Năm 2016 tôi có
viết một bài về Túy Hồng, một trong năm “nữ hổ tướng” của nền văn học Miền Nam,
bên cạnh các nhà văn Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng và Trùng
Dương. Bài viết này có nhan đề “Những mối
tình của nhà văn nữ Túy Hồng” khi bà còn sinh thời.
Chỉ mới đây thôi,
ngày 19/7/2020, bà đã qua đời tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 82 tuổi. Nhà văn nữ Túy
Hồng đã bỏ lại sau lưng tất cả: một gia tài văn học với hàng loạt những truyện
ngắn sáng tác tại Việt Nam và Hoa Kỳ để theo chân người chồng là nhà văn Thanh
Nam, qua đời năm 1985 tại Mỹ.
Túy Hồng có 9 tác
phẩm đã xuất bản ở miền Nam Việt Nam trước 1975, và 5 tác phẩm xuất bản ở hải
ngoại. Bà cũng là nhà văn nữ đầu tiên trong “năm nữ hổ tướng của văn học Miền
Nam” đã lìa đời.
Trong bài viết
này, chúng tôi chỉ muốn nói đến quá khứ của một người con gái Huế, giã từ miền
Trung để vào Sài Gòn, vùng đất đã tạo cơ hội cho việc thăng hoa về văn chương
với hàng loạt tác phẩm đã đem đến một chỗ đứng trong sự nghiệp văn chương tại
Miền Nam.
Nét đặc sắc trong
văn của Túy Hồng là lúc nào cũng bàng bạc một xứ Huế mộng mơ. Trong “Tôi nhìn tôi trên vách” (1970), Túy
Hồng kể:
“Huế là quê hương
tôi, quê hương đang có vô số nhà cửa cần bán rẻ để người Huế vào Saigon tìm một
chỗ ở cuối cùng. Tôi đã ở Huế từ trong bụng mẹ đến năm thứ hai mươi tám của
cuộc đời. Huế đã mang thai tôi, đẻ ra tôi, cho đến khi tôi đi lạc vào Saigon
này.
“Từ hai năm nay
tôi ở nhà thuê, nói tiếng Bắc, ăn chả giò, ăn bún riêu, canh chua cá giấm, thịt
bò vò viên, mía ghim và có một người yêu. Tôi vào Saigon không phải là một cuộc
tháo thân vì không biết trước rằng trong tương lai Huế sẽ phải trải qua vụ đổ
huyết bao la rợn gáy lịch sử là cái biến cố của sự chết năm Mậu Thân, Huế của
tôi đã xích lại quá gần lịch sử!
“Bỏ Huế mà đi
lòng tôi nhớ trời, nhớ khoảng thiên nhiên. Tôi không yêu một thứ vẻ đẹp cấm
cung, một thứ vẻ đẹp hạn hẹp, mà yêu thênh thang cả một khoảng thiên nhiên. Huế
đẹp từ một vũng nước đọng bên đường đến cả con Hương giang, từ cọng rau muống
bờ hồ đến cây phượng già xanh lục, có nhiều hôm đi xe đạp lên cầu ga nhìn dãy
núi lam phía sau cầu Bạch Hổ mịt mịt mùng mùng mà tưởng cái phần hồn của từng
kiếp người cũng có thể giăng dài, kéo dãy như vậy!
“Những đêm mùa
đông, những con “ệnh oạng” kê mõm khắc khoải kêu than từ những ao rau muống…
kêu chi mà khổ mà trầm thống! Thêm vào đó, tiếng rao hàng dài lê lết: Mua trứng
lộn! Mua trứng lộn!… Trời ơi! Tiếng kêu của miếng ăn sao mà buồn đến thế!
“Nhức xương buốt
tủy mất! Tưởng tượng mở cửa kêu vào chắc mình phải ôm cô hàng trứng mà khóc
ngất! Rồi cái quán cơm, quán cơm cũng mang tên Âm Phủ ăn dưới ngọn đèn tù mù…
và con đường Âm Hồn, tiếng chuông chùa Diệu Đế… Cực lòng quá, Huế ơi! Tôi đi… ở
với Huế buồn lắm… vào Saigon họa may có một nụ cười, vào Saigon họa may có một
người yêu!”
(hết trích)
Cho dù đang ở xứ
Mỹ từ năm 1975, bà luôn nhớ đến Huế như trong truyện “Rau răm cay hoài ngàn năm”:
“Đêm qua tôi nằm
ngủ ở Mỹ để mà nghe Huế mưa. Huế rơi từng sợi sương, Huế rớt từng sợi tơ vương,
Huế rụng từng sợi chỉ ướt trước khi mưa đổ nước đầy sông Hương. Giữa khuya, tôi
nhớ tới hai câu thơ cũ của Paul Verlaine:
Come il pleut sur la ville.
“Mưa rơi trong tim tôi
Như mưa rơi trên thành phố.
“Tôi không biết
mỗi năm có bao nhiêu ngày Huế mưa và Huế lụt; nhưng ở đây, thành phố Portland
trung bình thì chừng 152 ngày trời ướt…”
(hết trích)
Túy Hồng viết
trong đoạn kết “Vô đề” (2008), kể về
người tình Việt Nam tên Lương và người chồng Mỹ Jeffrey. Hai hình ảnh người đàn
ông trong đời cô Tâm nổi lên tương phản với nhau và phần thắng lại về người
chồng gặp sau này trên “đất khách quê người” chứ không phải người tình đã quen
nhau từ trước:
“Lương quay
người, kéo Tâm vào bụng mình rồi cúi xuống hôn miệng nàng. Tâm gạt ra, bảo:
"Tôi biết
thế nào rồi cũng có cái màn này. Một nhà tâm lý nói: Vợ chồng là hai người bị
Trời lấy dây trói lại bắt sống với nhau, vợ chồng phải giữ hòa khí, không gây
chiến, hai bên tương kính, không la hét nhau. Jeffrey và tôi chung sống trên ba
mươi năm đầm ấm, hắn nói với tôi những lời tốt, những lời hiền…
“Lương, gặp lại
Lương, tôi yếu mềm thương mến Lương, nhưng trước giờ phút cám dỗ này… tôi xét
lại cái tình nghĩa giữa tôi và Jeffrey: giữa hai vợ chồng tôi, không có một lần
nào gây lộn, không nói với nhau một lời xấu; cho đến giờ này, giữa chúng tôi,
chỉ thấy những kỷ niệm tốt hiện ra… chỉ thấy cái đẹp hiện ra…
“Nếu, nếu một
hình ảnh xấu nào hiện ra… thì… thì lúc này, tôi thuộc về Lương”.
(hết trích)
Phải chăng đó
cũng là thứ triết lý mang sắc thái “Huế… rặc” dù đã bôn ba sang tận đất Mỹ vốn
nổi tiếng là “văn minh, vật chất”. Càng đọc Túy Hồng người ta càng thấy cái
tình cảm “chân quê” của vùng sông Hương, núi Ngự vẫn còn đâu đó trong tâm hồn
một “cô gái Huế”.
Bài viết này thay
cho lời giã biệt một nhà văn... nhân ngày người con gái Huế ấy đã đi xa!
NGUYỄN CHÍNH 19/07/2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.