jeudi 9 juillet 2020

Trần Trung Đạo - Hồng Kông trong quan điểm « không gian sinh tồn » của Tập



Hôm 2 tháng 9, 2019, một bạn Facebook đặt câu hỏi trong phần lời bình của bài Cơn Ác Mộng Của Tập Cận Bình: Hong Kong Trở Thành Một Đài Loan: “Với nhãn quan và tầm nhìn của mình, chú cho rằng Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có những bước đi nào tiếp theo với nước Mỹ, thưa chú?” 

Nguyên văn câu trả lời của tôi: 

“Năm 2019 sắp qua, trong năm 2020, mỗi bên, Trump và Tập đều có những ưu tiên cần phải hoàn thành. Ưu tiên của Tổng thống (TT) Trump là tái đắc cử nhiệm kỳ hai, và ưu tiên của Tập là phục hồi hay ít nhất giữ nền kinh tế không bị tụt nhanh hơn. 

Về phía Tập, năm 2019 là năm kinh tế Trung Quốc tăng chậm nhất kể từ 1992. Các nhà kinh tế dùng năm 1992 làm khởi điểm của kế hoạch đổi mới kinh tế sau Thiên An Môn. Tập còn nhiều tiền nhưng không thể tự động đổ vào thị trường để bơm kinh tế lên như đã làm trong đại suy thoái kinh tế thế giới 2009 vì y sợ cùng lúc cũng làm mức lạm phát gia tăng nhanh. 

Trong ba tháng thứ hai của năm 2019, Tổng Sản Lượng Nội Địa của Trung Cộng chỉ tăng 6.2%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 27 năm.

Lý do, trong 27 năm qua, Trung Cộng phát triển nhờ các bất ổn trong chính trường thế giới và biến động quân sự tại Trung Đông, Á Rập. Tuy nhiên, thời kỳ “đục nước béo cò”, “ngư ông đắc lợi” đó đã qua rồi, cộng với sự cạnh tranh ráo riết, sát ván của các nước đang trổi dậy (Emerging Countries) như Ba Tây, Chilê, Colombia, Tiệp, Ai Cập, Hungary, Ấn Độ, Nam Dương, Nam Phi, Ba Lan v.v…làm hàng hóa Trung Cộng trở nên đắt đỏ so với các hàng hóa tương tự sản xuất tại các quốc gia thuộc khối đang trỗi dậy. 

Sự tăng hay giảm của một nền kinh tế không phải là vấn đề sinh tử và xảy ra gần như theo chu kỳ, nhưng dưới chế độ kinh tế tập trung như Trung Cộng là vấn đề nhức nhối cho giới cầm quyền. Bởi vì suy thoái kinh tế sẽ dẫn tới các áp lực chính trị từ phía người dân. Các câu hỏi trước nay họ quên đi sẽ sực nhớ lại. Những yêu cầu họ tạm gác qua bên sẽ được đem ra. Những “tính chính danh”, “quyền lao động”, “nhu cầu cơm áo” v.v.. sẽ trở thành những câu hỏi lớn.

Về phía TT Trump, kinh tế Mỹ cũng bị ảnh hưởng trong chiến tranh thương mại với Trung Cộng, và TT Trump cũng không muốn kinh tế Mỹ bị rơi vào suy thoái trước mùa bầu cử TT vào tháng 11, 2020. Xã hội Mỹ là xã hội tiêu thụ, yếu tố kinh tế có tác dụng trực tiếp vào lá phiếu. 

Nhắc lại lịch sử, TT George H. Bush (Bush cha), người đại thắng trong chiến tranh Iraq và trước đó chứng kiến sự sụp đổ của phong trào cộng sản Châu Âu, nhưng vì suy thoái kinh tế mà thất cử vào tay Bill Clinton. Trước đó TT Jimmy Carter cũng vì lý do kinh tế mà không tái đắc cử. 

Tóm lại, cả Tập lẫn TT Trump đều có nhiều việc phải làm nên có thể không có biện pháp nào quá cứng rắn có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế thế giới.”

Các chính sách của Tập trong thời gian đó cho thấy câu trả lời trên là đúng. 

Bằng chứng, khi hai đạo luật về Hồng Kông do Quốc hội Mỹ thông qua gần như tuyệt đối, Tập cũng chỉ trả đũa bằng những biện pháp ngắn hạn, vá víu và tạm thời như không cho phép các chiến hạm Mỹ thả neo cảng Hong Kong và cấm các cơ quan nhân quyền phi chính phủ Mỹ cử nhân viên theo dõi các cuộc biểu tình tại Hồng Kông. 

