de Genouilly cho rút phần lớn binh lính từ Sài Gòn về Đà Nẵng, chỉ để lại một ít hải quân và bộ binh (đó là lý do khiến cụ Nguyễn Tri Phương có thể lập đồn Chí Hòa dễ dàng).
Hai năm sau, ngày 24.2.1861, Pháp thực sự chiếm hữu Sài Gòn sau trận đánh ác liệt tại đồn Chí Hòa. Đến ngày 23.03.1862 thì cả ba tỉnh miền Đông Nam kỳ đã lọt vào tay Pháp.
Sau khi đã nắm trong tay Sài Gòn và các tỉnh phụ cận, Pháp vội vàng tổ chức bộ máy cai trị theo mô hình của chính quốc. Bộ máy này được điều hành trong hai thời kỳ khác nhau, đó là thời kỳ của các thống đốc quân sự và thời kỳ của các thống đốc dân sự.
I) THỜI KỲ CÁC THỐNG ĐỐC QUÂN SỰ
* Vào thời kỳ này, các Đề đốc (Contre-Amiral) và Phó Đô đốc (Vice-Amiral) Pháp (có tài liệu ghi là Thiếu tướng và Trung tướng hải quân) là những người vừa đứng đầu bộ máy quân sự, vừa điều hành guồng máy hành chánh. Điều đó cũng dễ hiểu, vì sau khi Pháp chiếm Sài Gòn và ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, các nghĩa sĩ miền Nam chiêu binh mãi mã để chống lại quân Pháp, như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương... khiến cho vai trò các Đô đốc trở nên vô cùng cần thiết trong việc bảo vệ “trật tự trị an” trên vùng đất mới vừa chiếm đóng.
Không đầy hai tháng sau khi chiếm được Sài Gòn, Phó Đô đốc Charner ban hành nghị định ngày 11.04.1861 xác định thành phố Sài Gòn được giới hạn bởi ba lằn ranh thiên nhiên là rạch Thị Nghè (Arroyo d’Avalanche), sông Sài Gòn (Fleuve de Saigon), rạch Bến Nghé (Arroyo chinois) và một tuyến nối liền chùa Cây Mai với những phòng tuyến cũ của đồn Chí Hòa (trong phạm vi quận 10 ngày nay).
Theo tinh thần nghị định trên, ngày 30.04.1862, viên Trung tá công binh Coffyn thiết lập “Dự án mở rộng thành phố Sài Gòn”, trong đó quy hoạch Sài Gòn rộng 2.500 ha, đủ để chứa từ 500.000 đến 600.000 dân và được chia ra làm hai khu vực riêng biệt: khu hành chánh giới hạn từ phía Đông đường Impériale (nay là Hai Bà Trưng) đến rạch Thị Nghè, rộng khoảng 200 hecta, nơi sẽ xây cất các trại lính và cơ sở hành chánh; khu thương mại và dân cư rộng khoảng 2.300 hecta, trải dài từ phía Tây đường Impériale về hướng Chợ Lớn.
Để thực hiện dự án trên, trước tiên thực dân Pháp cho đào con “kênh Vành Đai” (Canal de Ceinture) nối liền rạch Bến Nghé với rạch Thị Nghè, biến Sài Gòn thành một “hòn đảo” có sông rạch vây quanh, thuận lợi cho việc phòng thủ và vận chuyển bằng tàu bè. Tuy nhiên, con kênh này đang được đào nửa chừng thì Pháp bỏ dở. Ngày 03.10.1865, Thống đốc Nam kỳ G. Roze ban hành quyết định ấn định ranh giới mới của thành phố Sài Gòn giới hạn bởi rạch Thị Nghè, sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, đường Cầu ông Lãnh mới xây dựng, đường Chợ Quán, đường Thuận Kiều (nay là Cách mạng tháng tám), đại lộ Chasseloup Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai và Xô Viết Nghệ Tĩnh), đường Impératrice (nay là Nam Kỳ khởi nghĩa) và đường Impériale (nay là Hai Bà Trưng) (Jean Bouchot - Documents pour servir à l’histoire de Saigon - Sài Gòn - 1927 - trang 15-16).
Như vậy, vào năm 1865, giới hạn trên bộ của thành phố Sài Gòn là các đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai và một phần phía Đông đường Hai Bà Trưng gần công viên Lê Văn Tám ngày nay. Lúc ấy, khu vực Khánh Hội còn nằm ngoài ranh giới thành phố, cũng như phần lớn khu vực quận 10 ngày nay còn là “Cánh đồng mồ mả” (Plaine des Tombeaux) hoang vu mà người đương thời gọi là Đồng Tập trận.
