Nam Dương (Indonesia) đang trở thành 'tâm dịch' (epidenter) trên thế giới, với số ca nhiễm ghi nhận hơn 54.000 trong một ngày. Tại sao diễn biến xấu như vậy, và chúng ta có thể học gì từ tình hình ở Nam Dương để có một kế sách tốt hơn cho Việt Nam. Cái note này chia sẻ vài quan điểm cá nhân.
1. Nhìn tình hình trong vùng: Tại sao Indonesia?
Có thể nói rằng trong tất cả các quốc gia vùng Đông Nam Á, chỉ có Singapore là không bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch mới. Tất cả các nước còn lại, Mã Lai, Thái Lan, Việt Nam, và đặc biệt là Nam Dương đều bị ảnh hưởng bởi sự tái bùng phát của dịch Vũ Hán.
Ở Mã Lai, số ca nhiễm tuần vừa qua tăng gấp 7 lần so với trung tuần tháng 5. Chỉ trong ngày 15/7, Mã Lai ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm (so với cùng ngày vào tháng 5 là 4.000). Tính đến nay, Mã Lai đã có gần 900.000 ca nhiễm và hơn 6.700 người tử vong.
Ở Thái Lan, số ca nhiễm hàng ngày cũng tăng nhanh trong tháng 7. Ngày 15/7 Thái Lan ghi nhận hơn 9.100 ca, tăng hơn 2 lần so với cùng ngày vào tháng 5. Hiện nay, Thái Lan đã ghi nhận gần 382.000 ca nhiễm và 3.100 ca tử vong.
Riêng Nam Dương là nơi nghiêm trọng nhứt. Số liệu trên worldometer cho thấy số ca nhiễm tăng liên tục mỗi ngày từ đầu tháng 6, và chỉ hôm qua (15/7) đã có hơn 56.000 ca nhiễm, gần 990 ca tử vong. Nam Dương được xem là 'tâm dịch' ở Á châu, vượt qua cả Ấn Độ. Tính đến nay, Nam Dương đã ghi nhận gần 2,8 triệu ca nhiễm và hơn 71.000 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong ở Nam Dương cũng cao nhứt so với 4 quốc gia trong vùng (xem Bảng 1).
Tại sao Nam Dương và các nước trong vùng trở thành 'tâm dịch' và tình hình diễn biến xấu hơn so với các nước trong vùng? Chúng ta chỉ có thể đọc thông tin từ báo chí và suy đoán thôi, chớ không thể nào biết chắc chắn nguyên nhân. Có thể nghĩ đến 2 nguyên nhân chánh: (1) dân số và lưu thông, và (2) biến thể mới của con virus.
Ở Thái Lan, số ca nhiễm bắt đầu tăng như tháng 4/2021, và nguyên nhân được cho là trước đó (tháng 3) Thái Lan mở cửa các hãng xưởng gần như bình thường. Đa số các ca lây nhiễm được phát hiện là từ các hãng xưởng. Có hãng người ta phát hiện hơn 2.000 ca nhiễm [1]. Tình hình ở Mã Lai cũng vậy, hơn 50% số ca nhiễm mới xảy ra trong các hãng xưởng giữa tháng 2/2021 và 4/2021 [2].
Nam Dương Mã Lai thì có một yếu tố khác về lưu thông, vì lễ hội Eid vào tháng 5. Đây là ngày lễ quan trọng của người Hồi giáo, nên họ tụ tập đông người. Nhiều người Hồi giáo không quan tâm đến những qui định về hạn chế đi lại, và họ tích cực tham gia vào ngày lễ Eid. Ngay từ tháng 5, đã có chuyên gia cảnh báo là Nam Dương có thể bị ảnh hưởng bởi đợt dịch mới nếu không hạn chế lễ Eid. Kinh nghiệm năm 2020, số ca nhiễm trong 3 ngày lễ Eid 'đóng góp' 10-20% sự gia tăng của dịch [3].
