dimanche 10 mai 2020

Nguyễn Ngọc Chu - Đây là lúc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thể hiện trách nhiệm



Hội đồng Thầm phán (HĐTP) Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC), với quyết định bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) về vụ án oan Hồ Duy Hải vào trưa ngày 08/5/2020, đã giáng một đòn chí mạng lên uy tín nền tư pháp nước CHXHCN Việt Nam.

I. BẢY NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN PHẪN NỘ CỦA NHÂN DÂN ĐỐI VỚI HĐTP TANDTC 

Cả xã hội phẫn nộ. Chưa bao giờ ở Việt Nam dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội HĐTP TANDTC như vậy. Không chỉ phẫn nộ, mà 17 thành viên HĐTP TANDTC đã bị nhân dân cả nước lên án qua mạng xã hội. Sau đây là 7 lý do mà nhân dân cả nước lên án 17 thành viên HĐTP TANDTC.

1. COI THƯỜNG PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ 

Là cơ quan xử án tối cao của cả nước, hơn bất cứ ai hết, HĐTP TANDTC phải là nơi tuân thủ nghiêm ngặt nhất Pháp luật (PL) Tố tụng Hình sự (TTHS). 

Thế nhưng, biểu quyết số 1 (trưa ngày 08/5/2020) của HĐTP TANDTC

“Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?” ; cùng kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án” - là hành động vi phạm PLTTHS, là từ bỏ sự bắt buộc tuân thủ PLTTHS, là sự coi thường PLTTHS.

Cơ quan thực thi pháp luật cao nhất nước mà coi thường pháp luật thì làm sao bảo đảm được công lý?

2. TRÌNH ĐỘ KÉM 

Câu hỏi số 1 của HĐTP TANDTC đưa ra để biểu quyết là một câu hỏi tối nghĩa. Thế nào là “thay đổi bản chất vụ án”? Trên thực tế, ý của HĐTP TANDTC muốn diễn tả:

“Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có dẫn đến việc xác định sai thủ phạm hay không?”

Cả 17/17 thành viên của HĐTP TANDTC mà không có khả năng dùng đúng câu chữ để diễn tả đúng điều cần diễn tả, thì làm sao người dân có thể tin vào sự đúng đắn của họ trong xét xử các vụ án phức tạp? 

Các thẩm phán HĐTP TANDTC phải là những người sử dụng câu từ cô đọng và chính xác nhất, vì họ là những người làm luật và xét xử án. Đó là đòi hỏi tối thiểu của quan tòa. Câu hỏi số 1 đưa ra biểu quyết đã phơi bày sự yếu kém ở mức thảm hại của 17 thẩm phán HĐTP TANDTC - dù được bọc bởi danh hiệu tiến sĩ luật và thạc sĩ luật.

Câu hỏi số 1 đưa ra biểu quyết của HĐTP TANDTC lần nữa chứng minh sự cần thiết yêu cầu của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: “ngành tòa án sẽ mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu định sẵn. Lớp học này sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy…”.

Không ai có thể tin vào sự sáng suốt tìm ra công lý trong xét xử án ở các quan tòa khi mà chính họ không có khả năng viết đúng câu chữ.

3. KHÔNG ĐỘC LẬP

Vụ án Hồ Duy Hải gây phẫn nộ trong toàn xã hội vì vi phạm nghiêm trọng PLTTHS. Không ai bảo vệ cho tội phạm. Vấn đề là còn vô số nghi vấn trong vụ án chưa được trả lời. Cho nên cả xã hội đòi hỏi một cuộc điều tra mới để xác định đúng tội phạm mà không dẫn đến án oan.

Thế mà trong số cả 17 thành viên HĐTP TANDTC không tìm ra một thẩm phán có ý kiến khác biệt. Đây là một sự thống nhất giả tạo. Vì có sự chỉ đạo? Vì không ai dám công khai giơ tay biểu quyết ngược lại? Nó chứng minh sự phụ thuộc trong hoạt động của HĐTP. 

Một HĐTP mà các thành viên không độc lập trong xét xử thì đừng mơ đến công lý trong quyết định xử án của HĐTP đó.

