Mấy hôm có vụ đấu status của hai người mẫu về việc nghệ sĩ quyên tiền cứu trợ thiên tai. Mình nhận thấy vụ đấu phím này nó khá điển hình cho hai kiểu tư duy cảm tính là tương đối lý tính.
Thường anh em Nam kỳ vốn thiên về cảm tính hơn (đấy là cảm nhận cá nhân của mình, đừng ai đòi căn cứ). Vì chính mình cũng tranh luận với mấy bạn Nam kỳ với nội dung gần giống vậy, nên thấy cần làm rõ ở bài này.
1. Phe cảm tính và dựa trên góc nhìn của người nhận cứu trợ thì cho là: Người ta (nghệ sĩ) cứ kiếm được tiền trao cho dân là quý rồi, nhiều ít không quan trọng, cứ có là đáng trân trọng và thường là có tâm lý suy tôn người đi trao quà.
2. Phe lý tính, thường dựa theo quan điểm khách quan của người quan sát thì cho là: Không nên lợi dụng thiên tai để làm màu, phông bạt và có thể trục lợi (có dấu hiệu).
Nếu động não chút sẽ thấy rằng 1 và 2 có thể diễn ra đồng thời, và mỗi bên đang đánh giá ở một góc nhìn riêng về cùng một hành vi của cá nhân/tổ chức. Chính vì những người kiểu 1 hiện đang rất đông nên trong những lúc có thiên tai, dịch bệnh, là cơ hội để "rửa mặt", "tẩy trắng" cho rất nhiều thành phần, có thể là bất hảo.
Ví dụ, có tổ chức cờ bạc trực tuyến khoe góp tiền cứu trợ mấy trăm củ (hay vài tỉ) gì đó. Họ chụp ảnh đăng báo hẳn hoi, bản chất là PR trá hình, vì thực tế loại hình kinh doanh này đang bị cấm quảng cáo. Thành phần này mới là xã hội thâm thôi.
Còn anh em giang hồ xịn sò cũng có thể khoe đi làm từ thiện hoành tráng lai trim diu túp, đại ca đi trao quà như lãnh tụ. Chính quyền địa phương vì được nhận quà nên ngoan như cún, giang hồ gọi dạ bảo vâng. Hài cái là giang hồ trao quà cho các cháu học sinh vùng cao, xong rồi đại ca phát biểu giáo huấn đạo đức cách mạng không kém gì bí thư!
Giang hồ xịn vẫn hay rửa mặt cách này, còn nuôi cả trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn, cúng dường nhà chùa tiền tỉ đó. Nhiều anh em quan lại, sân sau cũng làm tương tự.
Với tư duy kiểu 1 thì thế vẫn OK, cứ có quà là quý. Đấu tố bọn kia thì lại sợ mất quà!
Với anh em nghệ sĩ (có dấu hiệu) phông bạt làm màu, thì thường rơi vào anh chị em quá lứa lỡ thì, sao xế, hết thời đỉnh cao sự nghiệp. Nên về logic thì họ làm thế để lấy lòng fan, không có gì lạ. Kể cả khi họ bỏ tiền túi ra, thì cũng là một hình thức đầu tư, ứng trước tiền mua tình cảm của người hâm mộ. Nên tấm lòng kia về bản chất cũng là sự mua bán, mất cái chai thì được cái lọ. Chứ những người không cần hình ảnh thì họ cứ âm thầm làm thôi đâu cần phô trương. Nếu hiểu vậy thì không cần suy tôn họ làm gì.
Còn trường hợp ngôi sao (KOL, nghệ sĩ) thu tiền bá tánh, thì về nguyên tắc là phải minh bạch, thậm chí kể cả khi chưa có luật lệ rõ ràng. Vì mình tiêu tiền của thiên hạ, bản chất cũng là mượn hoa cúng Phật. Thế nên việc dư luận đấu tố những ai không/chưa minh bạch là điều không có gì đáng chê trách cả.
Thế nhưng nhóm 1 lại đang có chiến dịch suy tôn các nghệ sĩ không thể minh bạch, cho dù công an có xác nhận đi nữa. Đại khái anh em ný nuộn rằng: Vì dư luận đấu tố nghệ sĩ nên giờ họ không dám nhận tiền bá tánh nữa, nên dân bị thiên tai chịu thiệt thôi!
Nói thế là đánh tráo khái niệm, vì về nguyên tắc là có luật (Nghị định 93/2021) thì có hành lang pháp lý, càng dễ minh bạch. Họ không làm vì họ sợ không thể minh bạch chứ không phải do sợ bị đấu tố.
Với người quan sát có tư duy thì dễ dàng nhận ra việc sao kê có thực sự minh bạch hay không, cần gì phải có công an vào cuộc. Công an vào họ cũng dựa trên luật thôi, mà luật không có (không rõ ràng) thì họ có quyền kết luận là đối tượng không vi phạm (có luật đâu mà vi phạm!). Như đợt cô Tiên làm từ thiện là không có luật nào yêu cầu phải minh bạch thu chi, nên cô ấy không phạm luật.
Hai quan điểm 1 và 2 thực ra khó phân thắng bại. Nếu là người quan sát, thì 2 có vẻ đúng hơn. Nhưng nếu là người nhận cứu trợ, thì họ sẵn sàng bất chấp nguồn tiền, cứ được cho tiền là quý, tâm lý thực dụng là như vậy. Khi bạn đói khát thì thằng cướp nó cho tiền thì cũng nhận hết. Nhất là nếu không biết nó là cướp (nhiều khi cố tình không tìm hiểu) thì càng thế.