Phản ứng như vậy chẳng khác gì không phản ứng, vì Mỹ không có nhu cầu quân sự hay lợi ích chiến lược để các tàu chiến phải thả neo tại cảng Hồng Kông. Và trong thời đại tin học ngày nay có hàng trăm cách theo dõi các cuộc biểu tình tại Hồng Kông mà không cần phải cử các đại diện chính thức đến. 

Những biện pháp của Tập rõ ràng không nhắm vào Mỹ, mà chỉ nhằm làm nguội bớt chảo dầu đại Hán yêu nước cực đoạn tại lục địa khỏi văng phỏng người y. 

Lưu ý, cả hai, câu hỏi của người bạn Facebook và câu trả của tôi, đều xảy ra trước mùa dịch Covid-19. 

Chủ trương “Trung Cộng hóa” Hồng Kông là một phần chiến lược của Tập từ khi lên nắm quyền. 

Tại sao phải “Trung Cộng hóa” Hồng Kông? 

Bởi vì người Hồng Kông không chấp nhận họ là người Trung Quốc trong quan điểm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và xã hội. Theo tạp chí Economist, tháng 9, 2019, gần như không một người Hồng Kông nào dưới 30 tuổi đồng ý mình là người Trung Quốc và con số đồng ý cũng rất nhỏ ở các lứa tuổi lớn hơn. 

Trong thời đại ngày nay, chủng tộc không phải là tiêu chuẩn duy nhất được dùng để xác định căn cước một con người mà là tổng hợp của nhiều giá trị trong đó có lịch sử, giáo dục, tư tưởng tự do, dân chủ và văn minh.

Do đó, xóa bỏ các giá trị văn hóa, chính trị và xã hội đã được truyền thừa hàng trăm năm và cấy vào nhận thức người dân Hồng Kông một hệ tư tưởng phục tùng cộng sản là một mục tiêu hàng đầu của bộ máy tuyên truyền cộng sản Trung Quốc. 

Về nội dung, chính sách “Trung Cộng hóa” của Tập không khác gì nhiều so với chủ trương “Đức hóa” (Germanization) vào đầu thế kỷ 18 tại Đức và sau đó được khai triển bởi Hitler, khác chăng là phương cách tiến hành. 

Ngoài ra, việc Hồng Kông có thể trở thành một Đài Loan là một cơn ác mộng không thể nào chấp nhận được của Tập Cận Bình. Bởi vì Hồng Kông không chỉ là một phần lãnh thổ Trung Quốc, mà còn là phần chiến lược vô cùng quan trọng trong quan điểm “không gian sinh tồn” của Tập. 

Hitler viết về “không gian sinh tồn” trong Mein Kampf (Đời Tranh Đấu Của Tôi) như sau: Không nhận xét về 'truyền thống' và định kiến, [Đức] phải can đảm tập hợp nhân dân và sức mạnh của họ để tiến lên con đường đưa người dân từ không gian đang sống bị hạn chế hiện nay đến lãnh thổ và đất đai mới, và do đó cũng giải phóng nó khỏi nguy cơ biến mất khỏi trái đất hoặc phục vụ người khác như một quốc gia nô lệ. 

(Without consideration of 'traditions' and prejudices, it [Germany] must find the courage to gather our people and their strength for an advance along the road that will lead this people from its present restricted living space to new land and soil, and hence also free it from the danger of vanishing from the earth or of serving others as a slave nation." (Mein Kampf, page 646)

Tập Cận Bình, trong cùng một mục đích như Hitler, chủ trương tạo nên một “không gian sinh tồn” ở phía Đông và phía Nam Á Châu trong đó có Hồng Kông, Nhật Bản, Bắc Hàn, Đài Loan và 11 quốc gia vùng Đông Nam Á. 

Tại đại hội lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017, Tập không che giấu chủ trương bành trướng về hướng đông khi công khai phát biểu như sau: “Chúng ta có sự quyết tâm, tự tin và khả năng để đánh bại chủ trương “Đài Loan Độc lập” bất cứ hình thức nào. Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai, bất cứ tổ chức hoặc đảng chính trị nào, vào bất cứ lúc nào hoặc hình thức nào, tách rời bất cứ phần nào của lãnh thổ Trung Quốc khỏi Trung Quốc ….Xây dựng trên các đảo và vùng đá ngầm ở Biển Đông đã có tiến bộ ổn định.”
 