* Trong tác phẩm “La naissance et les premières années de Saigon - ville française” (Sự ra đời và những năm đầu tiên của Sài Gòn - thành phố thuộc Pháp), xuất bản tại Sài Gòn năm 1927, cây bút Jean Bouchot có nêu nghi vấn về sự tồn tại của một Hội đồng thành phố bản xứ (Conseil municipal indigène) vào những năm đầu thập niên 1860. Ông ta tìm thấy trong một bản văn của Đại tá Pháp Ponchalon, viết vào khoảng năm 1860-1862, đề cập đến việc viên Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp thành lập tại Sài Gòn một Hội đồng thành phố bản xứ, nhưng sau khi tra cứu tất cả các văn khố, nhà nghiên cứu này không tìm thấy dấu vết nào của hội đồng trên. Có thể đây mới chỉ là một dự án chưa thành hình, về sau bị thực dân Pháp bãi bỏ.
* Văn kiện chính thức đầu tiên thể chế hóa việc quản lý thành phố Sài Gòn thời Pháp thuộc là nghị định ngày 4.4.1867 của Thống đốc Nam kỳ De La Grandière, gồm 50 điều khoản, với những nội dung chủ yếu sau:
- Thành lập một Ủy ban thành phố (Commission municipale) gồm một Ủy viên thành phố (Commissaire municipale) và 12 hội viên (conseiller).
- Ủy viên thành phố do chính quyền thuộc địa đề cử trong hàng ngũ công chức Pháp và đặt dưới quyền trực tiếp của Giám Đốc Nội vụ (Directeur de l’Intérieur). Các hội viên cũng do chính quyền thực dân đề cử trong số cư dân châu Âu cũng như châu Á đang cư trú tại Sài Gòn.
- Ủy viên thành phố đảm trách vai trò của viên chức hộ tịch và sĩ quan cảnh sát trong thành phố, quản lý ngân sách và các tài sản của thành phố.
- Ủy ban thành phố quyết nghị về các vấn đề: phương thức quản lý tài sản công cộng, ngân sách thành phố, các khoản thuế, phương thức hành thu, các dự án xây dựng, sửa chữa lớn, hoạt động chuyển nhượng...
- Các quyết nghị của Ủy ban thành phố được chuyển đến Giám đốc Nội vụ để viên chức này trình cho Thống đốc Nam kỳ chuẩn y.
- Ủy ban thành phố họp bốn lần mỗi năm, vào đầu những tháng 2, 5, 8 và 11; mỗi kỳ họp có thể kéo dài 10 ngày, kết quả bỏ phiếu dựa vào đa số quá bán.
Như vậy, cơ chế quản lý ban đầu của thành phố Sài Gòn thời Pháp thuộc dựa theo mô hình quản lý một thành phố phương Tây. Tuy nhiên, vì là thành phần của một thuộc địa, các điều khoản về tổ chức và điều hành cơ quan quản lý vẫn còn bó hẹp: mọi quyết nghị phải được Thống đốc Nam kỳ chuẩn y mới có hiệu lực thi hành, các hội viên do chính quyền đề cử.
Hình thức quản lý này tồn tại được hai năm, đến năm 1869, Thống đốc G. Ohier ký nghị định ngày 8.7.1869, cải danh Ủy ban thành phố thành Hội đồng thành phố (Conseil municipal), Ủy viên thành phố được cải danh là Thị trưởng (Maire, có tài liệu gọi là Xã trưởng), trong số 13 hội viên, có 7 người được cư dân thành phố bầu trực tiếp.
Như vậy, song song với việc thay đổi danh xưng của cơ quan quyết nghị thành phố, thực dân Pháp đã có một bước tiến qua việc cho cư dân thành phố được trực tiếp bầu một số người vào Hội đồng thành phố.
Về thể thức hoạt động, Hội đồng thành phố không có gì thay đổi lớn. Quyền giám hộ chặt chẽ của Thống đốc Nam kỳ với sự phụ tá của Giám đốc Nội vụ (một số tài liệu của Việt Nam thời đó còn gọi là “ông quan Lại Bộ thượng thơ”) đối với các quyết nghị của Hội đồng vẫn không có gì thay đổi.
Theo dõi lịch sử, chúng ta biết rằng, ở Sài Gòn và Nam kỳ Lục tỉnh dưới thời các Thống đốc quân sự, nhiều cuộc khởi nghĩa diễn ra khắp nơi: Trương Định ở Gò Công, Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang, Thiên Hộ Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười, Thủ khoa Nguyễn Hu4u Huân ở An Giang, Mỹ Tho …, bộ máy quân sự của Pháp được vận dụng tối đa để thực hiện công cuộc “bình định”. Mãi đến năm 1874, với hòa ước Giáp Tuất năm 1874 chính thức hóa việc Pháp làm chủ trọn vùng Nam kỳ Lục tỉnh, họ cải tổ dần bộ máy cai trị theo hướng dân sự hóa các viên chức lãnh đạo cao nhất.
LÊ NGUYỄN 06.09.2024
KỲ SAU: Tổ chức thành phố Sài Gòn dưới thời các Thống đốc dân sự
(Bài tóm lược từ sách “Tổ chức thành phố Sài Gòn thời Pháp thuộc - 1862-1954” sẽ xuất bản)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.