mercredi 1 juillet 2020

Virus corona và những tranh cãi khoa học gây bão trên thế giới

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm tại Bắc Kinh ngày 30/06/2020 sau khi dịch virus corona lại bùng phát ở Trung Quốc. © REUTERS/Thomas Peter
Đăng ngày:

Nguồn gốc con virus corona, hiệu quả của phương thức Raoult, vai trò của nicotine và thanh hao hoa vàng (Artemisia annua). Đó là bốn chủ đề tranh cãi gây chia rẽ trong cộng đồng khoa học, được Les Echos ngày 29/06/2020 tổng hợp. 

1/ Virus corona chủng mới xuất phát từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc ?

Liệu con virus được đặt tên là SARS-CoV-2 đã được tạo ra hoặc chọn lọc ra trong phòng thí nghiệm ? Một bài báo ngày 26/01 trên Washington Times đã khuấy động dư luận khi đưa ra giả thiết này. Theo đó các nhà nghiên cứu của Viện vi trùng học Vũ Hán, nơi lưu giữ một số virus thuộc loại nguy hiểm nhất thế giới, đã cố tình chuyển đổi gien một con virus corona có ở loài dơi, để có thể lây nhiễm sang người một cách hiệu quả.

Vụ này còn trở thành vấn đề ngoại giao khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tháng Năm khẳng định đang có trong tay « một số  bằng chứng đáng kể » là virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán nói trên. Sau đó tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ đánh thuế trừng phạt, cáo buộc Trung Quốc là nguyên nhân vụ « sát nhân hàng loạt trên toàn thế giới ».

Nhà nghiên cứu Vincent Maréchal thuộc Trung tâm miễn dịch và bệnh nhiễm của trường đại học Sorbonne cho biết : « Không có một yếu tố khoa học nào xác nhận giả thiết có việc chọn lọc trong phòng thí nghiệm từ các nguồn virus có sẵn ». Ngược lại, ngày càng có nhiều biện luận nghiêng về phía xuất xứ tự nhiên, trong đó có sự thiếu vắng các dấu hiệu virus SARS-CoV-2 được gắn các đoạn gien khác vào. Trong khi đó, virus này được hàng trăm phòng thí nghiệm giải mã. Cộng đồng khoa học cho rằng nếu có sự thao túng thì đã được nhận ra.

Ngoài ra, dòng virus corona có tiếng là rất khó đổi mã di truyền. Đó là các virus ARN, mà kỹ thuật chuyển đổi gien vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều công trình nghiên cứu thiên về khả năng xuất xứ tự nhiên. Một báo cáo ngày 08/06 chẳng hạn, cho thấy cấu trúc một protein chính để nhân lên của SARS-CoV-2 rất giống với một loại virus corona trên loài dơi.

Như vậy giả thiết việc con virus này truyền sang người từ chợ động vật hoang dã Vũ Hán là đáng tin cậy. Ông Vincent Maréchal kết luận : « Sự tình cờ trong chọn lọc tự nhiên đã giúp cho con virus vượt qua rào cản giống loài, thông qua những vật trung chuyển như con tê tê ».

2/ Cây thanh hao hoa vàng, phép lạ chống Covid-19 ?

Từ tháng Ba, tổng thống Madagascar, Andy Rajoelina đã quảng bá cho phương thuốc thảo dược này. Madagascar là nước chủ yếu trên thế giới sản xuất thanh hao hoa vàng, các hãng dược chiết xuất từ cây này một hoạt chất được công nhận là hiệu quả để chống bệnh sốt rét. Thanh hao hoa vàng phổ biến đến nỗi thuốc sắc từ chúng, Covid Organics, do Viện nghiên cứu ứng dụng quốc gia sản xuất, đã được phân phối rộng rãi ở châu Phi, chủ yếu cho dân nghèo.

Một số người cho rằng thảo dược này có hiệu quả : tỉ lệ lây nhiễm tại các nước châu Phi thấp. Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngay từ năm 2019 đã phản đối việc sử dụng thanh hao hoa vàng dù dưới dạng trà dược thảo hay dạng bột, vì chưa chắc có lợi.

Trong thông cáo ngày 20/06, Viện hàn lâm y học nhận xét « thiếu dữ liệu về các phân tử trong thanh hao hoa vàng khô do Madagascar sản xuất »,« không có các nghiên cứu chứng minh tính chất kháng virus », đồng thời khuyến cáo không sử dụng trà thảo dược từ loại cây này.
Tuy vậy, việc nghiên cứu vẫn được tiến hành. Ngày 08/04, viện trưởng Viện Max-Planck de Potsdam của Đức, ông Peter Seeberger, loan báo hợp tác với công ty Mỹ ArtemiLife và các nhà nghiên cứu Đan Mạch để thử nghiệm tinh chất thanh hao hoa vàng.

Theo ông, virus gây bệnh Covid-19 cùng loài với virus corona gây dịch SARS, mà thanh hao hoa vàng tỏ ra hiệu quả với SARS, nên tinh chất loại cây này cần được hợp tác quốc tế thử nghiệm để chống virus corona chủng mới. Nhiều tờ báo cho biết nhóm nghiên cứu có thể loan báo tinh chất này hiệu quả với Covid-19 trong phòng thí nghiệm. Nhưng dù điều này là đúng, vẫn phải thử nghiệm lâm sàng trên người để xác nhận.