(We have the resolve, the confidence, and the ability to defeat ‘Taiwan Independence’ in any form. We will never allow anyone, any organization or any political party, at any time or any form, to separate any part of Chinese territory from China.” “Construction on islands and reefs in the South China Sea has seen steady progress.” (Chinese President Xi Jinping speaks during the opening of the 19th National Congress of the Communist Party of China, October 18, 2017)

Trong lúc Tập đang gặp khó khăn trong việc “Trung Cộng hóa” Hồng Kông thì nạn dịch Covid-19 đến. Nạn dịch khủng khiếp chưa từng có đã cho Tập một cơ hội bằng vàng để hoàn thành các chính sách của y, trước hết là ban hành Luật An Ninh. 

Với luật này, Hồng Kông không còn là “một quốc gia hai chế độ” mà nằm trong sự kiểm soát trực tiếp của Bắc Kinh. Trung Cộng sẽ thiết lập hệ thống an ninh tại Hong Kong với nhân viên được đưa ra từ lục địa, nhiều vụ án có thể bị xử kín và có thể bị xử tại lục địa, các luật pháp áp dụng tại Hồng Kông sẽ do Bắc Kinh giải thích. Nói chung cả hệ thống cai trị cộng sản sẽ được áp dụng tại Hồng Kông, như đã và đang áp dụng tại lục địa từ 1949.

Tại Mỹ, mặc dù con số tử vong do nạn dịch gây ra cao hơn nhiều lần so với biến cố khủng bố 9 tháng 11 và thiệt hại kinh tế cũng trầm trọng hơn nạn khủng hoảng tài chánh năm 2007-2009, hành động “Trung Cộng hóa” Hồng Kông chắc chắn sẽ không bị Mỹ bỏ lơ. Việc duyệt xét lại đạo luật U.S.-Hong Kong Policy Act 1992 trong đó chính phủ Mỹ ủng hộ cách sống, thịnh vượng và quyền tự trị của Hồng Kông, và áp dụng đạo luật Hong Kong Human Rights and Democracy Act 2019 sẽ được thực hiện.

Nền kinh tế của Anh Quốc cũng bị ảnh hưởng trầm trọng bởi Covid-19 nhưng với tư cách là một quốc gia chịu trách nhiệm trực tiếp cho sinh mệnh Hồng Kông, Thủ Tướng Boris Johnson thuộc đảng Bảo Thủ Anh vừa lập lại lời cam kết cho phép đến 2.6 triệu dân (hơn một phần ba dân số) Hồng Kông nhập cư Anh. Thời đại vàng son trong quan hệ giữa Trung Cộng và Anh bắt đầu từ thời Margaret Thatcher được xem như chấm dứt.

Thật khó dự đoán phản ứng của các cường quốc có liên hệ trong bối cảnh kinh tế xã hội đầy khó khăn hiện nay tuy nhiên kịch bản dưới đây dễ thấy nhất. 

Sau khi hay cùng lúc nhiều triệu người lần lượt di dân sang Anh, chính phủ Mỹ giới hạn các đặc quyền dành cho Hồng Kông trong United States-Hong Kong Policy Act 1992 đồng thời cắt giảm các quan hệ kinh tế với Hồng Kông vì lãnh thổ này không còn tự trị. 

Một Hồng Kông còn lại sẽ chỉ là một thành phố bình thường như hàng trăm thành phố khác của Trung Cộng. Nguồn lợi khổng lồ do Hồng Kông đem lại từ bao lâu nay trong vị trí của một nhịp cầu nối liền Đông và Tây, một trung tâm tài chánh lớn của thế giới, một thương cảng lớn, nơi có văn phòng đại diện của 1.300 công ty Mỹ sẽ không còn nữa. 

Thành công trong việc “Trung Cộng hóa” Hồng Kông, Tập Cận Bình phải đối đầu với một thế giới tự do đoàn kết hơn bao giờ hết chống Trung Cộng. Ngoài thù địch với Nhật, căng thẳng với Úc, chiến tranh với Ấn, bị tố cáo phản bội cam kết với Anh, Tập Cận Bình phải chuẩn bị để đối phó với các biện pháp trừng phạt chưa tiên đoán được từ phía Mỹ. 

Thắng một trận trong cuộc chiến tranh lạnh Á Châu còn dài và đa diện chưa hẳn là một bước tiến, mà có thể là một bước lùi vì bị cô lập hơn trước đó.

TRẦNTRUNG ĐẠO 06.07.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.