jeudi 8 juillet 2021

Võ Xuân Sơn - Tình người trong đại dịch

 

Tối hôm qua, tôi nhận được thông tin từ một bạn trên Facebook. Bạn nói về một gia đình, cha thì dương tính, mẹ âm tính nhưng bị bệnh viêm phổi, cả hai đang điều trị trong bệnh viện.

Cậu anh trai bây giờ cũng dương tính, đến khuya sẽ có xe đến đưa đi. Cô em bé 3 tuổi không biết làm sao, đang khóc lóc vang cả xóm. Tổ dân phố nhờ bạn này chăm sóc cho em bé, vì gia đình ấy không còn bà con họ hàng thân thích gì và cũng vì bạn này là điều dưỡng. Thực tình thì tôi không biết phải khuyên bạn ấy làm sao, chỉ biết hy vọng bên chống dịch sẽ có giải pháp.

Sau đó, khi tôi hỏi bạn điều dưỡng kia, có sẵn sàng chăm sóc cho cháu bé không. Thì bạn ấy rất sẵn sàng. Vậy là tôi nghĩ ra cách. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn ấy đồ bảo hộ, để bạn ấy có thể đến và chăm sóc cho em bé kia.

Ngay trong đêm, chúng tôi đã thống nhất phân công một bạn điều dưỡng, sáng hôm sau mang đồ bảo hộ đến cho bạn kia, đủ để bạn ấy có 3 bộ cho mỗi ngày trong thời gian toàn thành phố lock down. Tuy nhiên, đến khuya, đội chống dịch đến đưa cậu anh đi, và đưa luôn em bé đi theo.

Rất nhiều những cây ATM gạo, rau, thực phẩm, do những nhà hảo tâm, mà không rõ họ có giàu có không, mang lương thực, thực phẩm đến cho người dân nghèo trong các khu phong tỏa. Nhiều người dân sống trong các khu vực bị phong tỏa chia sẻ trên Facebook, rằng họ nhận được khá nhiều đồ “cứu trợ”. Có thể nói, người dân Sài Gòn rất biết cưu mang, đùm bọc nhau.

Hôm qua, có một bạn comment trong bài viết của tôi khẳng định, rằng không thể nào có chết đói trong thời buổi này, như một minh chứng rằng, nhà nước có phong tỏa mà không cần hỗ trợ gì thì tình hình cũng chẳng thể bi đát đến mức chết đói. Tôi không biết bạn ấy có ám chỉ, rằng một trong những thành công của chính quyền trong công tác chống dịch, là không ai bị chết đói?

Thực ra thì đúng là chưa có ai bị chết đói cả. Nhưng nếu cho rằng đó là thành công của chính quyền, thì nghe rất buồn cười. Hôm qua, tôi mở TV, không biết từ khi nào, chương trình MyTV bị đảo lộn các vị trí, một số kênh bây giờ không xem được, muốn xem thì phải nâng cấp. Mà tôi cũng mới vừa lắp đặt có mấy tháng thôi chứ đâu phải lâu lắc gì. Từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán tràn vào nước ta, các doanh nghiệp nhà nước thoải mái lên giá, như điện, xăng dầu, giá vé máy bay của VNA…

Trong khi đấy thì ngày hôm nay, nghe nói giá cả một số mặt hàng thiết yếu ở TPHCM lên giá khá cao, mặc cho tối hôm qua, tôi xem TV thì thấy từ Chủ tịch UBND TPHCM, đến các doanh nghiệp bán lẻ, đều tuyên bố có đủ hàng bán, và giữ giá bình ổn.

Có lẽ việc lên giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, hoặc rau, thực phẩm… như ngày hôm nay, cùng với việc rất nhiều nơi yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, là những lý do mà mặc dù lock down, nhà nước không hỗ trợ gì, nhưng vẫn không ai bị… chết đói cả.

Có lẽ thành công lớn nhất là nhà nước đã trù tính sẵn, trong dân còn rất nhiều tiền, và họ sẽ phải tự đùm bọc nhau. Vì nếu để cho người nào đói, người ta sẽ trốn phong tỏa, trốn cách ly, trốn bệnh viện… để cho dịch lây lan. Hoặc đói ăn vụng, túng làm càn, họ mà đói quá sẽ sinh ra trộm cắp, cướp giật… thì dân sẽ khổ, nên dân nào còn chút tiền thì phải bỏ ra cứu trợ.

Không biết chính quyền TPHCM nghĩ như thế nào, có đủ tình người để mà giải cứu mấy công ty sản xuất và bán mì gói hay không (giống như nhiều tỉnh thành đang “giải cứu” các loại xét nghiệm virus Vũ Hán), mà lại cấm không cho bán đồ ăn mang đi. Hay họ muốn thử xem, 15 ngày tới có ai chết đói không?

À, hôm nay, Sở Y tế TPHCM vừa nhắc nhở các phòng khám làm test xét nghiệm nhanh phải chấn chỉnh lại, nhắc lại yêu cầu phải có Phòng xét nghiệm có an toàn sinh học cấp 2, và nhân viên lấy mẫu phải được tập huấn kỹ thuật lấy mẫu. Tất nhiên, để được tập huấn, các phòng khám phải đưa người có chứng chỉ hành nghề, chứ không phải sinh viên, đầu bếp, hay nhân viên sale bất động sản đâu nhé. Thế nhưng, nghe nói các em sinh viên vẫn cứ đi lấy mẫu. Ngay dưới cái gầm trời của TPHCM rực rỡ tên vàng này.

Hôm nay, câu chuyện tình người hay nhất trong ngày có lẽ đến từ “nước Huệ”, khi 26 người dân của “nước Huệ” (cách đây mấy ngày vẫn còn sở hữu cái hộ khẩu thường trú ở “nước Huệ”), đã không được phép bước xuống ga Huế, mà phải ra Quảng Trị. Tôi đã hết tủi thân. Đó giờ tôi rất buồn, vì bị “nước Huệ” phân biệt, nhưng nay mới biết, họ đâu có phân biệt. Ngay cả người dân của “nước” họ thì cũng vậy mà thôi.

Thôi, câu chuyện tình người trong đại dịch nó dài lắm, nói hoài không hết.

VÕ XUÂN SƠN 08.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.