mardi 12 mai 2020

Từ « Ngày xưa có con virus » đến « One Sea »: Bắc Kinh nhận quả đắng !

Đăng ngày:


« Ngày xửa ngày xưa có con virus …»

Chỉ vài ngày sau, trên tài khoản Twitter của đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp xuất hiện một video mang tựa đề « Once Upon a Virus » (Ngày xửa ngày xưa có con virus), lần này thì nhằm khiêu khích Mỹ.

Đoạn video hoạt hình ngắn này có hai nhân vật chính được trình bày theo dạng trò chơi Lego. Bên trái là một chiến binh Trung Quốc thời xưa có mang khẩu trang, bên phải là tượng Nữ thần Tự Do.

Nội dung có thể gói gọn trong một câu : Trung Quốc đã cảnh báo cho thế giới về sự trầm trọng của tình hình, và đã thành công trong việc ngăn chận đại dịch. Trong khi đó Hoa Kỳ không muốn lắng nghe, và giờ đây phải lúng túng đối phó.

Sau đây là một số đối đáp :

Trung Quốc : Chúng tôi đã phát hiện một con virus mới
Hoa Kỳ : Thì sao ?
  • Nguy hiểm
  • Chỉ là cúm thôi
  • Hãy đeo khẩu trang
  • Không đeo khẩu trang
  • Hãy ở trong nhà
  • Đó là vi phạm nhân quyền
  • Hãy xây dựng các bệnh viện dã chiến
  • Đó là các trại tập trung
( …)

Một đại sứ quán châm biếm sỗ sàng một quốc gia khác là sự kiện hiếm thấy trong ngành ngoại giao, nhưng nay dường như Bắc Kinh muốn biến thành chuyện bình thường. Công ty Lego vội vàng thanh minh là không dính dáng gì đến video này.

Cùng ngày, tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định trước báo chí là nay ông quan tâm đến vai trò của Trung Quốc trong việc để xảy ra đại dịch virus corona, hơn cả vấn đề thương mại. Ông chủ Nhà Trắng cảnh cáo : « Tôi có thể làm rất nhiều điều ». Hoa Kỳ nghi ngờ con virus độc hại đã thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, tố cáo Trung Quốc đã giấu diếm tầm mức nguy hiểm của dịch bệnh, thông tin quá trễ cho cộng đồng quốc tế, làm hại cả thế giới.

Donald Trump muốn Bắc Kinh phải trả giá, trước mắt có thể tính đến việc tăng thuế đánh vào hàng Trung Quốc. Áp lực quốc tế đòi điều tra nguyên nhân dịch virus corona ngày càng gia tăng.
Vì sao Bắc Kinh lại tỏ ra thô lỗ đến thế trong ngoại giao ? Các chuyên gia lý giải : cách phòng thủ tốt nhất là tấn công. Nhằm phủi trách nhiệm để xảy ra đại dịch, Trung Quốc muốn « tiên hạ thủ vi cường ».

« One Sea », bài hát tuyên truyền « buồn cười », « có thể gây ẩu đả »

Tuy nhiên với các « tác phẩm nghệ thuật » không mang tính khiêu khích mà nhằm khuyến dụ, Bắc Kinh cũng thất bại nặng nề do thói quen tuyên truyền thô bạo. Một trong những ví dụ gần đây nhất là video âm nhạc mang tên « One Sea » dành cho người Philippines, ca ngợi « láng giềng hữu nghị trên biển », với đầy các hình ảnh viện trợ y tế của Trung Quốc.

Lời của bài hát « One Sea » do đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Hoàng Tích Liên (Huang Xilian) viết, được trình bày bởi nhà ngoại giao Xia Wenxin và nghệ sĩ Vu Bân (Yu Bin) của Trung Quốc, ca sĩ gốc Hoa Jhonvid Bangayan và ca sĩ Imelda Papin của Philippines.

Sau khi đưa lên YouTube, bài hát này nhận được 2.000 like (thích) nhưng có đến 146.000 dislike (không thích). Hầu hết trong số 20.000 lời bình tố cáo « tuyên truyền của Trung Quốc », một kiến nghị với 8.000 chữ ký trên change.org đòi rút bài này xuống. Đến hôm nay 12/05/2020 « One Sea » vẫn còn trên YouTube, nhưng con số dislike lên đến 214.000, trong khi chỉ có 3.800 like.

« Vừa buồn cười vừa thâm hiểm », tờ South China Morning Post trích nhận định của người dân Philippines. Được cho là nhằm siết chặt quan hệ hai nước, bài hát lại bị coi như nỗ lực của Bắc Kinh hầu đánh lạc hướng hành vi bành trướng trên Biển Đông.
Những kiện hàng được trao gồm khẩu trang, bộ kit xét nghiệm…với những hàng chữ tiếng Hoa được zoom cận cảnh, các y bác sĩ Trung Quốc đến hỗ trợ, những lá cờ đỏ phất cao, lời cảm ơn của các viên chức Philippines trong đó có cả tổng thống Rodrigo Duterte và ngoại trưởng Teodoro Locsin... Những hình ảnh Trung Quốc viện trợ cho Philippines chống dịch virus corona xuất hiện đầy dẫy, liên tục khiến người xem bị bội thực.

