Thì ra việc “nhập tách” do một mụ đàn bà đứng tên đề xuất nằm trong gói 350.000 tỉ “chấn hưng văn hóa”.
Hàng loạt địa danh bị cắt cúp, nhập nhèm, lịch sử bị bôi mờ, văn hóa bị xóa dấu vết… Nhưng chỉ là tạm thôi, bởi đó là những thứ mà sức của một vài, chứ hàng trăm hạng đàn bà, đàn ông nghiệt chủng kia cũng không làm nổi. Có chăng họ chỉ làm văn hóa của sơn hà đại địa này bị “chấn thương” một thời gian mà thôi.
Bởi vì, như bài trước đã viết, địa danh là phong thủy, là văn hóa, cũng như địa đại… đều do “tâm tạo”, nhưng là tâm “bất tương ưng hành”. Tâm bất tương ưng hành chính là tâm linh, rất vi tế và màu nhiệm, chứ không phải ý chí thô kệch, chủ quan của một nhúm cá thể ngồi trong buồng Diên Hồng. Họ chỉ có thể “tạo nghiệp” cho chính họ, nếu nhắm mắt liều lĩnh, dám bức tử địa danh, thì lịch sử sẽ không tha, tâm linh sẽ không tha.
Duy Thức học, một tuệ giác vĩ đại của Phật Đà đã chỉ ra 24 pháp “bất tương ưng hành”. Xin giải thích sơ qua về loại “tâm” đặc biệt và vi diệu này, riêng 8 pháp từ 8 đến 16, gồm: Danh, Cú thân, Văn thân, Sanh, Trụ, Lão, Vô thường, liên quan đến địa danh, văn hóa.
Tương ưng là một thuật ngữ chỉ có trong nhà Phật, mọi tôn giáo, tư tưởng, triết học… khác đều không có. Tương ưng bao gồm ý nghĩa của cả tương ứng, tương hợp, tương đồng, tương hành, tương liên và tương tức… gán cho bất kỳ một ý nghĩa nào cũng đều chưa đúng và không đủ.
Trong “bách pháp minh môn”, có 51 loại “tâm sở”, là những tâm do ý thức sinh ra, ý thức điều khiển… đại khái đó là những tâm “tương ưng” với ý thức của mỗi con người. Ngoài 51 tâm “sở”, còn 24 tâm “bất tương ưng”. Đây là những tâm không do ý thức sinh ra, và ý thức của con người cũng không thể điều khiển, can thiệp… cho nên gọi là “bất tương ưng”.
Môn giải phẫu thần kinh trong Y học cũng nhận ra con người có hai hệ thần kinh, là thần kinh giao cảm và thần kinh thực vật. Thần kinh giao cảm điều khiển hơi thở, vận động, và các trạng thái cảm xúc, nóng, lạnh… Thần kinh thực vật điều khiển các hoại động bên trong cơ thể như tim đập, mạch nhảy, thân nhiệt... và các quá trình sinh diệt của tế bào. Ý thức chỉ có thể can thiệp đến hệ thần kinh giao cảm, còn thần kinh thực vật thì ý thức không thể can thiệp. Thần kinh thực vật chính là “bất tương ưng”.
Đến thế kỷ thứ 19, Freud chế ra môn “Phân tâm học”, phát hiện ra dưới ý thức (thức thứ 6 trong Duy Thức học) còn có tiềm thức (thức thứ 7) và vô thức (thức thứ 8). Và cũng phải đợi đến K. Jung, mới phát hiện ra sự tồn tại của “vô thức cá nhân” và “vô thức tập thể”.
Khái niệm “vô thức tập thể” là một phát minh vĩ đại của K. Jung, mà Duy Thức học đã chỉ ra từ lâu, rất lâu. Vô thức tập thể chính là 24 món tâm “bất tương ưng”, đã tạo nên mọi giống “hữu tình” trên thế gian này.
Ai không tin có tâm linh, thì cũng phải tin, rằng có 24 tâm “bất tương ưng”. Tin rồi mới biết, thì ra 24 tâm bất tương ưng chính là tâm linh.
Vô thức tập thể mà K. Jung nói đến, chính là “A Lại Da vũ trụ” mà một số vị thầy Nam tông thường giảng đến. Có thể hiểu nôm na là “cộng nghiệp” cũng được. Vì đó là của “tập thể”, của “vũ trụ”, của “cộng nghiệp”… nên ý chí của một cá nhân, nhóm cá nhân không thể can thiệp hay tùy tiện bức tử được.
Dùng khái niệm “Văn hóa” là còn thấp, Duy Thức học còn nâng lên đến tột đỉnh, khi coi những địa danh, văn hóa… cũng là những thứ “thân thể”, như những thân tứ đại. Hai “pháp” Cú thân, Văn thân là chỉ hình hài, tầm vóc… của ngôn ngữ, của văn hóa cộng đồng, vùng lãnh thổ, của quốc gia, dân tộc… vậy. Những “hình hài” ấy cũng Sanh, Trụ, Lão, và Vô thường. Nhưng một nhóm nghiệt chủng thì quyết không thể nào bức tử.
Nhân đây cũng xin nói thêm, 24 tâm ấy chỉ “bất tương ưng” đối với chúng phàm phu mà thôi. Đối với các bậc tu đạo đã “chứng” Vô sinh, thì lần lượt 24 tâm ấy đều trở thành “tâm sở” cả. Đạt tới cảnh giới này thì gọi là “Tự tại”.
PHẠM LƯU VŨ 14.04.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.