Khi còn làm báo, một nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp mà mình luôn nhớ, là: Không- ngồi- bàn- giấy- viết. Cho dù có biết sự thật thế nào thì cũng phải tới tận nơi gặp tận mặt.
Bây giờ tuy không còn làm báo nữa nhưng trong những trường hợp đặc biệt, một khi đã quyết định, mình sẽ luôn tới gặp trực tiếp và làm mọi cách trong khả năng mình có thể trước. Đây là một phần những gì mình mắt thấy tai nghe.
Chiều chủ nhật tuần rồi (28/01), khi mình gặp bị cáo Nhung thì trời đã chập choạng tối và em tay thì ôm bụng đau, mặt xanh lét, mắt thâm quầng. Hôm đó Nhung đang đi làm mướn và gần Tết còn ráng làm thêm việc chạy bàn tiệc. Sáng tới tối mới có thời gian ăn được chén bún dằn bụng.
“Em ráng làm để dành tiền chớ sau vô tù em không phụ ba mẹ được. Em cũng sợ lúc em ra tù thì ba mẹ không biết còn sống không…”
Em và mình ngồi đối diện với nhau. Dáng vẻ của em khi đó, mình không biết diễn tả làm sao… có gì đó rất nghẹn ở tim.
- “Chị tên Hiền, chị ở Sài Gòn, chị đi xuống đây một mình để thăm em… Có gì em kể chị nghe nha em…”
Câu đầu tiên, Nhung nói:
- “Dạ em không bán con lấy tiền ăn xài. Vì khổ quá nên em chỉ muốn tìm gia đình khá giả cho con em thôi”- Nhung khẳng định liền.
Mọi việc xảy ra đều có lý do. Tạm “chọn” bé gái (đứa con thứ tư của Nhung và là đời thứ ba trong nhà) làm trung tâm câu chuyện.
Nhà nội, ở Đắc Nông, nghèo, không tài sản.
Ông nội của bé: Đã mất, khi ba của bé còn rất nhỏ. Ông có vợ trước nhưng không có con. Đến người vợ sau là bà nội của bé thì có Tuấn, ba của bé.
Bà nội của bé: Khi có cháu trai đầu tiên, xa xôi cách trở mới gặp được (Đắc Nông - Trà Vinh), thấy cháu đói thèm sữa nên bà đạp xe đi mua sữa cho cháu uống. Rồi… bà bị xe tông, mất luôn. Niềm vui chưa được tày gang…
Nhà ngoại cũng nghèo khó không kém.
Căn nhà cả gia đình đang ở cũng là ở tạm, không được sở hữu. Vay vốn xong rồi không khả năng chi trả.
Ông ngoại: Sinh năm 1975, người Khmer, không biết chữ, ông bị ảnh hưởng chất độc màu da cam nên chân tay co quắp. Ông sống bằng nghề bán vé số với số vốn 1 triệu. Ông là trụ cột chính của gia đình vì bà ngoại phải trông coi ba đứa cháu. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa thì con đường vào nhà băng qua cây cầu rồi vào đường đất là một thử thách lớn.
Ông ngoại theo cảm nhận của mình là người hiền hậu, và mang trong người nhiều mặc cảm.
Bà ngoại: Người Khmer, học tới khoảng lớp 7, biết ít chữ. Một năm ngất xỉu mấy chục bận, đau ốm liên miên. Hồi trẻ đi làm mướn rồi té từ trên cây xuống, trí nhớ không ổn định. Lúc tiếp mình, bà ngồi nói chuyện một chút là phải đi kiếm chỗ nằm nghỉ. Thỉnh thoảng tới mùa bàng thì đi bà đi nhặt bán mà giờ người ta cũng không cho nhặt nữa rồi.
Trước nhà có con kênh nhỏ, có lần bà nghe tiếng bì bõm cứ tưởng con vịt, hóa ra thằng cháu té mà bà không hay, may mà cứu kịp. Bà và các cháu nheo nhóc ở nhà quanh quẩn cả ngày. Hôm nào bà mệt thì ông về nhà cũng đói chung với các cháu luôn.
