samedi 18 juillet 2020

Người đàm phán, cú lăn xuống sàn mà không tỉnh và hai ước mơ không thành


Hai trưởng đoàn đàm phán ký tắt Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 14/7/2000 tại Nhà Trắng.

(Cafef.vn 13/07/2020) Căn nhà có cổng hẹp xây kiểu cũ trên một con phố khuất ở Hà Nội, dưới tán cây trước cửa có mấy chị bán rau quả đang úp nón ngủ trưa, là nhà của ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA).

Năm 2000, vị trí của ông Lương là ở ngay chính trung tâm mối bang giao giữa Việt Nam và Mỹ. Khi đó, giới doanh nhân Việt Nam có lẽ ít ai không biết tên ông. Có người còn hứa: "Mai kia ông chết, tôi sẽ lập bàn thờ".

Lời hứa không phải điều gì quá đáng, vì bản BTA mà ông Lương đàm phán và ký kết với nước Mỹ đã mở ra cho Việt Nam, từ thế bị vây tứ bề, cánh cửa hội nhập kinh tế thế giới - điều mà ngày nay chúng ta tưởng rằng hiển nhiên phải như vậy.

20 năm đã trôi qua. Sự quan tâm dành cho ông đã thưa vắng rất nhiều. Có thể một vài lời hứa hồi xưa, những người nói ra cũng đã quên. Ông trưởng đoàn ngày đó giờ đã qua tuổi 80, nhưng vẫn nhớ không sót điều gì về cuộc đàm phán dài 5 năm, về những bản giải trình hàng trăm trang giấy và những cuộc thương thảo thâu đêm suốt sáng theo đúng nghĩa đen.

Vẫn giữ phong cách của "người đàm phán" năm nào, dù đón khách ở nhà ông Lương vẫn đóng bộ với sơ mi trắng là phẳng chỉn chu. Phòng khách nhà ông không có máy lạnh, chỉ dùng quạt, dễ gợi nhớ đến phòng làm việc hồi xưa của ông ở Bộ Thương mại. Chỉn chu, giản dị và vui vẻ là những điều vị Trưởng đoàn đàm phán vẫn giữ lại cho cuộc sống hằng ngày.

PV: Dịp này, Việt Nam và Mỹ đang kỷ niệm 25 năm quan hệ và 20 năm BTA. Từng là Trưởng đoàn đàm phán BTA, ông nhìn nhận chặng đường đã qua như thế nào? 

Ông Nguyễn Đình Lương: Việt Nam và Mỹ phát triển quan hệ đến mức đối tác toàn diện như hôm nay phải được gọi là kỳ tích. Những người như tôi, tham gia đàm phán và ký kết BTA với Mỹ, thấm thía điều đó.

Để nói về hoàn cảnh những năm đó: Khi chúng tôi bắt đầu đàm phán BTA với Mỹ, báo chí hầu như chẳng có tin tức gì về Mỹ cả. Tâm lý chính lúc đó vẫn là ghét Mỹ, dù hai nước đã bình thường hóa quan hệ. Báo chí của ta khi đó nói về Mỹ chỉ có âm mưu xảo quyệt thôi. Nếu ai nói Mỹ mạnh, kinh tế Mỹ số một thì bị cho là mất lập trường ngay. Tôi cũng không thoát khỏi việc bị cho là mất lập trường.

Tôi là người đầu tiên ở Hà Nội xin trợ cấp của USAID để mời chuyên gia Mỹ vào Việt Nam giảng bài. Vì việc này mà tôi mang điều tiếng, nhưng cá nhân tôi không dính vào tiền, nên không sợ. Nói lại những điều đó để nhớ, 20 - 25 năm trước quan hệ giữa hai nước khác biệt với ngày nay đến mức nào.

PV: Việc ký kết BTA vào năm 2000 được đại diện phía Mỹ đánh giá là thành công của việc xây dựng lòng tin giữa hai bên. Các ông đã làm thế nào để xây dựng được điều đó từ nền tảng thấp như ông nói?

Ông Nguyễn Đình Lương: Không phải là thấp, mà phải nói hẳn là khi bắt đầu đàm phán, không có lòng tin. Niềm tin bằng 0. Có những nghi kỵ về việc Mỹ có ý đồ này khác với Việt Nam. Ngoài ra còn quan điểm chống toàn cầu hóa rất dữ. Tôi nhớ có một nhà lý luận, lần nào họp cũng nêu quan điểm toàn cầu hóa là trò chơi của tư bản.

