samedi 3 février 2024

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 03/02/2024

1. Về bài của Zaluzhnyi trên CNN

• Sau đây là các điểm tóm tắt chính, theo ISW:

- Tầm nhìn chiến lược. Tướng Valerii Zaluzhnyi vạch ra chiến lược giúp Ukraine chiếm thế thượng phong trước quân số vượt trội của Nga. Ông nhấn mạnh công nghệ giúp nâng cao năng lực của lực lượng Ukraine, cho rằng máy bay không người lái và các hệ thống tiên tiến là chìa khóa để tối đa hóa tiềm năng chiến đấu. Zaluzhnyi vạch ra “các điều kiện quyết định” để thành công, bao gồm ưu thế trên không, tăng cường khả năng cơ động và ngăn chặn các bước tiến của Nga.

- Lợi thế công nghệ trong chiến tranh. Zaluzhnyi lập luận rằng những hạn chế của Ukraine thúc đẩy nước này hướng tới đổi mới công nghệ. Ông nhấn mạnh các công nghệ mới như hệ thống không người lái về hiệu quả chi phí và tác động của chúng. Những tiến bộ này cung cấp thông tin tình báo liên tục và các cuộc tấn công chính xác, trọng tâm trong chiến lược của Ukraine chống lại Nga.

- Điều chỉnh triết lý quân sự. Zaluzhnyi ủng hộ một triết lý quân sự mới bao gồm công nghệ cho nỗ lực chiến tranh gắn kết. Ông đề xuất các hoạt động đa dạng, bao gồm chiến tranh kỹ thuật số và chiến thuật tâm lý, nhằm làm cạn kiệt tài nguyên của Nga. Việc tích hợp các hệ thống không người lái có thể giảm thiểu rủi ro về nhân sự đồng thời tăng hiệu quả của các cuộc đình công.

- Tái cơ cấu quốc phòng Ukraine. Zaluzhnyi kêu gọi đại tu toàn bộ hệ thống để đẩy nhanh quá trình thích ứng công nghệ trong vòng 5 tháng. Điều này liên quan đến việc tăng cường nghiên cứu, sản xuất và hậu cần để hỗ trợ triển khai công nghệ nhanh chóng. Sự thay đổi như vậy nhằm chống lại sự xâm lược của Nga bằng các chiến lược chiến tranh sáng tạo.

Cụ thể hơn quý vị có thể đọc ở đây.

Bình loạn : Bài phát biểu của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine vừa hàn lâm, vừa thực tiễn và nó hoàn toàn đúng, phù hợp với cuộc chiến tranh hiện tại. Trong bài nguyên văn của mình, ông Zaluzhnyi viết “Chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc gần 80 năm trước, nhưng di sản của nó trong việc xác định tầm nhìn chiến lược về chiến tranh vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, mỗi cuộc chiến đều có những đặc điểm riêng.” Đến đây, chúng ta đã thấy rất rõ ý của đại tướng cho rằng, quân đội Ukraine cần chiếm lợi thế so với quân đội Nga trong lĩnh vực công nghệ, nhất là ưu thế trên không của máy bay không người lái.

Nhưng, mỗi cuộc chiến có đặc điểm riêng không nằm ngoài những nguyên tắc bất di bất dịch. Trước một lực lượng đông đảo quân địch, có thể dùng vũ khí chính xác để tiêu diệt những mục tiêu giá trị nằm sâu trong hậu phương địch và tiêu diệt sở chỉ huy, rồi từ đó làm cho địch vỡ trận… UAV được người Ukraine sử dụng cho đến nay hoàn toàn có tác dụng trong những trường hợp đó. Vấn đề là, thời gian qua phía Nga được cho là đã xây dựng rất nhiều boong-ke từ bán kiên cố (gỗ súc nhiều tầng và đổ đất dày bên trên) cho đến kiên cố bằng bê-tông đúc sẵn, mà nếu không có vũ khí nặng thì không công phá được. Phía Ukraine cũng có những công sự tương tự và dẫn tới việc Nga đang phải sử dụng vũ khí hóa học.