4. KHÔNG CÔNG TÂM 

Không thể liệt kê ra đây những phi lý trong vụ án oan Hồ Duy Hải mà truyền thông đã đề cập tới trong mấy ngày qua. Chỉ nhấn mạnh rằng, hoạt động của HĐTP TANDTC trong các ngày 6-8/5/2020 toát lên một định hướng xuyên suốt là nhằm kết tội tử hình cho Hồ Duy Hải, mà không hủy án điều tra lại để đi đến tận cùng sự thật. 

Cả 4 câu hỏi đưa ra biểu quyết đều nhằm một mục đích duy nhất là bác bỏ kháng nghị của VKSNDTC. Chối bỏ nguyên tắc ‘suy đoán vô tội’. Bỏ qua các vi phạm nghiêm trọng PLTTHS. Khẳng định không ép cung. Khẳng định Hồ Duy Hải tự nhận phạm tội. Khẳng định lời khai phù hợp với diễn biến vụ án mà không đưa được các chứng cứ và tang vật có căn cứ pháp lý vững chắc… 

HĐTP TANDTC vẫn khăng khăng kết tội tử hình Hồ Duy Hải là đúng pháp luật, đúng người, đúng tội. HĐTP TANDTC thẳng thừng bác bỏ một cuộc điều tra lại vụ án. Tất cả toát lên một mục đích đã định trước. Tất cả toát lên sự không công tâm – không xứng với vị thế quan tòa ngồi ở vị trí HĐTP TANDTC. 

5. PHÁ BỎ CÁC CHUẨN MỰC NỀN TẢNG CỦA GIÁO DỤC 

Cầu thiết kế sai thì cầu sập. Máy bay thiết kế sai thì máy bay nổ tan xác. Đề ra sai không cần phải giải tiếp. Lời giải sai thì không thể đưa đến kết quả đúng. 

Câu hỏi biểu quyết “Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?” và câu trả lời “Không thay đổi bản chất vụ án” - là sự phá bỏ các chuẩn mực nền tảng của giáo dục. Rằng không phụ thuộc vào ra đề sai, không phụ thuộc vào lời giải sai, không phụ thuộc vào tính toán sai, cứ dựa vào đáp số mà quyết định. Đề thi Tốt nghiệp PTTH trên toàn quốc sắp tới đây sẽ chẳng cần phải có đáp án và barem chấm bài. Vì những sai sót từ đầu và trong quá trình làm bài sẽ “không thay đổi bản chất lời giải”!

Các thầy cô giáo dạy luật sẽ giảng cho học trò như thế nào về PLTTHS khi học trò viện dẫn trường hợp câu hỏi số 1 trên của HĐTP TANDTC? 

6. AI CŨNG CÓ THỂ TRỞ THÀNH HỒ DUY HẢI 

Một đội điều tra yếu kém đến thảm hại về nghiệp vụ tự mình phải thừa nhận sai sót. Một sự vi phạm trắng trợn PLTTHS. Một hồ sơ được lập lên từ hai nhân tố đó vẫn làm “cơ sở tin cậy” để xử án?

Các nghi can quan trọng nhất bị cố tình bỏ lọt. Dấu vân tay trên hiện trường không được đối chiếu với dấu vân tay của các nghi can bị bỏ lọt. Các chứng vô can về dấu vân tay của Hồ Duy Hải không cản trở buộc tội Hồ Duy Hải. Ai có thể không tin là đã bỏ lọt tội phạm?

Không bảo vệ hiện trường. Đốt tang chứng vật chứng. Ngụy tạo tang chứng vật chứng mới. Ai có thể tin được là đã xử đúng người?

Nói không thấy dấu hiệu ép cung mà trên thực tế thì hầu như không vụ nào không ép cung. Dựa vào lời khai bị can để khẳng định có tội. Ai có thể tin là không có án oan?