Ngoài lưu thông xã hội ra, các biến thể mới của virus cũng đóng góp vào sự bùng phát của dịch. Thật ra, không ai (hay ít ai biết) bao nhiêu số ca nhiễm mới ở Nam Dương, Mã Lai và Thái Lan là thuộc biến thể Delta. Muốn biết số liệu đó thì phải làm phân tích genomics, chớ không thể đoán mò được. Tuy nhiên, những gì xảy ra ở Ấn Độ cho chúng ta lý do để suy đoán rằng các biến thể mới (Beta, Gamma, Delta) có thể là thủ phạm.
2. Nghĩ về chiến lược đối phó ở Việt Nam
Việt Nam cũng không còn là ngoại lệ trong đợt dịch mới lần này. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì Việt Nam vẫn ... may mắn hơn 3 nước tôi đề cập. May mắn hơn hiểu theo nghĩa số ca nhiễm ít hơn, và tỉ lệ tử vong cũng thấp hơn. Tỉ lệ tử vong liên quan đến Covid-19 chỉ chừng 5 trên 1.000 ca nhiễm, so với 8 / 1000 ở Thái Lan và Mã Lai, và 26 /1.000 ở Nam Dương.
May mắn nhưng không thể và không nên 'ngạo nghễ' như lần trước được, mà phải có kế sách đối phó. Nhà nước dĩ nhiên là có các kế sách và các chuyên gia cố vấn, nhưng không hiểu sao mà chánh sách Nhà nước đưa ra là bị các chuyên gia độc lập phản đối và buộc phải điều chỉnh. Tôi chỉ có thể đoán là mấy vị chánh trị được bao quanh bởi các chuyên gia cố vấn, và những người này nói những gì mà Nhà nước muốn nghe?
Chẳng hạn như họ triển khai xét nghiệm trên 10 triệu người là một ... sai lầm. Người viết cái note này từng khuyên là không nên và kèm theo những lý giải cụ thể [4]. Bài báo đăng trên một tờ báo chỉ 1 ngày thì bị ai đó điện thoại bảo rút xuống. Thế rồi, chỉ một tuần sau thì phía TPHCM thừa nhận rằng xét nghiệm đại trà làm tốn kém tiền bạc của dân chúng [5].
Tôi cũng đề nghị là không nên đếm số ca nhiễm nữa, mà hãy tập trung vào outcome (đầu ra). Tôi viết rằng 'Thay vì đếm số ca, nên tập trung vào ‘đầu ra’ (outcome), vào tiêm chủng vaccin và vào biện pháp y tế công cộng.' Đầu ra ở đây là số ca nhiễm nặng, số ca nhập viện ICU, số ca tử vong. Đó là con số có ý nghĩa mà chúng ta cần tập trung vào. Còn con số ca nhiễm chung chung không có ý nghĩa gì cả.
Tôi cũng đề nghị là nên có tầm nhìn xa hơn, chuẩn bị phương án sống chung với con virus này vĩnh viễn. "Sống với virus [...] là bảo đảm sao cho cộng đồng được bảo vệ từ những ảnh hưởng nặng nề của virus." [6]. Có 'quân sư' của Nhà nước phản đối ý kiến này và cho rằng đó là sai lầm, nhưng rất tiếc là quân sư đó có vấn đề về hiểu dịch bệnh nên nói hơi quá tự tin và cao ngạo.
Thú vị thay, ngày hôm qua thì chính ông bí thơ Nguyễn Văn Nên tuyên bố rằng sẽ tập trung vào đầu ra. Ông Nên nói: "Mục tiêu lớn nhất là hạn chế trường hợp tử vong" [7]. Tức là ông ấy cũng nói nên tập trung vào đầu ra. Nhưng chưa đủ.
Tôi đồng ý với ông Nên, nhưng tôi muốn thêm rằng cần phải xác định mục tiêu đối phó với dịch là gì? Theo tôi thì có 3 mục tiêu:
• bảo toàn hệ thống y tế;
• tối thiểu hóa số ca nhập viện và ICU và giảm nguy cơ tử vong;
• giúp cho người dân tự quản lý nguy cơ.
