Đăng ngày:
Le Monde hôm nay chạy tựa « Châu Âu : Hậu trường một cuộc đàm phán ngoại hạng ». Le Figaro đặt câu hỏi « Có nên lo ngại Covid-19 dấy lên trở lại ? », Les Echos lo lắng với « Cú sốc của một mùa hè không khách du lịch ». La Croix quan tâm đến « Nguy cơ tân quốc xã tại Đức ». Riêng Libération dành trọn trang bìa và 7 trang báo khổ lớn bên trong để tố cáo nạn diệt chủng đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Sau
khi một báo cáo về việc Trung Quốc cưỡng bức triệt sản được công bố,
nhật báo thiên tả đã gặp một nữ giáo viên Duy Ngô Nhĩ lưu vong ở châu
Âu. Nhân chứng này đã kể lại những điều tai nghe mắt thấy trong trại cải
tạo ở Tân Cương : bắt giam hàng loạt, tra tấn, hãm hiếp, lao động khổ
sai…chứng tỏ chính sách đồng hóa của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã ngả
sang hướng diệt chủng.
Phóng viên Libération đã gặp bà Qelbinur
Sidik Beg tại một nước Tây Âu không được tiết lộ vì lý do an ninh. Cuộc
đời của nhà giáo tốt nghiệp đại học Urumqi về văn minh Trung Hoa đã đảo
lộn từ ngày 01/03/2017, khi bà được tuyển vào làm giáo viên trong một
trại cải tạo. Những lời kể rất chi tiết của bà đã xác nhận những thông
tin thu thập được từ ba năm qua từ những người tù hiếm hoi được thả, và
điều tra của các nhà báo, nhà nghiên cứu.
Địa ngục cải tạo Tân Cương : Ngược đãi, tra tấn, hãm hiếp
Các
xà-lim giam giữ 97 « học viên » của bà chìm trong bóng tối, chỉ có
những tấm mền trải dưới đất. Cháo phát cho học viên chẳng thấy hạt gạo
nào, chỉ toàn nước. Số lượng học viên giảm dần vì chết và sức khỏe suy
sụp, đi không nổi, trong khi lúc đầu họ rất khỏe mạnh. Người tù chỉ được
tắm một lần mỗi tháng 15 phút, xà-lim không có toa-lét, chỉ có một
chiếc xô được đổ mỗi tuần một lần, mùi hôi thối nồng nặc khiến nhiều
người đổ bệnh.
Chỉ
trong sáu tháng đã có thêm ít nhất 3.000 người bị tống vào trại, họ là
những trí thức, doanh nhân, sinh viên chỉ có tội là đã tham khảo
Facebook. Phòng tra tấn ở dưới tầng hầm, tiếng kêu la của các nạn nhân
nghe được khắp nơi. Một nữ công an thân với bà Beg bí mật cho biết, có
bốn kiểu tra tấn bằng dụng cụ điện : ghế, găng, nón sắt, gậy.
Đến
tháng 9/2017, giáo viên này được đổi sang một trại khác, giam toàn nữ.
Có đến 10.000 phụ nữ hầu hết trẻ tuổi, xinh đẹp và học thức ; họ bị đi
cải tạo vì từng du học nước ngoài, như Hàn Quốc, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, châu
Âu, Mỹ. Tại trại nữ, tất cả cán bộ đều là đàn ông người Hán. Mỗi ngày,
khoảng bốn, năm cô gái bị gọi lên để hãm hiếp tập thể một cách dã man.
Tất cả đều bị buộc triệt sản, bản thân người kể chuyện cũng bị cưỡng bức
đặt vòng tránh thai. Tại khu nhà nơi bà cư ngụ, 190/600 cư dân người
Duy Ngô Nhĩ biến mất trong vòng hai năm, những người Hán dọn đến lấp đầy
những căn nhà trống.
Triệt sản, buộc phá thai, tẩy não…
Theo
nhà nghiên cứu Đức Adrian Zenz, thì năm 2018 có đến 80% trường hợp đặt
vòng là tại Tân Cương, trong khi vùng đất này chỉ chiếm 1,8% dân số
Trung Quốc. Công trình nghiên cứu 28 trang từ các dữ liệu của Trung Quốc
chứng minh nhà nước độc đảng đang lao vào chiến dịch hạn chế sinh sản
đối với một nhóm sắc tộc. Đây là một trong năm tiêu chí xác định nạn
diệt chủng, được định nghĩa trong hiệp ước ngăn ngừa và trấn áp tội ác
diệt chủng của Liên Hiệp Quốc năm 1948.