Rõ ràng phải làm rất nhiều việc để thay đổi dần nhận thức đó. Thời điểm ấy, Ban Kinh tế Trung ương đối với tôi rất quan trọng. Tôi còn nhớ ông Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu tôi lên, bảo tôi phân tích lợi ích của BTA với Mỹ. Ông nói rõ "tinh thần hôm nay là tầm sư học đạo", triệu tập hết anh em ở Ban Kinh tế đến nghe. Sau ông Phan Diễn nghỉ, ông Trương Tấn Sang thay làm Trưởng ban, cũng lại gọi tôi lên nói chuyện lần nữa.

Năm 1999, BTA đã "suýt" được ký ở Oakland, vấn đề chính vẫn là lòng tin. Có những lý do khiến Việt Nam chưa đủ lòng tin vào Mỹ. Đến tháng 12/1999, tại hội nghị TW 8, tiếng nói yêu cầu hội nhập rất lớn, nhu cầu bức thiết của cả nước là phải hội nhập. Nhưng sau cú sốc Oakland, phía Mỹ lại không mặn mà  nữa. Trưởng đoàn phía Mỹ là Joseph Damon bị cấm bàn về BTA. Đại sứ Mỹ ở Việt Nam cũng bảo không bàn gì với Việt Nam nữa.

Đầu năm 2000, tôi gửi thư cho Damon đề nghị cử đoàn sang Việt Nam kết thúc đàm phán để ký kết. Tuy vậy, Mỹ giữ miếng, không sang Việt Nam mà mời Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan sang Mỹ. Ông Vũ Khoan sang, và Mỹ nghĩ: Nếu ông ấy đã sang tức là sẽ ký, nếu không ký thì đã không sang.

PV: Trong bối cảnh cả nước thiếu thông tin về Mỹ như vậy, ông làm thế nào để đàm phán với họ về những vấn đề khó khăn như kinh tế?

Ông Nguyễn Đình Lương: Tôi phải tự tìm. BTA thiết kế theo nguyên tắc WTO. Việt Nam trước đó tránh né toàn cầu hóa, không có thông tin gì về WTO. Lặn lội bạn bè các nước XHCN cũ, không ai giúp được. Trong nước cũng không ai giúp được.Tôi xin gặp cụ Nguyễn Xuân Oánh, người tốt nghiệp Harvard, cựu Phó thủ tướng chế độ cũ kiêm thống đốc ngân hàng, cụ cũng nói: Khó quá. Chúng tôi quyết định phải tự mò mẫm. Thứ bảy, Chủ nhật nào cũng làm việc, mổ xẻ từng tài liệu, nghiên cứu từng điều từng khoản. Tết tôi chỉ dám nghỉ chiều 30 và sáng mùng 1. Không có cách nào khác, đàm phán mà để sai thì mai kia hậu thế phỉ nhổ. Không được phép sai.

Tìm hiểu mãi, tôi rút ra mấy điều: Thứ nhất, kinh tế Mỹ rất mạnh, thị trường Mỹ rất rộng và rất tự do, tự do nhất thế giới. Ai vào thị trường Mỹ cũng được, miễn có hàng hóa và cạnh tranh được.  Chính sách của Mỹ rất khôn ngoan: mở cửa cho cả thế giới vào cạnh tranh và dân Mỹ được hưởng.

Thứ hai, Mỹ chi phối kinh tế thế giới, chi phối cả xu hướng tiêu dùng và sản xuất của thế giới. Đến hôm nay vẫn thế.

Thứ ba, Mỹ chi phối các tổ chức quốc tế, nhất là WTO. Toàn bộ hệ thống luật pháp của WTO là chuyển từ hệ thống luật pháp của Mỹ ra. Mỹ như ông hộ pháp, đứng dạng chân trước cửa WTO, anh nào vào cũng phải qua cửa này.

Thời gian đầu đàm phán, mình biết ít nên cứ để bên kia nói. Mình chỉ nghe, hỏi và học bài. Đến khi mình nắm được đầy đủ ý tưởng của họ, khoảng năm 1998, thì tôi mới có "bài" của mình.