Vì vậy ông Zaluzhnyi cho rằng các thứ vũ khí hiện nay đang được phát triển giúp hạn chế sử dụng vũ khí nặng là đúng, nhưng rõ ràng là chính lúc này Ukraine đang phát triển pháo tự hành Bogdana trên khung xe tải Tatra của Tiệp, và các loại tên lửa, rocket, MLRS khác… Phải chăng vì số lượng của chúng là không đủ nên vẫn không thể tổ chức tấn công được?

Tôi thì vẫn e rằng, đây là cách thi hành chiến tranh tối ưu với ý nghĩa là duy trì thế trận phi đối xứng giữa hai bên, nó đặc biệt đúng với thế cầm cự, phòng ngự… nhất là khi Nga đang tấn công ào ạt như lửa rừng cháy lan, như lũ lên ầm ầm… nhưng liệu nó có đúng khi Nga cũng đã xuống sức mà ta lại cứ kéo dài, kéo dài, kéo dài như thế mãi và tạo điều kiện cho đối thủ có thời gian để phục hồi, đưa thêm lực lượng, dù là những lực lượng “vơ bèo vạt tép” vào trận?

Trong suốt bài viết, tôi không thấy ông Zaluzhnyi đề cập đến giai đoạn chính chúng ta cũng phải dồn tiền đặt vào cửa. Mặc dù tư lệnh LHA đã lưu ý tôi, rất dễ có một kế hoạch khác của họ vì thế những đồn đoán vừa qua vẫn còn 1% là ông ấy vẫn… ở lại. Tuy vậy, Chính phủ Ukraine đã thông báo với Nhà Trắng rằng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã quyết định cho Tướng Valeriy Zaluzhniy, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine “nghỉ” – theo tờ Washington Post đưa tin hôm qua 2/2 trong đó họ dẫn hai người quen thuộc với vấn đề này.

2. Cuối cùng, gói viện trợ lớn 50 tỉ Euro của EU đã đến với Ukraine

Trông thì có vẻ lớn nhưng gói viện trợ này là trong bốn năm. Phần lớn viện trợ là dành cho các dự án dân sự, không phải cho nỗ lực chiến tranh hiện tại.

Xét về tỉ lệ trong GDP của 27 thành viên EU nó chiếm nhỏ hơn 0,08%. Nếu so sánh thì EU đã chi hơn 1 nghìn tỉ Euro cho “Sáng kiến Xanh” của họ. Châu Âu hứa hẹn cung cấp 1 triệu quả đạn pháo nhưng hầu như không thực hiện được.

Trong khi đó, Nga đang phục hồi và tổ chức tấn công rất mạnh trên mặt trận. Ukraine hiện rất khẩn cấp cần pháo, súng bộ binh và nhiều thứ khác. Phía bên kia, theo báo cáo của tình báo Hàn Quốc thì Bắc Triều Tiên đã cung cấp hơn 1 triệu quả đạn pháo cho Nga, mà quy mô kinh tế của nước này thì sao? Hơn thằng chết đói một tí.

Điều gì xảy ra nếu Ukraina thua trận?

Khi đó thì quân đội Nga sẽ có mặt ở biên giới với châu Âu. Nhiều nước Trung Âu phải tăng gấp ba hoặc gấp bốn chi tiêu quốc phòng. Thay vì dành 0,5% ngân sách để hỗ trợ Ukraine, họ cần chi 5%, 10% hoặc thậm chí nhiều hơn để xây dựng lại quân đội của mình. Mục tiêu chi tiêu 2% GDP mỗi nước của NATO cũng sẽ cần phải tăng lên đáng kể. Châu Âu sẽ không còn an toàn nữa và do đó, sẽ khiến các nước thành viên tốn hàng nghìn tỉ.

Khi đó, 25 triệu người tị nạn Ukraine khác sẽ đến châu Âu, gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế của mọi quốc gia.

