Ngày này 20 năm
trước, Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ được ký kết, tạo một bước ngoặt lịch sử
trong quan hệ giữa nước ta và Hoa Kỳ sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại
giao.
Hiệp định có ảnh
hưởng vô cùng sâu rộng thúc đẩy cải cách luật pháp theo hướng thị trường, là
“cú hích” tăng tốc xóa đói giảm nghèo và phát triển đất nước. Không có hiệp
định này, Việt Nam không thể gia nhập WTO và các hiệp định tự do thương mại sau này, khó có thể hội nhập sâu vào nền
kinh tế thế giới.
Khi Hiệp định
được ký kết, có lẽ người sung sướng nhất là Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam
Nguyễn Đình Lương. Với thành công của cuộc đàm phán kéo dài thiên nan vạn nan
này, ông Lương và các cộng sự đã không làm nhục sứ mệnh mà đất nước giao phó.
Cần biết rằng,
khó khăn của đàm phán không chỉ từ những yêu cầu cao của đối tác mà còn khó
khăn từ chính bộ máy thay mặt đất nước giao sứ mệnh cho đoàn đàm phán. Vào đầu
năm 2002, tôi có viết bài “Ba cái sướng
của nhà đàm phán” đăng trên Thanh Niên. Bài viết đó chỉ nói niềm vui, không
nói được nỗi buồn của ông Nguyễn Đình Lương.
Hiệp định Thương
mại Việt-Mỹ được ký ngày 13-7-2000. Nhưng theo thỏa thuận thì lẽ ra Hiệp định
có thể đã ký sớm hơn, vào tháng 9-1999, tại Auckland, New Zealand, nhân dịp Hội
nghị APEC, khiTổng thống Mỹ và Thủ tướng Việt Nam đều có mặt.
Cả phía Mỹ và
phía Việt Nam, từ Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và các
nhà đàm phán đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện lịch sử này, nhưng điều đó đã
không diễn ra.
Người tiếc nuối
nhất cũng là Trưởng đàm đàm phán Nguyễn Đình Lương. Theo ông thì tuy chỉ chậm có 10 tháng nhưng Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ
hội phát triển. Vì trong thời gian chậm trễ đó đủ để Trung Quốc kịp thỏa
thuận với Mỹ về việc gia nhập WTO và cái nước 1,3 tỉ dân kia trở thành thị
trường đầu tư hấp dẫn nhất thế giới rồi. Cả thế giới đã hướng về Trung Quốc,
Việt Nam không còn được quan tâm nữa.
Tóm lại, Hiệp
định đã mang đến cho Việt Nam rất nhiều thành tựu về kinh tế và cải cách luật
pháp, nhưng nếu được ký sớm hơn theo dự định thì những thành tựu đó còn lớn hơn
nữa.
Việc kéo dài 10
tháng đó không tranh thủ thêm được lợi lộc gì nhưng đã đánh mất nhiều cơ hội,
gây tổn thất không ít cho nền kinh tế. Lý do của sự chậm trễ đó tất nhiên không
phải từ phía Mỹ. Nó do ai gây ra ? Tôi biết rõ. Nhưng chỉ biết một cách gián
tiếp nên không thể viết ra được.
Trước khi viết
cái tút ngắn này, tôi có trao đổi với ông Lương, đề nghị ông xác nhận để tôi
viết. Nhưng ông suy nghĩ hai hôm rồi trả lời, thôi bỏ qua đi. Tôi đành ấm ức
tôn trọng ý kiến của ông. Tôi biết tư cách của ông, ông không sợ gì, nhưng chỉ
trích người khác để gián tiếp tự đề cao mình không phải là điều ông muốn.
Ông Nguyễn Đình
Lương đúng là một hiền tài. Là người góp phần tạo ra một sự kiện lịch sử mang
tính đột phá, dù khi đương chức hay lúc đã về hưu, ông vẫn hành xử khiêm tốn và
có nguyên tắc.
HOÀNG HẢI VÂN
13.07.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.