Kỳ 3: NHỚ BÁNH TÉT XƯA...
Lúc còn nhỏ, tôi nhớ má tôi năm nào cũng gói bánh tét để ăn dần mấy ngày Tết, một thói quen mà bây giờ khó có thể tìm lại khi các anh chị em tôi mỗi người đều có một gia đình riêng.
Ngoài bánh tráng, bánh phồng, dưa hấu trong mấy ngày Tết, chỉ có bánh tét là giữ được khá lâu mà không bị hư.
*&*
Năm nào nhà tôi cũng chộn rộn vì lo gói bánh tét. Trước tiên là phải đi tìm cây lát ở bờ ao hay mé sông. Đó là loại lát có ba cạnh tròn trịa, bóng lưỡng. Còn có một loại lát cũng ba cạnh nhô ra, loại này không thể dùng để cột đồ vì nó dễ bị đứt.
Cây lát được cắt về nhà, rửa sạch sẽ, chặt bỏ bớt gốc ngọn, vì phần gốc thì cứng, giòn, còn phần ngọn nhỏ không có độ dai cần thiết cho một sợi lát khô. Tôi với má lấy dao nhọn, hay mượn dao ăn trầu rất bén của nội, ngồi chẻ hết đống lát, rồi đem ra sân gác lên cây phơi chừng một nắng là đã thấy khô rồi. (Lát này có thể dùng để đan chiếu).
Trước ngày gói bánh, tôi phải vào vườn nhà cách nhà cả cây số mà bọn tôi hay gọi một cách thân thương là "chòi". Căn chòi lá được cất lên để đồ đạc làm nông và nghỉ trưa sau khi lao động. Tôi đi dọc theo bờ chuối, lựa những lá còn nguyên rọc một bên, gom gọn lại mang về nhà. Lá chuối được lau rửa sạch sẽ, phơi phóng cho khô ráo để ngày hôm sau gói bánh.
Trong lúc tôi đi rọc lá thì má tôi ở nhà đã chuẩn bị ngâm nếp. Tôi nhớ những năm đó, má tôi đi xin vỏ gòn khô về phơi khô để dành. Mỗi khi làm bánh tét là vỏ gòn khô được đốt thành tro, lóng lấy nước ngâm nếp, cho bánh tét dẻo ráo. Ngày trước, dưới quê, người ta dùng phèn the tạo độ giòn nhưng sau không dùng nữa khi biết nó độc hại.
Sáng hôm sau, má tôi dậy sớm nấu một nồi đậu đen to đùng. Nhà tôi thường gói bánh tét đậu đen vì để lâu được, với lại ăn không ngán. Tôi hì hục nạo mấy trái dừa rám, trắng tươi.
Mọi thứ chuẩn bị xong xuôi. Nếp đã được xả bỏ nước tro, khô ráo. Má tôi trộn nếp, dừa nạo, đậu đen rồi dằn ít muối cho bánh không bị thiu nếu để lâu.
Tôi xé lá theo đúng kích cỡ của một đòn bánh tét sắp sẵn, má tôi chỉ việc lấy lá rồi đong nếp đã được trộn cho vào lá gói lại. Bà không để ai làm việc này. Chỉ khi thành hình đòn bánh, bọn tôi mới được dùng dây lá cột chung quanh từng vòng đều đặn. Vậy mà lắm khi còn bị má rầy. Đứa nào mạnh tay, siết chặt đòn bánh quá, nấu lâu mà nếp không nở được hết.
Tôi nhớ bánh tét gói xong thì trời đã về chiều rồi. Cơm nước xong xuôi là bắt đầu nấu bánh. Một đống củi khô đã được chuẩn bị sẵn để nấu bánh. Đó là những gốc cây to hay những khúc củi không thể chẻ được. Vậy là nồi bánh tét bắt đầu được đốt lửa lên và chúng tôi thay phiên nhau canh lửa, canh nước. Và má tôi sẽ canh giờ cho đến lúc nào mới giở bánh ra khỏi nồi và treo lên cây xà ngang sẵn có.
Dịp Tết, trời lành lạnh nên ngồi canh nấu bánh tét rất ấm áp trong ánh lửa củi không bao dứt cho tới lúc bánh tét chín. Mỗi năm gói bánh tét là dịp anh chị em tụ họp lại với nhau vui vẻ.
Bây giờ bánh tét ngoài nhân thịt, nhân chuối, người ta còn cho màu mè đủ thứ kiểu thật bắt mắt nhằm đáp ứng thị hiếu khách hàng khó tính. Những đòn bánh tét có màu tím, màu xanh, có nơi còn cho cả trứng muối vào. Nhưng tôi vẫn thích bánh tét đậu đỏ đậu đen nguyên hột trộn với cơm dừa, cảm giác lúc ăn rất gần gũi, giản dị như món xôi hàng ngày.
*&*
Trong các bài vè dân gian về các loại bánh có nhắc đến bánh tét, mỗi bài vè nhắc theo cách khác nhau:
"Kéo níu từng khoanh
Ấy là bánh tét"
Hoặc:
"Lạt cột trên lưng
Là cái bánh tét "
Dù trong câu vè nào, chúng ta cũng có thể hình dung ra đòn bánh tét quen thuộc vào những ngày Tết.
Chàng trai và cô gái mượn hình ảnh các loại bánh là cớ chuyện trò với nhau:
"Bánh bò bột nếp,
Bánh xếp nhưn dừa,
Bánh tét nhưn đậu.
Đón anh em hỏi còn kén lừa làm chi?"
Mượn bánh trái để nói về chàng trai thích kén cá chọn canh.
Gặp phải anh chàng dưới đây, chắc cũng thuộc loại khó chịu "Nắng không ưa, mưa không chịu, nhát gió kỵ mù sương", nên không ưa từ "con bán khoai lang" cho đến "con bán bánh tét":
"Nắng đổ chang chang
Thấy mặt con bán khoai lang
Tui bàng hoàng muốn làm cữ rét
Trời mưa sấm sét
Thấy mặt con bán bánh tét
Tui muốn hét rụng rời"
Bánh tét cũng đề cập trong đố dân gian, vui với nhau lúc nông nhàn:
"Nhiều dây nịt quấn thân tròn,
Mềm mềm dẻo dẻo, cớ sao gọi đòn
- Là bánh gì?"
Mấy ngày Tết đọc lại những câu vè, ca dao để tìm lại không khí Tết của một thời đã qua. Một thời, sống trong không khí Tết đi tới đâu cũng thấy những khoanh bánh tét đậu đen nằm trên dĩa khi khách đến nhà.
DƯƠNG KIỀU 05.02.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.