mardi 6 février 2024

Dương Kiều – Hương vị ngày Tết (2)

 

Kỳ 2: KHỔ QUA CÓ HẾT ĐẮNG ?

Gần Tết tôi thấy khổ qua rẻ nên mua mấy ký về làm món chay để ăn dần mấy ngày Tết ngán thịt cá. Món này được chế biến làm giảm bớt vị đắng của loại rau củ này.

*&*

Khổ qua còn có tên là mướp đắng. Ở Gò Công từ nhỏ tới lớn, tôi chỉ nghe gọi là "ổ qua", tuy vậy để thống nhất cách gọi tôi nghĩ nên gọi nó là "khổ qua", chắc là ai cũng biết như từng thưởng thức cái vị đắng đặc biệt của nó mỗi khi Tết đến.

"Chừng nào ớt ngọt như đường

Khổ qua hết đắng, đạo cang thường hết thương"

Khổ qua được trồng bằng hột khô. Khi lên bờ đất cho thêm phân tro vào cho xốp đất, người ta cho hột khổ qua xuống một cái lỗ nhỏ rồi lấp đất lại chờ hột nẩy mầm mọc lên dây. Sau đó, người ta cắm cây củi chà cho dây bò lên và đơm bông kết trái.

Tôi nhớ những ngày tháng Giêng, tháng Hai, tôi cùng mấy đứa em trong nhà hay đi chặt củi chà gom lại rồi kéo vào vườn bỏ trên khu đất trống để chuẩn bị trồng trọt khi mùa mưa xuống. Có thể trồng khoai củ, dưa leo, khổ qua hay cây gì cũng được. Đợi những dây con mọc lên là tôi với má tôi đi cắm chà dọc theo bờ, nâng những dây con cho nó bò lên chà đơm bông kết trái.

Những trái khổ qua mọc đầu tiên rất nở gai và ít đắng, tuy hơi nhỏ trái. Nhà tôi hay hái những trái đầu mùa như vậy luộc ăn. Sợ nhất lá khổ qua cuối mùa, trái đèo đẹt, lắm khi con ong nhỏ cánh mỏng chít vào trái làm trái khổ qua càng đắng hơn.

Không bán được, nhà tôi gom vào luộc cho bớt đắng rồi kho chay một nồi to đùng để ăn dần. Món này kho tới kho lui mấy ngày, riết rồi nó giống như món xà bần thường có sau mỗi dịp lễ Tết hay đám giỗ.

*&*

Tôi mua mấy ký khổ qua về rửa cho thật kỹ vì tôi biết loại này người ta phải xịt thuốc mới không bị sâu rầy làm hư trái. Lấy trái khổ qua cắt đôi ra lấy hột, để dành làm món hột khổ qua bằm chiên xả chay.

Tôi đem mấy ký khổ qua bào mỏng rồi đem phơi cho khô ráo. Sau đó thả vô dầu chiên cho giòn, tránh chiên quá lửa, khổ qua khô dễ bị đen. Nước tương với đường được nấu lại hơi sệt một chút, đem rưới lên khổ qua vừa chiên xong, muốn cho tiêu hay ớt tùy khẩu vị của mỗi người. Để cho dễ ăn, có thể cho thêm rong biển sấy cùng ít mè rang cho thơm. Món chay này dùng để ăn cơm mấy ngày Tết cho đỡ ngán.

Đôi lần uống bia tôi cũng có ăn qua món khổ qua chà bông. Khổ qua bào mỏng ướp đá cảm giác như bớt đắng nên ăn với thịt heo chà bông mằn mặn là món nhậu rất bắt. Món khổ qua nhồi cá thác lác (hoặc mọc) là một trong hai món Tết mà mỗi gia đình hay chuẩn bị, món còn lại là thịt kho tàu.

Có thể món ăn chế biến từ khổ qua có người không ăn được vì nó khá đắng. Với vị đắng mang tính ôn hàn là lợi thế của khổ qua nên có ăn cũng chừng mực, vì khổ qua có thể làm tăng men gan, làm ảnh hưởng đến những bệnh về tiêu hóa, gan hoặc thận...

*&*

Mấy người nuôi dê trong xóm hay lại nhà tôi xin lá so đũa về cho chúng ăn. Họ nói dê không thích ăn lá khổ qua có lẽ vì nó đắng. Không hiểu từ đâu lại có câu ca dao này:

"Dê xồm ăn lá khổ qua

Ăn nhầm lá đậu chết cha dê xồm"

Trong ca dao, vị đắng của khổ qua được coi như là "vị đắng tình yêu", thử thách tình cảm trai gái với nhau:

"Đói lòng ăn trái khổ qua,

Nuốt vô sợ đắng, nhả ra bạn cười"

Khi đã không còn ngại cay đắng thì tình yêu mới có thể bền lâu về sau!

Cho nên dù khổ qua đắng có màu xanh hay màu trắng, có bị nắng mà trái đèo đẹt, tình cảm vẫn không thay đổi.

"Khổ qua xanh, khổ qua trắng

Khổ qua mắc nắng, khổ qua đèo

Anh có thương em thì mần giấy giao kèo

Dù sanh, dù tử, dù nghèo em cũng theo"

Cái hay của ca dao là bất cứ hình ảnh nào cũng được kết nối với tình cảm và đời sống của con người. Ca dao sống mãi trong lòng người dân quê là nhờ vậy.

Vị đắng trong khổ qua sẽ còn mãi để cho cuộc sống "đắng cay nếm đủ, ngọt bùi cùng chia" mới thật sự đầy đủ ý nghĩa.

DƯƠNG KIỀU 03.02.2024

Dương Kiều – Hương vị ngày Tết (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.