Điều sợ hãi của người Việt hiện nay là bất cứ ai cũng có thể trở thành một Hồ Duy Hải, một Nguyễn Thanh Chấn, một Huỳnh Văn Nén, và một Hàn Đức Long…

7. LÀM PHƯƠNG HẠI ĐẾN UY TÍN CỦA NỀN TƯ PHÁP VIỆT NAM 

Việc coi thường PLTTHS của HĐTP TANDTC cho thấy HĐTP TANDTC “ngồi xổm” trên PLTTHS. Một cách trực tiếp, HĐTP TANDTC đã khẳng định đúng sai tùy thuộc sở thích của HĐTP TANDTC. Họ thích thì họ đưa ra điều khoản mới như điều biểu quyét số 1. Họ không bị ràng buộc bởi PLTTHS của nước CHXHCN Việt Nam. Ho cũng không phụ thuộc vào lý luận và thực tiến PLTTHS của thế giới. Họ cho nhân dân Việt Nam và thế giới biết rằng ở Việt Nam không cần tuân thủ PLTTHS. 

Câu hỏi 1 đưa ra biểu quyết của HĐTP TANDTC đã làm giảm lòng tin của nhân dân vào nền tư pháp của nước CHXHCN Việt Nam, làm phương hại đến uy tín của ngành tư pháp nước CHXHCN Việt Nam trên trường quốc tế.

II. TRÌNH ĐỘ ĐIỀU TRA VIÊN YẾU KÉM ĐẾN SỢ HÃI 

Không bảo vệ hiện trường vụ án. Không bảo vệ các tang chứng vật chứng vụ án (đốt các phương tiện gây án như dao thớt). Tùy tiện mua dao thớt từ chợ làm vật chứng vụ án. Không xét dấu vân tay các nghi can. Bỏ qua các nghi can quan trọng. Không phân tích dấu vết máu để xác định thời gian gây án. Chỉ dựa vào lời khai của bị can để kết tội. Và hàng loạt các lỗi nghiêm trọng khác trong lập hồ sơ vụ án. Chính các điều tra viên đã tự nhận thiếu sót.

Tính mạng con người mà được gửi gắm vào các điều tra viên yếu kém như vậy thì không ai có thể an toàn tính mạng.

Làm sao ngành tư pháp Việt Nam lại có thể có những điều tra viên yếu kém đến mức như vậy? Do bẳng giả? Do mua chỗ làm việc? 

Do bất cứ nguyên do gì đi nữa thì tính mạng con người không thể được gửi gắm vào các điều tra viên yếu kém như vậy. Vì không ai có thể an toàn tính mạng dưới hồ sơ của các điều tra viên này lập nên.

III. HỒ DUY HẢI CÓ BỊ ÉP CUNG KHÔNG? 

1. Có nơi nào nào thấy chứng cứ tham nhũng? - mà tham nhũng khắp mọi nơi. Có nơi nào thấy chứng cứ chạy chức chạy quyền? - mà chạy chức chạy quyền diễn ra khắp mọi nơi. Có vụ án nào có dấu hiệu ép cung? - mà ép cung diễn ra khắp mọi nơi… Đó là nghịch lý trớ trêu cay đắng của xã hội Việt Nam hiện nay.

Cho nên, nhân dân lo lắng Hồ Duy Hải bị ép cung mặc dù HĐTP TANDTC cho rằng Hồ Duy Hải không bị ép cung.

2. Tòa án cũng đã từng khẳng định ông Nguyễn Thanh Chấn không bị ép cung. Quan tòa xét xử khẳng định không oan sai. Chỉ nhờ tội phạm ra đầu thú ông Nguyễn Thanh Chấn mới thoát tội sau hơn 10 năm bị giam cầm oan. Lúc đó mới nghe được ông Nguyễn Thanh Chấn nói về “không bị ép cung”:

“Mày có khai không? Tao cho mày chết”. "Cán bộ Trần N.L bắt tôi vẽ dao, tôi không vẽ loại dao gì lại bảo cho mày cái búa vào đầu cho mày chết bây giờ. Cán bộ H.T trên tay lúc nào cũng cầm dao hăm dọa, ép buộc tôi phải nhận. Tiếp đó, cán bộ Ngô Đ.D đọc và bắt tôi viết đơn tự thú ngày 28/9/2003”.