Một cuộc chiến tranh du kích tàn khốc sẽ nổ ra ở nhiều nơi ở Ukraine. Để hỗ trợ cuộc đấu tranh liên tục vì tự do của Ukraine, phương Tây sẽ cần tài trợ cho cuộc chiến này và gửi vũ khí. Điều này cũng sẽ tốn hàng tỉ đô la. Các khu vực biên giới với Ba Lan, Slovakia và Romania sẽ trở thành trung tâm hậu cần quan trọng của Quân kháng chiến Ukraine. Tuy nhiên, việc có hàng nghìn du kích trên lãnh thổ Ukraine bị xâm lược sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về trật tự công cộng và tội phạm có tổ chức (buôn lậu). Các khu vực giáp khu vực chiến tranh thường rất bất an.

Moldova rất có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo của Nga, gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn thứ hai. Để giải quyết tình trạng này, Romania sẽ cần hàng tỉ USD viện trợ và cũng sẽ phải đối phó với sự bất ổn chính trị.

Đài Loan cần phải được tổ chức phòng thủ nếu không muốn chịu chung số phận với Ukraine. Nước Mỹ sẽ phải tài trợ cho việc này.

Đó là tôi nói vậy thôi, còn gói viện trợ của châu Âu có ý nghĩa của nó – như thế nào tôi sẽ xin viết vào phần cuối của bài.

3. Lại nói tiếp về cuộc chiến của những người Hải quân không có tàu

Hôm qua lại có tin nức lòng: lực lượng Ukraine đã đánh chìm một tàu chiến khác của Nga đang nấp trong một cái hồ thuộc Crimea… Chưa dừng lại ở đó, không quân nước này còn phóng loạt tên lửa “khủng” vào sân bay Belbek. Vậy là, toàn bộ Hạm đội biển Đen của Nga dù là tàu thủy hay tàu bay, đều đã ở tình trạng của mèo ướt và chim dẽ.

Cần nhìn lại, phần lớn cái Hạm đội trứ danh này, vốn được báo chí xứ phía đông nước Lào tung hô đến tận mây xanh:

“Uy lực sức mạnh Hạm đội Biển Đen” – Tùng Dương – Tiền Phong online 04/03/2014

“Tương quan sức mạnh Hạm đội Biển Đen của Nga và Hạm đội 6 của Mỹ” – bài của Đoàn Phương trên Viettimes (Thứ Sáu 24/09/2021) đặt vấn đề: “Nếu chiến tranh xảy ra trên Biển Đen thì ai sẽ giành chiến thắng, Hạm đội 6 của Mỹ hay Hạm đội Biển đen của Nga?” và mặc dù đưa ra so sánh cho rằng hạm đội Mỹ mạnh hơn nhiều, vẫn cố kết luận “đểu”: “với các tên lửa có cánh “Kalibr-NK”, các máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm, hạm đội của Nga có thể giáng đòn đáp trả Mỹ ở khoảng cách lớn… … không thể loại trừ đòn tấn công bằng tên lửa có độ chính xác cao vào các căn cứ của Mỹ ở Trung Đông và ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối bài nhận xét, như để khuyên Hạm đội 6, có câu: “Có lẽ, thể hiện sự kiềm chế là khôn ngoan nhất”.”

Hồi đó mỗi khi nói chuyện với những người xứ nước ta vẫn tôn thờ sức mạnh của Nga, tôi thường nhắc: nghe thì nghe, tin thì tin nhưng cũng nên tin vừa vừa thôi, rồi đến lúc ngã ngửa ra đấy. Và đây là sự thật: Hạm đội đã chạy trốn – đúng nghĩa đen của từ này – khỏi Sevastopol vào tháng 10 năm 2023. Nhưng dù đã bỏ chạy, thì tên lửa của Ukraine vẫn bắn trúng tàu đổ bộ Novocherkassk tại cảng Feodosia của Crimea, phá hủy hoàn toàn nó. Con tàu Novocherkassk có lẽ chứa đạn pháo và tên lửa, và đó là một phần lý do tại sao nó nổ tung ngoạn mục như vậy.