Ông Nguyễn Đình Lương gặp mặt và bắt tay tổng thống Clinton tại Nhà Trắng ngày 13/7/2000.
PV: Đàm phán với đối tác mạnh như Mỹ, đến nay nhìn lại, ông có thấy điểm nào Việt Nam bị ép không?

Ông Nguyễn Đình Lương: Trước hết, Mỹ yêu cầu BTA phải đảm bảo nguyên tắc cùng có lợi. Để đạt được điều này, trong quá trình đàm phán có rất nhiều vấn đề.

Có những vấn đề họ nêu ra mình phải chấp nhận, để phát triển được. Ví dụ, quy định không phân biệt đối xử. Lúc đó ở ta hệ thống 2 giá cho người Việt Nam và nước ngoài thịnh hành: tàu bay 2 giá, nước 2 giá, điện 2 giá, cái gì cũng 2 giá. Tất cả những thứ vớ vẩn đó phải bỏ. Chấp nhận bỏ hết, phá đi để phát triển. Nhiều cái như thế, bỏ là tốt cho ta chứ không phải chuyện nhượng bộ.

Tôi xin nhắc lại là BTA thiết kế theo luật chơi của WTO. Luật của Việt Nam trước đó thiết kế theo chuẩn mực khác nên khác biệt rất lớn. Sau khi ký BTA và vào WTO, chúng ta đã ban hành hàng loạt luật mới.

Ở Mỹ, tỉ trọng dịch vụ, ngân hàng, vận tải trong nền kinh tế rất lớn, là các ngành kinh tế phát triển, kiếm tiền rất dữ, chiếm 70-80% GDP. Nhưng Việt Nam lúc đó coi các ngành này chỉ là trung gian kết nối sản xuất với tiêu dung nên thiếu nhiều luật để điều tiết, như luật ngân hàng, luật các tổ chức tài chính. Ký kết BTA, ta phải ban hành mới những luật như vậy, đó là điều tốt chứ không phải bị ép.

PV: Sau khi ký xong BTA, ông thấy xã hội và kinh tế Việt Nam đón nhận nó ra sao?

Ông Nguyễn Đình Lương: Sau BTA và sau WTO, điều rõ ràng như tôi đã nói ở trên là Việt Nam thay đổi luật và cách làm luật. Rất nhiều luật mới ra đời, luật cũ được sửa đổi phù hợp với điều kiện mới. Ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần có BTA với Mỹ.

Sau khi ký xong BTA, tôi được mời và có trách nhiệm đi giới thiệu BTA hầu như khắp các tỉnh thành. Đầu tiên là ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư thành ủy TP. HCM "đòi" tôi vào giới thiệu BTA với tất cả quan chức đầu ngành của thành phố. Rồi ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam mời tôi nói nguyên một ngày với 700 người ngồi kín hội trường Tam Kỳ vừa xây dựng xong. Có lần nói chuyện ở hội trường 37 Trần Quốc Toản (Quận 3 TP. HCM), gần 700 Chủ tịch, Tổng giám đốc các công ty phía Nam ngồi nghe chăm chú. Giờ giải lao, có người còn nói: "ông Lương ơi, mai kia ông chết tôi lập bàn thờ".

Nhưng cũng có nơi không ưa, ở phía Bắc có người cho là tôi rước Mỹ vào phá CNXH. Nhận thức có những khác biệt, đó là thực tế ở thời điểm ấy. Những người trẻ ngày nay có thể không hình dung ra được.

PV: Nhiều người nhớ đến câu nói của ông thời đó: Nếu có phải chết, cũng phải ký cho xong BTA. Câu nói này thể hiện quyết tâm của nhà đàm phán. Nhưng trong 5 năm đàm phán, có lúc nào ông mệt mỏi tới mức có suy nghĩ buông xuôi?

Ông Nguyễn Đình Lương: Câu này là nói trong một lần trên đường sang Mỹ đàm phán, transit ở sân bay châu Âu. Lần đó tôi nghe tin có vụ rơi máy bay làm mấy vị tướng chết. Mình thì đang đi máy bay, nên nghĩ, rồi ai cũng chết, nhưng mong đừng chết vì tai nạn để còn xử xong vụ này đã. Khi đó đàm phán đã đi vào giai đoạn thực chất, nhất quyết phải xong. Tôi nói lạy trời, để làm xong hiệp định đã, rồi có chết thì chết.

