Người ta vốn chỉ biết mái ấm Hoa hồng xưa nay cưu mang những cháu bé mồ côi, cơ nhỡ, hoặc bị cha mẹ chối bỏ trách nhiệm. Rồi sau đó, người ta biết đến một “Phật sống” phía sau những cháu bé tội nghiệp ấy – bà Giáp Thị Sông Hương.
Bà Hương trở thành “nhân vật truyền cảm hứng” nhờ những đứa trẻ. Bà Hương từng dõng dạc kể câu chuyện của mình trước sân khấu một cuộc thi hoa hậu để “truyền cảm hứng”, để rồi báo chí ca ngợi còn hơn tiên hơn bụt.
Hôm nay, tên bà Hương một lần nữa được truyền thông nhắc rộng rãi, khi mà mái ấm Hoa hồng của “Phật sống” thực sự là một địa ngục trần gian.
Nạn bạo hành dã man những đứa trẻ, nhất là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đã thành một thói quen đến mức không ngại người ngoài nhìn thấy, mà báo Thanh Niên phanh phui trong một phóng sự điều tra mấy ngày nay.
********
Một câu hỏi đặt ra là bà Hương có biết chuyện này không? Theo quan điểm cá nhân tôi thì không thể không biết. Bởi bạo lực chỉ trở thành thói quen khi nó đã có cả một hệ thống. Nhân viên của bà Hương bạo lực những đứa trẻ tội nghiệp không có khả năng chống đỡ một cách rất bình thường, thì không thể bà Hương không biết chuyện này.
Hơn nữa, bất cứ một ai làm chủ mái ấm cho những thân phận cút côi đều lấy nằm lòng những bài học đau đớn từ những kẻ bạo hành trẻ em suốt bao nhiêu năm qua. Người làm chủ ấy phải thực sự nghiêm khắc, phải răn dạy bằng được nhân viên của mình không bao giờ dính vào những việc ác nhân ác đức và vi phạm pháp luật ấy.
Không lẽ, bà Hương không dạy dỗ những Cẩm, Loan, Tuyền, Huyền - những kẻ mang danh bảo mẫu nhưng thực sự còn ác hơn quỷ dữ khi hành hạ những đứa trẻ non nớt ấy?
Không lẽ, bà Hương chỉ xây một cái mái ấm, đi nhặt hàng trăm đứa trẻ về để lấy tiếng thơm cho mình, vận động các mạnh thường quân. Còn các con có an toàn thực sự dưới tay các nhân viên mình không thì bà Hương phó mặc?
Mà thực tế với những gì đã diễn ra thì câu trả lời cũng đã rõ: Bà Hương đã phó mặc các con cho những ác mẫu kia.
Đừng có nói là không biết, đừng có nói là vì tin tưởng các cô bảo mẫu. Bạo lực nơi ấy đã trở nên bình thường mà kẻ đứng đầu nếu không biết, thì trái tim kẻ ấy chỉ là thứ trang sức làm màu; sự vô tâm đã đạt đến đỉnh cao và “lòng nhân ái” trở thành một thứ phông bạt rất đáng sợ.
********
Điều đáng sợ nhất trong trường hợp này không phải là bạo lực, mà là bạo lực đã thành hiển nhiên và dửng dưng trong cái môi trường được bọc bằng lớp vỏ nhân ái. Nếu vụ này không bị báo chí phanh phui, nó sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của các con và những đứa trẻ sống quen trong bạo lực, sẽ vô cùng nguy hiểm.
Những điều đau đớn này, người chịu trách nhiệm nhiều nhất phải là bà Giáp Thị Sông Hương, “bà Bụt truyền cảm hứng” gì đấy. Bà ta phải chịu trách nhiệm trước những đứa trẻ và trước pháp luật, chứ không thể nai tơ ngơ ngác mang con tim Bồ Tát Quảng Châu đầy thương tổn sau những gì xảy ra đâu!
HOÀNG NGUYÊN VŨ 04.09.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.