lundi 19 février 2024

Lưu Trọng Văn - Tiếng nước tôi

 

Các khách sạn lớn ở Phnom Penh không ai biết tiếng Việt. Gã đi xe hơi từ Phnom Penh đến Siêm Riệp dừng lại các trạm nghỉ, nhân viên trẻ cũng “no no Việt Nam”.

Đến Ang Ko Wat vào trung tâm dịch vụ, mặc dù ông chủ là người gốc Việt, các nhân viên đều lắc đầu “no no Việt Nam.”

Phải chấp nhận sự thật này thôi. Cuộc chiến qua 45 năm rồi, thế hệ lớn lên sau 1979 hầu như không còn quan tâm tới ai đã cứu cha mẹ, ông bà họ khỏi nạn diệt chủng nữa. Với họ, lúc này ai làm chủ nền kinh tế, thương mại, ai nhiều tiền là đối tượng họ tôn kính và hết mình phục vụ.

Những người già một thời gắn bó với Việt Nam bị dạt vào trong ngõ, làng quê.

Bây giờ Trung Quốc chiếm lĩnh kinh tế, lớp trẻ học tiếng Hoa. Bây giờ đất nước hòa nhập thế giới, lớp trẻ biết tiếng Anh.

Tiếng Việt để làm gì?

Đi dọc dài Campuchia từ Nam lên Bắc gã hầu như không thấy chữ Việt, tiếng Việt hiện hữu.

À, có, tại một sòng bạc ở Shihanoukville có dòng chữ: Nơi chơi công bằng. Tức là không gian lận. 

À, có, tại làng chài Biển Hồ, khi thuyền của gã vừa tới, cả chục chiếc thuyền chở lũ trẻ nheo nhóc bu lại: Chú ơi, đói quá cho tiền mua gạo! Chú ơi! Ông ơi!

Gã bật khóc. Việt kiều đấy! Thân phận người Việt đấy!

Tôi yêu tiếng nước tôi!

Chú ơi! Đói quá! Cho tiền mua gạo, chú ơi!

“Tiếng nước tôi mấy ngàn năm vận nước nổi trôi! Nước ơi!”

LƯU TRỌNG VĂN 18.02.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.