"Cũng trong trại Kế, tôi phải tập đâm bên nọ, đâm bên kia. Họ cho một tù nhân giả làm cô Hoan. Cán bộ đưa cho cái thìa, cái lược để làm hung khí. Tập nhiều lần cho thành thạo, làm đi làm lại để đúng ý họ. Sau đó, họ mượn nhà dân, bắt tôi diễn lại và quay phim thực nghiệm hiện trường", ông kể tiếp.


"Gần 2 tuần tôi tập tành giết người. Hàng ngày họ đưa tới một phòng, trong phòng có một hình nộm, một con dao giả, cứ tập 8h bắt đầu, 11h30 nghỉ, chiều 14h tới 16h30. Mấy ngày đầu còn người đứng trông, sau đó tự tập, tập đến khi thành thục, thì thực hiện, tức biểu diễn, rồi họ chụp ảnh...”.

3. Đến ông cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son quyền lực mà cũng phải phản cung thì có ai không sợ bị ép cung?

Cho nên, không thể không nghi ngờ rằng Hồ Duy Hải có thể đã bị ép cung.

IV. ĐÂY LÀ LÚC ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI PHẢI THỂ HIỆN TRÁCH NHIỆM 

1. Xử tử một người vì phạm tội giết người thì phải chứng minh được người đó đã phạm tội đích thực. Phải xóa bỏ hết mọi nghi ngờ. Còn một nhân tố nghi ngờ thì vẫn không thể kết tội.

Vụ án Hồ Duy Hải đang đầy rẫy những nhân tố nghi ngờ thì làm sao có thể kết án? Tại sao không mở một cuộc điều tra mới để loại bỏ mọi nghi ngờ? Tại sao khẳng định Hồ Duy Hải phạm tội mà lại sợ một cuộc điều tra mới? Vụ án Hồ Duy Hải đã kéo dài hơn 12 năm, kéo dài thêm 6 tháng hay 1 năm nữa không phải là nguyên do để ngăn cản một cuộc điều tra lại. 

2. Oan hồn hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu voi sẽ không được giải oan nếu tòa án không trị tội kẻ đã giết họ, càng không chấp nhận gây thêm những oan hồn mới.

Chưa đủ cơ sở để khẳng định Hồ Duy Hải phạm tội giết người. Cần một cuộc điều tra mới từ một đội điều tra giỏi và công tâm để tìm đúng tội phạm. Bắt đúng tội phạm để xử án mới giải oan được cho hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu voi. Chưa bắt đúng tội phạm là oan chưa được giải.

3. Hồ Duy Hải với xác xuất rất lớn là bị ép cung. Chỉ dựa vào lời khai (có khả năng lớn bị ép cung) của Hồ Duy Hải rồi kết án tử hình Hồ Duy Hải là không đủ căn cứ, là vi phạm pháp luật xử án của nước CHXHCN Việt Nam.

4. Hai câu hỏi số 1 và số 3 mà HĐTP TANDTC đưa ra để biểu quyết hôm 08/5/2020 không chỉ cho thấy sự coi thường PLTTHS mà còn chứng tỏ trình độ yếu kém của HĐTP. 

Câu hỏi thứ 3: “Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực như vậy quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát có đúng pháp luật hay không?” đã được 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.

Nếu “Không đúng pháp luật” thì HĐTP TANDTC phải trả lời ngay cho VKSNDTC từ đầu, mà không cần phải mở phiên tòa Giám đốc thẩm dài đến 3 ngày để bác kháng nghị của VKSNDTC. Một khả năng khác nữa là HĐTP TANDTC có thể mở phiên họp chỉ để xem xét tính hợp pháp của kháng nghị VKSNDTC. 

5. Có dấu hiệu cho thấy HĐTP TANDTC đã không công tâm trong quyết định bác kháng nghị của VKSNDTC hôm 08/5/2020. Các thành viên HĐTP TATCND đã không độc lập trong đưa quyết định.