Mục tiêu thứ nhứt là bảo bảo toàn hệ thống y tế, vì đó là hệ thống quan trọng nhứt trong bất cứ quốc gia nào trước đại dịch. Chúng ta đã thấy hệ thống y tế của Nam Dương bị suy sụp như thế nào, và dẫn đến quá nhiều ca tử vong. Do đó, phải đặt cái objective số 1 là duy trì hệ thống y tế, nhứt là bệnh viện.
Mục tiêu thứ hai là giảm hậu quả (tử vong và số ca nặng). Bởi vì đa số các ca nhiễm là nhẹ, họ không cần nhập viện hay cách ly tập trung. Nên phải tập trung vào số ca nặng hay có nguy cơ diễn biến nặng.
Hiện nay đã có mô hình tiên lượng nhận dạng những ca có diễn biến xấu, tại sao không ứng dụng các mô hình đó để sàng lọc người nhiễm nặng hay sắp diễn biến nặng? Hãy quên đi những 'fancy' và ảo tưởng về 'trí tuệ nhân tạo', mà tập trung vào các mô hình thống kê đã có trong y văn.
Mục tiêu thứ ba (giúp cho người dân phòng dịch) là quan trọng. Hiện nay, Nhà nước hành xử theo kiểu 'quan chi phụ mẫu': họ ra chỉ thị và mệnh lệnh. Họ giả định rằng người dân dốt, không biết gì. Mệnh lệnh cỡ nào cũng không giải quyết được vấn đề cộng đồng. Tôi nghĩ họ quên rằng trong y tế công cộng phòng bệnh hữu hiệu nhứt là bắt đầu từ cá nhân, từ người bệnh. (Dĩ nhiên, người mới nhiễm thì chưa phải là 'bệnh nhân'). Các giới chức y tế nên - nói theo tiếng Anh là - 'empower' người dân phòng dịch.
Hôm qua, có một bạn hiến kế rất hay về cách empower người dân. Cụ thể là khi cách ly tại nhà, thì nên quản lý theo nhóm nhỏ (ví dụ như vài ba chục người bị nhiễm) và có 3 bác sĩ tư vấn qua mạng. Thật ra, mô hình này rất dễ thực hiện, và nên lên kế hoạch ngay.
Phải làm gì?
Câu hỏi kế tiếp là nếu xác định đó là 3 mục tiêu / objectives cần đạt được, thì Nhà nước phải làm gì cụ thể? Tôi nghĩ các biện pháp sau đây nên xem xét để áp dụng:
(a) Xét nghiệm tầm soát, truy vết và cách ly
Đây vẫn là biện pháp quan trọng nhứt trong kiểm soát dịch. Xét nghiệm không phải để biết bao nhiêu người nhiễm (việc thống kê), mà là để nhận dạng người bị nhiễm. Nguyên lý là chúng ta phải phát hiện càng nhiều ca càng tốt và qua đó ngăn chận lây nhiễm. Tôi vẫn bảo lưu đề nghị lấy mẫu xét nghiệm theo cụm. Và, theo tôi biết thì TPHCM đã bắt đầu làm theo phương án này. Chúng ta chỉ cần lấy mẫu chừng 5 hay cao lắm là 10% dân số là đủ (về mặt thống kê), chớ không cần lấy cả 5 triệu hay 10 triệu mẫu.
Truy vết (trace) thì có lẽ đã làm, nhưng chưa biết hiệu quả ra sao. Ở Úc này, truy vết được xem rất quan trọng để nhận dạng các ổ dịch.
Cách ly những ca nhẹ ở nhà đáng lý ra nên làm từ lâu. Nhưng trễ còn hơn không. Tuy nhiên, cách ly dù ở nhà vẫn phải có tổ chức và theo qui định.
(b) Tiếp tục tiêm chủng vaccin và ưu tiên
Điều này thì quá hiển nhiên, tưởng chẳng cần phải nhắc đến, nhưng cái khó là phải suy nghĩ kĩ ai cần được ưu tiên trong tiêm vaccin.