Video bắt đầu bằng cảnh một ngư dân trên một chiếc thuyền nhỏ lướt trên vịnh Manila. The Diplomat cho rằng cùng với tựa đề bài hát, không thể không liên tưởng đến việc các nhà ngoại giao Trung Quốc tìm cách làm quên đi sự kiện Bắc Kinh lấn lướt trên biển, qua việc nhấn mạnh đến sự « đoàn kết » của hai chính phủ nhằm đối phó với con virus xuất phát từ Vũ Hán.

Bài hát bằng hai thứ tiếng Hoa và Philippines có câu : « Vì tình yêu của bạn dâng trào như làn sóng, tay trong tay, chúng ta tiến đến một tương lai tươi sáng, bạn và tôi trên cùng một vùng biển ». « Ánh dương mang lại ‘pagasa’ (hy vọng) cho mỗi nước ». Báo South China Morning Post không quên lưu ý, Pagasa còn là tên của một hòn đảo đang do Philippines chiếm đóng nhưng Trung Quốc yêu sách chủ quyền.

Trong bài « Những nốt nhạc lạc điệu », tờ Philippine Daily Inquier phẫn nộ viết : « Bài hát này có thể gây ẩu đả ở bất kỳ nơi nào khi nó được hát lên ! Các quan chức Trung Quốc này nghĩ gì ? Rằng người Philippines có thể bỗng chốc bị mất trí nhớ khi nghe khúc ca nàng tiên cá quyến rũ của họ chăng ? »

Tờ báo nhắc lại, chỉ hai ngày trước khi nhạc phẩm trên được tung ra, ngoại trưởng Locsin tiết lộ Philippines đã đưa ra hai kháng thư trước Trung Quốc.

Tuyên truyền thô thiển không làm quên bành trướng trên Biển Đông

Kháng thư thứ nhất phản đối việc một tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu radar vào một tàu hải quân Philippines đang tuần tra tại vùng biển gần giếng dầu Malampaya của Manila. Sự cố được cựu thẩm phán tòa án tối cao Antonio Carpio đánh giá là « đe dọa trắng trợn ».

Trong kháng thư thứ hai, Philippines đả kích việc Trung Quốc tự tiện đặt tên cho 80 thực thể trên Biển Đông, và lập ra hai quận trực thuộc « thành phố Tam Sa » của tỉnh Hải Nam. Theo ngoại trưởng Teodoro Locsin, cả hai sự kiện trên đây là « vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Philippines ». 

Philippine Daily Inquier nhận định, Bắc Kinh vẫn không ngừng khiêu khích trong lúc thế giới đang chú tâm đối phó với đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán. Sau khi « One Sea » xuất hiện, Trung Quốc lại tiếp tục bị bêu trên báo chí địa phương với các vụ bắt giữ 44 người Hoa tổ chức đánh bạc trực tuyến, ngang nhiên buôn lậu dược phẩm… trong lúc hàng triệu người Philippines đang chấp hành lệnh phong tỏa.

Những lời ca ngợi tình hữu nghị và liên đới đi ngược lại với những hành động bành trướng trên Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 khẳng định đưỡng lưỡi bò tự vẽ của Bắc Kinh là bất hợp pháp. Và trong lúc đại sứ Trung Quốc viết lên những lời ca đẹp đẽ, thì các tàu chiến của nước ông ta quấy nhiễu ngư dân cũng như hải quân Philippines, Bắc Kinh không ngừng quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Tờ báo kết luận, có lẽ bây giờ đã đến lúc Manila bắt đầu một giai điệu khác, thay vì bài ca muôn thuở « Best Friends Forever » (bạn tốt mãi mãi) mà phát ngôn viên chính phủ Harry Roche thường dành cho Trung Quốc. Nếu không, chính quyền Duterte có thể đi vào lịch sử vì đã bán nước lấy một bài hát !

Một điều thú vị là khi tẩy chay bài ca tuyên truyền « One Sea » của Trung Quốc, cư dân mạng Philippines đồng thời lăng-xê một nhạc phẩm khác mang tên « Save Our Seas » (Hãy cứu lấy biển của chúng ta) do hai rapper Tu P của Việt Nam, Marx Sickmind của Philippines và ca sĩ Mei Lee của Malaysia trình bày bằng tiếng Anh trên YouTube.

« Save Our Seas » ra đời từ cuối năm 2019, nói về cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông trước Trung Quốc, nay được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Các lời bình dưới video « One Sea » kêu gọi tốt nhất nên nghe « Save Our Seas ». Bài hát này đến hôm nay nhận được trên 10.000 like, và chỉ có vỏn vẹn 36 dislike, khác hẳn với số phận bài ca tuyên truyền rất công phu của Trung Quốc !

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.