Trước nó, nhiều loại tàu đã bị Ukraine, quốc gia không có hải quân, phá hủy và điều thú vị là có cả tàu ngầm đầu tiên của Nga bị mất trong chiến tranh. Một con tàu thật đáng thương, toi đời trong khi đang ở ụ tàu. Trước đó, chiến thắng quan trọng nhất của hải quân Ukraine là dùng tên lửa Neptune đánh chìm soái hạm Moskva vào tháng 4 năm 2022.

Còn về sân bay Belbek, nó được cho là chỗ trú ngụ của máy bay chiến đấu thuộc hải quân Nga - chính là máy bay của Hạm đội biển Đen. Tên trung tướng Aleksandr Tatarenko sinh năm 1960, được cho là đã chào bye bye cuộc đời vào ngày 31/1 vừa qua, chính là ở căn cứ không quân này.

Tên tướng này đã trải qua các chức vụ Tư lệnh Tập đoàn quân Phòng không và Không quân số 11 của Quân khu miền Đông (2013 – 2015), Tư lệnh Tập đoàn quân Phòng không và Không quân số 14 của Quân khu Trung tâm (2016 – 2020). Được phong hàm trung tướng năm 2015. Tháng 8/2020 hắn được giải ngũ vì đủ 60 tuổi, nhưng không hiểu vì lý do gì lại vẫn tham gia vào cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine và… toạch.

4. Ukraine đang lâm nguy

Trong bài của mình, tướng Zaluzhnyi có viết một đoạn mà tôi ngờ rằng, có ít người để ý khi đọc bài đó tôi dịch và đưa lên mạng. Ông viết: “Sự yếu kém của cơ chế trừng phạt quốc tế có nghĩa là Nga, hợp tác với một số nước khác, vẫn có thể triển khai tổ hợp công nghiệp – quân sự của mình để theo đuổi một cuộc chiến tranh tiêu hao chống lại chúng ta.”

Như thế nào là “triển khai tổ hợp công nghiệp – quân sự của mình?” Theo thông tin tôi nắm được từ một vài người bạn, được biết cho đến nay Nga đang tổ chức mua nguyên cả tổ hợp sản xuất – một tổ hợp như thế có thể có trong đó ít nhất vài nhà máy nhỏ hơn, tạo thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Tổ hợp có thể sản xuất vũ khí từ cá nhân đến pháo binh, hoặc đạn dược cho chúng; và nguồn ở đâu thì… tôi không nói đâu.

Thông tin này đã được tôi kiểm tra từ ít nhất 3 nguồn đáng tin cậy và nếu như nó thành công, thì chỉ trong vòng năm nay, Nga sẽ có ít nhất vài khu phức hợp như thế, đủ để được tính là cả một khu công nghiệp hoặc khu chế xuất và cuối năm có thể chạy hết công suất. Và nếu như vậy, đúng như lời bác NTT đang băn khoăn hỏi tôi, rằng bác ấy đang rất hi vọng rằng Nga hết hơi, nhất là trong sản xuất quốc phòng.

Đáng tiếc là, điều này mặc dù tôi chỉ ra từ năm 2022 và nó tỏ ra là đúng, ít nhất là tới cách đây 4 – 5 tháng gì đó cho đến khi cái thằng khủng bố Igor Girkin “Strelkov” bị bắt. Nhưng có cái gì tồn tại vĩnh viễn đâu – cuộc sống là luôn thay đổi kia mà – và những điều đó đã không còn đúng nữa. Bọn chóp bu quân sự Nga đang chứng minh rằng, chúng có thể xoay xở được.

Tất nhiên hiện nay quân đội Nga vẫn đang cho thấy chưa đủ sức mạnh để làm nên trò trống gì to tát, nhưng cuối năm nay thì cũng hoàn toàn… không biết thế nào.

