Có một cô gái quê học hành chắc chưa hết lớp 12, có nhan sắc và được phong danh hiệu gì đó. Cô trở nên rất nổi tiếng.
Một hôm vào dịp nào đó cô tuyên bố rằng “Không có tiền cạp đất mà ăn” - đó là câu nói dân gian bình thường từ đời xưa để lại. Tuy nhiên khi qua miệng cô này, cả xã hội dậy sóng.
Từ đó trở đi, trên báo chí hay trên mạng xã hội câu nói này được dẫn đi dẫn lại liên tục, thế là tạo trend. Già trẻ lớn bé, thường nhân, trung nhân và cả cao nhân cũng hay trích dẫn câu này ra như một danh ngôn và cho đó là danh ngôn của cô gái ấy.
Ngay cả các lãnh đạo Việt Nam đương thời cũng không ai nói ra câu gì tạo trend bằng cô ấy. Còn các học giả, các giáo sư, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ… nhiều người nói rất hay nhưng chẳng thấy câu nào được xã hội quan tâm và được tạo trend như vậy.
Trend “cạp đất” vẫn lai rai kéo dài khá nhiều năm cho đến khi cô gái ấy bị bắt vì một lỗi cỡi xe mô tô vớ vẩn gì đấy mới chấm dứt. Nhưng rồi ngay tức thì trend mới được tạo ra. Bao nhiêu anh hùng chứng tỏ mình là ‘anh hùng cứu mỹ nhân” xuất hiện la liệt. Bao nhiêu bài viết bênh vực cho cô gái, nào cô bị trả thù, nào cô bị bắt oan sai, nào luật pháp đã không công bằng, nào phải trả tự do ngay cho cô gái. Làm như chỉ mình cô gái ấy là bị oan sai dưới chế độ này.
Trong khi đó bao nhiêu người phụ nữ khác đấu tranh chính đáng cho quyền làm người, cho công bằng xã hội, cho môi trường như Phạm Đoan Trang, Tâm Dương Nội, Cấn Thị Thêu, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Thúy Hạnh, Tố Nga, Đinh thị Thu Thủy, Đặng thị Huệ, Trần Thị Xuân … thì không thấy các anh hùng lên tiếng, ngoài những cây bút hiếm hoi của phong trào.
Tại sao như vậy? Chỉ vì cô gái ấy có nhan sắc.
Rồi mới đây nhất, là câu nói của một cô hoa hậu về chuyện chưa đọc hết một cuốn sách đã dậy sóng cõi mạng suốt cả tuần nay và chưa biết bao giờ mới chấm dứt.
Cô ấy là người của công chúng, thì câu nói chưa đọc hết một cuốn sách là cần thiết phải phê phán vì cô ấy có ảnh hưởng nhất định đến giới trẻ. Tuy nhiên lại có quá nhiều phê phán thiếu chừng mực đã đưa đến tác dụng ngược. Và rồi thì lại xuất hiện bao nhiêu anh hùng cứu mỹ nhân.
Nào bênh vực cô ấy thật thà, nào cô ấy có nhan sắc thì cần gì phải đọc sách, nào sách vỡ có ra gì mà phải đọc, nào, nào .. Thế là tự dưng lại có trend tự hào không đọc sách. Anh hùng này, anh thư kia khoe lên mạng là chưa hề đọc sách, làm như chuyện không đọc sách như cô hoa hậu kia là cái gì hay ho lắm dũng cảm lắm.
Lại cũng do nhan sắc. Nếu câu nói ấy phát ra từ một người phụ nữ ít nhan sắc dù là nhà giáo dục, là nữ giáo sư, là nhà văn hóa, là chủ tịch quốc hội thì cũng chẳng có ai quan tâm nhiều đến mức như vậy.
Khổ thiệt. Quyền lực của nhan sắc không phải đùa. Hèn chi ngày xưa nhiều vua chúa, anh hùng để mất giang sơn cũng vì vậy.
Cái đẹp nào cũng xứng đáng được trân trọng, tuy nhiên vì nó mà nhảy vào lửa hoặc làm nô lệ cho nó thì hoàn toàn không nên.
HUỲNH NGỌC CHÊNH 02.09.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.