3/ Tỉ lệ tử vong ở Marseille thấp hơn Paris gấp năm lần ?

Sự khác biệt lớn về tỉ lệ tử vong, đặc biệt là tại Marseille so với các vùng khác của nước Pháp, được phe ủng hộ cách chữa trị bằng chloroquine theo « phương pháp Raoul » nhấn mạnh. Vị giáo sư nổi tiếng ở Marseille phối hợp giữa hydroxychloroquine với kháng sinh azitromycine và chất kẽm.

Truyền thông đưa tin rộng rãi về con số do cơ quan y tế công của Pháp đưa ra vào cuối tháng Năm : số tử vong trung bình trên 1.000 người dân tại Pháp (không kể các viện dưỡng lão) là 270. Tỉ lệ này ở Paris là 740, vùng Haut-de-Seine là 607, nhưng ở Marseille chỉ có 147, trong khi ba vùng này có các tính chất dịch tễ như nhau.
Có nhiều giải thích cho sự khác biệt này. Những người ủng hộ giáo sư Didier Raoult coi đó là bằng chứng cho phương thức phối hợp ba loại thuốc. Họ nhấn mạnh, nếu sử dụng ngay từ khi mới xuất hiệu các triệu chứng đầu tiên, thì tỉ lệ tử vong trên 1.000 người chỉ là 16.

Số khác cho rằng đó là nhờ hiệu quả của chiến dịch xét nghiệm. Từ tháng Ba, viện nghiên cứu của giáo sư Raoult đã tổ chức xét nghiệm đến 3.000 cuộc/ngày. Vào lúc cao điểm dịch giữa tháng Tư, có 2,5% dân số Marseille đã được xét nghiệm, trở thành thành phố « được xét nghiệm nhiều nhất thế giới », theo ông Didier Raoult. Trong khi đó, các phòng thí nghiệm vùng Bas-Rhin, một trong những vùng bị virus hoành hành nhiều nhất, chỉ làm có 265 xét nghiệm một tuần.

Ngoài ra, số liệu tử vong được công bố theo vùng chứ không theo cấp hành chính thấp hơn. Đối với Paris, cũng tương đương cấp vùng, thì không có vấn đề gì. Ngược lại với Marseille thì phải phối hợp các nguồn, và tỉ lệ công bố chỉ mang tính ước lượng. So sánh với vùng Bouches-du-Rhône (mà Marseille là thủ phủ), thì tỉ lệ tử vong của thủ đô nước Pháp rốt cuộc « chỉ » cao hơn 3,3 lần. Khác biệt còn do các vùng không cùng ảnh hưởng cùng một thời điểm và theo cùng một cách thức.

4/ Chất nicotine bảo vệ bệnh nhân virus corona dạng nặng ?

Đó là một nghịch lý đã khiến các nhà nghiên cứu phải nhanh chóng lưu tâm : tại Trung Quốc, tỉ lệ người nghiện thuốc lá trong số người dương tính với Covid là 12,6%, chỉ bằng phân nửa số người nghiện thuốc trên toàn quốc (28%). Quan sát này được The New England Journal of Medicine công bố vào cuối tháng Ba và tiếp theo là nhiều báo khác.
Tại Pháp, cơ quan quản lý các bệnh viện Paris xác nhận hiện tượng này, với tỉ lệ 8,5% người hút thuốc lá trong số các bệnh nhân bị nhiễm, trong khi người nghiện thuốc chiếm 25,4% dân số. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học tỏ ra thận trọng trước nhận định thuốc lá đóng vai trò bảo vệ bệnh nhân Covid-19.

Trước hết là tuổi của những người nhập viện : đa số bệnh nhân bị Covid-19 thể nặng đều trên 65 tuổi, trong khi càng lớn tuổi người ta càng hút thuốc ít hơn. Tại Pháp chẳng hạn, người trên 65 tuổi hút thuốc 2,5 lần ít hơn so với dân số tính chung.

Một lý do khác là các tiêu chí không rõ ràng. Một số nghiên cứu xếp những người hút dưới 30 gói thuốc một năm như là người không hút thuốc, và đa số không quan tâm đến thuốc lá điện tử, trong khi loại này làm giảm khả năng miễn dịch. Trong một phân tích vào tháng Năm về quan hệ giữa việc hút thuốc lá, chất nicotine và Covid-19, cơ quan y tế công của Pháp tỏ ra thận trọng : « Trong giai đoạn này, tác động được cho là bảo vệ của chất nicotine chỉ mới là giả thuyết ».

Tuy vậy, các nhà nghiên cứu vẫn bắt tay vào việc để khai thác hướng này, với giả thiết về mặt sinh lý, nicotine có thể làm cho virus khó xâm nhập vào phổi hơn. Ý tưởng này không phải là huyễn hoặc : virus corona chủng mới tấn công vào tế bào bằng cách bám vào các thụ cảm ACE2 của tế bào phổi. Trong khi các công trình được công bố năm 2018 đã kết luận rằng người nghiện thuốc có ít thụ cảm này hơn. Tuy nhiên, từ đó đến nay lại có những nghiên cứu khẳng định ngược lại. Do đó, chưa có gì là chắc chắn.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.