Bữa đó, thấy bà pha bình sữa cho thằng cháu thứ ba (mới hơn 2 tuổi) mà màu sữa rất lạ. Mình hỏi là sữa gì. Bà nói “sữa tươi pha thêm nước”, “thôi kệ cũng là sữa, uống no là được” (!).
Cái bếp mà bà làm chủ, mọi vật dụng đều rất sơ sài. Hôm mình tới là bà được con gái lớn phụ làm cho con gà nhỏ mà nhà nuôi, nấu nguyên nồi cháo cả nhà 5 người ăn cả ngày.
Bà ngoại, tay trái tay phải còn không phân biệt được. Bà chỉ đường cho mình và anh “xe ôm” “đi tới bãi tha la thì quẹo trái chừng 1 cây số”, mà trời ơi chạy băng đồng mải miết không thấy đâu. Hóa ra là phải quẹo tay phải. Đó là anh Hiếu chở mình là dân địa phương và biết chút tiếng Khmer đó! Chứ không thì không biết làm sao gặp giữa mênh mông, nhà này cách nhà kia xa lắc.
Ba của bé: Tuấn, sinh năm 1995, ít học, làm mướn ngày nào biết ngày đó. Từ Đắc Nông xuống Bình Dương rồi Sài Gòn, trôi dạt… và bấp bênh mỗi ngày. Nếu làm thợ công trình thì tính theo ngày công và có khi cả tháng mới được trả một lần. Tuấn bị án tù 13 năm. Tuấn cũng đang là người mồ côi ba mẹ, không anh chị em ruột thịt.
Mẹ của bé (Nhung): Sinh năm 2002, học tới lớp 8 thì nghỉ. Năm 15 tuổi lên Sài Gòn làm mướn rồi gặp ba của bé, rồi có bầu, rồi đẻ gần như mỗi năm một đứa. Đẻ đứa nào lại gửi ngoại nuôi rồi lại cày cuốc chắp vá qua ngày. Mỗi tháng gửi về cho ngoại được 1-2 triệu, có tháng 500 ngàn, có tháng không có đồng nào.
Ba đứa con trai sinh ra trong và sau Covid, chất chồng khó khăn và túng quẫn mọi bề. Nhiều hôm gạo trắng cũng không có mà ăn. Tới đứa thứ tư, lại là con gái, Nhung khao khát con mình không phải khổ nữa.
Nhung bàn với Tuấn rồi lên mạng tìm người có điều kiện hơn mình để “cho con”. Nhung đăng hôm trước thì hôm sau Dương liên lạc.
Xui rủi, Dương là quản trị viên một nhóm “mua bán con trên mạng”. Hắn không duyệt đăng tin mà Nhung “tìm người cho con” vì hắn thấy “con mồi” này có lợi nên hắn “trả” xuống còn 18 triệu và “gả” đứa bé cho người khác với 25 triệu.
Rồi ma xui quỷ khiến và Nhung quá khờ khạo trao con luôn mà không biết thông tin gì.
Nhờ người tài xế nghi ngờ và báo công an mà lộ ra Dương còn có giấy tờ bất hợp pháp liên quan em bé khác.
Nhung bị tuyên án 10 năm. Dương thì bằng cách nào đó mà chứng minh được mình có vấn đề về sức khỏe (???).
Về hình ảnh, clip và thông tin, mình có khá nhiều và có xin phép gia đình rồi. Nhưng khi đăng gì lên mình cũng rất cân nhắc ở nhiều khía cạnh. Mình không muốn đưa mặt người ta lên rồi cảnh khóc lóc nọ kia, mặc dù ở ngoài còn thảm hơn câu chữ mình viết rất nhiều.
Nhiều người hỏi mình, “Có cách nào giúp không?”. Có, tìm hiểu kỹ rồi nên sẽ có. Chỉ là giải pháp được tới đâu và chắc chắn là mình không bỏ giữa chừng, một khi còn cơ hội.
* Ảnh là ba mẹ và ba đứa con của Nhung. Hy vọng “không ai khó ba đời” vì đứa con lớn được khen thông minh lắm. Năm sau con vào lớp 1. Có mầm cây là có hy vọng rồi.
LÊ THU HIỀN 01.02.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.