samedi 18 juillet 2020

Trương Nhân Tuấn - Trung Quốc có thèm khát dầu khí đến mức phải ép Việt Nam ?



BBC có các bài viết liên quan tình trạng "bi đát" trong lãnh vực khai thác dầu khí của Việt Nam. 

Hôm trước Bill Hayton có bài nói là Việt Nam phải bồi thường một tỉ đô la cho các công ty khai thác dầu khí Repsol (Tây Ban Nha) và Mubadala của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tác giả nói rằng do "sức ép" của Trung Quốc mà Việt Nam phải hủy hợp đồng với các đối tác này và chấp nhận bồi thường (một tỉ đô) cho họ. 

Hôm qua lại thêm tin "bi đát" khác là công ty hợp doanh Ấn Độ-Nga-VN Rosneft cũng hủy hợp đồng với giàn khoan Noble Corporation. Lý do, từ miệng đại diện ngành dầu khí và năng lượng Việt Nam, ông Nguyễn Lê Minh: "Không phủ nhận việc Trung Quốc gây sức ép". 

Trung Quốc thèm khát dầu khí đến mức (phải ép Việt Nam) như vậy hay sao ?

Theo tôi, nếu xét tình trạng kinh tế toàn cầu ngưng trệ, nếu không nói là suy giảm mạnh (đến -10% ở một vài quốc gia Châu Âu) do Covid-19. Một số các quốc gia vừa mới ra khỏi lịnh "giãn cách xã hội", kinh tế đang trên đường phục hồi (như Trung Quốc và các quốc gia Châu Âu). Nhung nhu cầu năng lượng vẫn chưa đạt được mức "bình thường".

Riêng nước Mỹ, có lẽ do "lạc quan tếu" của lãnh đạo, tình hình là chưa chắc sẽ thoát khỏi nạn Covid-19 lây lan trên bình diện rộng. Hệ quả việc này có thể làm cho kinh tế nước Mỹ bị "sụp đổ". Mỹ không có các định chế xã hội như về lao động, y tế... đã thấy ở các quốc gia Châu Âu để "amortir" khủng hoảng. Khi khủng hoảng kinh tế kéo dài, hàng chục triệu người thất nghiệp cùng lúc. Không có "gói cứu trợ" nào của nhà nước có thể cứu vãn được sự sụp đổ "dây chuyền" của hệ thống kinh tế. 

Dấu hiệu của suy thoái toàn cầu là giá dầu cũng như mức tiêu thụ năng lượng của thế giới sụt giảm. Giá dầu hiện nay (khoảng 40 đô/thùng) không đủ "sở hụi" cho việc khai thác ở thềm lục địa.

Tình hình dầu khí (đá phiến) bên Mỹ còn "bi đát" hơn. Hệ thống ngân hàng Mỹ có nguy cơ sụp đổ. Hàng trăm ngân hàng không có tiền trả nợ, vì các công ty khai thác từ nhiều tháng nay đã tuyên bố phá sản. 

Vì vậy trên quan điểm kinh tế, Trung Quốc không có (hay chưa có) nhu cầu cấp bách về năng lượng đến đỗi gây hấn với Việt Nam để tranh đoạt các mỏ dầu ngoài khơi.

Theo tôi, nếu Trung Quốc gây "sức ép" lên Việt Nam có thể vì hai lý do: 1/ chiến lược an ninh năng lượng và 2/ buộc Việt Nam phải "giữ lời hứa".

Về khoản "giữ lời hứa", Việt Nam từ thời tổng bí thư Nông Đức Mạnh (2008) đã có hứa hẹn (hay cam kết ?) với Trung Quốc "hợp tác cùng phát triển" ở Biển Đông. Việc này sang thời Nguyễn Phú Trọng (2015) được tái khẳng định và cam kết Việt Nam"có tiền đồ tương quan và chia sẻ vận mệnh" với Trung Quốc. 

Việt Nam và Trung Quốc có thể đã có kế hoạch "hợp tác cùng phát triển" khu vực thềm lục địa gọi là Vạn An Bắc, bao trùm Bãi Tư Chính cũng như các lô thuộc quyền khai thác của Repsol và hợp doanh Ấn độ, Việt Nam, Nga Rosneft. Một bài "nghiên cứu" của học giả Việt Nam được đăng trên tập san của Trung Quốc bị tiết lộ từ nhiều tháng trước là dấu hiệu cho thấy kế hoạch "khai thác chung" ở Bãi Tư Chính là chuyện "có thật". 

Trung Quốc có thể thừa dịp Mỹ lúng túng vì khủng hoảng y tế và kinh tế để "ép" Việt Nam giữ lời hứa.

Về "chiến lược an ninh năng lượng". Đến nay Trung Quốc lệ thuộc vào nguồn dầu khí nước ngoài (Trung Đông khoảng 50% và Nga). Nguồn năng lượng từ Trung Đông có thể bị đe dọa đứt đoạn, nếu có xung đột với Mỹ hay Ấn Độ. 

Xung đột Ấn-Trung về biên giới trong tháng qua, khác với trận nổ súng năm 1960, Trung Quốc sớm "xuống nước" trước sự phản đối của Ấn Độ (trong dân chúng cũng như trong gói lãnh đạo chính trị). 

Trung Quốc không có lợi nếu mở cuộc xung đột với Ấn Độ. 

Lâu nay Ấn Độ không có quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Thời chiến tranh lạnh Ấn Độ đúng trong khối "thế giới thứ ba", thân Nga. Tạo sự "thù nghịch" với Ấn Độ là xô nước này đứng vào "tứ giác kim cương" trong sách lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" của Mỹ. 

Trong khi đó Ấn Độ có chủ quyền các đảo trong vịnh Bengale, chặn ngoài cửa eo biển Malacca. Tức là Ấn Độ có khả năng đóng nút nguồn năng lượng (cùng tàu bè hàng hóa) của Trung Quốc từ các cảng lục địa thông qua vùng Vịnh hay kinh Suez. Khả năng hải quân Trung Quốc chưa đủ để trấn áp Biển Đông, huống chi bên kia eo biển Malacca.

Lo ngại tình trạng này có thể xảy ra, Trung Quốc phải phòng ngừa kho năng lượng dự trữ. Đó là gì nếu không phải là bãi Vạn An Bắc, nơi tụ hội nhiều mỏ dầu khí hơn hết dưới thềm lục địa Việt Nam.


TRƯƠNG NHÂN TUẤN 18.07.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.