Vì sao tôi viết “Ukraine đang lâm nguy?” – vì Putox ngay từ khía cạnh chính trị, đang trên đà thắng lợi. Đầu tiên, tôi sẽ điểm tin bầu cử:

• Ủy ban bầu cử Nga đang trong quá trình loại bỏ đối thủ chính trị duy nhất còn lại của Putox trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới – tin ngày hôm qua 2/2. Một ứng cử viên phản chiến khác, Yekaterina Duntsova, trước đó đã bị ủy ban loại khỏi tư cách vì bị cáo buộc có lỗi trong thủ tục giấy tờ, bao gồm lỗi ngữ pháp và chính tả. Giờ đây, Boris Nadezhdin, ứng cử viên phản chiến duy nhất còn lại chống lại Putin, đang đứng trước nguy cơ bị loại vì có các “linh hồn chết” trong số 100.000 chữ ký mà ông được yêu cầu thu thập để đủ điều kiện tham gia cuộc bầu cử vào tháng tới.

Dù chưa bị loại nhưng Ủy ban bầu cử trung ương khuyến cáo ông có thể bị loại khỏi cuộc bầu cử. Bản thân Nadezhdin đã được triệu tập đến trình diện trước ủy ban vào thứ Hai tới để xem xét “các lỗi tài liệu”. “Có những sai sót trong chữ ký của Nadezhdin gây ngạc nhiên. Khi chúng tôi chứng kiến hàng chục, hàng chục người không còn sống mà lại có chữ ký, câu hỏi đặt ra là về tính trong sạch của các chuẩn mực đạo đức, bao gồm cả những người thu thập chữ ký”, Nikolai Bulayev, Phó Trưởng ban Bầu cử cho biết. “Ở một mức độ nào đó, ứng viên có liên quan trực tiếp.”

Bình loạn : “Linh hồn chết” là một khái niệm được chơi chữ từ tác phẩm cùng tên “Мертвыя души” của nhà văn Nga Nhikolay Gogol. Trong trường hợp này nó để chỉ những người đã chết nhưng lại được “dựng dậy” để phục vụ cho một mục đích nào đó. Tôi chỉ thấy “linh hồn chết” là Putox và lũ Shói-gù, La-vơ-rốp, Gerasimov… Ơ mà Gerasimov lâu nay không thấy nhỉ? Hay ch.ết thối ở xó nào rồi.

• Putox trong một phát biểu gần đây nhất: “Vũ khí mới nhất của Nga vượt trội hơn NATO”. Tên độc tài nói: “Để thành công trên chiến trường ngày nay, chúng ta cần phản ứng nhanh chóng và đầy đủ với những sự kiện diễn ra trên chiến trường.” Hắn lưu ý rằng thành công trên tiền tuyến phụ thuộc vào phản ứng nhanh chóng trước vũ khí và thông tin tình báo của kẻ thù. Hắn ta giải thích thêm “chúng ta cần những cách để trấn áp chúng và (cần) những phương tiện hiệu quả hơn của chúng ta. Tất nhiên, nếu chúng ta so sánh vũ khí hiện đại của NATO với vũ khí của thời kỳ cuối cùng của thời kỳ Xô-viết, thì chúng ta kém hơn ở một số mặt. Nhân tiện, không phải lúc nào cũng vậy. Và nếu chúng ta lấy những vũ khí mới nhất của mình, chúng rõ ràng là vượt trội hơn. Đây là một sự thật hiển nhiên”, con quỷ Putox khẳng định. 

Hắn còn khoe khoang: Nga đã tăng sản lượng áo giáp lên 10 lần và quân phục cho quân đội lên 2,5 lần, và nhìn chung, “khối lượng sản xuất trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga không ngừng tăng lên. Việc thực hiện mệnh lệnh quốc phòng nhà nước gần như 100%, dù nhiệm vụ theo mệnh lệnh quốc phòng nhà nước đến năm 2024 đã được tăng lên đáng kể và được tài trợ đầy đủ. Ai sản xuất nhanh hơn sẽ thắng. Đây là đặc điểm của đấu tranh vũ trang hiện nay.” (Phát biểu tại diễn đàn “‘Everything for Victory” (“Mọi thứ vì Chiến thắng”) ở TP Tula (Nga) ngày 2-2.)