Đúng là 5 năm đàm phán tôi rất mệt mỏi. Tờ trình dài 350 trang, phân tích đủ từ nền kinh tế hôm nay thay đổi thế nào, dịch vụ ở Mỹ ra sao, Mỹ mạnh điểm gì, chi phối những gì, muốn vào thị trường Mỹ thì phải làm sao... mệt mỏi lắm.

Có một lần tôi nghỉ trưa ở phòng làm việc, lăn từ trên bàn sấp xuống đất mà không hề biết. Anh em đưa vào bệnh viện 108 chụp cắt lớp. Chụp xong thấy không sao, bác sĩ bảo: Ông Lương phúc lớn nhỉ. Chỉ do quá mỏi mệt thôi.

Nhưng chưa khi nào tôi có ý nghĩ dừng lại. Lúc đó người hiểu luật chơi của Mỹ, của WTO ở ta không nhiều. Tôi còn nhớ khi đã ký xong, trong buổi báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, có đại biểu còn bảo "Sao cái hiệp định khó hiểu thế?" Tôi phải nói BTA ký trên nguyên tắc luật pháp quốc tế, mà ở Việt Nam xưa nay ít tiếp cận luật pháp quốc tế và ít khi tổ chức học luật, nên các vị khó hiểu thôi.

Ông Nguyễn Đình Lương
PV: 10 năm trước, ông có nhận xét rằng có hai giấc mơ không thành sau BTA, là: Đầu tư Mỹ chưa lớn. Hàm lượng Mỹ, văn hóa kinh doanh Mỹ trong nền kinh tế Việt Nam chưa nhiều. Hôm nay, những nhận xét đó có gì thay đổi?

Ông Nguyễn Đình Lương: Hôm nay, 20 năm sau BTA, quan hệ Việt – Mỹ đã thành tựu rất lớn lao, được ví như kỳ tích. Hai nước đã từ thù trở thành bạn, xuất nhập khẩu tăng chóng mặt. Tôi cả đời ở ngành ngoại thương, chưa bao giờ thấy tốc độ tăng nhanh như thế, chưa thấy thị trường nào xuất siêu tăng như thế. Mà quan hệ kinh tế là trụ cột phát triển các quan hệ khác, vì có lợi thì mới chơi. Doanh nghiệp giao lưu, quan chức tạo quan hệ, học sinh du học… Tiếp xúc càng nhiều thì lòng tin càng được tạo dựng và củng cố. Độ tin cậy hiện nay là cao, mới có hợp tác an ninh quốc phòng, mới có quan hệ đối tác toàn diện.

Nhưng có những giấc mơ không thành, có những vấn đề mà vào thời điểm 10 năm trước đã hiện ra rõ, đến giờ sau 20 năm càng rõ. Chẳng hạn, về đầu tư thì không đáng hài lòng, 8-9 tỉ USD từ Mỹ là không đáng kể. Mà khả năng xem ra chưa tăng nhanh được, chưa thấy cơ sở nào dù mình có nói làn sóng này làn sóng kia. Vì sao?

Thứ nhất, sức hút của thị trường Việt Nam còn thấp. 500 tập đoàn Mỹ sang Trung Quốc khai thác mấy chục năm nay rồi. Dù Trung Quốc ăn cắp trí tuệ, ăn cắp quy trình sản xuất, nhưng cái lợi lớn quá, thị trường lớn quá nên doanh nghiệp Mỹ chấp nhận. Thị trường hàng triệu ô tô mỗi năm rất khác với thị trường vài ngàn ô tô.

Ở Việt Nam, hệ thống luật pháp hôm nay đã thay đổi hoàn toàn, bỏ hết bao cấp, kế hoạch, độc quyền, chuyển sang điều hành kinh tế thị trường theo quy định BTA ký trên nguyên tắc WTO. Nhưng chính doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn kêu luật chồng chéo khó thực thi. Môi trường kinh doanh nếu tính theo tiêu chuẩn Mỹ thì chưa đủ trong sạch, giấy tờ thủ tục còn nhiêu khê, tham nhũng còn nhiều, nạn phong bì còn nhiều. Vì thế các tập đoàn lớn, đàng hoàng không vào. Trong số doanh nghiệp từ nước khác vào đầu tư có không ít những anh chộp giật.

Tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ làm ăn bài bản lắm. Muốn vào nước nào, họ sẽ khảo sát rất kỹ hệ thống luật lệ, môi trường, hạ tầng cơ sở, nền chính trị… rồi mới xây dựng kế hoạch lâu dài. Đó cũng là văn hóa. Theo luật của Mỹ, nếu doanh nghiệp dính tham nhũng là diệt ngay.

Anh vào nhà máy của Nike mà xem, rất nghiêm ngặt: Lương bổng thế nào, giờ làm việc thế nào, môi trường thế nào, vào nhà ăn xem ăn thế nào đủ sức không, xem cả chỗ rửa tay thế nào. Nếu lơ mơ lên báo Mỹ là dân tẩy chay ngay. Đó là văn hóa làm ăn của Mỹ, nhưng vào Việt Nam còn ít quá. Đầu tư vào ít nên văn hóa cũng không vào được.

Nếu hàm lượng Mỹ nhiều lên trong nền kinh tế, sẽ bớt đi nạn chộp giật, làm ăn sẽ bài bản hơn. Tiếc là Việt Nam chắc còn lâu mới có cái đó. Có lẽ 20 năm sau chúng ta lại nói lại giấc mơ này cũng nên.

PV: Vậy phải chăng BTA với một siêu cường như Mỹ không đáp ứng được nhiều như người ta kỳ vọng?

Ông Nguyễn Đình Lương: Việt Nam đã dùng BTA để đẩy mạnh được xuất khẩu, nhưng xuất khẩu không hẳn của Việt Nam. Do có tối huệ quốc nên doanh nghiệp các nước tràn vào để gia công, khai thác lợi thế nhân công rẻ và xuất khẩu sang Mỹ. Trong nền kinh tế gia công này Việt Nam chủ yếu hưởng tiền công, thôi như vậy cũng còn hơn là không có gì.

Vì vậy nhìn nhận lại, thành công chính của Việt Nam là: Sau BTA thiết kế theo WTO, Việt Nam có kinh tế thị trường. Nhờ đó thế giới mới yên tâm vào Việt Nam. Lợi ích của BTA không chỉ giữa Việt Nam và Mỹ mà là lợi ích của cả cộng đồng thế giới. Sau WTO, Việt Nam ký được một loạt FTA (hiệp định mậu dịch tự do) nữa. Gần đây Việt Nam còn ký các FTA thế hệ mới, tức là các cam kết mở rộng lĩnh vực và cam kết sâu hơn, có cả đi vào thể chế.

Hiện nay có những người nói Việt Nam chưa có gì mà ký lung tung khắp nơi. Nhưng thời đại này, nếu không gắn với chuỗi giá trị kinh tế thế giới thì không làm ăn được.

PV: Xin phép ông quay lại nhận xét về sức hút của thị trường Việt Nam. Hiện tại nhiều người đang quan tâm đến khả năng Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư của Mỹ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Nguyễn Đình Lương: Việt Nam muốn đón làn sóng đầu tư, và đúng là đang có nhiều người hăng hái chờ "thác vàng" đổ sang. Nhưng nên tỉnh táo: Doanh nghiệp Mỹ sẽ quyết định rời đi hay không là phải dựa trên lợi ích. Những gì ông Trump hứa so với những thứ họ đang kiếm trên đất Trung Quốc, cái nào hơn? Và nếu mai ông Trump không còn là tổng thống nữa, thì sao? Không có chuyện hô một cái là họ chạy ngay ra khỏi Trung Quốc.

Trong trường hợp xung đột thương mại quá mạnh, ông Trump làm căng quá và họ buộc phải đi, thì họ còn tính toán đi đâu để đồng tiền tiếp tục sinh lời? Có mấy yếu tố họ sẽ xem xét: Việt Nam với Trung Quốc cùng ý thức hệ. Về kinh tế, Trung Quốc có vị trí thế nào ở Việt Nam? Nếu doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam thì rủi ro là gì, có mắc kẹt không? Môi trường đầu tư ở Việt Nam thế nào, có sạch không?

Khi xét những yếu tố này, nếu  doanh nghiệp Mỹ chuyển, xung quanh Việt Nam có nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh, sợ rằng Việt Nam không ở vị trí ưu tiên.

PV: Xin cảm ơn ông.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.