Để tránh những tranh cãi gây chia rẽ kiểu như trên, lẽ ra phải chuyên môn hóa việc làm từ thiện. Sẽ phải có hai nhóm, một là của nhà nước, hai là của tư nhân. Nhóm 2 nếu gọi là xã hội dân sự, nghe nó hơi nhạy cảm với công an, nên cứ gọi là tư nhân (cá nhân) cho lành. Thì theo NĐ 93 là hoàn toàn có thể vận hành được không khó khăn gì, nhà nước không cấm. Dù các nhóm cá nhân này có thể là mầm mống của xã hội dân sự.
Khi chuyên môn hóa như vậy rồi thì sẽ hạn chế được các tổ chức tội phạm làm từ thiện để PR trá hình hoặc một số cá nhân lợi dụng để phông bạt, cũng PR trá hình. Mình gọi là hạn chế vì không có luật nào cấm các anh em xã hội thâm hay nghệ sĩ lỡ thì làm từ thiện theo đúng luật cả. Chẳng qua anh chị em nào có dã tâm bớt xén thì sẽ không dám làm thôi. Ngoài ra, nếu dùng tiền cá nhân mà bẩn để từ thiện cũng dễ bị truy nguồn. Nói chung anh chị em đang bẩn thì sẽ ngại làm đúng luật, nên hạn chế được phần nào.
Nhưng về lâu về dài, trách nhiệm cứu trợ chính bắt buộc phải là từ chính quyền. Không nên trông chờ vào người dân cũng không nên tuyên truyền kích động dân tham gia quá sâu.
Bởi vì nếu chính quyền làm, họ lấy tiền ngân sách ra, thì bản chất vẫn là tiền dân cả. Nhưng việc lấy tiền ngân sách nó vẫn đảm bảo tính nhân văn hơn ở chỗ lấy từ nguồn thuế, mà thuế là thu từ người có tiền, ít hoặc không thu từ người nghèo. Sẽ tránh tình trạng tận thu từ người nghèo do họ bị tuyên truyền kích động tâm lý sẻ chia.
Như đợt Covid, mình thấy tuyên truyền cảnh người ta nhận 20 quả trứng từ một bà cụ già nghèo khổ hay tiền dưỡng già, tiền tiết kiệm của các cháu nhỏ, nói thực là rất phản cảm. Lẽ ra có thể tuyên truyền về hành động đó nhưng xin phép không nhận, giống như giờ bà con gửi con gà, con cá tươi, mớ rau (nông dân mà) đi cứu trợ thì có ai dám nhận?
Còn với các quỹ từ thiện tư nhân cũng cần có quy tắc nhận tiền/quà tương tự và không nên là giải pháp chủ đạo để cứu trợ. Chứ như giờ, tuyên truyền lá lành đùm lá rách quá mạnh, hóa ra lá rách nhiều đùm lá rách ít, vì tâm lý sợ bị đấu tố, bị coi thường, cố nghiến răng mà đóng tiền/quà.
Thế nên bạn mình ở bển có nhắn tin thắc mắc là sao không thấy bọn Tây nó kêu gọi dân góp tiền cứu trợ mà chỉ thấy ở nhà như vậy? Ở bển thì đúng là đảng và chính phủ lo hết, đâu cần chờ dân cứu dân.
Nghịch lý là nhà nước cộng sản là nhà nước bao đồng, lý thuyết là đảng và chính phủ lo hết cho dân, nhưng thực tế khi hữu sự lại toàn kêu gọi dân cứu nhau và thông qua nhà nước! Cũng là mượn hoa cúng Phật khác gì anh em nghệ sĩ phông bạt kia đâu. Đảng đã xác định độc quyền lãnh đạo muôn năm, thì trách nhiệm cũng phải độc quyền, vì quyền lợi phải đi kèm với trách nhiệm chứ.
Hiện tại có vẻ như mình chưa thấy một tổ chức, cá nhân nào thực hiện đúng hay gần đúng Nghị định 93, theo đúng quy trình được hướng dẫn.
Đợt vừa rồi lên Thái Nguyên cứu trợ mini, mình coi như thí điểm một cách làm từ thiện minh bạch chủ động ở quy mô nhỏ và thấy chưa có trở ngại gì cả. Mình đang đắn đo xem có nên thử mở rộng mô hình đó ra ở quy mô lớn hơn chút, vẫn là vai trò cá nhân (nhóm) nhưng làm ngược với hầu hết các nhóm cá nhân hiện nay. Tức là chỉ nhận tiền, không nhận hàng. Tất nhiên sẽ công bố cách làm trước trên Facebook.
Dự kiến sẽ mở tài khoản mới tinh có thể sao kê tự động update mỗi ngày, các khoản chi sẽ được chụp hóa đơn update mỗi ngày vào cloud. Trong đó làm rõ luôn cả chi phí của nhân công làm từ thiện (đi lại, ăn ở ...), mọi chi tiêu đều lưu vết trên tài khoản nếu có thể và/hoặc quay phim, chụp ảnh, ghi âm lại. Tất nhiên kế hoạch chi tiêu đều công bố trước như hợp đồng, ai mà chuyển tiền coi như đã cam kết là đồng ý, không kiện cáo, đấu tố lèm bèm sau này, nếu bên mình không vi phạm.
Làm vậy chưa chắc mình đã cần đi lội nước nhé, cũng chả chụp ảnh up Facebookluôn, có khi vẫn ngồi phòng máy lạnh bấm nút thôi! Việc minh bạch kia sẽ cho những ai góp tiền, có password truy cập cloud sao kê, bá tánh có thể không cần biết. Việc trao đổi có thể qua một nhóm riêng tư.
Đấy là ý tưởng vậy thôi, chưa chắc đã làm thật được nhé.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 16.09.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.