Từ
năm 2016, số sinh tại những phường xã mà đa số dân là người Duy Ngô Nhĩ
giảm mạnh, trong khi những nơi cư dân là người Hán tăng lên, thậm chí
gấp 8 lần. Việc hạn chế sinh sản được chỉ đạo từ cấp cao nhất ở Bắc Kinh
nhằm hạ thấp dân số Duy Ngô Nhĩ, vì « làm giảm bản sắc quốc gia và nhận diện Hán tộc ».
Một nhà sử học Trung Quốc giấu tên nhận định, bắt đầu từ việc cấp nhà
đất miễn phí để thu hút người Hán di dân ồ ạt đến Tân Cương, nhưng sau
thất bại của việc Hán hóa một cách hòa bình, Bắc Kinh bèn sử dụng những
biện pháp phát-xít.
Ngừa thai, triệt sản, cưỡng bức phá thai được
tiến hành song song với việc tẩy não những trẻ em bị tách rời khỏi gia
đình. Hàng trăm ngàn nhân viên người Hán được gởi đến sống chung với các
gia đình Duy Ngô Nhĩ, ngủ chung với các phụ nữ độc thân. Nhà sử học
Hélène Dumas thuộc CNRS khẳng định chính sách thô bạo nhắm vào phụ nữ và
trẻ em rất đáng ngại, vì diệt chủng tập trung vào chặt đứt mối liên
quan giữa các thế hệ.
Bằng chứng diệt chủng Duy Ngô Nhĩ nhiều hơn cả Rwanda
Dù
kiểm soát chặt chẽ bằng công nghệ cao, vẫn có những thông tin lọt được
ra ngoài. Marie Lamensch, Viện nghiên cứu về diệt chủng ở Montréal, cho
biết : « Chưa bao giờ có nhiều bằng chứng như vậy so với Rwanda. Vấn
đề là sức mạnh của Trung Quốc, ngày càng kiểm soát được nhiều tổ chức
Liên Hiệp Quốc và vận động được nhiều nước kể cả các nước Hồi giáo.
Trừng phạt kinh tế có thể gây tác động. Cần phải tập hợp các bằng chứng
chuẩn bị đưa ra tòa, và nêu rõ Trung Quốc đã phạm tội ác chống nhân
loại ».
Liên hiệp Châu Âu (EU) đòi hỏi Bắc Kinh cho phép và
tạo điều kiện cho các đại sứ EU thăm Tân Cương. Trong khi chờ đợi, tình
hình người Duy Ngô Nhĩ ngày càng gây tiếng vang : trong một cuộc phỏng
vấn, BBC làm đại sứ Trung Quốc tại Anh bối rối trước một video cho thấy
hàng trăm người Duy Ngô Nhĩ bị cạo trọc, bịt mắt, quỳ gối trong một nhà
ga. Chương trình này đã thu hút trên 6 triệu lượt xem từ cuối tuần qua.
Liên minh các nghị sĩ về vấn đề Trung Quốc (IPAC), tập hợp trên 160 nghị
sĩ của 16 nước, đang vận động để tiến hành một vụ kiện quốc tế.
Tuy
nhiên bản thân Adrian Zenz - nhà nghiên cứu đầu tiên đã đưa ra ánh sáng
việc 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị tống vào trại cải tạo và nay tố cáo
nạn triệt sản người Duy Ngô Nhĩ - lại bị Bắc Kinh trực tiếp đe dọa.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 08/07 đã khuyến cáo ông « sửa chữa những lỗi lầm, vì những sai trái sẽ dẫn đến hủy diệt ». Adrian Zenz nói với Libération,
một nước muốn trở thành siêu cường quốc tế mà lại đi đe dọa cá nhân một
nhà nghiên cứu là điều chưa từng thấy. Nhưng Bắc Kinh không thể nào
chối cãi được vì các dữ liệu trong nghiên cứu của ông lấy từ chính các
tài liệu của nhà nước Trung Quốc.
Trung Quốc sợ ra tòa quốc tế, Mỹ cứng rắn, châu Âu lừng khừng
Ông nhận định, Trung Quốc lo sợ trước bài xã luận ngày 06/07 trên Washington Post mang tựa đề « Những gì diễn ra tại Tân Cương là diệt chủng », và
kêu gọi tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Và lần đầu tiên,
hai tập thể Duy Ngô Nhĩ lưu vong kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Hình sự
Quốc tế vì tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại. Cho dù có xóa đi
những tài liệu trên mạng, tội ác của Bắc Kinh đã bị tiết lộ. Nhà nghiên
cứu lấy làm tiếc vì các phản ứng yếu ớt của phương Tây, đặc biệt là nước
Đức của ông, với lịch sử đã trải qua.
