lundi 4 mai 2020

Liệu Việt Nam có thể làm chủ tịch ASEAN thêm một năm nữa ?

Từ Hà Nội, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chào mừng các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN qua truyền hình về đại dịch virus corona, ngày 14/04/2020. © Manan Vatsyayana/Pool via REUTERS
Đăng ngày:


Trước khi các nhà lãnh đạo ASEAN tham gia hội nghị thượng đỉnh đặc biệt qua truyền hình về đại dịch virus corona ngày 14/04/2020, đã có nhiều nguồn tin nói với tác giả rằng Việt Nam, đương kim chủ tịch năm 2020, muốn kéo dài thời gian giữ vị trí này thêm một năm.

Đối với Việt Nam, đại dịch do con virus từ Vũ Hán đã phá hỏng niềm hy vọng đạt đến một sự thay đổi thực sự trong khối ASEAN năm nay. Cây bút Toru Takahashi trong bài viết đăng trên Nikkei Asian Review ngày 06/04/2020 đã chạy tựa « Một năm bị mất đi của Việt Nam ». 

Nhưng nếu gia hạn vị trí chủ tịch ASEAN của Việt Nam thêm một năm nữa, sẽ là điều chưa có tiền lệ. Chức chủ tịch được luân phiên hàng năm theo thứ tự ABC, thế nên nếu vậy Brunei sẽ phải chờ thêm một năm trước khi lên thay Việt Nam, có nghĩa là đến năm 2022.

Nhà phân tích Carl Thayer cho biết : « Sau khi nạn dịch virus corona xảy ra ở Trung Quốc vào tháng Giêng, những tin đồn bắt đầu lan truyền trong giới ngoại giao, là Việt Nam đang thăm dò các thành viên ASEAN khác để đề nghị kéo dài chức chủ tịch sang năm tới. Tiếc rằng con virus xuất phát từ Vũ Hán đã ngăn trở các nhà lãnh đạo ASEAN gặp gỡ trực tiếp, tước đi cơ hội của Việt Nam để xác định được liệu sẽ có sự đồng thuận về đề nghị của mình hay không ».

Cũng theo ông Thayer, hội nghị thượng đỉnh ASEAN đặc biệt hôm 14/4 hoàn toàn tập trung cho chủ đề Covid-19. Thế nên có thể cho rằng vấn đề gia hạn nhiệm kỳ của Việt Nam không được thảo luận tại đây. Một nguồn tin nói với tác giả là đã có những cuộc thảo luận riêng về vấn đề này trong những ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên vẫn chưa rõ là chủ đề có được chính thức thảo luận hay không, và đề nghị của Việt Nam có được ủng hộ hoặc phản đối hay không.

Bạn đọc nên lưu ý rằng hiện chỉ mới là tin đồn, và nằm trong những trao đổi hậu trường giữa các nhà ngoại giao với nhau. Nhưng nhiều nhà bình luận Đông Nam Á không muốn nêu tên cho rằng, đây có thể là một ý tưởng tốt.
Trước hết, đã có những dự đoán rằng Việt Nam có thể cải thiện đáng kể các khả năng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong năm nay. Việt Nam có một bộ Ngoại Giao ngày càng tỏ rõ năng lực cũng như tính quyết đoán, và đã đóng một vai trò tích cực hơn nhiều trong các vấn đề quốc tế trong những năm gần đây.

Chẳng hạn Hà Nội đã đứng ra tổ chức cuộc đàm phán hòa bình giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên vào đầu năm 2019. Việt Nam cũng giữ chiếc ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm 2020 và 2021. Hà Nội cũng đã có nhiều thành công trong chính sách đối ngoại.

Trong số các nước được Việt Nam trao tặng khẩu trang, thiết bị y tế mới đây có Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha - năm quốc gia châu Âu đang vất vả đối phó với đại dịch - gần đây đã đàm phán thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam. Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter đã ngỏ lời cảm ơn, sau khi Việt Nam huy động công nhân sản xuất khẩn cấp 450.000 bộ quần áo bảo hộ giúp Mỹ chống dịch với nguyên liệu do Dupont cung cấp. Việt Nam cũng tặng khẩu trang, dụng cụ y tế cho hai nước láng giềng Lào và Cam Bốt, vốn có quan hệ đặc biệt với Việt Nam mà Trung Quốc đã xâm nhập được và thủ lợi.

Việt Nam đặt ra năm mục tiêu cho năm nay, chủ yếu là tăng cường đoàn kết, tăng tính kết nối và gia tăng hợp tác trong khu vực. Nếu một số vẫn có thể thực hiện được, nhất là với tài năng ngoại giao của Hà Nội, các mục tiêu còn lại sẽ được chủ tịch kỳ tới của ASEAN kế thừa. Tuy nhiên vẫn tồn đọng một số vấn đề lớn trong chương trình của Việt Nam năm nay, như tiến đến một bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông. Đôi bên đã lên kế hoạch giải quyết vào năm 2021.

Bình thường thì với tư cách chủ tịch ASEAN, Việt Nam có thể dành thời gian trong năm nay để làm việc với các nước khác trong khu vực, để thỏa thuận về một chính sách mang lại lợi ích cho chính họ. Nhiều nhà phân tích lo ngại, nếu không có một quốc gia mạnh mẽ như Việt Nam phụ trách việc đàm phán của ASEAN, Bắc Kinh có thể thuyết phục khối này chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc.

