Người đàn ông có dáng dấp “chim sẻ đi kiết vẫn bày đặt tập gym” này là Phong, Tùng Phong - một tình nguyện viên của Cơm Có Thịt.
Anh, cả tuần qua sống trên đường. Đi Bảo Yên, xuống Bảo Khánh, vào Làng Nủ. Quay về cái lại chạy Bát Xát. Tối, quay về bốc 5 tấn gạo, hôm sau lại lên Yên Bình, ngược Ngũ Chỉ Sơn. Bốn, năm ngày, đâu đó ba, bốn ngàn cây số. Từ 4 bánh đến 6 chân - quất tất.
Quần anh được cái nhiều túi. Bên cái bánh mì, bên chiếc bánh chưng (lại còn bánh chưng chay). Rồi có khi vừa ăn vừa lầm bầm, vừa uống vừa ho, vừa rít Thăng Long vừa nuốt bọt. Bị mắng không mua bán tiêu dùng gì thì kinh tế địa phương làm sao phát triển được thì gượng gạo vỗ bàn: “chủ quán, cho một chai nước luộc! Loại ngon”. Chứ quyết không xài mấy thứ “bột ngô pha ký ninh” của mấy ông.
Không tiêu dù chỉ 1 xu, nhưng nghe mấy thầy cô ngã xe gãy chân gãy tay là sẵn sàng rút ví moi tặng những đồng tiền cuối cùng.
Vừa xong, anh lại gọi tôi, lại Nguyên Bình, Cao Bằng - nơi nhiều lắm Đào Tuấn ơi những nhà sập, ruộng nương ngập trắng và rất nhiều đồng bào đã không còn có thể trở về.
Tôi ngưỡng mộ những vị tỉ phú đóng góp cứu trợ cả trăm tỉ. Ngưỡng mộ những người giản dị “vi hành” vào bệnh viện, ngưỡng mộ những ca sĩ, diễn viên đang giúp đỡ đồng bào, ngưỡng mộ những đoàn xe từ Nam, từ Tây Nguyên, từ miền Trung nối nhau ra Bắc. Nhưng tôi cũng ngưỡng mộ anh Phong tôi nữa.
Chiến thần đường lũ của tôi đó: 49 ký non tính cả giày, áo kẻ ca rô không đụng hàng mặc nguyên tuần, ngay cả khi cười cũng nom thiểu não như vừa bị vợ mắng. Nhưng mà tấm lòng thì không chỉ có bánh mì với bánh chưng chay.
Người ta nói rồi mà: Chân nhân bất lộ tướng.
ĐÀO TUẤN 19.09.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.