samedi 17 février 2024

Lê Học Lãnh Vân - Việt Nam học được gì từ bài học năm xưa ?

 

Ngày 17 tháng Hai năm nay đã là bốn mươi lăm năm sau thời điểm Trung cộng xâm lăng Việt Nam qua biên giới phía Bắc. Hàng năm, vào dịp ngày này, những tiếng kêu phẫn nộ, đau khóc của người Việt cất lên. Điều này hoàn toàn chính đáng.

Chỉ xin đừng để cảm xúc và phản ứng chính đáng đó át đi các câu hỏi của lý trí rất cần thiết:

1) Cuộc chiến rất hao tổn máu xương và tàn phá cơ hội phát triển cất cánh của Việt Nam, cuộc chiến đó Việt Nam có thể tránh được không? 

2) Trước đây, các tiếng kêu phẫn nộ của người dân bị cấm, các dấu tích tàn bạo của kẻ xâm lăng được giới chức trách bên bị xâm lăng tẩy xóa! Gần đây những tiếng kêu ấy có thể cất lên, nhưng cùng đó có những dấu hiệu kích động tâm lý bài Hoa. Bài Hoa có phải là biện pháp hữu hiệu chống xâm lăng, và bài Hoa có tác hại gì với chính Việt Nam?

Câu hỏi thứ hai xin được trả lời trong một bài viết riêng. Về câu hỏi thứ nhất, quan điểm của bài viết này nhất quán từ trước khi cuộc chiến xảy ra. Xin được chép lại một phần trong bài viết năm ngoái Bài học ngày 17/2/1979 và mục tiêu phát triển quốc gia :

“Câu hỏi cần thảo luận là cho dù Đặng Tiểu Bình muốn đánh Việt Nam để dằn mặt Liên Xô và thể hiện ý muốn đi với Mỹ, Việt Nam không có cách nào tránh cuộc chiến được sao? Thời cuộc những năm sau năm 1975, trong tương quan thực lực giữa các khối liên minh, giữa Việt Nam và Trung Cộng, phải chăng không có cách nào tránh chiến tranh?

Nếu Việt Nam, vừa ra khỏi cuộc chiến tàn khốc, tự thể hiện là quốc gia thật lòng muốn hòa bình, nhũn nhặn, bên trong hòa ái, đoàn kết mọi thành phần của quốc gia, bên ngoài muốn làm bạn với tất cả các nước khác, Đặng có dám đánh Việt Nam không? Không phải nói về tương quan lực lượng quân sự, đánh một Việt Nam ôn hòa và hiếu hòa sẽ bị thế giới phản đối, dân chúng Mỹ phản đối, chính quyền Mỹ không thể ủng hộ Trung Cộng và mục tiêu của Đặng không thể đạt được!

Yêu cầu của dân chúng là muốn có một chính quyền để xảy ra cuộc chiến hay một chính quyền thúc đẩy quốc gia phát triển trong ôn hòa?

Cuộc chiến biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc giết nhiều người, huấn luyện con người thành dã man hơn, nói cách nào đó là tạo nghiệp khiến quốc gia, dân tộc về lâu dài chậm tiến hơn.

Cuộc thống nhất đất nước của Việt Nam năm 1975, dù đã phải trả giá quá đắt, mở ra những cơ hội lớn cho sự cất cánh phát triển về sau. Hãy nhìn lại thời cuộc lúc đó để cảm nhận điều này. Bên ngoài, nhiều quốc gia ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ kinh tế, kỹ thuật, đầu tư; bên trong, năng lượng tích tụ dồn nén từ hai mươi năm phân chia giờ được trùng phùng, đang chờ bùng phát. Tất cả được ủng hộ bởi nền kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh cùng xu hướng toàn cầu hóa.

Thay vì tận dụng thời cơ để hợp tác phát triển, Việt Nam để mình lọt vào vị thế bị nhiều nước xa cách. Trung Cộng có những lý do tấn công Việt Nam mà ít bị phản đối nhất! Thay vì tự thể hiện như một nhà chính trị khôn khéo, Việt Nam hành xử như một chiến binh được định hướng thiếu uyển chuyển, đi sau Đặng nhiều nước cờ… Cuộc chiến biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc lấy đi rất nhiều sinh mạng tuổi trẻ Việt Nam, nguồn nhân lực quan trọng phát triển quốc gia, góp phần đẩy mạnh sự kiện thuyền nhân. Đất nước mất hai mươi năm và rất nhiều cơ hội phát triển…” (17/02/2023)

LÊ HỌC LÃNH VÂN 17.02.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.