Nếu Việt Nam không thể tạo được một sự đồng thuận trong năm nay vì con virus corona làm gián đoạn, và vấn đề này không được giải quyết trước khi bước sang năm tới, thì Brunei với chức chủ tịch ASEAN năm 2021 có thể có những ý tưởng rất khác với Hà Nội, về cách thức làm giảm căng thẳng trên Biển Đông.
Các nước Đông Nam Á cũng có lợi khi có được lực lượng ngoại giao lão luyện như Việt Nam giữ một vị trí quyền lực trong khu vực vào năm tới, Donald Trump sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, hoặc là một tân tổng thống - hầu như là ông Joe Biden đang chiếm thế thượng phong trong đảng Dân Chủ - sẽ nhậm chức. Việt Nam vốn đã trở thành một trong những đối tác thân cận nhất của Mỹ trong khu vực, có thể là người trung gian hữu ích, nếu Washington muốn tái lập chương trình hoạt động tại Đông Nam Á năm tới.

Điều này hoàn toàn đúng nếu chúng ta nhớ rằng Brunei chỉ có lực lượng ngoại giao ít ỏi hơn và yếu hơn, cũng như có quan hệ lỏng lẻo hơn với Hoa Kỳ và Trung Quốc, khi so sánh với Việt Nam.

Ngoài ra còn có một sự kiện không hề ngẫu nhiên, là Đông Nam Á vận hội (SEAGames) diễn ra hai năm một lần, sẽ được tổ chức tại Việt Nam từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2021.

Tuy nhiên có rất nhiều trở ngại trong việc kéo dài thêm một năm chức chủ tịch ASEAN cho Việt Nam. Hồi tháng Ba, chính phủ Brunei đã dành riêng 2 triệu đô la ngân sách cho việc tổ chức thượng đỉnh ASEAN năm tới, và các nhà ngoại giao nước này hẳn đã chuẩn bị chương trình nghị sự. Cùng với việc điều đình với Brunei, Việt Nam còn phải thuyết phục được các nước khác trong khu vực, để họ chấp nhận trì hoãn thêm một năm nữa vị trí chủ tịch.

Các đối tác khu vực có thể lập luận rằng, dù trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chưa từng thấy do đại dịch, Việt Nam phải tự xoay sở. Hà Nội không thích điều này, tuy nhiên nếu Việt Nam chỉ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ASEAN duy nhất trong năm nay thay vì hai, thì đây không phải là ngoại lệ. Hà Nội có thể dồn hai hội nghị làm một vào tháng 11. Khi Lào ngồi ghế chủ tịch năm 2016, nước này đã gộp hai hội nghị thượng đỉnh làm một vào tháng 9 năm đó.

Trong lịch sử cũng đã từng có việc thay đổi nước chủ nhà không theo thứ tự trong bảng chữ cái (alphabet). Năm 2011, Brunei đã cho phép Indonesia hoán đổi vị trí : Indonesia làm chủ tịch ASEAN năm đó, còn Brunei giữ ghế của Indonesia năm 2013. Đó là vì Indonesia phải tổ chức thượng đỉnh APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương) mùa hè 2013, và không muốn hai sự kiện này chồng chéo nhau. Tuy nhiên khi hai nước thỏa thuận đổi chỗ với nhau như vậy, cũng phải được các quốc gia ASEAN khác nhất trí chấp thuận.

Có nhiều khả năng là Việt Nam cũng cần đạt được sự đồng thuận tương tự để thực hiện được việc chưa có tiền lệ, là giữ ghế chủ tịch ASEAN trong hai năm liên tiếp. Liệu một sự nhất trí như thế có thể thành hiện thực ? Rất có thể là không.

Bên cạnh cảm giác không công bằng nếu Brunei và các nước khác phải hoãn lại thêm một năm, nếu Bắc Kinh đánh hơi thấy rằng chức chủ tịch ASEAN sẽ giúp Hà Nội đưa ra những chính sách bất lợi cho quan hệ của Trung Quốc tại Đông Nam Á, hoặc giúp Hà Nội tạo lập được tình đoàn kết khu vực để chống lại chiến thuật hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh có thể gây áp lực lên các nước ASEAN để ngăn trở cơ hội Việt Nam kéo dài nhiệm kỳ.

Nhưng toàn bộ vấn đề này sẽ là một thử nghiệm xem ASEAN có sẵn sàng để cải cách hay không. Cho đến thập niên 90, chính sách đối ngoại của cả khối chủ yếu do Indonesia – quốc gia hàng đầu trong khu vực – hoạch định. Sau đó ASEAN theo đuổi chính sách đồng thuận và bình đẳng khi ra quyết định, được gọi là « ASEAN Way » (phương thức ASEAN), tuy nhiên cách thức này chỉ làm chia rẽ và suy yếu đi thẩm quyền của khối.

Đối với nhiều nhà phân tích, Indonesia cần duy trì vai trò hàng đầu khu vực. Tuy nhiên tác giả David Hutt cho rằng mình không đơn độc khi tin rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội đảm nhiệm một vai trò quyết đoán hơn. Đồng ý trao cho Việt Nam thêm một năm nữa với tư cách chủ tịch ASEAN, chắc chắn sẽ là dấu hiệu cho thấy khối các nước Đông Nam Á sẵn sàng với việc cho phép một quốc gia đóng vai trò to lớn hơn, trong việc định hình chính sách khu vực.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.