Bình loạn : Tôi tuyệt đối không nghi ngờ tất cả những thông tin này và khả năng phục hồi được của Nga. Chúng ta cần hiểu, bọn chúng không thiếu tiền, và lệnh cấm vận – trừng phạt với chúng không có ý nghĩa gì trong trường hợp này, vì nếu cần chúng bán lậu vàng trên thị trường chợ đen để có tiền, hoặc thậm chí trả thẳng cho thằng bán nhà máy bằng vàng thỏi.

Những diễn biến nói trên cho thấy, về chính trị Putox đang tìm cách loại bỏ đối thủ một cách hợp pháp, điều này đúng như tôi đoán là Nadezhdin sẽ không bay khỏi cửa sổ xuống đường đâu, vì được nhiều người ủng hộ… Nhưng với Putox thì việc loại ông ta ra khỏi cuộc đua, là trong tầm tay. Vì vậy, hắn chắc chắn sẽ thắng cử. Sau khi chắc chắn được chuyện này, hắn sẽ cho động viên một lần nữa và với đà phục hồi của công nghiệp quốc phòng, để xây dựng lại quân đội như trước chiến tranh thì chưa, nhưng để đánh cho Ukraine liêng biêng vài trận nữa thì thừa sức.

Ấy thế mà ông Zaluzhnyi còn viết “Chúng ta phải thừa nhận lợi thế đáng kể mà kẻ thù có được trong việc huy động nguồn nhân lực và lợi thế đó so với sự bất lực của các thể chế nhà nước ở Ukraine trong việc cải thiện trình độ nhân lực của các lực lượng vũ trang của chúng tôi mà không sử dụng các biện pháp không được ưa chuộng… … ở đây, công nghệ (mới, hiện đại) (có thể) tự hào là có một ưu thế vượt trội so với truyền thống. Việc điều khiển từ xa các phương tiện này đồng nghĩa với việc binh sĩ sẽ ít gặp nguy hiểm hơn, do đó giảm mức độ tổn thất về người.”

Đúng, tôi đồng ý là càng giảm thiệt hại về nhân mạng càng tốt, nhưng trong cuộc đua nếu sợ hao tổn máu xương, thì Tổ Quốc có còn tồn tại hay không, điều đó cũng cần có câu trả lời.

Trong khi đó, cơ hội có thể đang tuột dần khỏi tay của chúng ta. Tin cuối cùng:

• Trung Quốc đã cảnh báo Ukraine về việc chỉ ra các công ty Trung Quốc là “nhà tài trợ quốc tế cho chiến tranh,” và nói rằng điều đó có thể gây tổn hại đến quan hệ giữa hai nước.

5. Chẳng lẽ hết hy vọng rồi sao?

Từ góc độ cá nhân tôi cho rằng, Ukraine không còn nhiều thời gian nữa trước kế hoạch rất rõ ràng của Putox: nếu cần hắn sẽ chơi đến tận năm sau. Rõ ràng là mọi thứ thay đổi rất nhanh mà chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn thẳng vào nó. Ở chỗ này tôi cũng phải nói với quý vị rằng, tôi khác với một số KOL đang viết ủng hộ Ukraine tìm cách “đưa tin khách quan” bằng những… tin giả, chủ yếu là do bọn Dư luận viên của Putox tung ra. Chúng ta khách quan bằng cách nhìn thẳng vào sự thật, khó khăn thì bảo là khó khăn, chứ không thể nói theo kiểu lạc quan tếu được.

Thực tế thì, Nga Putox có phục hồi đến mấy, cuối năm nay đầu năm sau cũng không thể mạnh bằng hồi đầu chiến tranh hoặc mùa hè năm 2022 được, trong khi quân đội Ukraine đã mạnh hơn nhiều. Tuy vậy biến cố bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ cuối năm nay cũng sẽ là ẩn số khó lường, vì vậy dù gì cũng không nên để qua thời điểm đó, mà phải kết thúc cuộc chiến trong mùa hè.

