dimanche 18 juillet 2021

Trần Phi Tuấn - Sài Gòn : Hỗn loạn là do chiến lược chống Covid


Sài Gòn năm 1986. Giá cả tăng lên từng ngày mà tiền mặt lại khan hiếm, sản xuất đình trệ. Khắp nơi chính quyền các cấp kêu gào: Kéo giá xuống.

Giới chuyên gia tìm cách lý luận: Tiền chỉ thiếu trong ngân hàng nhưng thừa trong dân”. “Phải tăng cường giám sát tiền mặt”, “hạn chế phát hành tiền mặt ra lưu thông”, “Kiểm soát chặt chẽ lưu thông hàng hóa, chống đầu cơ tích trữ, tăng cường quản lý thị trường'...

Thoạt nghe, về mặt lý luận, các giải pháp trên rất ổn. Nhưng khi áp vào thực tế, chỉ làm trầm trọng thêm. Chính sách Giá - Lương - Tiền thời đó khiến cho lạm phát của Việt Nam năm 1986 lên đến 774%.

Nhóm Thứ Sáu nhóm họp sau khi được Thành ủy đề nghị nghiên cứu giải pháp kéo giá xuống. Khi ông Phan Chánh Dưỡng truyền đạt yêu cầu này, ông Hồ Xích Tú trầm ngâm đặt câu hỏi: Ta lấy cơ sở nào nói rằng giá hiện nay cao mà phải có biện pháp kéo giá xuống?

Câu hỏi đó làm dấy lên một cuộc tranh luận hết sức sôi nổi. Anh Huỳnh Bửu Sơn đặt vấn đề: Cần phải có một bản so sánh sự biến đổi giá của nền kinh tế VN qua các thời kỳ.

Vậy là, bắt tay vào làm. Chia các nhóm hàng làm 5, lấy giá thị trường làm căn cứ, mốc chuẩn so sánh tỉ giá là năm 1986 và và 1973, vốn khá tương đồng nhau (1 USD năm 1973 ăn 493 VND, và 455 năm 1986).

Vậy nên kéo giá xuống hay đẩy giá lên? Câu hỏi này một lần nữa trở thành Hoa sơn luận kiếm giữa các cao thủ thực chiến. Và giữa cơn tăng giá không ngừng nghỉ của hàng hóa, kết luận tăng giá lên, của nhóm khiến cho giới chính quyền thất kinh.

Điều may mắn là Nhóm Thứ Sáu đã thuyết phục được lãnh đạo thành phố lúc đó là ông Năm Nghị và ông Hai Chí. Hai ông này lại gửi kết quả cho ông Sáu Dân, lúc này là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ở Hà Nội, và thế là các chuyên gia kinh tế Xì Goòng có dịp ra thủ đô.

Anh Huỳnh Bửu Sơn đã trình bày với ông Võ Văn Kiệt, khá nhiều vấn đề, trong đó, bằng các con số thực tế, chứng minh tình trạng ngăn sông cấm chợ làm lệch lạc giá cả. Chẳng hạn, giá khoai mì chỉ 50 xu ở Ban Mê Thuột nhưng lại lên đến 2 đồng ở Sài Gòn. Các vấn đề về giá, lương và tiền được phân tích cặn kẽ trước sự chăm chú lắng nghe của ông Sáu Dân.

Sau cuộc đó, nhóm sĩ phu Sài Gòn được các sĩ phu Bắc Hà mời đi trình bày tại Ngân hàng Nhà nước, tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (lúc đó là cơ quan ngang Bộ, rồi Bộ Ngoại Giao…

Kết quả của chuyến thượng kinh thật rõ ràng khi trên đường đoàn về miền Nam bằng đường bộ, từ Hà Nội đến Sài Gòn gần 2.000km đã không còn chốt kiểm soát nào.

Nhìn lại, Sài Gòn thêm một cuộc đổ xô đi mua hàng, hàng khan, giá tăng lần này, không phải do chính sách giá lương tiền gây ra, mà sự hỗn loạn là do chiến lược chống Covid-19.

Có rất nhiều vấn đề thiếu chuyên nghiệp cả về cách làm, chiến lược, cũng như xử lý tình huống cấp bách hay xử lý khủng hoảng.

Bí thư Nguyễn Văn Nên đã có cuộc gặp gỡ các chuyên gia, dù nhận được nhiều lời cười chê, nhưng đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.

Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, huống chi giới chuyên môn, khoa học, trí thức, những người có tâm huyết, cùng thương, cùng đau vì thành phố.

Đặt câu hỏi đúng và nghiên cứu, thảo luận “trúng” về câu hỏi sẽ giúp cho đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp. Vì thế, tập hợp chuyên gia, cũng phải là những vị practical, tránh những lý thuyết, lý luận, cả về chống dịch lẫn phát triển kinh tế.

Thực tiễn của thành phố chứng minh chính những bức xúc, cũng như “vượt rào” từ bên dưới đã thôi thúc và trở thành động lực cho Đổi Mới, chứ không phải áp các chính sách duy ý chí từ trên xuống (top-down).

Và chống dịch là vấn đề khoa học, chứ không phải tâm linh, phong thủy!

TRẦNPHI TUẤN 15.07.2021 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.