Bàn về vấn đề này thì liên quan đến đạo đức xã hội. Chẳng hạn như theo nguyên lý hữu dụng (utilitarian principle) phát biểu rằng chánh sách xã hội tốt nhứt là chánh sách cung cấp lợi ích cao nhứt cho các thành viên trong xã hội trong điều kiện hạn chế về tài nguyên. Nói theo ngôn ngữ bình dân, nguyên lý bình đẳng nói rằng 'các anh phải làm gì đó giúp tôi nếu tôi bị tổn hại nhiều hơn anh.'
Diễn giải nguyên lý này sang thành phần ưu tiên thì Nhà nước nên ưu tiên các nhóm sau đây:
• Nhân viên y tế;
• Những người trong cộng đồng trên 60 tuổi hay có nguy cơ cao (COPD, bệnh tim mạch & cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, bệnh gan, ung thư, béo phì, v.v.);
• Những người trong cộng đồng dưới 60 tuổi nhưng có nguy cơ cao và làm việc trong lãnh vực thiết yếu (essential) như bán lẻ, hãng xưởng quan trọng.
(c) Duy trì giãn cách xã hội
Cho dù đã tiêm vaccin thì vẫn cần giãn cách xã hội một thời gian. Vaccin có chức năng chánh là giảm số ca nặng và giảm tử vong. Giãn cách xã hội sẽ là biện pháp lâu dài. Có người dự báo rằng tương lai sống với con virus này thì giãn cách xã hội trở thành ... bình thường. Trước mắt, phải ngưng các lễ hội và những tụ tập đông người.
Ở Úc chúng tôi đang có tranh luận gay gắt về phong tỏa (lockdown) cả thành phố. Có chuyên gia thì cho rằng lockdown có hiệu quả giảm số ca nhiễm và cứu người, nhưng có chuyên gia khác chỉ ra rằng lockdown giảm số ca tử vong Covid-19 thì ít mà tăng số ca tử vong vì các bệnh khác thì nhiều. Tôi chưa thấy dữ liệu, nên không có ý kiến.
Tôi vẫn nghĩ ngay cả lockdown thì cũng nên duy trì một số hoạt động sản xuất và kinh doanh thiết yếu. Tuy nhiên, có thể ưu tiên cho những người đã được tiêm vaccine vào làm việc và xét nghiệm thường xuyên. Ở Úc này, có nơi đã ra quy định cứ 3 ngày thì xét nghiệm một lần cho những công nhân viên trong nhóm 'thiết yếu'.
Tóm lại :
Sự diễn biến dịch ở các nước trong vùng (Nam Dương, Mã Lai và Thái Lan) cung cấp cho chúng ta 2 bài học quan trọng trong việc khống chế dịch: hạn chế 'lưu thông' và xét nghiệm tầm soát. Nam Dương gặp vấn đề là do không 'mạnh tay' trong việc hạn chế tụ tập đông người và đi lại, và không có xét nghiệm tầm soát tốt. Nhìn Nam Dương, chúng ta có thể đặt ra 3 mục tiêu trong chiến lược đối phó với dịch: (i) bảo toàn hệ thống y tế; (ii) tối thiểu hóa hậu quả (số ca nặng, ICU và tử vong); và quan trọng là (iii) giúp cho người dân tự quản lý nguy cơ. Đếm số ca không quan trọng bằng 3 mục tiêu đó.
GSNGUYỄN VĂN TUẤN 17.07.2021
[1] Over 2,000 cases detected at factory
[2] Factories Open During MCO Despite Contributing More Covid-19 Clusters
[3] Indonesia risks India-style Covid-19 surge as millions skirt Eid ul-Fitr travelban
[4] GS Nguyễn Văn Tuấn - Có nên làm xét nghiệm Covid-19 trên 10 triệu người?
[5] TP.HCM thừa nhận lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ tiêu lớn gây lãng phí
[6] GS Nguyễn Văn Tuấn - Nên ngưng đếm số ca nhiễm và chiến lược thoát Covid-19
[7] Bí thư TP.HCM: Mục tiêu lớn nhất là hạn chế trường hợp tử vong
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.