6. Đây là lúc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải hành động để bảo vệ công lý cho người dân, để chứng minh nhà nước CHXHCN Việt Nam có nền tư pháp công bằng, để chứng minh Quốc hội là đại diện cho quyền lợi của nhân dân.

7. Đây cũng là lúc những người nhìn thấy oan sai trong vụ án Hồ Duy Hải, mà đã dũng cảm lên tiếng bảo vệ, như bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm UBTPQH, như ông Lê Minh Trí – viện trưởng VKSNDTC, không thể lùi bước trước cái ác. Nếu các vị dừng bước thì những người dân “thấp cổ bé họng” làm sao có thể chống chọi được với cái ác đầy quyền lực? Nhân dân cả nước đang trông cậy vào các vị.

8. Các vị đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân và Lưu Bình Nhưỡng đã cất tiếng nói bảo vệ công lý. Còn gần 500 đại biểu Quốc hội khác ở đâu? Hàng ngàn luật sư, hàng trăm thẩm phán có trình độ ở đâu?

Bất cứ ai cũng có thể rơi vào tình cảnh của Hồ Duy Hải.

9. Những bà mẹ Việt Nam đã khô nước mắt khóc con trong chiến tranh. Những bà mẹ Việt Nam không thể mất con một cách oan trái khi luật pháp không được thượng tôn trong thời bình. 

12 năm với hơn 2.000 đơn kêu oan, nước mắt của mẹ tử tù Hồ Duy Hải đã chảy thành sông. Trời đất quỷ thần đều phải cảm động. 


Danh sách Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao
NGUYỄN HÒA BÌNH
Năm sinh: 1958
Quê quán: Hành Đức, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi
Trình độ chuyên môn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật
Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao
LÊ HỒNG QUANG
Năm sinh: 1968
Quê quán: Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Thuận, Kiên Giang
Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật, Cử nhân kinh tế
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao
NGUYỄN TRÍ TUỆ
Năm sinh: 1963
Quê quán: Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh
Trình độ chuyên môn: Tiến sỹ Luật
Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao
NGUYỄN THÚY HIỀN
Năm sinh: 1960
Quê quán: Hưng Hà, Thái Bình
Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật
Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao
DƯƠNG VĂN THĂNG
Năm sinh: 1969
Quê quán: Xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội
Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao
NGUYỄN VĂN DU
Năm sinh: 1963
Quê quán: Vệ An, Bắc Ninh
Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao
BÙI NGỌC HÒA
Năm sinh: 1955
Quê quán: Liên Bảo, Vụ Bản, Nam Định
Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao
TỐNG ANH HÀO
Năm sinh: 1956
Quê quán: Khánh Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao
NGUYỄN VĂN THUÂN
Năm sinh: 1958
Quê quán: An Châu, Đông Hưng, Thái Bình
Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao
ĐẶNG XUÂN ĐÀO
Năm sinh: 1955
Quê quán: Thanh Chương, Nghệ An
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao
CHU XUÂN MINH
Năm sinh: 1956
Quê quán: Đồng Hóa, Kim Bảng, Hà Nam
Trình độ chuyên môn: Cử nhân Luật
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao
TRẦN VĂN CÒ
Năm sinh: 1958
Quê quán: Ngãi Xuyên, Trà Cú, Trà Vinh
Trình độ chuyên môn: Cử nhân Luật
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao
NGUYỄN THỊ HOÀNG ANH
Năm sinh: 1960
Quê quán: Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị
Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao
LƯƠNG NGỌC TRÂM
Năm sinh: 1966
Quê quán: Hà Nội
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao
ĐÀO THỊ XUÂN LAN
Năm sinh: 1961
Quê quán: Đồng Lạc, Chí Linh, Hải Dương
Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao
LÊ VĂN MINH
Năm sinh: 1964
Quê quán: Yên Thái, Yên Định, Thanh Hóa
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao
NGUYỄN VĂN TIẾN
Năm sinh: 1966
Quê quán: Nhân Hòa, Mỹ Hào, Hưng Yên
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.