Về yếu tố chính trị của chính trường Nga, cuộc bầu cử Cuội của Putox tôi đã viết rất nhiều lần, thiển nghĩ không cần phải nhắc lại nữa. Và như tư lệnh LHA nhận xét, từ nay đến giữa tháng Ba mà không làm gì, thì chẳng còn cơ hội nào nữa. Cuộc chiến tranh này đã cho thấy, một tuần đã khác, nửa tháng đã khác và một tháng thì cực kỳ khác. Khi và chỉ khi một biến cố trên chiến trường đủ rung chuyển tình thế, thì Putox mới có thể bị kết liễu sinh mạng chính trị của mình.

Nhưng chúng ta không nên quên, điều mà hắn đặt cược cho đến thời điểm này là gì, và cái kế hoạch hắn đặt ra đó, vẫn đang được chia ở thì tương lai. Và ở đây, chúng ta có hai yếu tố: gói viện trợ của châu Âu khá “không trực tiếp” – nhưng có ý nghĩa của nó. Ý nghĩa của gói viện trợ này là về chính trị. Putox đang đặt cược vào sự mệt mỏi của phương Tây và bỏ rơi Ukraine. Cho đến nay hắn và hệ thống cơ quan tình báo của hắn đang làm việc hiệu quả trong việc phá phách quá trình chính sách ủng hộ Ukraine của lưỡng Đảng trong lưỡng viện Hoa Kỳ, quý vị có thể đọc tại đây.

Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng, chưa có gói của Mỹ thì vẫn có gói của châu Âu, không có ai tên là “bỏ rơi” ở đây cả. Và hỗ trợ của châu Âu cho Ukraine bằng những hình thức khác vẫn tiếp tục, như Bulgaria chuyển 100 xe bọc thép chiến đấu… ngoài châu Âu thì có 100 xe tăng của Kuwaitt. Nhà nghèo thì cứ đưa là nhận, đưa là nhận chứ sợ gì.

Bác NTT hỏi tôi, tại sao cái bom lượn GLSDB “điều bất ngờ thú vị cho Putox” lại được chuyển giao cho Ukraine một cách rình rang như thế?

Không nằm ngoài câu chuyện trên, tức là nó có ý nghĩa chính trị. Hiện tại là lúc tinh thần của tất cả những người ủng hộ Ukraine xuống thấp nhất, vì vậy mà phải thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đi thăm Kyiv và tuyên bố những lời động viên có cánh.

Tôi đã xem những đoạn phim về cái thứ vũ khí này, thực sự đáng sợ. Hóa ra nó bị trì hoãn giao cho Ukraine là do… thử nghiệm chưa thành công trong suốt năm qua. Khi đem nó ra bàn luận về chi phí, chúng ta thường nghe thấy con số 40.000 đô-la Mỹ, nhưng nếu xem xét con số tồn kho của Hoa Kỳ mới thực sự khủng khiếp: họ dự trữ 369.576 tên lửa M26 đang hoạt động trong kho của mình.

Hóa ra đó là lý do mà họ không muốn giao ATACMS cho Ukraine dù đã cho… dùng thử, vì thứ này được cho là chỉ có khoảng đâu đó dưới 2000 quả trong kho thôi.

Vậy phản ứng của Kremli thế nào? Thằng Anatoly Antonov đại sứ Nga tại Hoa Kỳ hoảng hốt nói: “Những lời nói vô trách nhiệm của các quan chức Mỹ chỉ đơn giản là muốn gây ấn tượng. Hôm nay, xác nhận rằng một lô đạn tầm xa khác đang trên đường đến đường liên lạc về cơ bản phủ nhận mọi tuyên bố của Nhà Trắng về việc sẵn sàng chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt. Ngược lại, hành động của Chính quyền (Hoa Kỳ) cho thấy ý định kéo dài sự thống khổ của chế độ Kyiv. Ngay cả khi điều này đồng nghĩa với những thương vong mới, bao gồm cả dân thường Nga và Ukraine.”