Trong khi nhiều cường quốc giữ im lặng, chỉ có chính quyền Donald Trump tỏ ra quyết đoán, lên án Bắc Kinh « vi phạm trầm trọng nhân quyền », là « vết nhơ của thế kỷ ».
Lần đầu tiên một ủy viên Bộ Chính trị là Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo),
bí thư Tân Cương, bị Hoa Kỳ trừng phạt cùng với một số quan chức khác
hôm 09/07. Sau khi việc triệt sản bị tiết lộ, ngoại trưởng Mỹ Mike
Pompeo tố cáo « đảng Cộng Sản Trung Quốc hoàn toàn coi thường tính chất thiêng liêng của sinh mạng và nhân phẩm con người ». Tổng thống Trump hôm 17/06 đã ký ban hành luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được lưỡng đảng Quốc hội thông qua hồi tháng Năm.
Ghi
nhận những nỗ lực tích cực của Washington về Tân Cương và Hồng Kông,
nhưng tờ báo chỉ trích Mỹ vẫn làm ngơ trước những vi phạm của đồng minh Ả
Rập Xê Út và dung túng cho Bắc Triều Tiên. Còn với nước Pháp ? Chẳng có
hành động gì cả, ngoài sự im lặng, mà nếu cứ kéo dài, sẽ trở thành đồng
lõa.
Hậu trường cuộc đàm phán gay cấn của EU
Tại châu Âu, vào lúc năm giờ rưỡi sáng nay, 27 nước EU đã đạt một thỏa thuận lịch sử sau bốn ngày bốn đêm đàm phán căng thẳng. Le Monde, ra từ chiều hôm trước, thuật lại diễn biến gay go trong hậu trường.
Bốn
nước « keo kiệt » Hà Lan, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch cộng thêm Phần Lan đã
làm mọi cách để giảm thiểu tầm vóc của kế hoạch phục hồi kinh tế, đồng
thời cò kè bớt một thêm hai cho quyền lợi nước mình. Họ không muốn ngân
sách tài trợ vượt quá 350 tỉ euro so với đề nghị ban đầu, trong khi đã
có rất nhiều nhượng bộ đối với họ như giảm trợ cấp, giảm ngân sách châu
Âu 2021-2027, giảm phần đóng góp của các nước này. Hai thủ tướng Hà Lan
và Áo còn đòi siết chặt thêm điều kiện Nhà nước pháp quyền để đẩy Ba Lan
và Hungary vào nhóm phản đối.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và
thủ tướng Đức Angela Merkel phản ứng dữ dội. Ông Macron giận dữ dọa sẽ
rời bàn hội nghị, và cuối giờ chiều thứ Bảy 18/07 tổng thống Pháp cũng
đã yêu cầu chuẩn bị máy bay để quay về Paris. Đêm thứ Bảy, ông Macron và
bà Merkel cùng thức đến ba giờ sáng Chủ nhật bên ly vang trắng, hai nhà
lãnh đạo Pháp và Đức đều tự hỏi có cần thiết phải tiếp tục hay không. Le Monde
nhận xét, hội nghị thượng đỉnh EU « bằng xương bằng thịt » đầu tiên sau
đại dịch, với những cuộc họp song phương đủ loại, những phát biểu nảy
lửa, những cánh cửa đóng sập lại giận dữ, nhắc người ta nhớ đến các cuộc
họp nhằm cứu vãn Hy Lạp trước đây.
Le Figaro cho biết các nước EU « bực tức và hoài nghi trước cung cách của Mark Rutte ». Thủ
tướng Hà Lan là một nhà đàm phán đáng gờm : hóm hỉnh và tươi cười khi
cần làm giảm áp lực, trầm tĩnh để làm đối thủ mất kiểm soát, tung hỏa mù
để che giấu ý định thực sự nhằm đòi thêm nhượng bộ. Một người thân cận
với hồ sơ bực bội nói : « Mỗi lần ngỡ đã thỏa thuận được một điều rồi, ông ta lại đòi thêm điều khác và rồi điều khác nữa ».
Đây cũng là bình thường trong đàm phán, nhưng vấn đề là Rutte đi quá
xa. Cách thức lấn dần từng bước của ông đã thành công, nhưng việc đòi
lấy được phần mình như Anh thời trước, đã để lại dấu ấn nặng nề tại EU.
Một nhà ngoại giao khuyến cáo : « Nếu tôi là Rutte, tôi sẽ tránh đi nghỉ tại một nước Nam Âu mùa hè này ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.