Ôi xời! Mátxcơva muốn tránh thêm thương vong cho cả hai bên! Mátxcơva không tin những giọt nước mắt! Nga cứ rút toàn bộ quân đội khỏi Ukraine thì mọi chuyện sẽ chấm dứt mà chẳng cần bất cứ cái gì khác nữa cả. Trong khi chính chúng, hàng ngày bắn vào dân thường Ukraine khi các quốc gia khác hỗ trợ Ukraine chiến đấu thì lại phàn nàn là làm… gia tăng xung đột. Chưa có một đất nước nào lại đầy những quan chức có bệnh lý tâm thần nặng như cái nước này. Từ thằng Tổng thống Putox trở xuống.

Vậy GLSDB là cái gì? Là vũ khí thay đổi cuộc chơi như HIMARS trước đây. Nó là cái gì thì tôi không biết, nhưng những đặc điểm của nó cho thấy, có rất nhiều kẻ sợ, và trong đó có thể có Putox là thằng run đầu tiên.

- “Cách Nga khắc chế bom tầm xa GBU-39 Mỹ sắp chuyển cho Ukraine” – VOV Thứ Năm, 01/02/2024

- “Nga tuyên bố có cách “bắt bài” bom thông minh Mỹ sắp chuyển cho Ukraine” – Dân Chí Thứ năm, 01/02/2024

Dân gian có câu, cứ thấy báo chí xứ phía đông nước Lào hô hoán cái gì, là do Nga bơm cho cái ý. Nga sợ cái gì, thì bọn lều báo xứ đó sợ cái í.

Vậy là ông Zaluzhnyi nghỉ thật rồi các bác ạ. Còn hôm qua nhà máy lọc dầu của Lukoil ở vùng Volgograd bị mảnh vỡ của UFO làm bốc cháy.

• Tin cuối cùng: báo Business Insider có bài, kể về nhận xét của các thành viên tổ lái xe tăng của Lữ đoàn tấn công đường không số 82 của Ukraine khen ngợi xe tăng Challenger 2 của Anh. Họ cho biết, xe tăng đã phá hủy các vị trí kiên cố của Nga một cách dễ dàng. Các binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn tấn công đường không số 82 mô tả xe tăng Challenger 2 của Anh đã giúp họ giành lợi thế như thế nào trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nga. Chúng đã mang lại cho họ lợi thế rất lớn so với các xe tăng Liên Xô cũ mà họ có trước đây và vẫn đang được sử dụng.

Viktor, một trong những người điều khiển xe tăng, cho biết: “Chúng tôi chỉ có kinh nghiệm ngắn ngủi về xe tăng Liên Xô. Nhưng khi chúng tôi đến Anh để huấn luyện trên những chiếc xe tăng này, đó là sự khác biệt giữa ngày và đêm”. Chúng tấn công các hầm bê tông của đối phương và bắn vào các mục tiêu từ khoảng cách 2,8 km. Các thành viên phi hành đoàn Challenger cho biết, khi được điều động để hỗ trợ đội hình bộ binh đang tiến công, xe tăng Anh đã nâng cao tinh thần của quân Ukraine vì khả năng tiên tiến của chúng đồng nghĩa với việc họ sẽ được bảo vệ tốt hơn nhiều trước kẻ thù. Nhưng họ nói thêm rằng chiếc xe tăng này rất nặng so với địa hình địa phương, khiến việc di chuyển xuyên quốc gia đôi khi trở nên khó khăn.

Bình loạn :Tinh thần binh sĩ như thế cơ mà!

Ảnh: Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland đặt nến tại Bức tường tưởng niệm những người bảo vệ Ukraine đã hy sinh ở Kyiv vào ngày 31/01.

PHÚC LAI 03.02.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.